Lịch nghỉ Lễ Quốc khánh năm 2016
Căn cứ Thông
báo 4659 về nghỉ Lễ, Tết năm 2016 đối với cán bộ, công, viên chức và
người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội ngày 13/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội, Điều 115 của Bộ luật Lao động 2012 thì lịch nghỉ Lễ Quốc khánh năm
nay được thực hiện như sau:
Đối với người lao động làm việc tại cơ sở có chế độ nghỉ 02 ngày/tuần
(nghỉ vào ngày Thứ bảy và Chủ nhật hằng tuần): Đợt nghỉ Lễ Quốc
khánh này sẽ được nghỉ 03 ngày liên tiếp, gồm Thứ 6 ngày 02/9/2016 và 02 ngày
nghỉ cuối tuần (Thứ 7 ngày 03/9/2016 và Chủ nhật ngày 04/9/2016).
Đối với người lao động làm việc tại cơ sở có chế độ nghỉ 01 ngày/tuần
(nghỉ vào ngày Chủ nhật hằng tuần): Đợt nghỉ Lễ Quốc
khánh này chỉ được nghỉ 01 ngày (Thứ 6 ngày 02/9/2016).
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Thông
báo 4659
Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt
khó khăn
Nghị
định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và
trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành từ 01/9/2016.
Chính sách hỗ trợ
học sinh: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi
tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học
sinh. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán
trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng
không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Bên cạnh đó, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi
tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Chính sách hỗ trợ
trường phổ thông: Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất
và thiết bị bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình
vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán
trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành; được mua sắm bổ sung, sửa
chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn
hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ
100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; được lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán
trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng
bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học
sinh bán trú/năm học. Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức
nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu
ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức
lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được
tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không
quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm.
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Nghị
định 116/2016/NĐ-CP
Nghị
định 117/2016/NĐ-CP sửa đổi quy định về lương cán bộ, công chức
Ngày 21/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị
định 117/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2016 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán
bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Sau đây là toàn bộ điểm mới của Nghị
định 117:
1. Nâng mức lương cao nhất của người làm công tác cơ yếu quy
định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 bằng mức lương của cấp bậc quân hàm Trung tướng
(quy định hiện hành tại Nghị định 204 là bằng với hàm Thiếu tướng).
2. Khoản 3 Điều 7 được bổ sung quy định về thời hạn xét nâng
lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp Tướng, cấp Tá và Đại úy là
04 năm; đối với Thượng úy là 03 năm.
Đồng thời quy định về thẩm quyền quyết định
nâng lương như sau:
- Đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 1
Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014.
- Đối với sĩ quan Công an nhân dân: Thủ
tướng Chính phủ ra quyết định đối với cấp bậc hàm Đại tướng và Thượng tướng; Bộ
trưởng Bộ Công an ra quyết định đối với cấp bậc hàm Trung tướng trở xuống.
3. Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu
cử, bổ nhiệm) quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 tại khoản 3 Điều
5 Nghị định này và các tổ chức được thành lập mới theo quy định của pháp
luật.
4. Bổ sung vào ghi chú của đối tượng áp dụng Bảng lương chuyên
môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà
nước (Bảng 3) như sau:
“(4) Đối với viên chức đang xếp lương ở
chức danh giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư thì được thực hiện
xếp lương như sau:
a) Trường hợp chưa xếp bậc cuối cùng của
chức danh giảng viên cao cấp thì được xếp lên 01 bậc trên liền kề từ ngày được
bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ
bậc lương cũ.
b) Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức
danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 03 năm (36 tháng) để tính hưởng phụ
cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.”
5. Bổ sung hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với tổ chức sự
nghiệp thuộc Cục thuộc Bộ vào Khoản 4 Mục I Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu
cử, bổ nhiệm); cụ thể, Giám đốc (0,6), Phó Giám đốc (0,4), Trưởng phòng (0,3),
Phó Trưởng phòng (0,2).
6. Trường hợp đang hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo có chênh lệnh
cao hơn giữa hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đã được hưởng so với hệ số phụ cấp
chức vụ lãnh đạo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 2 Nghị
định 117 thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đã được
hưởng cho đến hết thời gian giữ chức vụ đã được bổ nhiệm. Trường hợp đã giữ
chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm còn dưới 06 tháng thì được hưởng bảo lưu
phụ cấp chức vụ đã được hưởng đủ 06 tháng.
7. Bãi bỏ quy định về thang, bậc lương của chức danh giáo sư
quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học 2012.
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Nghị
định 117/2016/NĐ-CP
Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính lương hưu tăng thêm
Ngày 15/7/2016, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội ban hành Thông
tư 23/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu
lực thi hành từ 01/9/2016 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP.
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Thông
tư 23/2016/TT-BLĐTBXH
Sửa
đổi, bổ sung quy định tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều
phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
Nghị
định số 118/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2016: Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2008 của
Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều
phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Nghị định số
118/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2008/NĐ-CP tại các nội dung sau:
Về loại hình ngân hàng mô, theo Nghị định số 118/2016/NĐ-CP, ngân hàng mô là cơ
sở y tế được tổ chức theo hai loại hình sau đây: 1- Ngân hàng mô thuộc cơ cấu
tổ chức của cơ sở y tế, trường Đại học Y, trường Đại học Y Dược của nhà nước
hoặc tư nhân; của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
(sau đây viết tắt là ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế); 2- Ngân hàng mô có cơ cấu
tổ chức độc lập của nhà nước hoặc tư nhân (sau đây viết tắt là ngân hàng mô độc
lập).”
Nghị định số
118/2016/NĐ-CP bổ sung quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn của ngân hàng
mô là: Tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển mô; Cung ứng mô cho các cơ sở y
tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học; Cung ứng, trao đổi mô với các ngân hàng mô
khác; Hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc trao đổi mô
nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu y học; lấy giác mạc từ
người hiến sau khi chết nếu đủ điều kiện.
Về việc thành lập
ngân hàng mô, Nghị định số 118/2016/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân
được phép thành lập ngân hàng mô khi đáp ứng đủ các điều kiện. Điều kiện, thủ
tục và thẩm quyền thành lập ngân hàng mô nhà nước thì theo Nghị định số
55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ
chức lại, giải thể đơn vị y tế công lập; còn điều kiện, thủ tục và thẩm quyền
thành lập ngân hàng mô tư nhân thì theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng
dẫn.
Nghị định 118/2016/NĐ-CP bổ sung quy định về điều kiện hoạt động và cấp phép
hoạt động ngân hàng mô như sau: Sau khi được cấp giấy phép hoạt động từ Bộ Y tế
thì ngân hàng mô mới được phép hoạt động. Nghị định cũng quy định cụ thể
các điều kiện về thành lập hợp pháp, cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị
đối với việc cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô và Giấy phép hoạt động đối
với ngân hàng giác mạc.
Về sửa đổi, bổ sung
trong hồ sơ, thủ tục cấp phép hoạt động ngân hàng mô như sau: Hồ sơ đề nghị cấp
phép gồm Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô; Bản sao chứng thực
hoặc bản phô tô có bản chính đối chiếu quyết định thành lập của ngân hàng mô
hoặc văn bản về việc ngân hàng mô có trong cơ cấu của một cơ sở y tế đối với
ngân hàng mô nhà nước hoặc giấy chứng nhận doanh nghiệp đối với ngân hàng mô tư
nhân; Bản kê khai cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; Bản kê khai nhân lực của
ngân hàng mô.
Về thủ tục cấp
phép: Nghị định 118/2016/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ
sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho Bộ Y tế. Bộ Y tế kiểm tra hồ sơ và Quyết
định thành lập Hội đồng thẩm định cấp phép hoạt động ngân hàng mô.
Trong vòng 05 ngày
làm việc, kể từ khi có biên bản thẩm định, Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt
động cho ngân hàng mô, nếu từ chối thì nêu rõ lý do.
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Nghị
định số 118/2016/NĐ-CP
Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc có hiệu
lực từ 22/9/2016
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết
định 32/2016/QĐ-TTg quy định chính sách trợ giúp pháp lý cho người
nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc
biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính
chất phức tạp hoặc điển hình.
Đối
tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý là người nghèo, đồng bào dân tộc
thiểu số và người được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ
giúp pháp lý sinh sống tại: 1- Các huyện nghèo theo Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP; 2- Các xã nghèo không thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP gồm xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và xã đặc
biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 3- Thôn, bản đặc biệt khó
khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi không thuộc các xã nghèo quy định trên.
Đối
tượng thụ hưởng và địa bàn áp dụng hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng là người
được trợ giúp pháp lý theo pháp luật về trợ giúp pháp lý ở các địa phương chưa
tự cân đối ngân sách (ngoài địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt
khó khăn).
Các
hoạt động hỗ trợ
Theo
quy định, hỗ trợ thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc
điển hình theo quy định tại Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 5/2/2013
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày
12/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật trợ giúp pháp lý.
Hỗ trợ
học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại các địa
phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện
tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp
pháp lý tại địa phương ít nhất 2 năm kể từ khi đi đào tạo về. Mức hỗ trợ theo
mức học phí hiện hành của cơ sở đào tạo công lập với số lượng hỗ trợ tối đa 02
người/Trung tâm/năm. Tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý
là 80.000.000 đồng/1 lớp/Trung tâm/năm.
Hỗ trợ
truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo,
thôn, bản đặc biệt khó khăn gồm: hỗ trợ thiết lập đường dây nóng về trợ giúp
pháp lý là 20.000.000 đồng/Trung tâm; Xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục
về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài Truyền thanh xã với
mức hỗ trợ biên soạn nội dung 500.000 đồng/01 số/06 tháng/xã nghèo, thôn, bản
đặc biệt khó khăn; chi phí phát thanh 500.000 đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt
khó khăn/quý (06 lần/quý)...
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Quyết
định 32/2016/QĐ-TTg
Thanh toán chênh lệch thuê nhà ở công vụ
vào lương
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 124/2016/TT-BTC có hiệu lực từ 19/9/2016 hướng dẫn về quản lý số tiền thu được từ cho
thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; thanh toán tiền chênh
lệch khi thuê nhà ở công vụ và quản lý tiền thu được từ cho thuê nhà ở công vụ
theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Theo đó, đơn vị quản lý vận hành nhà ở có
trách nhiệm thu và nộp số tiền thu được từ cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở
thuộc sở hữu Nhà nước hoặc hướng dẫn người thuê, thuê mua, mua nhà ở nộp trực
tiếp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan quản lý nhà ở làm
chủ tài khoản trước ngày 30 hàng tháng.
Hàng năm đơn vị quản lý vận hành nhà ở có
trách nhiệm lập dự toán, quyết toán các khoản thu, chi và trình duyệt theo quy
định của pháp luật ngân sách Nhà nước.
Tiền thu được từ việc cho thuê nhà ở thuộc
sở hữu Nhà nước được sử dụng chi cho bảo trì nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đang
cho thuê; chi thanh toán các khoản chi quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà
nước đang cho thuê.
Tiền thu được từ việc cho thuê mua, bán nhà
ở thuộc sở hữu nhà nước sau khi khấu trừ các chi phí để tổ chức thực hiện việc
cho thuê mua, bán nhà ở, bên bán, cho thuê mua nhà ở phải nộp vào ngân sách nhà
nước theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Trường hợp thuê nhà ở thương mại để làm nhà
ở công vụ mà tiền thuê nhà ở thương mại cao hơn số tiền thuê do người thuê phải
trả thì người thuê phải trả tiền thuê nhà không vượt quá 10% tiền lương đang
được hưởng tại thời điểm thuê nhà ở công vụ.
Dựa trên quyết định về việc thuê nhà ở
thương mại để làm nhà ở công vụ của cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý cán bộ
đủ tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ gửi văn bản tới cơ quan quản lý nhà ở công vụ
để xác định số tiền thuê nhà ở công vụ phải trả và xác định phần chênh lệch
giữa số tiền thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ và số tiền người thuê nhà
phải trả, số tiền ngân sách nhà nước chi trả cho phần chênh lệch theo quy định
để xây dựng và đưa vào dự toán chi tiêu hàng năm của đơn vị.
Từ dự toán đó, cơ quan quản lý cán bộ thuê
nhà ở công vụ thực hiện chi trả phần tiền chênh lệch này hàng tháng phù hợp với
thời điểm Nhà nước thanh toán tiền lương theo quy định và thực hiện quyết toán
số tiền này cùng với quyết toán chung của đơn vị.
Số tiền thu được từ cho thuê nhà ở công vụ
được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan quản lý nhà ở
làm chủ tài khoản trước ngày 30 hàng tháng.
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Thông tư 124/2016/TT-BTC
Quy định về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây
dựng
Thông
tư 17/2016/TT-BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động xây dựng có
hiệu lực thi hành từ 01/9/2016.
Đối với tổ chức, tổ chức phải có chứng chỉ
năng lực khi tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực sau đây: Khảo sát
xây dựng; Lập quy hoạch xây dựng; Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; Quản lý
dự án đầu tư xây dựng; Thi công xây dựng công trình; Kiểm định xây dựng; Quản
lý, thẩm tra chi phí đầu tư xây dựng…
Thủ tục sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề: cá nhân gửi 01 bộ
hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tới cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ
hành nghề quy định. Việc sát hạch được tiến hành theo tổ chức, khu vực hoặc địa
phương. Thời gian tổ chức sát hạch được tiến hành định kỳ hàng quý hoặc đột
xuất do Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề quyết định phù hợp với nhu cầu đề
nghị cấp chứng chỉ. Trước thời gian tổ chức sát hạch 5 ngày, Hội đồng xét cấp
chứng chỉ hành nghề thông báo bằng văn bản và đăng tải trên trang thông tin
điện tử của cơ quan cấp chứng chỉ thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức và
mã số dự sát hạch của từng cá nhân.
Về trình độ chuyên môn và thời gian kinh
nghiệm để cấp chứng chỉ hành nghề. Đối với lĩnh vực hành nghề thiết kế quy
hoạch xây dựng, cá nhân có trình độ đại học thuộc chuyên ngành kiến trúc; quy
hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị; kinh tế đô thị hoặc chuyên ngành phù
hợp với yêu cầu của việc lập đồ án quy hoạch xây dựng, khi có đủ thời gian và
kinh nghiệm thực tế tham gia hoặc chủ trì thực hiện thiết kế quy hoạch xây dựng
thì được xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng; Đối với lĩnh
vực thiết kế kiến trúc công trình: Cá nhân có trình độ chuyên môn được đào tạo
thuộc chuyên ngành về kiến trúc, khi có đủ thời gian và kinh nghiệm thực tế
tham gia hoặc chủ trì thiết kế; chủ trì thẩm định; thẩm tra thiết kế kiến trúc
công trình theo quy định thì được xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến
trúc công trình.
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Thông
tư 17/2016/TT-BXD
Quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập
và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo
Thông
tư số 18/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ 9/9/2016: Quy định chi
tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài
nguyên hải đảo.
Thông tư gồm
có 4 chương 16 điều, quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn
việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo, áp dụng đối với các cơ quan, tổ
chức có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo và các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư giao trách nhiệm
cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm phổ biến, chỉ đạo việc thực hiện và bảo đảm điều kiện cho việc lập, cập
nhật, quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã thuộc tỉnh nơi có hải đảo lập, cập nhật, quản lý hồ sơ tài nguyên hải
đảo.
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành
tài nguyên và môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ đã
ban hành Thông
tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BTNMT-BNV quy định tiêu chuẩn, điều
kiện, hình thức, nội dung thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên
ngành tài nguyên và môi trường có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 1/9/2016.
Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng
chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tài nguyên và môi trường khi có đủ các tiêu
chuẩn, điều kiện sau: thuộc đơn vị sự nghiệp công lập có nhu nhu cầu; đang giữ
chức danh nghề nghiệp có cùng 4 chữ số đầu trong mã số chức danh nghề nghiệp
với chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi thăng hạng; có đủ tiêu chuẩn của hạng
chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi theo quy định.
Khi thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ
hạng III lên hạng II; từ hạng IV lên hạng III phải thi 4 môn: Môn thi kiến thức
chung; chuyên môn nghiệp vụ; ngoại ngữ; tin học. Tùy từng hạng sẽ có hình thức,
thời gian và nội dung thi mỗi môn khác nhau.
>> Xem chi tiết, tải nội dung văn bản:
Thông
tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BTNMT-BNV
Ban
biên tập Cổng TTĐT tổng hợp
Nội dung liên quan:
* Chính sách mới có
hiệu lực từ tháng 8/2016.