Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trên bước đường hội nhập

25/08/2016 13:34:43 Xem cỡ chữ Google
Ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập Bộ Thông tin Tuyên truyền (tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay). Qua nhiều giai đoạn với 12 tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ từ Bộ Thông tin Tuyên truyền đến Bộ Tuyên truyền Cổ động, Nha Thông tin... và đến nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đêm hội xòe (Ảnh: Hoàng Đô)

Trải qua 71 năm xây dựng và phát triển, ngành Văn hóa đã thể hiện vai trò, vị trí quan trọng của mình trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa được coi như là một vũ khí sắc bén, là sợi dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, cổ vũ tinh thần yêu nước, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên toàn quân, toàn dân quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng gọi những người làm công tác văn hóa là những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa. Trong hòa bình, xây dựng và hội nhập, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, đã động viên, khích lệ nhân dân các dân tộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, đồng thời từng bước hạn chế tiến tới xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu làm cho cuộc sống của nhân dân ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 10 khóa IX về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, được coi là một văn kiện chuyên đề về văn hóa khẳng định quan điểm chiến lược của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá nước ta trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Gần đây nhất ngày 09/6/2014 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII trong tình hình mới. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, đây là sự kiện quan trọng tiếp tục thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI.

Phát huy truyền thống 71 năm xây dựng và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch, chương trình hành động, đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện góp phần nâng cao dân trí, loại bỏ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu trong đời sống nhân dân, đặc biệt tạo động lực lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, toàn Ngành có 08 phòng chuyên môn làm công tác quản lý nhà nước; 07 đơn vị trực thuộc, hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn đối với 9 phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố.

Trong những năm qua, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh, phục vụ nhu cầu giải trí cho nhân dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong lĩnh vực Văn hóa: Ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền thông qua các hình thức như: truyên truyền cổ động, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, xe loa cổ động, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trưng bày triển lãm... Hoạt động văn hóa quần chúng luôn được duy trì, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.695 đội văn nghệ quần chúng với gần 10.000 diễn viên thường xuyên tham gia hoạt động góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hàng năm đều tăng lên về số lượng và chất lượng. 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 172.174/203.948 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, đạt 84,4%; có 1.807/2.376 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hoá, đạt 76,1%; có 1.266/1.345 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hoá, đạt 94,1%. Có 02 thôn, bản xây dựng ra mắt đạt chuẩn văn hóa. Ra mắt được 01 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Có 21 thôn, làng, bản, nâng cấp xây dựng được nhà văn hoá, nâng tổng số nhà văn hóa đã được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là 1.352 nhà văn hoá, đạt 58,7%. Đến nay tỉnh Yên Bái đã có 07 nghệ sỹ được phong tặng nghệ sỹ ưu tú.

Trong lĩnh vực Thể thao: Ngành đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với 24 ngành, đoàn thể của tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển phong trào thể thao quần chúng. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 Liên đoàn thể thao với trên 5.00 Câu lạc bộ TDTT cơ sở hoạt động thường xuyên. Trung bình mỗi năm có trên 4.00 giải thể thao quần chúng được tổ chức từ cấp xã, phường, thị trấn và 18 giải thể thao cấp tỉnh.

Trong lĩnh vực Du lịch: Ngành đã triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Hiện nay, Ngành đang tham mưu cho tỉnh thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng đề án phát triển du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới.

Để thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kì hội nhập, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo và thực hiện là bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Cụ thể là: Hàng năm, các cấp, ngành tổ chức nhiều loại hình hoạt động văn hóa (liên hoan, giao lưu văn nghệ, hội diễn nghệ thuật quần chúng), nhằm khơi dậy, thu hút các nghệ nhân, diễn viên và các đội văn hóa, văn nghệ ở cơ sở tham gia như: Hội thi nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc; Liên hoan diễn xướng văn hóa dân gian dân tộc Thái, tham gia ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc Tây Bắc... nhằm tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, đồng thời góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, thông qua cuộc thi đã lựa chọn, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ quần chúng là người dân thiểu số tại cơ sở để tham gia các hội thi, hội diễn quy mô cấp khu vực và toàn quốc.

Để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn tỉnh có 714 di sản văn hóa phi vật thể. Tính đến tháng 7/2016, đã có trên 30 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trong tỉnh được bảo tồn như: Lễ "Tăm khảu mảu" của người Tày (Xã Đồng Khê, Văn Chấn), “Lễ cơm mới của người Khơ Mú” (xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn), “Tết Xíp xí của người Thái Đen Mường Lò” (Xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ), “Lễ cúng họ Zù Su của người Mông” (Xã Pú Luông, huyện Mù Cang Chải), "Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ" (Xã Đại Sơn, huyện Văn Yên), “Hát đối Xình Ca” của người Cao Lan (Xã Tân Hương, huyện Yên Bình), “Hát đón dâu (quan làng) của người Tày” (Xã An Phú, huyện Lục Yên)... Hát Xình Ca của người Cao Lan (Xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình), hát Khảm Hải của người Tày (Vùng đông hồ, huyện Yên Bình), hát Pụt của người Nùng (Lục  Yên)...bảo tồn, phát triển và khôi phục các làng nghề như nghề làm giấy Dó của dân tộc Dao; nghề rèn, chạm khắc bạc, nghề xe lanh, dệt vải của người Mông, nghề đan lát, dệt thổ cẩm của người Thái… Mô hình làng nghề được khôi phục, bảo tồn và phát triển nhất hiện nay là nghề dệt thổ cẩm của người Thái vùng Mường Lò với việc phục hồi hơn 5.00 khung cửi, rải rác khắp các bản người Thái ở Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Kết quả xứng đáng cho những nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa và các giá trị văn hóa phi vật thể được thể hiện bằng việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao xã Đại Sơn, huyện Văn Yên và Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2016, Ngành đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn Khuống của người Thái ở Mường Lò - Thị xã Nghĩa Lộ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục là di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia; Chủ trì, phối hợp với 4 tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La  lập hồ sơ nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thiếu nữ Dao trong ngày cưới (Ảnh: Hoàng Đô)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 84 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng các cấp (Trong đó có 13 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia).

Có thể thấy, hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương, sự ủng hộ tích cực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tự nguyện thực hiện các hoạt động bảo tồn ở cơ sở. Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được bảo tồn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở không ngừng củng cố hoàn thiện, phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn các giá trị văn hóa vẫn còn gặp không ít những khó khăn như điều kiện đi lại khó khăn, sự bất đồng ngôn ngữ, những người am hiểu về phong tục tập quán xưa đều cao tuổi, lớp trẻ chỉ còn số ít được nghe các cụ kể lại, vẫn còn yếu tố kiêng kỵ ở một số tập tục nên khó tiếp cận, một số xã vùng cao chưa nhận thức đúng … gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Để làm tốt công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong thời gian tới, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục làm tốt công tác tuyên tuyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác di sản. Đặc biệt, triển khai thực hiện Quyết định số 2723/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Dự án “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số”.

 Tiếp tục triển khai kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái giai đoạn 3 (2015-2020). Mỗi năm tổ chức 01 chương trình tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 01 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; Lập danh sách các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một và tiến hành đưa vào danh mục bảo tồn văn hóa cấp quốc gia, trong đó tập trung vào các dân tộc thiểu số ít người như Mông, Dao, Tày, Thái…trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phối hợp với 04 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa triển khai xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Xòe Thái” đệ trình UNESCO đề nghị đưa Nghệ thuật Xòe Thái vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Triển khai các Dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số giai đoạn (2015-2020); Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề văn hóa tộc người ở Yên Bái, bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, gắn bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang 71 năm, kế thừa những thành quả đã đạt được của các thế hệ cán bộ ngành Văn hóa đi trước, cùng sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, ngành VH,TT& DL sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành. Thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần đưa sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh ngày càng phát triển bền vững, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ./.


Lê Thị Thanh Bình

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTT&DL


685 lượt xem
(Theo Trang TTĐT Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h