Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Một số điểm mới trong Thông tư 22 về đánh giá học sinh Tiểu học

20/10/2016 15:52:20 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Để thông tin về những điểm mới trong Thông tư 22, đồng thời giải đáp các câu hỏi, ý kiến của người dân trong việc triển khai các quy định mới của ngành giáo dục, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái đã mời lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham gia trong chương trình “Giải đáp chính sách” để trực tiếp trao đổi về những nội dung trên và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Yên Bái ngay từ những năm đầu của cấp học.

Ông Đặng Quang Khánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại chương trình giải đáp chính sách ngày 19/10/2016.

BTV: Sau một thời gian triển khai thông tư 30, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22 về đánh giá học sinh Tiểu học. Xin ông cho biết tại sao chúng ta phải thay đổi cách đánh giá học sinh Tiểu học? Những nội dung mới và khác biệt trong sửa đổi lần này là gì?

* Ông Đặng Quang Khánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Việc đánh giá học sinh tiểu học trước đây còn một số hạn chếnhư: chú trọng kiểm tra kết quả tiếp thu kiến thức, chưa quan tâm đến quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, do đó chưa góp phần tạo cơ hội để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, học sinh rút kinh nghiệm để hình thành cách học, ít có tác dụng động viên học sinh tự tin trong học tập. Do chú trọng vào điểm số nên còn tạo ra áp lực đối với học sinh và cha mẹ học sinh; điểm số cũng là một nguyên nhân của dạy thêm, học thêm,…

Để góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh tự tin, thích học, say mê, tìm tòi sáng tạo trong quá trình học, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất của chính học sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 30/2014. Sau 3 năm thực hiện Thông tư 30, tính ưu việt, nhân văn của cách đánh giá này đã được công nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22/2016/BGDĐT, bổ sung một số điểm trong cách đánh giá học sinh tiểu học.

Những thay đổi của căn bản tập trung vào 3 khía cạnh sau:

Một là, tăng tính định lượng trong đánh giá.

Thông tư 30 đánh giá học sinh về học tập chỉ theo hai mức hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá này bị cho rằng nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh. Thông tư 22 đã khắc phục bằng cách đưa ra 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Thông tư 22 cũng quy định việc lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây, Thông tư 30 chỉ quy định hai mức Đạt và Chưa đạt).

Bên cạnh đó, Thông tư 22 quy định thêm về các bài kiểm tra giữa kỳ môn Tiếng Việt và Toán đối với khối 4 và khối 5.

Hai là, Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kỳ cho hiệu trưởng (thay vì giáo viên và tổ trưởng chuyên môn). Ngoài ra, các bổ sung, thay đổi cũng làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của giáo viên trong đánh giá học sinh và tăng trách nhiệm của các cấp quản lí giáo dục trong tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học.

Ba là, giảm bớt gánh nặng sổ sách. Trong hai năm thực hiện Thông tư 30, nhiều giáo viên bức xúc vì sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng thời gian giảng dạy cho học sinh. Nhằm giải quyết vấn đề này, Thông tư 22 quy định thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần. Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

Bốn là, quy định cụ thể hơn về việc khen thưởng học sinh. Căn cứ quy định đó, giáo viên và nhà trường dễ dàng tiến hành khen thưởng mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.

BTV: Xin ông cho biết việc sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 22 sẽ có tác dụng gì trong cách đánh giá học sinh Tiểu học hiện nay?

* Ông Đặng Quang Khánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Thông tư 22 quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa kì và cuối mỗi học kì, lượng hóa về học tập bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Hoàn thành và Chưa hoàn thành); mỗi năng lực, phẩm chất cũng được đánh giá thành ba mức:Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt). Việc lượng hóa này, giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ đạt được về kiến thức, kĩ năng; mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh đồng thời giáo viên có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

BTV: Một giáo viên Tiểu học tại huyện Văn Chấn hỏi: “Mục tiêu của việc đánh giá học sinh tiểu học là nhằm giảm áp lực cho học sinh khi không đánh giá bằng điểm số mà đánh giá bằng nhận xét. Nhưng theo Thông tư 22 sửa đổi có quy định vẫn cần có bài kiểm tra cuối học kì, cuối năm học được đánh giá bằng điểm số kèm theo lời nhận xét?

Trong khi suốt thời gian học, các em chỉ quen với những lời nhận xét, nhưng giữa hai kì lại tổ chức kiểm tra lấy điểm như vậy giáo viên vẫn sẽ vất vả mà áp lực đối với học sinh vẫn còn. Vậy ngành giáo dục sẽ triển khai nội dung này ra sao?”

* Ông Đặng Quang Khánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Ngoài quy định bài kiểm tra cuối kỳ và cuối năm học có điểm số kết hợp nhận xét, Thông tư 22quy định thêm về các bài kiểm tra định kì giữa các kì học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.

Đồng thời,Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kì cho hiệu trưởng, khắc phục được những bất cập trong việc thực hiện trước đây với Thông tư 30. 

BTV: Chị Nguyễn Thị Hòa, phụ huynh học sinh Trường TH Kim Đồng - Thành phố Yên Bái hỏi: “Với cách đánh giá thường xuyên không dùng điểm số, làm thế nào để phụ huynh chúng tôi biết được chất lượng học tập của con em mình?”

* Ông Đặng Quang Khánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Đánh giá thường xuyên không dùng điểm số nhằm quan tâm đến quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, góp phần tạo cơ hội để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, học sinh rút kinh nghiệm để hình thành cách học, động viên học sinh tự tin trong học tập, giảm ra áp lực đối với học sinh và cha mẹ học sinh.

- Phụ huynh có thể căn cứ vào những nhận xét của giáo viên trong sản phẩm của con em mình để quan tâm sâu sắc hơn đến con cái; thay vì hỏi:Hôm nay con được mấy điểm?có thể hỏi: Hôm nay con đi học có vui không? con học bài gì, nói lại cách thực hiện cho bố (mẹ) nghe, cô giáo nhận xét thế nào?...hoặc trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm lớp để nắm tình hình học tập của con em mình.

BTV: Mặc dù không đưa điểm số làm chính nhưng trong khi tâm lý của các bậc phụ huynh vẫn là coi trọng điểm số, so sánh giữa các học sinh. Điều này có thể gây lên tâm lý lo lắng cho phụ huynh, ép con phải đi học thêm để có điểm số tốt. Mà vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay đang được quản lý gắt gao. Ông có thể thông tin thêm về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay?

* Ông Đặng Quang Khánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Thực hiện Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT ngày 03 tháng 11 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học;Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 quy định về dạy thêm, học thêm.

- Sở GD&ĐT đã có Công văn số750/SGDĐT-GDTHngày 21 tháng 11 năm 2014 về việc Chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm, thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo TT 30/2014 và tham gia “sân chơi” trí tuệ.

- Hàng năm, Sở và các phòng GD&ĐT đã đưa nội dung này vào Hướng dẫn nhiệm vụ năm học, có kiểm tra chuyên đề quản lý dạy thêm, học thêm, trong đó nâng cao trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc quản lý việc dạy thêm, học thêm.

BTV: Học kỳ I đã triển khai được gần hai tháng, mọi hồ sơ sổ sách của các trường, giáo viên đã được chuẩn bị đầy đủ và vận hành một thời gian. Bây giờ theo Thông tư 22, phải làm lại, chuẩn bị lại cũng gây ra không ít nhiều phiền phức, thậm chí tốn kém. Vậy Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục chuẩn bị để thay đổi theo Thông tư 22 như thế nào?

* Ông Đặng Quang Khánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Thông tư 22 sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 06/11/2016. Đây là thời điểm giữa học kỳ I của năm học nên việc đánh giá sẽ bắt nhịp ngay để không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào cho học sinh và giáo viên.

Về hồ sơ sổ sách của nhà trường cũng không phải tốn kém nhiều và giáo viên cũng không phải làm lại sổ sách vì: Quy định về hồ sơ đánh giá theo TT22 chỉ gồm có: Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bộ GD&ĐT sẽ quy định mẫu “Học bạ” và “Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp” trước khi Thông tư 22 có hiệu lực.

Tuy nhiên, đối với Học bạ học sinh đang dùng được tiếp tục sử dụng và có điều chỉnh cho phù hợp với nội dung theo TT22 (sẽ được hướng dẫn cụ thể trong khi tập huấn).

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4933/BGDĐT-GDTH ngày 04/10/2016 về việc triển khai tập huấn đánh giá học sinh tiểu học. Thực hiện công văn của Bộ, SởGD&ĐT sẽ cử cán bộ cốt cán đi tập huấn và xây dựng kế hoạch tập huấn cho CBQL và GV về Thông tư 22.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở sẽ chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố thành lập tổ cốt cán kiểm tra, hỗ trợ giáo viên cách đánh giá HS, đồng thời đổi mới sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường và sinh hoạt chuyên môn qua trường học kết nối trên mạng Intrenet với nội dung tập trung trao đổi về đổi mới cách dạy, cách học của học sinh và cách đánh giá học sinh.

Cuối học kì I, Sở yêu cầu các nhà trường, phòng GD&ĐT tổ chứcsơ kết  việc thực hiện đánh giá HS theo Thông tư 22 báo cáo Sở. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tổ chức Hội thảo rút kinh nghiệm để  tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 22 một cách tốt nhất.

BTV: Hiện nay, sau khi dự án mô hình trường học mới (VNEN) kết thúc, một số tỉnh đã dừng lại không triển khai mô hình này nữa? Ông có thể cho biết về việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn tỉnh ta, thưa ông?

* Ông Đặng Quang Khánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Hiện tại chưa có tỉnh nào dừng hẳn việc triển khai mô hình trường học mới: chỉ có tỉnh Hà Giang dừng sử dụng tài liệu hướng dẫn học của mô hình mà vận dụng cách học, cách dạy trên sách giáo khoa hiện hành;các tỉnh Bình Thuận, Hà Tĩnh và thành phố Vũng Tàu dừng nhân rộng mô hình (trước đó các tỉnh này đã thực hiện nhân rộng mô hình ra nhiều trường ngoài Dự án và có kế hoạch triển khai nhân rộng ra 100% số trường tiểu học, nay chỉ không tiếp tục nhân rộng chứ không dừng hẳn). Ví dụ: tỉnh Hà Tĩnh đang có 197 trường (50% số trường tiểu học) đã triển khai toàn phần.

Đối với Yên Bái, mô hình được triển khai từ năm học 2012-2013 với 14 trường tiểu học được tham gia Dự án. Đến nay, Yên Bái vẫn chưa thực hiện nhân rộng thêm trường tiểu học nào mà chỉ tiếp tục duy trì 14 trường với 144 lớp, trên 4.000 học sinh tham gia; bên cạnh đó có 16 trường THCS , 69 lớp, hơn 2.000 học sinh tham gia thực hiện mô hình.

Thực hiện Công văn số 1994/UBND-VX ngày 07/9/2016 của UBND tỉnh Yên Bái về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo và chỉ đạo các phòng GD&ĐT khảo sát đánh giá hiệu quả và mức độ phù hợp của mô hình VNEN. Hiện tại, Sở đã báo cáo UBND tỉnh, trong đó đề xuất: Tiếp tục cho triển khai thực hiện mô hình VNEN đối với các trường đang tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện của nhà trường, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên các trường cần vận động cha mẹ học sinh và giáo viên tiếp tục tham gia.

Mô hình VNEN được xây dựng và phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy người học làm trung tâm. Học sinh học theo mô hình VNEN vẫn thực hiện theo Chương trình giáo dục  phổ thông chung của toàn quốc (không phải là Chương trình giáo dục khác). Khi học hết lớp học, cấp học học sinh tiểu học vẫn phải đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ đối với học sinh tiểu học theo quy định tại Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mô hình VNEN tập trung hướng vào đổi mới phương pháp dạy - học , đổi mới hình thức tổ chức lớp học. Mô hình VNEN ngoài giúp học sinh tiếp cận, nắm được những kiến thức cần học ở mỗi lớp học còn giúp HS biết cách học, tự học, tự giác, tự tin, chủ động; phát triển những năng lực cần thiết cho học sinh.

Mô hình có thể là cầu nối, tạo tiền đề cho việc đổi mới việc dạy học trong những năm tớitheo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ GD&ĐT công bố ngày 05/8/2015. Vì vậy, nếu sau này Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai theo xu hướng này, các trường VNEN sẽ là nguồn, là hạt nhân để nhân rộng trong tỉnh. Đối với những trường không thực hiện mô hình VNEN, có thể lựa chọn, vận dụng những ưu điểm, những yếu tố tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học, hình thức tổ chức lớp học... một cách linh hoạt vào trong quá trình dạy – học của các nhà trường.

Để đảm bảo hiệu quả trong việc tổ chức dạy – học theo mô hình VNEN, việc sắp xếp quy mô học sinh/lớp cần theo đúng Điều lệ nhà trường (Tiểu học: không quá 35 học sinh/lớp; THCS: không quá 45 học sinh/lớp) và phù hợp với diện tích phòng học; quan tâm đầu tư sơ sở vật chất, thiết bị và đặc biệt là bố trí đủ định mức, cơ cấu giáo viên cho các trường thực hiện mô hình.

Để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các phụ huynh học sinh trong thực hiện mô hình VNEN, Sở GD&ĐT rất mong các cấp, các ngành của địa phương tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động để phụ huynh và nhân dân hiểu rõ về mô hình, từ đó cho con em học tập theo VNEN, đồng thời tích cực tham gia phối hợp với các nhà trường trong việc hướng dẫn học sinh học và tham gia đánh giá học sinh./.

Xem video lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trong chương trình giải đáp chính sách tại đây

2475 lượt xem
Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h