Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL công nhận “ Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
I. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Tên thường gọi: Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông.
- Tiếng Mông viết là: Tsưr ziv hnuaz chaz mur changz sâu ntâuz (đọc là: chứ dỉ mua cha mú chang sâu tâu), nghĩa là: nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải.
2. Tên gọi khác: Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông.
II. Loại hình
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông được xếp vào loại hình “Tri thức dân gian”.
III. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể
Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch chứng nhận “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông” huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
(Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Chứng nhận "Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho tỉnh Yên Bái)
IV. Địa điểm phân bố Di sản
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 107.049 người Mông (chiếm 13,03% dân số toàn tỉnh), được chia thành 04 nhóm: Mông Đu (Mông Đen), Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Si (Mông Đỏ), Mông Lềnh (Mông Hoa), các nhóm vừa sống tập trung vừa đan xen với nhau tại 40 xã thuộc 05 huyện.
Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông” được phân bố tại 40 xã thuộc 05 huyện: Huyện Mù Cang Chải; Huyện Trạm Tấu; Huyện Văn Chấn; Huyện Trấn Yên; Huyện Văn Yên như sau:
Huyện Mù Cang Chải có tổng số là 57.179 người Mông, chiếm hơn 91% dân số toàn huyện, phân bố ở 14/14 xã, thị trấn: Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Cao Phạ, Chế Cu Nha, Chế Tạo, Hồ Bốn, Khao Mang, Kim Nọi, Lao Chải, Mồ Dề, Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, thị trấn Mù Cang Chải; Huyện Trạm Tấu có tổng số là 26.570 người Mông, chiếm 77% dân số toàn huyện, phân bố ở 13/13 xã, thị trấn: Trạm Tấu, Pá Hu, Phình Hồ, Tà Xi Láng, Làng Nhì, Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Túc Đán, Pá Lau, Pá Hu, Hát Lừu và thị trấn Trạm Tấu; Huyện Văn Chấn có tổng số là 13.353 người Mông, chiếm 7,84 % dân số toàn huyện, phân bố tại các xã: xã Suối Giàng, Suối Quyền, Suối Bu, An Lương; Huyện Trấn Yên có tổng số là 1.270 người Mông, chiếm 1,9% dân số toàn huyện, phân bố ở hai xã: Hồng Ca, Kiên Thành; Huyện Văn Yên có tổng số là 6.349 người Mông, chiếm 4,4% dân số toàn huyện, tập trung ở xã Nà Hẩu.
V. Chủ thể văn hóa
Cộng đồng người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
VI. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Quá trình ra đời và tồn tại của di sản
Người Mông vào tỉnh Yên Bái trên địa bàn huyện Mù Cang Chải cách ngày nay khoảng gần 300 năm và di cư làm nhiều đợt. Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Mông ở Quý Châu (Trung Quốc) di cư xuống Vân Nam và Việt Nam vào Bắc Hà, xuống Phố Lu, lên Sa Pa (Lào Cai), đi sang Than Uyên, từ đó di cư sang Mù Cang Chải và các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái ngày nay. Đến nay, người Mông ở huyện Mù Cang Chải vẫn coi "Lồng Cống" (Lùng Cúng nay thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) "Lồng Mù" (Nay thuộc xã Tùa Mông, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, giáp ranh với xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, trước kia là địa danh liền kề khi chưa phân địa giới hành chính) là vùng đất tổ. Khi chết, trong bài hát chỉ đường phải dẫn linh hồn về vùng đất này và từ đó mới được về trời. Những nhóm người Mông đầu tiên đến đây thuộc các họ Vàng, Thào, Giàng, Sùng, Cứ, Hồ, Hảng, Mùa, Lý, Phàng, Lầu, … trong đó họ Giàng là đông nhất.
Tiếng Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao trong ngữ hệ Nam Á. Do chiếm tỷ lệ đa số nên ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu nên tiếng Mông trở thành phương tiện giao tiếp phổ biến nhất trong vùng. Người Mông ở tỉnh Yên Bái cư trú trên những sườn núi cao, địa hình hiểm trở. Họ có kinh nghiệm làm ruộng bậc thang rất giỏi bên cạnh canh tác nương rẫy là những phương thức sản xuất và nguồn sống chính trong mỗi gia đình. Đồng bào cũng chú trọng chăn nuôi gia đình và thu hái lượm lâm thổ sản. Một số nghề thủ công phổ biến trong cộng đồng người Mông ở tỉnh Yên Bái là: dệt vải sợi lanh, đan lát, đặc biệt là nghề rèn đúc.
Nguồn lương thực chủ yếu của đồng bào là lúa (lúa nương, lúa nước), ngoài ra là ngô. Các loại rau xanh tự trồng hoặc hái lượm ở trong rừng. Đối với các loại thịt, cá thì rang khô, nướng khô, cho muối mặn. Hằng ngày, họ uống nước lá cây, nước chè, khi có khách, có lễ, có hội, đồng bào uống rượu tự nấu. Người Mông ở nhà đất, nguyên liệu làm nhà là gỗ, mái lợp truyền thống là gỗ pơmu chẻ mỏng, nhà phải có ít nhất 3 gian, gian giữa thờ cúng tổ tiên. Trang phục của người Mông khá phong phú, mỗi nhóm đều có trang y phục đặc trưng khác nhau, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ và phản ánh thế giới quan của mình, gồm có: váy (hoặc quần), áo, thắt lưng, tạp dề, khăn, mũ đội đầu, xà cạp, …
Hình thái chủ đạo của gia đình người Mông là gia đình phụ hệ với 2,3 thế hệ cùng chung sống. Gia đình là đơn vị kinh tế và có sự phân công lao động khá chặt chẽ theo lứa tuổi, giới tính đồng thời cũng là một đơn vị văn hoá, là môi trường bảo tồn, trao truyền và phát triển văn hóa cộng đồng. Xã hội người Mông được điều hành theo dòng họ khép kín, có luật lệ, quy định riêng của mỗi dòng họ, nó mang tính quy ước, được cộng đồng thừa nhận và phải tuân thủ nghiêm ngặt. Sự cố kết dòng họ của tộc người này vô cùng chặt chẽ, họ quan niệm những người cùng họ, cùng ma là coi nhau như anh em ruột thịt, dù có ở xa đến mày có thể đẻ, ốm và chết trong nhà nhau.
Tín ngưỡng truyền thống của người Mông là thờ đa thần. Họ thờ cúng tổ tiên là thờ cúng ông, bà, cha mẹ. Đối với đồng bào việc thờ cúng tổ tiên là nghi lễ tín ngưỡng có tính cộng đồng mạnh mẽ. Họ luôn hướng về tổ tiên và coi đó là một biểu hiện quan trọng để bảo tồn giữ gìn văn hoá cội nguồn. Ngày tết được chuẩn bị rất chu đáo, họ mổ lợn, thờ cúng theo nhiều lễ nghi truyền thống, tham gia ngày hội xuân với các trò chơi dân gian như: đưa ngựa, bắn nỏ, đánh quay, đẩy gậy, ném pao, thanh niên nam nữ rủ nhau đi chơi xuân, thổi kèn lá, kèn môi, múa khèn, hát giao duyên, …
Người Mông ở tỉnh Yên Bái có nền văn hoá dân gian phong phú, phản ánh nhận thức về cuộc sống thực tại, gắn với thiên nhiên, những khao khát vươn tới cái đẹp, cái thiện cái tốt. Vào ngày vui hay trong các lễ nghi truyền thống, họ đều hát dân ca, thổi sáo, múa khèn. Đồng bào còn lưu giữ được một kho tàng truyện cổ về lịch sử, tinh thần thượng võ của cha ông được truyền từ đời này qua đời khác. Trong đời sống, đồng bào còn lưu giữ được nhiều phong tục mang giá trị nhân văn như hỏi, cưới, tang ma, lên nhà mới, các nghi lễ cúng họ, ăn thề, giải hạn, cầu may, … Lễ hội "Gầu tào" được duy trì thường xuyên, là một đặc sắc của riêng đồng bào, thể hiện nhiều giá trị tinh thần tích cực của tộc người. Các nghề thủ công truyền thống và hệ thống tri thức dân gian của cộng đồng tộc người Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái vô cùng phong phú và mang những giá trị văn hóa đặc trưng riêng, vẫn đang được cộng đồng lưu giữ và tiếp tục phát huy. Một trong những di sản văn hóa phi vật thể điển hình cho loại hình tri thức dân gian về nghệ thuật chính là cách thức tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của đồng bào. Đây là di sản được ra đời và tồn tại xuyên suốt trong quá trình lịch sử của tộc người, tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng.
Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người. Các mẫu hoa văn trang trí phản ánh nhiều mặt của đời sống văn hóa cổ truyền. Từ những mẫu hình cụ thể được tạo ra trên vải lanh đã góp phần giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật trang trí, nghệ thuật tạo hình chung của cộng đồng người Mông. Về cơ bản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông được thể hiện trên: trang phục nữ, trang phục trẻ em nữ (áo và váy), địu, gối, chăn; hiện nay có thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch như: các loại túi, balo, khăn trải bàn, rèm cửa, tranh, …
Đối với người Mông, để tạo hoa văn trên vải, đồng bào sử dụng chủ yếu 03 kỹ thuật là: thêu, in sáp ong và ghép vải để trang trí. Đối với hồ sơ khoa học này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu kỹ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải.
Người Mông ở tỉnh Yên Bái vẫn truyền nhau câu truyện kể về quá trình ra đời của nghệ thuật tạo hình hoa văn trên trang phục như sau:
Xưa kia, người Mông sống ở Trung Quốc, họ có chữ viết và sử dụng như những cộng đồng khác. Sau đó, người phương Bắc tràn xuống, chiếm đất và muốn đồng hóa nên cho quân đốt hết sách có chữ Mông và cấm người đàn ông Mông không được học chữ Mông mà học chữ Hán, người Mông muốn ghi lại lịch sử của mình cũng không được. Đang lúc chạy lên núi, đoàn người gặp một người phụ nữ Mông đang cắm cúi thêu bên suối, người thủ lĩnh chợt nghĩ ra cách giữ lại chữ của người Mông bằng cách thêu chúng lên váy phụ nữ. Nhưng nhận thấy thêu thì lâu nên nhân khi thấy tổ ong trên rừng, ông liền nghĩ, lấy sáp ong đun lên vẽ vào vải để giữ. Việc tạo hình hoa văn trên vải có từ đó nhưng vì người phụ nữ trước kia không được học chữ nên không biết nghĩa của chúng mà chỉ thấy quen với đồ dùng, vật dụng, cây cối, con vật gì xung quanh đời sống của mình thì cho là cái đó thôi.
(Theo lời kể của ông Thào A Thề, người Mông Hoa, bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái)
Xét về quá trình lịch sử, việc ra đời của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải có thể xuất phát từ quá trình lao động sản xuất, từ môi trường sống, từ nhu cầu muốn lưu giữ những hình ảnh quen thuộc của không gian sống xung quanh, của những dấu ấn lịch sử đặc trưng trên những sản phẩm gần gũi, gắn bó với cộng đồng, đảm bảo tính bền chặt, thân thiết trong điều kiện vật chất tự cung tự cấp còn nhiều khó khăn của cộng đồng; thêm vào đó, để đáp ứng nhu cầu về mặt nghệ thuật và óc sáng tạo nghệ thuật của mỗi cá nhân trong cái chung của cộng đồng tộc người, dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có trong môi trường cư trú của người rẻo cao đã quy định sự ra đời và tồn tại của di sản độc đáo này.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông, nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Mông ở Việt Nam thường cư trú trên những triền núi cao, dân cư thưa thớt, nhà nhà sống cách xa nhau trên những quả đồi để canh tác nương rẫy, khai phá đồi thành ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Mông luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại kẻ thù và thú dữ. Với môi trường và tập quán cư trú như vậy, đã phần nào làm cho cộng đồng sống khép kín hơn, từ đó, lại càng khuyến khích sự sáng tạo của mỗi cá nhân để tạo ra những sản phẩm tự phục vụ nhu cầu của đời sống, mang đặc trưng riêng và có sức sống bền vững trong cộng đồng. Để duy trì đời sống của mỗi cộng đồng, nhu cầu về cái ăn, cái mặc phải được đáp ứng trước tiên. Ban đầu, có thể chỉ là những hình vẽ phác họa, đơn giản, chưa hoàn thiện về những gì quan sát được ở môi trường sống xung quanh. Sau dần, bằng tài năng, óc sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ tộc người đã tạo nên những hoa văn sắc nét hơn, bổ sung thêm nhiều loại hoa văn cũng như cách thể hiện phong phú của mỗi người "họa sĩ" đã dần hoàn thiện và tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận, coi đó là bản sắc, là cái không thể thiếu trong đời sống và tự nguyện trao truyền qua nhiều thế hệ. Hoạt động này được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên trong cả ý thức và hành động tạo tác trên nhiều loại sản phẩm khác nhau, hình thành nên di sản tiêu biểu của cộng đồng. Di sản văn hóa ấy được truyền từ đời này qua đời khác, duy trì và phát triển, trở thành một trong những di sản văn hóa tiêu biểu, mang tính đặc trưng của tộc người, được các cộng đồng khác ưa chuộng và ghi nhận.
Như vậy, có thể nói chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần, về tư duy nghệ thuật của tộc người Mông đã hình thành nên nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải để mô phỏng, chuyển tải, lưu giữ, phản ánh những gì là đặc sắc, là cô đọng nhất về thế giới quan, nhân sinh quan, thiên nhiên và cuộc sống của cộng đồng tộc người cư trú ở vùng rẻo cao phía Bắc này.
Có thể nói, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là một thành tố quan trọng của đời sống văn hóa tộc người, ra đời và hoàn thiện cùng với quá trình hình thành bản sắc văn hóa trong lịch sử tộc người. Nó thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức. Nó gắn với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Mông đã sáng tạo ra nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong mang đậm sắc thái tộc người. Mỗi loại hình hoa văn, mỗi cách thể hiện đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ tư duy nghệ thuật cao. Đây chính là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người, từ tư duy nghệ thuật và được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng.
Là một hệ thống tri thức dân gian góp phần tạo nên sản phẩm vật chất đặc trưng, là tín hiệu quan trọng bậc nhất để nhận biết về tộc người cũng như các nhóm địa phương tộc người đầu tiên của đồng bào Mông, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, quan trọng, không thể thiếu trong không gian văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào. Di sản đã tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lịch sử tộc người, khẳng định được vai trò và sức sống của mình trong đời sống quá khứ và đương đại. Đến hôm nay, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải vẫn là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của người Mông nơi rẻo cao tỉnh Yên Bái.
Những hoa văn được tạo ra từ kỹ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông thực sự là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Những đồ án hoa văn của họ mang tính nghệ thuật cao, hầu hết các hoa văn trang trí đều mang tính chất độc bản. Do quá trình trao truyền nghề, quá trình sáng tạo hoa văn của mỗi người phụ nữ Mông mà hoa văn cứ tiếp nối như một dòng chảy xuyên suốt lịch sử tồn tại của tộc người miền sơn cước tỉnh Yên Bái này.
Những người phụ nữ Mông ở tỉnh Yên Bái chính là những tác giả của nghệ thuật tạo hình độc đáo này. Từ xưa đến nay, trong quá trình lịch sử tộc người, di sản văn hóa phi vật thể này đã tồn tại xuyên suốt, được cộng đồng tự bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng nói chung và người phụ nữ Mông nói riêng. Cả cuộc đời của họ gắn liền với công việc thêu thùa, may vá, dệt vải, vẽ, thêu hoa văn để tạo ra các sản phẩm thủ công đẹp cho bản thân, con cái, gia đình, dòng họ,… Các em gái người Mông, từ khi mới 8 – 10 tuổi, đã được các bà, các mẹ dạy học dệt vải, cắt, khâu, thêu thùa, vẽ hoa văn để tạo trang phục. Bởi vậy, trong dân ca Mông mới có câu hát:
Lớn lên anh theo cha đi cày nương
Theo anh vào rừng sâu săn thú
Lớn lên em theo mẹ tập thêu
Theo anh chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới….
Khi đến tuổi trưởng thành, các thiếu nữ người Mông không tiếc thời gian, ngày đêm cặm cụi, tỉ mẩn, trang trí hoa văn cho bộ váy áo cưới thật đẹp để chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời – cuộc sống hôn nhân. Trong tập quán của người Mông, vẻ đẹp, tài năng của người phụ nữ được đánh giá thông qua khả năng thêu thùa, khâu vá, vẽ hoa văn và bộ trang phục cô dâu mặc trong lễ cưới sẽ phản ánh phẩm chất này. Có thể khẳng định kỹ năng dệt vải, thêu và vẽ hoa văn là tiêu chí quan trọng, là thước đo giá trị của người phụ nữ trong xã hội người Mông xưa. Bởi vậy, tục ngữ Mông mới có câu:
Muốn biết người tốt xem gác bếp
Muốn biết người đẹp xem quần áo.
Hay:
Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu
Gái xinh chưa biết cầm kim là hư.
Người phụ nữ giỏi thêu thùa, trang trí hoa văn sẽ được cả cộng đồng nể trọng, đề cao. Trong những ngày nông nhàn hay ngày mùa bận rộn, những buổi tối trăng thanh, gió mát hay mùa đông, bên bếp lửa hồng, từng tốp các cô gái lại quây quần bên nhau học thêu, truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm vẽ sáp ong, tạo mẫu, ghép vải mới,… đây là một hình thức quan trọng để lưu truyền, phát triển nghệ thuật in vẽ sáp ong cũng như thêu thùa, trang trí. Trước khi đi làm dâu các cô gái sẽ làm những bộ quần áo đẹp để tặng cho mẹ đẻ và mẹ chồng. Những bộ váy đẹp trở thành tài sản vô giá của người phụ nữ Mông. Những người phụ nữ giàu có là người phụ nữ có nhiều váy áo đẹp do tự tay mình làm ra. Khi khách quý đến chơi và ngủ lại gia đình, người khách sẽ được chủ nhà đắp cho tấm váy có nhiều hoa văn đẹp. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Mông vẫn tiếp tục in nhiều mẫu hoa văn sáp ong, thêu thùa để lo cho bản thân và gia đình chồng con được chăn ấm, địu êm với những nét hoa văn truyền thống được khắc in trên đó. Hạnh phúc của mỗi gia đình được phản ánh trong bức tranh sinh hoạt đầy tính biểu tượng của thơ ca Mông:
Cuối nhà là nơi em ngồi thêu váy
Đầu nhà là nơi anh thổi sáo, múa khèn
Em thêu váy mới không có sáp, anh đi kiếm
Em in hoa mới, không biết đường anh cầm que vạch giúp.
Khi người vợ trở thành người mẹ, họ lại có nghĩa vụ dạy bảo con gái học vẽ hoa văn bằng sáp ong để tự trang trí váy, áo cho mình. Đồng thời họ lại được mẹ chồng, bà nội và các bác dâu bên nhà chồng nhiệt tình truyền dạy cách tạo các hoa văn từ sáp ong. Từ đó, người phụ nữ sẽ học thêm được nhiều mẫu hoa văn mới. Theo đó, mỗi người phụ nữ Mông sẽ vừa được kế thừa nghệ thuật tạo hoa văn của gia đình bên nhà mẹ đẻ, kết hợp với việc tiếp thu các mẫu hoa văn mới bên gia đình nhà chồng cùng với sự tìm tòi sáng tạo của bản thân đã tạo nên nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải rất đa dạng và phong phú, ngày càng nhiều mẫu mã và sự kết hợp độc đáo được thực hành. Khi người phụ nữ trở về già họ còn lo truyền dạy cho con cháu và tạo thêm bộ váy áo đẹp cho mình và cho người chồng mặc khi nhắm mắt xuôi tay, trở về với thế giới tổ tiên.
Cứ như vậy, với chu kỳ đời người phụ nữ Mông, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục nói riêng và trên vải nói chung như một tín hiệu văn hóa được tự bảo lưu, tự trao truyền và kế thừa qua nhiều thế hệ. Nhờ đó mà bản sắc tộc người được phát triển theo một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ, tạo nên sức sống trường tồn, mãnh liệt của di sản trong đời sống cộng đồng.
2. Hình thức biểu hiện và quy trình thực hành
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái là kết tinh của một hệ thống tri thức dân gian độc đáo, phản ánh quá trình lịch sử, những cái nhìn sinh động về thế giới quan, về môi trường sống qua lăng kính của những người "họa sĩ bản làng", khắc họa trên những sản phẩm vật chất độc đáo, đặc trưng không chỉ phục vụ nhu cầu của chính cộng đồng tộc người mà còn là sản phẩm được ưa chuộng đối với các cộng đồng khác trên đất nước Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nghệ thuật ấy được tư duy, được sáng tạo, chắt lọc, biểu hiện bằng sự đa dạng, phong phú của nhiều loại hình hoa văn khác nhau trên nhiều sản phẩm vật chất khác nhau, được sử dụng trong những không gian và thời gian khác nhau, thậm chí được giải thích và thể hiện bằng những góc nhìn và tư duy nghệ thuật mang tính sáng tạo của mỗi cá nhân trong cái chung, cái tổng thể, cái truyền thống của tộc người. Như vậy, hình thức biểu hiện của di sản này được thể hiện trên các sản phẩm vật chất đặc trưng và rất đa dạng, phong phú, kèm theo tính "mở" trong khuôn khổ truyền thống vốn có của di sản qua óc tư duy và sáng tạo nghệ thuật của mỗi người phản ánh thực tế cuộc sống lao động sản xuất, môi trường cư trú, cảnh quan thiên nhiên với hệ thống động, thực vật đa dạng kèm theo đó là ước vọng, khát khao của cộng đồng về một cuộc sống bình yên, no đủ.
Để có được các nguyên liệu phục vụ cho quá trình tạo hình hoa văn trên vải, người Mông phải tạo ra sợi lanh, dệt thành tấm vải, tạo ra sáp ong và các loại bút vẽ, chảo nấu sáp…với quy trình như sau:
2.1. Quy trình trồng và tạo vải lanh:
Cây lanh hay còn gọi là cây gai dầu, cây lanh mèo, cây gai mèo (tiếng Mông gọi là chaoz mangx). Cây lanh được trồng phổ biến ở khu vực cư trú của đồng bào trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cây lanh từ lâu đời đã trở nên quen thuộc trong đời sống tộc người, đó không chỉ là thứ vật liệu để may mặc mà cây lanh, sợi lanh đã đi vào thế giới tâm linh, tình cảm, trở thành biểu tượng gắn bó lứa đôi, sự bền chặt của cuộc đời mỗi người, là sợi dây dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Từ bao đời nay, người Mông vẫn thường truyền nhau câu nói: "Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông".
- Người Mông làm đất trồng lanh: Để có những cây lanh mọc khỏe, người Mông thường chọn những mảnh nương tương đối bằng phẳng, ít đá, đất màu mỡ, có độ ẩm cao. Lanh là loại cây ưa sáng nên nương trồng lanh phải thoáng đãng, ít cây to. Đất trồng lanh cũng được làm kỹ, sau khi cày ải, bừa qua, đồng bào còn dùng cuốc đập tơi đất, nhặt sạch cỏ dại, vun thành luống rồi mới tiến hành gieo hạt.
- Chọn giống lanh: Hạt lanh chọn làm giống là những hạt chắc, mẩy, được thu từ những cây lanh cao, to, nhiều nhánh, nhiều hạt, những cây này để riêng, không tước mà chỉ dùng để lấy quả và hạt.
- Trồng lanh và thu hoạch lanh: Người Mông ở tỉnh Yên Bái thường trồng lanh từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch, tùy thời tiết từng năm, có thể thu hoạch từ giữa tháng 5 đến tháng 6 âm lịch (trước khi thu hoạch ngô). Khi cây lanh phát triển cao tới khoảng 3m, vỏ xanh đậm, bóng là có thể thu hoạch, cây lanh được cắt thành từng bó, róc hết lá, phơi nắng theo cách "ngày phơi tối cất" khoảng 3 đến 4 ngày. Sau đó, đem phơi sương theo cách "ngày cất đêm phơi" khoảng 2 đêm rồi đem phơi nắng 1 ngày nữa là có thể tước lấy sợi.
- Tước lanh, tách và nối sợi lanh: Công việc này phải được thực hiện trước khi có các đợt gió mùa Đông Bắc, bởi nếu gặp gió, lanh sẽ bị khô sợi, sợi nát, giảm độ bền, khó nối. Người ta thường phân riêng ra các cây có độ dài gần bằng nhau. Khi tước vỏ thì bẻ đôi thân cây rồi tước từ đó lên đến ngọn trước, sau quay lại tước ngược từ giữa thân cây cho đến gốc. Vỏ lanh được bó thành từng bó đều nhau, cho vào cối giã khoảng nửa giờ cho mềm để dễ nối hơn và không để lại mối. Sau đó đem tước thành sợi, mỗi cây có thể tước được 8 đến 12 sợi, sợi dài nhất có thể tới 1,6m. Nối lanh là công đoạn tốn khá nhiều thời gian. Những sợi lanh sau khi đã được tước tương đối đều nhau được nối với nhau một cách rất đặc biệt: tách đôi một sợi lanh ở vị trí cách đầu sợi khoảng 10cm rồi luồn một sợi khác vào giữa, xoắn lại, sau đó lại tách đôi sợi thứ hai này và luồn sợi thứ nhất vào. Bằng cách này, sợi lanh vẫn đều, nuột, không rõ mối nối. Người phụ nữ thường bó sợi lanh thành từng chùm nhỏ, cuốn quanh bụng, sau đó rút lấy từng sợi từng sợi nối với nhau, nối đến đâu cuộn vào bàn tay hoặc một vòng mây gắn vào một que nhỏ đến đấy. Khi nối sợi phải tuân thủ nguyên tắc nối ngọn với ngọn, gốc với gốc và các đoạn nối phải to đều, sợi nào bé thì bổ sung thêm, sợi nào to thì tước bớt đi.
- Xe sợi và thu sợi: Sau khi sợi được nối bằng tay, được đưa lên guồng để xe sợi. Để sợi không bị đứt, trước khi đưa lên guồng, các cuộn sợi này được nhúng vào nước từ 15 đến 20 phút để sợi được mềm, tăng độ dẻo dai. Guồng xe sợi được làm bằng gỗ, có bánh quay được đóng cố định giữa hai tấm ván gỗ vào một chiếc cột, trên hai tấm ván có 4 lỗ nhỏ cắm các suốt chỉ để cuốn sợi. Dùng da trâu làm thành một vòng da tròn vòng qua bánh xe và tấm ván gỗ, nó đóng vai trò như một dây cua-roa, tạo lực đẩy suốt chỉ chuyển động khi bánh xe quay. Dùng một đoạn cây ngắn làm bàn đạp, một đầu gắn vào bánh xe, một đầu đặt trên một chạc cây chôn dưới đất, cách cột bánh xe khoảng 1m. Người xe sợi ngồi trên một chiếc ghế hai chân để lên đoạn cây này, một chân đặt giữa chạc cây và bánh xe, một chân đặt bên ngoài chạc, khi đạp lúc nhấn mạnh đoạn phía trong, lúc nhấn mạnh đoạn phía ngoài sẽ làm cho bánh xe chuyển động theo vòng tròn kéo theo sự chuyển động của suốt chỉ. Trước khi xe sợi, lấy bốn cuộn sợi đặt lên một tấm ván gỗ, lấy đầu sợi của mỗi cuộn kéo buộc vào bốn suốt chỉ.
Sau khi được xe vào từng suốt nhỏ, các suốt sợi được cuộn lại trên guồng thu sợi thành các bó sợi lớn. Guồng này được làm bằng gỗ, gồm một trục bằng tre hoặc gỗ, cao chừng 1m, một đầu trục cắm xuống đất, đầu trên có thể quay tròn được và đục lỗ xuyên qua hai thanh tre dài từ 5 đến 6m, bắt ngang vuông góc với nhau, ở đầu các thanh tre có gài các que để giữ sợi lanh. Người ta đẩy trục gỗ xoay tròn và cuốn sợi lên khung tre.
- Làm trắng sợi, lăn sợi, thu sợi, xếp sợi, xe sợi: Những bó sợi này sẽ được ngâm với nước tro bếp, rồi luộc chín cho bong hết vỏ xanh. Mỗi lần luộc 4 đến 5 cuộn sợi, luộc trong khoảng 40 – 60 phút thì vớt ra để ủ sợi. Khi ủ, người ta rắc một lớp tro nguội lên tro bếp còn nóng, trải lên đó một mảnh vải lanh hoặc một chiếc váy lanh rồi đặt những cuộn lanh lên, phủ một lớp vải lanh rồi rải một lớp tro nữa lên trên, ủ trong 5 ngày 5 đêm. Sau đó mang giặt sạch và cho lên guồng thu sợi phơi khô. Tiếp đó lại cho lên luộc và ủ thêm 3 lần nữa nhưng mỗi lần sau chỉ ủ 1 ngày 1 đêm. Riêng lần luộc sợi sau cùng, người ta cho thêm một ít sáp ong vào luộc cùng để sợi được trắng, mịn, dai chắc. Sợi lanh lúc này đã trắng và sạch, người Mông gọi là "xur".
Để làm cho sợi mềm và bóng, các đầu nối sợi dẹt ra, phẳng, không phát hiện ra các mối nối, người Mông sử dụng dụng cụ để lăn sợi. Đó là một khúc gỗ tròn làm trục, một phiến đá phẳng, nhẵn hoặc một tấm gỗ có chiều dài chừng 1m, chiều rộng chừng 0,3m. Người ta đặt sợi lên khúc gỗ tròn, lấy phiến đá hoặc tấm gỗ đặt lên trục rồi đứng lên trên phiến đá, hai tay vịn vào tường hoặc một cột gỗ chôn bên cạnh, dùng lực chân đẩy sang hai bên trái, phải làm cho trục gỗ chuyển động lăn đi lăn lại miết xuống sợi lanh.
Sau khi lăn xong, sợi được đưa lên guồng thu sợi để tháo cho dễ. Người ta đặt sợi xuống đáy gùi rồi quay guồng thu sợi, tay dỡ sợi thả dần xuống gùi, bước này phải làm từ từ chậm để tránh bị rối sợi.
Xếp sợi dọc thành các con chỉ dệt, mỗi con chỉ gồm có 10 hoặc mười 12 sợi. Người ta đổ 10 hoặc 12 ống sợi từ gùi ra, luồn sợi qua các lỗ đục trên một thanh tre ngang đóng vào cọc tre. Xếp sợi đòi hỏi phải có 02 người: một người dùng tay túm các sợi lanh thành con sợi lần lượt đi từ đầu sân này tới đầu sân kia để ghim con sợi vào các cọc gỗ đóng trên sân, một người coi để sợi không bị rối, nếu thấy có dấu hiệu bị rối là khắc phục luôn, đồng bào thường rắc cát khô lên trên đống sợi để khi kéo sợi không bị rối.
Sau khi gỡ sợi từ guồng thu sợi xuống, đồng bào xe sợi vào các suốt chỉ. Công việc này tốn nhiều thời gian (khoảng 2 đến 3 tháng). Người ta dùng xa xe sợi để cuộn sợi vào các suốt chỉ. Xa xe sợi được làm bằng gỗ và tre, gồm những thang tre nhỏ đặt chéo nhau thành hai lớp, qua một tâm điểm ở giữa. Hai đầu của từng cặp thanh tre này được liên kết với nhau bằng một sợi dây tạo thành bánh xe. Ở tâm điểm, người ta lắp thêm một đoạn tre hoặc gỗ ngắn làm thành tay quay của bánh xe. Bánh xe được đóng cố định vào một cái khung gỗ cao khoảng 50 đến 60cm. Phía trên khung gỗ đặt một thanh gỗ nằm ngang, trong đó để một ống tre hoặc sắt làm suốt chỉ, được nối với con lăn và bánh xe. Khi bánh xe quay, con lăn chuyển động sẽ kéo theo sự chuyển động của suốt chỉ.
- Dệt vải:
+ Khung dệt: Người Mông sử dụng loại khung dệt dùng dây buộc lưng tức là dùng thân người làm dây đai để căng sợi dọc (tiếng Mông gọi là "ndền ntu"), đây là tiền thân của loại khung dệt cố định dùng bàn đạp. Độ căng của sợi dọc được tạo ra bằng cách cuốn thành nhiều vòng vào một trục (gọi là trục cuốn sợi). Trục này được đóng vào giữa hai cột cao khoảng 150cm bằng tre hoặc gỗ. Đầu bên kia của sợi dọc được buộc vào một trục bằng tre (gọi là trục cuốn vải). Khi dệt, người phụ nữ Mông ngồi trên ghế, dùng một cái dây làm bằng da trâu hoặc vải buộc một đầu vào trục cuốn vải, vòng dây qua lưng, buộc thắt dây vào đầu còn lại của trục cuốn vải, dùng thân người để căng sợi dọc. Vải dệt đến đâu được cuộn tròn vào trục cuốn vải đến đó. Để luồn sợi ngang qua sợi dọc nhanh hơn, người Mông sử dụng cơ cấu nâng sợi dọc bằng hai cần tách sợi (còn gọi là trục go) được làm bằng tre, cứ cách một sợi dọc lại buộc một sợi dọc vào một sợi dây nối với một cần tách sợi, các sợi còn lại buộc vào cần tách sợi thứ hai. Để cơ cấu nâng sợi dọc này chuyển động, người Mông dùng dây vải hoặc dây mây buộc từ trục go xuống chân người dệt. Khi chân người dệt kéo sợi này chuyển động về phía sau sẽ làm cho trục go nối với nó được nâng lên hay hạ xuống tạo ra một khoảng trống cho sợi ngang chạy qua. Để làm cho các sợi ngang khít lại với nhau, người ta dùng cái dập sợi đẩy sợi dồn xuống dưới sát với sợi ngang vừa được đan qua lúc trước. Để đưa sợi ngang luồn qua sợi dọc, người ta cuốn sợi vào từng suốt nhỏ, sau đó để bên trong con thoi làm bằng gỗ để có thể dễ dàng trượt qua khoảng trống giữa các sợi dọc một cách nhanh chóng. Vải được dệt mau hay thưa là phụ thuộc vào số răng của go – nơi sợi dọc phải chạy qua từ trục cuốn sợi đến trục cuốn vải. Go của người Mông thưa hơn go của người Thái và những tộc người khác do vải lanh dệt thô hơn vải bông. Độ mau thưa của vải lanh tương đối đều nhau, đặt cơ sở cho việc thêu hoa văn theo lóng vải sau này.
Những năm gần đây, người Mông ở tỉnh Yên Bái đã có một số gia đình chuyển sang loại khung dệt mới cho năng suất cao hơn, gần giống với khung dệt của người Thái, có bàn đạp nhưng do chỉ dệt vải trơn, không dệt hoa văn nên khung dệt mới này không sử dụng nhiều trục go lấy sợi như của người Thái. Khung được đóng bằng 4 cột gỗ, trục cuốn vải và ghế ngồi được đóng cố định vào khung, thay dây cuộc điều khiển cơ cấu nâng sợi bằng bàn đạp.
+ Kỹ thuật dệt: Người phụ nữ ngồi trên ghế, buộc đai nối với trục cuốn vải vào lưng để làm căng sợi dọc, chân buộc vào dây nối với cơ cấu nâng sợi, cơ thể người dệt trở thành một bộ phận của khung dệt. Khi dệt, người phụ nữ dùng chân điều khiển dây nối, khi chân kéo dây về phía sau, cần tách sợi sẽ tách hai luồng sợi làm đôi tạo một khoảng trống để đưa thoi vào, dùng lược nén dập cho các sợi khít lại với nhau. Khi thả chân, mặt sợi dọc trùng xuống, cần tách sợi trượt về phía trên để trở lại thế ban đầu.
Khổ vải của người Mông ở Yên Bái thường rộng khoảng 20 đến 40cm. Cứ 12 sợi được tính thành 1 chùm, để may váy, áo cho trẻ em, đồng bào thường dệt thành 5 chùm, để may cho người lớn phải dệt khoảng 8 chùm, cho những người cao to thì dệt khoảng 10 đến 12 chùm.
Để dệt một tấm vải dài từ 10 đến 12m, rộng 40cm, người phụ nữ Mông phải mất 20 đến 22 giờ liên tục. Tuy nhiên, do chỉ có thể dệt trong lúc rảnh rỗi nên trung bình một tháng mỗi người chỉ dệt được một mảnh dài khoảng 12m. Trung bình mỗi mùa, một người phụ nữ Mông có kỹ năng bình thường có thể dệt được khoảng 48 đến 60m vải.
Ngoài dệt vải, người Mông còn dệt dây buộc xà cạp, họ xếp các sợi cạnh nhau, buộc thắt một đầu, buộc vào ngón chân để làm cho căng sợi dọc ra, sau đó dùng tay luồn sợi ngang qua sợi dọc đan thành dây. Hiện đã có một số người học cách làm khung dệt dây của người Thái để dệt nhanh hơn hoặc mua dây đã dệt sẵn của người Thái.
- Làm trắng vải: Để làm trắng vải, người ta hòa tro vào chảo nước, quấy đều, nhúng tấm vải vào rồi đem hong khô, khi khô lại đem nhúng và hong khô, cứ làm đi làm lại như thế trong 4 đến 5 ngày, mỗi ngày nhúng 3 đến 4 lần. Sau cùng đem đi giặt với tro bếp rồi phơi khô. Sau khi khô được lăn cho bóng, mịn, mềm. Cách lăn vải cũng tương tự như lăn sợi, trung bình một người có thể lăn được khoảng 100m vải một ngày.
2.2. Quy trình tạo sáp ong: Ong là một loài côn trùng, có tổ chức cao, sống theo đàn, mỗi đàn đều có ong chúa, ong thợ, ong non và có sự phân công công việc rõ ràng. Ong thường tìm kiếm nơi an toàn, khô ráo, sạch sẽ để xây dựng tổ, tổ thường được làm trên rừng, trên núi hay trên các tảng đá lớn, những nơi có sức hút của các loài hoa, thức ăn, nước uống. Nguyên liệu của tổ ong thường là bột gỗ trộn với nước dãi ong. Ong dùng râu của mình để đo các khung viền của tổ (tạo thành các hình lục lăng mà ta vẫn thường thấy).
Sáp ong là một chất sáp tự nhiên được ong mật sản sinh ra. Sáp có dạng hình "vảy", được hình thành bởi tám tuyến phản chiếu sản sinh sáp trong phân đoạn bụng từ 4 đến 7 của ong thợ, được thải bỏ bên trong hoặc tại tổ ong. Ong thợ thu thập và sử dụng tạo thành lỗ trong tổ ong để lưu trữ mật ong, bảo vệ ấu trùng và nhộng ong. Sáp mới ban đầu trong suốt và không màu, trở nên mờ đục sau khi nhai và pha trộn với phấn hoa của ong thợ xây tổ. Ngoài ra, sáp dần ngả màu vàng hoặc nâu do sáp nhập dầu phấn hoa và keo ong. Ong mật sử dụng sáp ong để xây dựng lỗ tổ ong trong đó ong non được nuôi bằng mật ong và tế bào phấn hoa bị giới hạn để bảo quản. Lượng mật ong được ong sử dụng để sản xuất sáp vẫn chưa được xác định chính xác. cho biết 1 pound (453,6 gram) sáp ong được sử dụng để chứa 22 pound (9.979,2 gram) mật ong .Về mặt hóa học, sáp ong được hình thành từ hỗn hợp một số hợp chất. thành phần chính là palmitate, palmitoleate và este oleate của alcohol béo chuỗi dài, …
Trong lịch sử loài người, sáp ong là một trong những chất dẻo đầu tiên được sử dụng, cùng với các polyme tự nhiên khác như nhựa cây, sừng, mai rùa và sơn cánh kiến. Sáp ong không bao giờ hỏng, có thể nung nóng và sử dụng lại, được ứng dụng lâu đời trong lĩnh vực thực phẩm và hương liệu của con người như: chất tráng men, chất tạo ngọt, nến, chất kết dính, sản xuất mỹ phẩm, viết chữ, vẽ tranh sáp màu, chế tạo cung tên, gia cố và bảo quản chỉ may, định hình ống thổi của đàn và phím đàn, ổn định thuốc nổ quân sự, ...
Khi khai thác mật ong, người ta cắt chỏm sáp từ mỗi lỗ tầng tổ ong bằng dao. Màu sắc biến đổi từ gần trắng đến nâu nhạt, nhưng thường là màu vàng, tùy thuộc vào độ thuần khiết, khu vực và loại hoa do ong thu thập. Sau khi đã vắt lấy mật, phần sáp được khai thác để sử dụng làm mực vẽ trong nghệ thuật tạo hình hoa văn trên vải.
Sáp ong dùng để vẽ hoa văn có ba màu khác nhau: màu gốc là màu vàng, người ta nhúng chàm để tạo sáp màu đen và đến nay mua thêm sáp màu trắng, trộn các màu này đun lên để vẽ hoa sẽ rõ nét hơn. Trước kia, đồng bào chỉ dùng sáp vàng và sáp đen để vẽ.
Sáp ong là phần còn lại của tổ ong sau khi đã vắt lấy mật, người ta lấy sáp từ rừng về cho vào túi vải lanh, đun nước sôi lên, nhúng túi sáp vào đun chừng 15 đến 20 phút thì vớt ra, vắt trong một chậu nước lạnh. Sau đó, đun lại nồi nước cũ, nhúng túi vào rồi vắt, làm đi làm lại như vậy 4 đến 5 lần. Sáp ở trong chậu nước lạnh sẽ nổi lên, vớt lấy sáp đó đem đun nhỏ lửa cho đến khi nào cô lại, để nguội sẽ đóng thành bánh sáp để sử dụng lâu dài. Sáp này được tạo ra là sáp màu vàng (chia mú).
Để tạo được sáp đen (chia đu) người Mông ở tỉnh Yên Bái thực hiện như sau: sau khi đã vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh màu trắng, đồng bào mang đi nhuộm chàm, trước khi nhuộm chàm thì nhúng mảnh vải vào nước lã cho vải ngấm nước đều rồi nhúng vào ngâm trong thùng nước chàm khoảng 30 đến 60 phút, vớt ra để ráo nước rồi lại nhúng tiếp, đến tối thì vớt ra để qua đêm. Sáng hôm sau, giặt qua nước lã rồi đem phơi, ráo nước lại ngâm tiếp, cứ như thế khoảng 6 đến 7 ngày sẽ được một mảnh vài màu chàm sẫm và hoa văn được vẽ sẽ hiện lên màu trắng, phần sáp ong được sử dụng để tạo hoa văn cho mảnh vải khi nhúng chàm sẽ tan ra nước và nổi lên, sáp lúc này sẽ có màu đen, người ta vớt lấy và đem cô lại để dùng dần.
Đến nay, người Mông sử dụng thêm sáp màu trắng (chia đơ), sáp này được mua về để trộn với hai màu sáp truyền thống nhằm làm cho hoa văn sáng hơn, nét hơn khi tạo hình.
Sáp ong được nấu chảy, lúc này trở thành "mực vẽ", khi sử dụng, người Mông cho sáp vào một chảo gang nhỏ, đường kính khoảng 10cm, có tay cầm, đun nhỏ lửa để sáp tan chảy dần ra, khoắng đều sáp lên, đặc biệt là khi trộn nhiều màu (có thể sử dụng một màu, hai màu hoặc ba màu). Khi sáp tan chảy ra tới khoảng 60 đến 65 độ là có thể dùng để vẽ.
2.3. Các loại bút vẽ: Người ta tạo hình hoa văn bằng sáp ong từ cây bút có ngòi bằng đồng. Các loại bút này đều có tay cầm bằng tre hoặc gỗ và hai lá đồng, ở giữa hai lá đồng có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong, ngòi thường là hình tam giác hoặc hình tròn với nhiều kích cỡ khác nhau. Người phụ nữ khi vẽ, chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải cho phù hợp. Đối với người Mông ở tỉnh Yên Bái, có 03 loại bút truyền thống và 02 loại bút mới dùng để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải:
+ Bút vẽ nét đậm (tiếng Mông gọi là đar changz): đầu bút bằng đồng, nhọn, ghép 03 lá đồng tạo thành hình tam giác. Bút này dùng để kẻ các đường viền và đoạn thẳng.
+ Bút vẽ nét thanh (tiếng Mông gọi là đar huz): đầu bút được tạo từ hai lá đồng nhọn ghép lại. Bút này dùng để tạo hình răng cưa, vẽ nét thanh.
+ Bút vẽ các hoa văn nhỏ (tiếng Mông gọi là đar chuz): bút này gần giống như bút vẽ nét đậm nhưng 03 lá đồng nhọn được ghép so le nhau. Bút này dùng để tạo hình các hoa văn nhỏ, ít nét, không uốn nhiều, thường được dùng để vẽ các hoa văn bên trong đường viền của một khuôn hình.
Gần đây, người Mông ở tỉnh Yên Bái có sử dụng thêm 02 loại bút cầu kỳ hơn để tạo hình hoa văn tổng hợp là:
+ Bút vẽ các hoa văn hình hình học tổng hợp như hình bông hoa, chấm tròn, hình tam giác, hình tròn (tiếng Mông gọi là hâur cưz): đầu bút này có nhiều đầu đinh tròn nhọn song song để tạo các hoa văn hình học.
+ Bút vẽ các hoa văn hình biểu tượng tổng hợp như hình xoắn ốc, hình chữ thập, cây thông, đồi núi, sóng nước (tiếng Mông gọi là tôngz thur): đầu bút này được uốn thành nhiều vòng tròn để vẽ hoa văn hình xoắn ốc, hình các loại hoa, cây, ….
Hai loại bút mới này giúp tạo hình hoa văn nhanh hơn, giảm thời gian vẽ nhưng hạn chế sự sáng tạo của người tạo hình, bởi mô típ hoa văn chỉ giới hạn trong những hình mẫu đã định.
2.4. Quá trình tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong của người Mông có thể có cách đây hơn 2.000 năm. Từ thế kỷ III đến thế kỷ I TCN, người ta đã thấy nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong khá phổ biến trong xã hội người Mông nhưng do trình độ sản xuất còn thấp và chiến tranh liên miên nên chưa phát triển. Đến thời Hán Vũ Đế (136 TCN – 124 TCN), xã hội ổn định, kỹ thuật này rất phát triển. Trong quá trình lịch sử, người Mông phải thường xuyên di chuyển và đấu tranh để sinh tồn, trải qua hàng nghìn năm những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được cộng đồng bảo lưu rất tốt, trong đó có nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của tộc người.
Hoa văn in sáp ong chủ yếu là hoa văn tả thực với những đường nét uốn lượn mềm mại từ cây bút ngòi đồng, tay cầm bằng tre hoặc gỗ, ngòi đồng. Ngòi bút có một bầu nhỏ để chứa sáp ong đã đun nóng chảy khi nhúng, phần cuối bầu có một lỗ nhỏ cho sáp ong chảy ra khi vẽ.
Người Mông ở tỉnh Yên Bái vẽ hoa văn bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ, sau đó ghép lại thành các bộ phận như: vai áo, thân váy hay tay áo, cổ áo, địu, khăn, từ đó khâu lại các sản phẩm. Khi vẽ, người ta vẽ từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, vẽ đường viền trước để tạo ô, sau đó vẽ các hoa văn nhỏ bên trong.
Khi sáp ong đã được nấu chảy, người vẽ ngồi bên bếp lửa, trải vải ra mặt phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu mở vải đến đấy, đầu kia cuộn lại, khi vẽ dùng bút chấm vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, nhúng bút vào chảo rồi vẽ lên nền vải mộc (thường là vải lanh trắng) với những họa tiết cổ truyền. Khi vẽ cần cân đối để lượng sáp có thể chảy đều, không bị loang nét vẽ, cho đến khi hết sáp thì chấm lần tiếp theo. Để có hình họa, người ta không cần có đồ án trước mặt và làm theo mà họ được tiếp xúc từ nhỏ và được thực hành thường xuyên nên họ tự có sự sắp xếp trong đầu và óc sáng tạo nghệ thuật riêng để vẽ. Sáp ong sẽ dính lại trên vải. Sau đó, đem vải đi nhuộm chàm, những chỗ có vẽ sáp ong nước chàm sẽ không ngấm vào, cứ để thế phơi khô, rồi lại nhuộm cho đến khi có màu sẫm. Khi đã có được sản phẩm vừa ý, mang phơi thật khô rồi luộc trong nước sôi, lớp sáp sẽ tan hết ra, để lại những họa tiết trắng xanh (hoặc vàng nếu tô màu) trên nền vải tối. Việc sử dụng thuốc nhuộm màu vàng từ cây "măng đằng" để tô lên hoa văn vẽ bằng sáp ong trên tay áo và vai áo chỉ thấy ở nhóm Mông Hoa, một bộ phận người Mông Đỏ ở Mù Cang Chải, nhóm Mông Đen và các nhóm Mông này cư trú ở hai huyện Trạm Tấu và Văn Chấn chỉ có hoa văn màu trắng.
Để làm nổi bật hơn nữa những họa tiết hoa văn này, người Mông sắp xếp các mảng màu tối, sáng; nóng, lạnh đi cạnh nhau. Ở những vị trí vẽ hoa văn bằng sáp ong, bao giờ cũng sử dụng những đường viền đen, trắng xung quanh hoặc những miếng vải đáp nhỏ hình thoi, hình tam giác, màu vàng, đỏ, đen xen kẽ nhau khiến những đường nét hoa văn trở nên nổi bật.
Các họa tiết hoa văn hình học được sử dụng nhiều khi vẽ bằng sáp ong, việc kết hợp các dạng hình học này đã tạo nên những môtíp hoa văn thường được liên tưởng tới các loài động vật (như con ốc, con hến, con bướm, con chó, …) và thực vật (như cái cây, bông hoa, cái lá, …), các hoa văn thể hiện tính cách điệu khá rõ nét, cách trang trí thiên về đường cong nhiều hơn. Nhìn chung, hoa văn của người Mông ở tỉnh Yên Bái khá đa dạng, tái hiện được phần nào cuộc sống xung quanh, có tính biểu đạt cao và chứa đựng những ý nghĩa xã hội nhất định.
Có thể nói, người Mông ở tỉnh Yên Bái còn bảo lưu được đầy đủ các dạng hoa văn truyền thống trong nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải. Hoa văn được trang trí chủ yếu trên tay áo, lưng áo, cổ áo, váy, địu trẻ em và khăn gối đầu cho người chết. Ngoài kỹ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong, người Mông còn sử dụng kỹ thuật thêu, ghép vải màu để tạo nên những sản phẩm độc đáo trên vải. Các kỹ thuật này được phối hợp rất nhịp nhàng trên một sản phẩm. Khi trang trí hoa văn bằng sáp ong thì bao giờ cũng được điểm xuyết thêm các hình ô vuông hoặc hình thoi vải màu ghép chồng lên nhau và dùng những đường viền vải màu bao quanh từng mảng hoa văn nhỏ hoặc bao quanh cả mảng hoa văn lớn, tôn các đường nét hoa văn bằng sáp ong màu trắng lên, tạo cho cả mảng hoa văn nổi bật trên nền chàm.
Nhìn chung, khi trang trí các hoa văn bao giờ cũng được bố trí theo mảng và nguyên tắc là mỗi mảng đều có tâm điểm, có đường bao quanh và có đường mở rộng. Tuy theo sự sáng tạo của mỗi người mà thể hiện những đồ án trang trí có phần khác nhau nhưng về tổng thể vẫn phải đảm bảo đầy đủ các hoa văn truyền thống và xác định những khuôn hình rõ ràng theo ô hình vuông, hình chữ nhật, hình quả trám hay dải vải tùy vào các vị trí khác nhau trên sản phẩm. Ngoài các họa tiết dưới dạng đoạn thẳng, đường thẳng, người Mông rất thành thục trong việc bố cục đồ án hoa văn hình tròn, đường cong, đường xoáy trôn ốc hay biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ "S". Những họa tiết có đường cong, đường xoáy thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển như vậy tạo cho bố cục của mỗi mảng hoa văn trở nên hài hòa hơn, tránh đơn điệu.
Qua khảo sát trên địa bàn các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chúng tôi nhận thấy: trong 04 nhóm Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái thì nhóm Mông Hoa là cộng đồng đạt trình độ cao hơn cả trong nghệ thuật tạo hình hoa văn này, họ sử dụng nhiều loại hình hoa văn, kết hợp đa dạng, phong phú tạo nên những môtíp hoa văn độc đáo, trình độ tư duy thẩm mỹ phát triển, họ cũng được đánh giá là khéo tay hơn những nhóm Mông khác. Đến nay, nhóm Mông Đỏ đã ảnh hưởng nhiều từ nghệ thuật tạo hình hoa văn này từ nhóm Mông Hoa.
Nếu như người Mông Hoa chú trọng vẽ hoa văn bằng sáp ong trên cả áo và váy, hoa văn trên áo không những đa dạng hơn trên váy mà còn tập trung nhiều loại hoa văn cổ thì người Mông Đỏ chỉ tập trung trang trí trên váy là chính, áo trang trí ít hơn váy và ít hơn áo của người Mông Hoa.
Đối với nhóm Mông Đen thì chỉ vẽ hoa văn bằng sáp ong trên váy, không vẽ trên áo. Váy được vẽ hoa văn cả hai mặt, mặt phải kết hợp vẽ hoa văn và đáp vải, mặt trái chủ yếu hoa văn vẽ bằng sáp ong. Hoa văn bằng sáp ong được vẽ ở phần thân váy và chân váy. Váy không thêu, chỉ vẽ hoa văn bằng sáp ong và ghép vải thành các ô hình vuông, hình thoi nhỏ, xếp chồng lên nhau ở phần thân váy. Nhóm Mông Đen trang trí chủ yếu ở chân váy và cạp váy. Cạp váy chỉ vẽ hoa văn đơn giản là các đường thẳng và hoa văn răng cưa. Chân váy được vẽ bằng sáp ong kết hợp với đáp vải, vải thường được đáp ở phần có hoa văn thẳng và hoa văn răng cưa. Các hoa văn hình học thường được đáp phần vải màu nhỏ để tạo điểm nhấn. Ngoài hoa văn chủ yếu là hình xoắc ốc, chân váy của nhóm Mông Đen được trang trí nhiều hoa văn hình hoa, lá, cây cối, động vật, công cụ, …
Nhóm Mông Hoa trang trí hoa văn bằng sáp ong ở thân váy là chủ yếu và một phần ở sát cạp váy và đặc biệt không đáp những ô vải nhỏ ở váy như các nhóm khác, sử dụng chủ yếu là các hoa văn hình chấm tròn nhỏ và sọc kẻ xen kẽ, hình hoa, một số có hoa văn hình xoắn ốc nhưng hiếm hơn, không bao giờ sử dụng họa tiết hình lục giác và đồng tiền như nhóm Mông Đỏ.
Nhóm Mông Đỏ sử dụng các loại hoa văn như nhóm Mông Hoa nhưng không tập trung trang trí trên áo như Mông Hoa mà họ tập trung nhiều trên váy. Các họa tiết hoa văn vẽ bằng sáp ong trên váy rất phong phú. Ở phần thân gần cạp váy, họ thường trang trí các hình lục giác, hình đồng tiền lớn, bên trong là hình hoa, lá và thường ghép thêm các dải vải đỏ dọc theo thân váy. Đây là đặc trưng riêng của nhóm Mông Đỏ.
Về tổng thể, hoa văn trang trí của nhóm Mông Đen được vẽ to hơn, đơn giản hơn nhóm Mông Hoa và Mông Đỏ.
Riêng với nhóm Mông Trắng (Mông Đơ) ở tỉnh Yên Bái không sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải.
- Một số sản phẩm đặc trưng có sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong:
Hoa văn bằng sáp ong được trang trí chủ yếu ở áo, váy của phụ nữ, trẻ em gái; gối; chăn; địu trẻ em; túi đeo; váy, áo, khăn cho người chết (cả nam và nữ); hiện nay có thêm các sản phẩm phục vụ du lịch như: gối, chăn, balo, túi đeo, khăn trải bàn, tranh trang trí, …
*Đối với y phục nữ, áo dài tay có trang trí hoa văn (yao cuav đrangx): được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, trong lễ hội, cưới hỏi, tang ma. Ngày nay, những cô gái trẻ, mặc cả áo này trong khi lao động, còn phụ nữ tuổi trung niên trở lên thì chỉ mặc khi đi chơi, đi chợ, đi dự đám cưới hay lễ tết, hội hè (khi đi lao động họ mặc áo dài tay không trang trí hoa văn – yao tês pux). Loại áo này hoa văn được trang trí ở những vị trí sau:
+ Tay áo: có trang trí hoa văn thành mảng lớn ở mảnh vải đáp hình chữ "U" đến khuỷu tay, đó là những đường thẳng xếp thành hình vuông đan xen vào nhau,các chấm tròn nhỏ xếp sát vào nhau tạo thành hình lục lăng, xen kẽ với những hình vuông. Nhìn tổng thể sẽ tạo thành hình bông hoa với hình vuông ở giữa, bốn hình lục lăng xung quanh.
+ Cổ áo: được trang trí những chấm hoa văn tròn rất nhỏ thành dải đều nhau hoặc chạy xung quanh, ở giữa là hoa văn sao tám cánh mà khi mặc, người ta thường gập xuống khiến cho người khác khó có thể nhìn thấy. Ở cổ áo sử dụng hoa văn hình hạt mạch xèo, hoa bí, lá cây, hình zíc zắc, hình ánh sáng, chấm tròn nhỏ, …;
+ Vai áo: có hoa văn hình ánh sáng, sao tám cánh, hình chó nằm ngủ, hình con bướm, … Đây là những họa tiết hoa văn chính, thường nằm ở vị trí trung tâm của dải hoa văn (một ô, một khuôn hình), bao quanh dải hoa văn chính này là các hoa văn hình mạch xèo, lá cây các loại, hình hoa bí, hình răng cưa, hình zíc zắc, … (những loại hoa văn thường trang trí trên cổ áo).
Áo của nhóm Mông Hoa được trang trí nhiều hơn, khéo hơn, nét bút nhỏ hơn nên hoa văn nét hơn, đẹp hơn so với nhóm Mông Đỏ.
+ Áo khoác (yao khôuv): áo này gần như giống áo dài tay không trang trí hoa văn, chỉ khác là không có tay áo, cổ áo được trang trí hoa văn bằng sáp ong giống áo dài tay có hoa văn. Áo này mặc cho cả nam và nữ trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt mặc trong mùa đông giá rét.
+ Váy: Đây được coi là sản phẩm người Mông sử dụng nhiều nhất kỹ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong. Mỗi chiếc váy đều được xếp ly thủ công, mỗi nhóm đều có sự khác nhau chủ yếu về trang trí hơn là kỹ thuật. Nếu váy của người phụ nữ Mông Trắng là váy lanh trắng hoặc quần không trang trí hoa văn thì người Mông Đen mặc váy màu chàm có trang trí hoa văn bằng sáp ong và ghép vải. Váy của người Mông Hoa và Mông Đỏ có phần giống nhau nhưng phần vẽ hoa văn của nhóm Mông Hoa nhiều hơn, hoa văn đa dạng hơn, cầu kỳ hơn và không ghép vải trên nền hoa văn được vẽ bằng sáp ong.
Váy có 3 phần: Cạp váy, thân váy và gấu váy.
+ Cạp váy và gấu váy không trang trí hoa văn bằng sáp ong. Phần thân váy các nhóm đều vẽ hoa văn bằng sáp ong, thân váy có chia ra: phần thân trên và phần thân dưới. Tùy thuộc vào các nhóm Mông khác nhau và người tạo hoa văn mà trên thân váy có thể vẽ sáp ong hoặc kết hợp thêu hoa văn, đáp vải màu tùy ý. Riêng với nhóm Mông Hoa, phần thân dưới có thể vẽ hoàn toàn bằng hoa văn từ sáp ong hoặc kết hợp thêu nhưng phần thân trên bắt buộc phải dùng hoàn toàn là hoa văn vẽ bằng sáp ong. Hoa văn của hai phần thân váy là khác nhau.
+ Phần thân trên (sát cạp): phần này chiếm khoảng 25cm của thân váy trên, phần này cả ba nhóm Mông đều sử dụng toàn bộ hoa văn vẽ bằng sáp ong. Phần vẽ sáp ong này, tùy vào từng độ tuổi, sở thích, nhóm địa phương tộc người để người ta chọn các đường viền to nhỏ, họa tiết khác nhau. Người Mông Hoa thường dùng sáp ong vẽ lên đó những đường kẻ thẳng và các chấm tròn nhỏ song song (họ giải thích là hình bờ ruộng bao quanh và hình hạt lúa ở trong, có người lại cho đó là hình dãy núi, chấm tròn là hình hạt đậu tương). Phần này, người Mông Đen lại vẽ sáp ong các hình xoắn ốc bố trí dọc theo chiều ngang của váy hoặc xếp thành hình chữ "T" trong các đường kẻ nhỏ hoặc xếp chéo xen kẽ với hoa văn hình lá dương sỉ và hoa bí. Người Mông Đỏ có cách trang trí phần này là các hoa văn hình hoa, lá cây trong các khuôn hình vuông, có đường viền răng cưa. Gần đây, trang trí của nhóm Mông Đỏ ở thân trên này có phần giống với nhóm Mông Hoa. Những hoa văn được trang trí ở phần thân này khá phong phú như: hình xoắn trôn ốc, hình khuỷu chân, bờ ruộng, dãy núi, con hến, con bướm, con gà, con sâu, cây dương sỉ, cây thông, hoa dưa, hoa bí, hạt đậu tương, …
+ Phần thân dưới (sát gấu): phần này tập trung nhiềm màu sắc và cách trang trí hoa văn, ngoài vẽ hoa văn bằng sáp ong người ta còn thêu và ghép vải ở phần thân này. Ô vẽ hoa văn bằng sáp ong thường có màu vàng (được tạo nên bằng cách nhuộm hoa văn trắng thành màu vàng từ rễ cây "măng đằng"). Hoa văn được sử dụng ở đây chủ yếu là những đường thẳng song song tạo thành ô vuông, bên trong trang trí các đường gấp khúc có hình răng cưa. Người Mông Hoa, Mông Đỏ trang trí với các hoa văn hình học, đường viền bao quanh, bố trí thành các dải ô vuông, hình chữ nhật hoặc tản ra dải vải và vẽ các hoa văn nhỏ bên trong. Khi in sáp ong thì những hoa văn sử dụng ở phần này có hình dấu nhân (người Mông giải thích đó là hình con tằm, hình vết chân chuột), hình lá dương sỉ, hình hoa bí, hình khuỷu chân, hình hạt mạch xèo, hình cái cuốc, hình móng chân trâu, móng chân gà, … Đối với nhóm Mông Đen, thân dưới váy vẽ hoàn toàn bằng sáp ong, trang trí nhiều hơn thân trên, ngoài vẽ sáp ong, người ta dùng miếng đáp bằng vải hình chữ thập, hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình thoi, hình răng cưa, hình zíc zắc, … Sau khi đã trang trí hoa văn vẽ bằng sáp ong, người ta sử dụng những mảnh vải màu dày, tạo thành đường viền bao quanh các chi tiết để làm nổi bật hoa văn màu trắng bên trong.
+ Khăn gối đầu cho người chết: là khăn có hai lớp, lớp ngoài viền vải đỏ, lớp trong vẽ hoa văn bằng sáp ong (có thể thêu hoặc ghép vải), thường là các hình kỷ hà (nếu thêu sẽ là hoa văn hình xoắn ốc, guồng thu sợi, con tằm).
* Đối với y phục nam:
+ Áo cho người chết: khi chết, người đàn ông Mông ở tất cả các nhóm đều mặc áo dài tay nam, quần, dây lưng như ngày thường nhưng bên ngoài phải mặc tạp dề đen như phụ nữ, một số dòng họ người đàn ông khi chết mặc váy phụ nữ. Riêng hai nhóm Mông Hoa và Mông Đỏ, người đàn ông khi chết mặc áo dài tay nữ, loại có vẽ hoa văn bằng sáp ong mà phụ nữ mặc thường ngày hoặc mặc trong lễ tết, hội hè để đi sang thế giới bên kia. Hoa văn được sử dụng ở áo này có hình con bướm, chó nằm ngủ màu vàng hoặc màu trắng ở tay áo và lưng áo.
+ Khăn gối đầu khi chết giống như của nữ. Đồ dùng cho người chết bắt buộc phải được làm từ vải lanh truyền thống, đồng bào quan niệm, phải được dùng vải lanh thì khi sang thế giới bên kia, tổ tiên của họ mới nhận diện được con cháu của mình. Đối với người Mông nói chung, việc chuẩn bị trang phục cho bố mẹ khi chết là của con gái, con dâu và người vợ chuẩn bị cho chồng mình. Nếu là nữ thì còn có chiếc váy mà mẹ đẻ tặng khi đi lấy chồng.
* Đối với y phục trẻ em:
+ Áo, váy trẻ em nữ: từ 3 tuổi trở lên, các bé gái mặc trang phục như người lớn, cũng có vẽ hoa văn bằng sáp ong trên áo và váy nhưng ít hơn nhiều so với trang phục của người lớn.
* Đối với những sản phẩm vải khác có sử dụng hoa văn vẽ bằng sáp ong:
+ Địu trẻ em (lang nhax): Gồm hai nửa ghép lại với nhau, mỗi nửa gồm hai lớp, lớp ngoài của cả hai nửa và nửa dưới của lớp trong đều có vẽ hoa văn bằng sáp ong. Tùy vào sự khéo léo của người mẹ, người bà ngoại (hoặc chị gái của mẹ nếu bà ngoại không còn) mà địu được trang trí các loại hoa văn khác nhau nhằm ý nghĩa bảo vệ được đứa bé và hướng tới nơi có ánh sáng, có mặt trời để có một tương lai tốt đẹp, bình an.
+ Gối, chăn: Là những sản phẩm phục vụ nhu cầu của đời sống mỗi gia đình người Mông, các loại hình hoa văn được sử dụng tùy thuộc vào người tạo tác và sự khéo léo của đôi bàn tay, hướng tới cuộc sống bình yên, no đủ của gai đình. Đó thường là hoa văn hình núi, hình bờ ruộng, hình hạt gạo, hình mặt trăng, mặt trời, sao tám cánh, các loại hình hoa đặc biệt là hoa đào, …
* Các họa tiết hoa văn được tạo
Các loại hoa văn được tạo hình bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái bao gồm nhiều mô típ khác nhau, được những người thợ thủ công kết hợp, sáng tạo làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang tính bản sắc của tộc người. Chủ yếu là các hoa văn hình hình học, đó là những đường ngang, viền đậm, dài hoặc gãy góc tạo ra các khối hình vuông, hình chữ nhật. Có thể chia ra hai mô típ chính là: mô típ hoa văn kỷ hà (tức hình hình học) và mô típ hoa văn tả chân. Các hoa văn kỷ hà mang đặc trưng nguyên thủy hơn những hoa văn tả chân. Mô típ hoa văn tả chân có thể chia ra 04 loại sau: hoa văn hình thực vật, hoa văn hình động vật, hoa văn hình công cụ, vật dụng; hoa văn biểu tượng. Các hoa văn tả chân nhiều khi là sự kết hợp của những hoa văn hình hình học lại với nhau ở mức độ khác nhau mà thành.
Trong quá trình khảo sát các nhóm Mông ở tỉnh Yên Bái, nhóm Mông Hoa thể hiện trình độ trang trí hoa văn bằng sáp ong trên vải phong phú nhất, sắc nét nhất; tiếp đến là nhóm Mông Đỏ và Mông Đen; riêng nhóm Mông Trắng không sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải và y phục của họ cũng đơn giản hơn, ít hoa văn trang trí hơn (chỉ thêu phần cổ áo) so với các nhóm Mông trên.
Tên gọi của hoa văn mang tính chất ước lệ, thấy hoa văn gần giống vật gì quen thuộc trong đời sống thì dùng tên vật đó để gọi tên hoa văn, chủ yếu được goi theo các hiện tượng tự nhiên và hệ thống động thực vật xung quanh khu vực người Mông cư trú mà họ quan sát được để dễ hình dung như hình các con vật, các loại hoa, các loại cây, mặt trời, mặt trăng, … cùng một loại hoa văn nhưng được gọi theo nhiều tên khác nhau ở nhiều nơi khác nhau.
Hoa văn hình hình học như:
+ Hoa văn đường gấp khúc song song (nar kơ): thường được dùng để vẽ viền mép xung quanh, xác định một khung hình (một ô) hoa văn trên váy, áo và phần tiếp giáp giữa các ô với nhau.
+ Hoa văn đường thẳng song song (cêr nđangx): được vẽ ở phần giữa của thân váy và sát cạp váy.
+ Hoa văn hình vuông (xơ luz ntâuz): đây là những ô vuông lớn bao bọc các mảng hoa văn vẽ sáp ong bên trong, cũng để xác định từng ô trước khi trang trí các mảng hoa văn bên trong.
+ Hoa văn hình tam giác (xơ blei pê câu): được sử dụng để trang trí bên trong một khuôn hình hoặc nối các khuôn hình với nhau cũng có khi là lồng các hình tam giác vào nhau hoặc cũng có khi vẽ hai hình tam giác quay đỉnh vào nhau để liên tưởng đến hoa văn hình con bướm.
+ Hoa văn hình chấm tròn (xơ khênh): là các chấm tròn to nhỏ khác nhau, phổ biến hơn là các chấm tròn nhỏ thể hiện trong các ô hoa văn lớn. Được sử dụng nhiều khi trang trí ở vai áo và thân trên của váy.
+ Hoa văn hình dấu nhân (xơ ư công chi kang): có người cho đó là hình con tằm, hình vết chân chuột, thường được trang trí ở phần thân váy.
+ Hoa văn hình răng cưa, có hai loại: răng cưa to (ná cơ) và răng cưa bé (lu), hoa văn này thường sử dụng để trang trí đường viền bên trong ô vuông, bao xung quanh phần trang trí các hoa văn nhỏ bên trong. Hoa văn này thường xuất hiện ở quanh thân váy và vai áo, đồng bào cho rằng đó là hình rặng núi.
Hoa văn hình động vật như:
+ Hoa văn hình con ốc (cư rong hoặc plớ cư): hoa văn này được vẽ trang trí ở phần thân váy, gần sát cạp váy hoặc là những hình xoáy vuông góc 4 cạnh hoặc 8 cạnh thể hiện trên áo dài tay nữ mặc trong lễ hội, cưới xin hoặc lúc chết. Hoa văn này còn được trang trí trên dây thắt lưng sử dụng trong lễ hội và khăn gối đầu dành cho người chết.
+ Hoa văn hình con bướm (nả bâu): thực chất đây là hoa văn hình học nhưng với cách xếp biến thể tạo thành, thông thường loại hoa văn này chỉ gồm hai hình tam giác ghép quay đỉnh vào nhau để tạo thành con bướm chứ không uốn cong theo hình dáng của con bướm như hoa văn thêu. Loại hoa văn này thường xuất hiện trên những đường viền xung quanh phần in sáp ong trên vai áo.
+ Hoa văn hình móng gà (txâu kai): khi in sáp ong trên vải, loại hoa văn được thể hiện là một hình vuông nhỏ, được bao quanh bởi một hình vuông lớn, thường trang trí trên thân váy và vai áo.
+ Hoa văn hình con tằm (cang zư): thường là hình hai gạch chéo giống như dấu nhân, thường được trang trí ở đường viền để phân biệt giữa các ô hoa văn hoặc giữa mảng hoa văn trang trí bằng sáp ong và hoa văn thêu trên thân váy.
+ Hoa văn hình con hến (cang zê): loại hoa văn chỉ sử dụng khi vẽ bằng sáp ong, được thể hiện là hình lục giác, trong có 03 chấm tròn nhỏ, trang trí phổ biến trên vai áo.
+ Hoa văn hình con chó nằm ngủ (đê pu): loại hoa văn cũng chỉ sử dụng khi vẽ bằng sáp ong, đó là những đường thẳng vuông góc và những đường gấp khúc kết hợp với nhau tạo thành hình gần giống hình thoi với những nét ngoặc lớn hướng ra phía ngoài. Hoa văn này thường được trang trí ở giữa hình vuông to tạo khuôn hình và những hoa văn nhỏ trong cùng trong một ô trang trí trên váy hoặc vai áo.
+ Hoa văn vết chân chó (nênh đê): được thể hiện là hình năm chấm tròn nhỏ chụm lại một chỗ, thường trang trí trên thân váy và phần trên sát với cạp váy.
+ Hoa văn hình móng chân trâu (chau nhu): trước kia chỉ sử dụng trong hoa văn thêu, nay có dùng trong vẽ sáp ong để trang trí ở phần thân váy, cũng là những hình tròn chụm lại với nhau, to hơn hoa văn hình vết chân chó.
+ Hoa văn hình vết chân chim (chau zang): là những chấm tròn nhỏ tạo thành hai đường thẳng cắt nhau, nhiều bố cục này nối lại với nhau được gọi là hoa văn hình vết chân chim, được sử dụng trang trí trên vai áo.
+ Hoa văn hình móng lợn (chau bua): là những hoa văn hình chấm tròn nhỏ chụm lại với nhau, gần giống như hoa văn hình vết chân chó, được sử dụng để trang trí trên vai áo và tay áo.
+ Hoa văn vết chân chuột (chau nằng): là hoa văn chấm tròn nhỏ, ba chấm chụm lại một khuôn hình, cũng là những chấm tròn này nếu lệch nhau thì tạo thành hoa văn hình hạt đậu tương, nếu xếp vuông góc thì tạo thành hoa văn hình cái cuốc, được trang trí trên thân váy.
Hoa văn hình thực vật như:
+ Hoa văn hình hạt gạo (nu mov): đây là những dải chấm tròn nhỏ liên tiếp xuất hiện ở phần in sáp ong trên thân váy.
+ Hoa văn hình hạt đậu tương (xảy tảu): loại hoa văn này được thể hiện là 03 chấm tròn nhỏ, thường được trang trí là hoa văn nhỏ bên trong một ô vuông lớn.
+ Hoa văn hình quả trám (lun tau): là loại hoa văn được trang trí phổ biến ở tay áo và thân trên của váy, bên trong mỗi ô vuông họa tiết.
+ Hoa văn hình bông hoa (plớ pằng): là hoa văn có một chấm tròn ở giữa và năm đến tám chấm hình cánh xung quanh, xuất hiện nhiều ở trên thân váy, vai áo, chủ yếu dùng trong hoa văn vẽ sáp ong.
+ Hoa văn hình hoa bí (pằng tau): là loại hoa văn được trang trí phổ biến ở cổ áo dài tay và thân váy, có một chấm tròn ở giữa và 5 cánh đều xung quanh.
+ Hoa văn hình hoa bầu (pằng tâu): được thể hiện giống như hoa bí nhưng nếu có nhuộm màu vàng thì hoa bầu thường là hoa màu trắng còn hoa bí nhuộm màu vàng. Đây cũng là loại hoa văn được trang trí phổ biến ở cổ áo dài tay và thân váy.
+ Hoa văn hình hoa dưa (pằng đi): là hoa văn được in nhiều ở cổ áo và thân dưới của váy. Mẫu hoa văn này được cách điệu ở nhiều kiểu khác nhau nhưng đặc trưng xuyên suốt vẫn là những chấm tròn nhỏ ghép lại tạo thành hoa bốn cánh.
+ Hoa văn hình hoa tỏi (pằng kê): là loại hoa văn có một chấm tròn ở giữa và các cánh đều xung quanh, được thể hiện nhỏ hơn các loại hoa bầu, hoa bí. Loại hoa văn này được sử dụng để trang trí trên vai áo và thân váy.
+ Hoa văn hình hoa đào (pằng dí đùa): là loại hoa văn có hình chấm tròn ở giữa to hơn và xung quanh là các cánh hoa được trang trí dày hơn các loại hoa trên. Đây là hoa văn điển hình, được trang trí trên nhiều sản phẩm như: cổ cáo, vai áo, thân váy, địu trẻ em, …
+ Hoa văn hình hoa cỏ (pằng su): là loại hoa văn hình hoa nhỏ nhất, thể hiện bằng những chấm tròn nhỏ li ti trong các khuôn hình trên thân váy.
+ Hoa văn hình lá cây thông (blông sôu): được thể hiện là những hình tam giác lồng vào nhau, thường được trang trí trên sát cạp váy và vai áo.
+ Hoa văn hình lá cây dương sỉ (blông sua): là những hình chữ "V" xếp liên tiếp nhau và đường vạch chằng chịt theo gân lá, thường được trang trí trên thân váy và vai áo.
Hoa văn biểu tượng như:
+ Hoa văn hình mặt trăng (hli): là loại hoa văn hình chấm tròn khá to và độc lập trong các khuôn hình, được thể hiện trên tay áo và vai áo.
+ Hoa văn hình mặt trời (nuz): có hình tròn ở giữa và từ 5 đến 17 tia sáng tỏa ra xung quanh, thường được trang trí ở tay áo và vai áo.
+ Hoa văn hình sao tám cánh (nur ku): được tạo bởi một hình vuông và năm hình tam giác ghép lại với nhau tạo thành hình ngôi sao, vẽ bằng sáp ong trang trí ở phần vai và tay áo.
+ Hoa văn ánh sáng (dỉ chề): là những chấm hoa văn in sáp ong nhỏ xếp xếp với nhau gần giống hình thoi, trang trí trên tay và vai áo. Đây là loại hoa văn đặc trưng của nhóm Mông Hoa (Mông Lềnh hay Mông Lình) ở tỉnh Yên Bái.
+ Hoa văn hình chữ "thập" (tô khau li): là hình hai đường thẳng cắt nhau vuông góc từ đơn giản đến phức tạp. Hoa văn hình chữ "thập" được sử dụng khá nhiều trên các mảng hoa văn trang trí trên thân váy, tay và vai áo của các nhóm.
+ Hoa văn đường dích dắc (hồi văn), (chư xông hay chứ háu lềnh): đó là những hình gấp khúc, được lặp đi lặp lại bằng những đoạn thẳng ngắn bằng nhau và độ gập khúc cũng bằng nhau. Đây là loại hoa văn đơn giản, nó thường được kết hợp với một vài hoa văn đơn giản khác để tạo nên những hoa văn mới trên thân váy, vai áo.
+ Hoa văn hình bờ ruộng (làn đáy): đó là những đường thẳng song song không liên tiếp nhau, được trang trí viền ở mỗi ô vuông trên tay áo.
+ Hoa văn hình rặng núi (ca đa): Đây là một dạng của đường dích dắc thẳng đứng, mà đỉnh nhọn cắt nhau giữa hai đường thể hiện là đỉnh núi, nhiều đường dích dắc như vậy lặp đi lặp lại tạo thành rặng núi hay dãy núi theo liên tưởng của cộng đồng.
+ Hoa văn hình khuỷu chân (lu chề): đây là những hình gấp khúc được tạo bởi những chấm tròn (chủ yếu bằng nghệ thuật vẽ sáp ong) để in hoa văn trang trí ở phần cổ áo dài tay.
Hoa văn hình công cụ, vật dụng như:
+ Hoa văn hình cái cuốc (chang klâu): là những chấm tròn nhỏ, xếp vuông góc với nhau, tạo thành hình cái cuốc, hoa văn này được trang trí chủ yếu ở phần thân váy.
+ Hoa văn hình lưỡi cày (háu cày): là dạng hoa văn hình tam giác, nhọn, giống lưỡi cày, được sử dụng để trang trí trên thân trên của váy và trên địu trẻ em.
+ Hoa văn hình cái sàng gạo (plớ có chàu): là hoa văn sử dụng đường viền tròn liền, bên trong có những chấm tròn rất bé, tượng trưng cho mắt sàng, trang trí trên thân váy sát cạp.
+ Hoa văn hình chân ghế (Chì tò): là những hoa văn hình vuông tạo thành mảng, là nơi chuyển tiếp giữa hai mảng hoa văn in sáp ong trên vai áo và tay áo.
+ Hoa văn hình cái then cửa (tù làng): là hình giống chữ "t" viết thường, được dùng nhiều trên thân váy và vai áo để ngăn cách giữa các mảng trang trí hoa văn.
+ Hoa văn hình đồng tiền có lỗ ở tâm (tau nha hoặc pằng tau): là hoa văn hình vuông, thủng lỗ ở giữa, thường được sử dụng để trang trí ở thân váy và vai áo.
Có thể thấy, hệ thống hoa văn của người Mông khá phong phú nhưng mỗi loại hoa văn này lại có những biến cách riêng tùy vào sự khéo léo và óc sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình thực hành để vượt lên sự thô sơ, tạo nên sự đa dạng, nhiều cách điệu, đạt trình độ biểu đạt thẩm mỹ cao. Từ một dạng hoa văn cơ bản, người Mông biết kết hợp nhiều kiểu với nhau tạo nên sự đa dạng trong hệ thống hoa văn và thể hiện tư duy sáng tạo của cộng đồng. Ví như: cùng là hình tam giác, nếu đứng một mình sẽ tạo điểm nhấn cho họa tiết vẽ sáp ong, nếu quay hai đỉnh vào nhau thì tạo thành hoa văn hình con bướm, nếu dùng bốn con bướm đính các cạnh lại với nhau thì tạo thành ngôi sao tám cánh, nhiều sao tám cánh chồng chất trong một ô vuông theo từng lớp thì tạo thành hoa văn hình mặt trời hoặc cùng là họa tiết chấm tròn nhỏ, nếu đứng riêng thì là biểu tượng của hạt gạo, hạt đậu tương, nếu sử dụng một chấm ở giữa và 5 đến 8 chấm xung quanh sẽ tạo thành bông hoa hoặc chấm liên tiếp thành dải chạy xung quanh thân váy, …
Trong hệ thống những hoa văn được người Mông ở tỉnh Yên Bái sử dụng để tạo hình bằng sáp ong có những hoa văn rất phổ biến trong nghệ thuật tạo hình cổ xưa ở Đông Nam Á và Việt Nam như: hoa văn mặt trời, sao tám cánh, hình xoáy trôn ốc, cây dương sỉ.
* Về bố cục hoa văn:
Quan sát tổng thể, cách bố cục tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải ở người Mông tỉnh Yên Bái chúng tôi nhận thấy: sử dụng hình thức bố cục mảng, tạo thành các ô hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình thoi trên bề mặt vải là chủ đạo, các đồ án hoa văn nhỏ và rất nhỏ, nhiều nên trang trí tập trung, dày, các đường nét và hình họa thường chen chúc, luồn lách, ít gặp bố cục thoáng.
Một đặc điểm nổi bật là bố cục đăng đối, cặp đôi, cặp bốn, lấy hoa văn chính làm trung gian, các mô típ hoa văn thay nhau làm hoa văn chính (hoa văn vệ tinh) đứng vào vị trí đăng đối trên từng đồ án, có những đường viền xung quanh to nhỏ khác nhau, thể hiện tư duy của người tạo hình và sự sinh động trên từng mảng hoa văn.
* Về bố cục màu sắc:
Về cơ bản, việc tạo hình hoa văn trên vải của người Mông (ở cả ba kỹ thuật: thêu, vẽ sáp ong và ghép vải) cũng chỉ có 5 màu cơ bản: chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Nếu xét riêng về màu sắc của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong thì chỉ có hai màu cơ bản là màu trắng (nhuộm chàm nhiều chuyển thành xanh lơ nhạt) và màu vàng trên nền chàm tối.
Xét về tổng thể của một đồ án trang trí hoa văn trên một khuôn vải nhất định thì màu xanh lơ nhạt của vải in sáp ong trở thành màu trung gian, dung hòa các màu đậm của vải ghép, chỉ thêu và màu chàm tối của nền vải nhuộm. Bởi thế mà màu sắc, đường nét, mô típ của hoa văn có sự chuyển động khá phong phú, mát mắt mà vẫn tạo điểm nhấn được cho các sản phẩm. Bảng màu của người Mông so các tộc người Tày, Thái, Mường thì không nhiều hơn nhưng từ sự kết hợp tinh tế của các kỹ thuật tạo hình hoa văn và phối hợp màu sắc đã làm cho người xem cảm thấy các sản phẩm của người Mông luôn nổi bật hơn về màu sắc.
VII. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được người Mông thể hiện trên nhiều sản phẩm khác nhau như: váy, áo, gối, địu, đai váy sử dụng trong đời sống thường nhật của cộng đồng và sử dụng cho cả người chết sang thế giới bên kia; ngày nay, nghệ thuật này rất được khách du lịch ưa chuộng trong các sản phẩm thủ công như: balo, túi các loại, khăn trải bàn, rèm, gối, chăn, tranh, ... bởi vậy, không gian văn hóa có liên quan đến di sản là khá rộng, thể hiện ở nhiều mức độ không gian khác nhau, trong những thời điểm cụ thể khác nhau, xuyên suốt đời sống sinh hoạt của cộng đồng, gắn với những thời điểm quan trọng trong chu kỳ cuộc đời mỗi con người, từ khi sắp sinh, sinh ra (cái địu), trong đám cưới (các sản phẩm mà người con gái phải có để tặng cha mẹ đẻ và mang theo tặng gia đình nhà chồng) đến bộ y phục mà người chết phải có để mặc khi sang thế giới bên kia. Ngoài ra, từ những bộ y phục thường ngày đến những bộ y phục diện trong ngày lễ, ngày hội hay khi tham dự các nghi lễ: hỏi - cưới, tang ma, các nghi lễ của gia đình, dòng họ, cộng đồng, đất nước, .... đều mang trong đó nghệ thuật tạo hình độc đáo này. Dù cách thức trang trí ít hay nhiều, hoa văn trang trí đơn giản hay phức tạp thì nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong vẫn luôn hiện diện trong mọi mặt của đời sống cộng động, đặc biệt là trong ứng xử với người đã chết thì việc thực hành và đảm bảo tình truyền thống của nghệ thuật này luôn được coi trọng và không hề biến dạng. Việc thực hành và truyền dạy được cộng đồng tự nguyện bảo lưu và trao truyền từ đời này qua đời khác, đó được coi như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng người Mông. Di sản được những người phụ nữ Mông thực hành nhưng nó hiện diện trong hầu hết không gian văn hóa sinh hoạt của cả cộng đồng tộc người.
Gắn với nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải, có rất nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản. Những giá trị vật chất điển hình có thể kể đến chính là các sản phẩm được sử dụng để thực hành di sản và những sản phẩm được tạo ra trong quá trình thực hành di sản ấy như vải lanh, bút vẽ, sáp ong, cây chàm và các loại cây nhuộm màu khác; váy, áo, gối, địu trẻ em, túi xách, khăn trải bàn, rèm trang trí, chăn, tranh các loại, .... Những sản phẩm tinh thần gắn với di sản rất phong phú, đa dạng. Có thể nói, với vai trò của mình, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải gắn với nhiều sản phẩm tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là tri thức dân gian. Sản phẩm của nghệ thuật tạo hình này là kết tinh phản ánh quá trình lịch sử tộc người, văn hóa tộc người, trình độ thẩm mĩ cũng như thế giới quan, nhân sinh quan tộc người rất rõ nét.
VIII. Giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể
1. Giá trị lịch sử: Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là một di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, có lịch sử lâu đời trong xã hội cộng đồng tộc người, nó phản ánh quá trình lịch sử của tộc người rất rõ nét. Mỗi loại hình hoa văn, mỗi cách thể hiện đều mang những ý nghĩa riêng của nó, gắn với lịch sử di cư, lịch sử cư trú, lịch sử xã hội, lịch sử kinh tế - văn hóa của tộc người. Như thế, nghiên cứu mỗi loại hoa văn cũng như cách thức thể hiện và ý nghĩa của nó đều cho ta thấy được phần nào bức tranh nhiều màu sắc của lịch sử xã hội tộc người.
Các hình họa mà người Mông gửi gắm lên vải bằng nghệ thuật tạo hình bằng sáp ong này chủ yếu là những họa tiết mô tả thiên nhiên xung quanh cuộc sống của con người (mặt trời, ngôi sao, rặng núi, bờ ruộng, ...), đặc biệt là hệ thống động thực vật trong đời sống của những con người hái lượm (hoa bầu, hoa bí, con ốc, con hến, ...), vắng bóng những hình ảnh là đối tượng của hoạt động săn bắt (như các loại cung, nỏ, gươm, giáo, lao, hổ, báo, thỏ, sóc ...). Qua hệ thống hoa văn, chúng ta nhận thấy rõ có khuynh hướng nghiêng về nữ giới và nữ tính. Đó là dòng nghệ thuật trong văn hóa mẫu hệ. Mặc dù, cộng đồng người Mông đã là một xã hội phụ hệ gia trưởng cực quyền từ lâu nhưng dòng nghệ thuật độc đáo này vẫn được bảo tồn qua hệ thống hoa văn trên bề mặt vải cho đến ngày nay như một tàn dư của văn hóa mẫu hệ có sức sống bền bỉ, nguyên gốc, thuần khiết và tiêu biểu.
Một số loại hoa văn đã phản ánh những đặc điểm lịch sử của tộc người như: hoa văn hình xoáy trôn ốc giúp ta liên tưởng tới một thời kỳ mà người Mông sinh sống ở vùng thấp và canh tác lúa nước, tiếp xúc với nhiều loại sinh vật sống dưới nước như một số ý kiến khoa học đã chỉ ra khi nghiên cứu về lịch sử canh tác và lịch sử xã hội tộc người. Hoặc hoa văn hình chữ "S" nằm ngang theo nhiều nhà nghiên cứu thì đó là hình mặt trời cách điệu, hoa văn hình đồng tiền (hình vòng tròn có chấm ở giữa), hoa văn sao 8 cánh đều là biến thể của hình mặt trời, sấm chớp, các hiện tượng tự nhiên đã cho thấy nhu cầu về nguồn nước của cư dân nông nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới hoặc hoa văn xoắn vuông góc từng cặp đôi, cặp bốn kết hợp với nhau trong một ô vuông tạo thành môtíp trang trí có 8 hình xoắn vuông góc hoặc 4 hình xoắn vuông góc với nhiều biến dạng khác nhau mà theo truyện cổ Mông thì đây là hình cong của sừng trâu – một con vật quan trọng hàng đầu của cư dân nông nghiệp. Theo nhiều nhà nghiên cứu đã so sánh, đối chiếu thì loại hoa văn uốn vuông góc này đã tìm thấy trên các đồ gốm, đồ đồng Trung Hoa từ thời Thương (năm 1600 – 1028 TCN), Chu (năm 1028 – 257 TCN) cách ngày nay từ 2.260 – 3600 năm, phải chăng những hoa văn được người Mông sử dụng hiện nay có lịch sử rất lâu đời và có nguồn gốc gần với văn hóa Hán và mang những giá trị biểu tượng về mong ước một cuộc sống no đủ.
Các hoa văn liên quan đến hệ thống thực vật xung quanh đã cho thấy môi trường sống chủ yếu của cộng đồng trong lịch sử như: hoa , quả, cây bí, cây dưa, cây rau dớn, cây dương sỉ, ... Qua nghiên cứu, so sánh hệ thống hoa văn trên vải của người Mông đã cho thấy nó đã có lịch sử tồn tại từ trước khi người Mông vào Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
2. Giá trị văn hóa: Hệ thống hoa văn được tạo ra không chỉ tạo nên một tấm vải đẹp, một bộ y phục đẹp mà nó còn là sản phẩm của yếu tố văn hóa và tâm linh của tộc người, nó phản ánh cách cảm nhận, cách suy nghĩ của từng cá nhân và của cả cộng đồng trong quá trình lịch sử. Qua thực tiễn lao động sản xuất với sự quan sát tinh tế, người phụ nữ Mông đã khái quát hóa những hình ảnh quen thuộc thành những hình tượng nghệ thuật giàu thẩm mĩ. Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, là sản phẩm sở hữu chung của đồng bào, mang những giá trị rất riêng của văn hóa Mông, góp phần không nhỏ vào tín hiệu quan trọng đầu tiên giúp nhận biết tộc người. Mỗi nét hoa văn, mỗi kiểu kết hợp, mỗi cách tư duy, thực hành đều thể hiện những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện những cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên, với cuộc sống, với lịch sử, với thế giới tâm linh.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải hội tụ nhiều tri thức dân gian độc đáo về nghệ thuật, thẩm mỹ, văn hóa vật chất tạo nên từ môi trường sống của tộc người trong đời sống thường nhật cũng như tâm linh, tín ngưỡng truyền thống. Sản phẩm của di sản còn là hình thức biểu hiện của ngữ văn dân gian khi mang trong mình những câu truyện gắn với lịch sử, đời sống, văn hóa tộc người; của tập quán xã hội và tín ngưỡng khi mỗi sản phẩm đặc trưng gắn với mỗi giai đoạn trong chu kỳ đời người từ khi được sinh ra, tới lúc hỏi – cưới rồi chết đi; của nghề thủ công truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác, tạo ra sản phẩm mang đặc trưng văn hóa riêng, phục vụ nhu cầu của đời sống cộng đồng.
Hệ thống tri thức dân gian này tồn tại và phát triển xuyên suốt trong lịch sử tộc người, được truyền dạy qua nhiều thế hệ, được cộng đồng tự bảo lưu, tự trao truyền và thực hành thường xuyên trong đời sống, đã thể hiện sức sống bền vững của một di sản văn hóa độc đáo, lâu đời.
3. Giá trị khoa học: Qua nghiên cứu hệ thống hoa văn được tạo hình bằng sáp ong cũng như cách thể hiện và ý nghĩa của chúng trên mỗi sản phẩm giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức khoa học xã hội và nhân văn về đời sống vật chất, tinh thần, các hoạt động kinh tế và quá trình lịch sử của cộng đồng tộc người Mông nói chung.
Di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa – xã hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian, kinh tế truyền thống của đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái nói riêng cũng như người Mông ở Việt Nam, trong khu vực và thế giới nói chung. Di sản chứa đựng những sáng tạo nghệ thuật mang tính khoa học độc đáo, được biểu hiện qua cách thức thể hiện, kết hợp, giải thích của mỗi "nghệ nhân" tạo hình với sự đa dạng trong mỗi loại hoa văn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều thể hiện sự biến hóa độc đáo của người "họa sĩ" với sự sáng tạo riêng, mang tính khoa học mà vẫn không mất đi cái gốc, cái truyền thống của di sản, phản ánh sự đa dạng văn hóa trong cái chung, cái thống nhất và óc sáng tạo của tộc người.
4. Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, đặc sắc, riêng có của cộng đồng, được sử dụng trong những không gian văn hóa khác nhau thể hiện trình độ thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cao của tộc người. Hệ thống tri thức dân gian được lưu truyền từ đời này qua đời khác cộng với sự sáng tạo nghệ thuật được bồi đắp qua các thế hệ, kết hợp giữa tư duy và động tác của người "họa sĩ bản làng" đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang những giá trị văn hóa đặc trưng, là dấu hiệu rõ nét đầu tiên phân biệt người Mông với các cộng đồng tộc người khác. Đó là giá trị nghệ thuật đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao của tộc người, có sức lan tỏa trong một không gian và thời gian rộng lớn. Di sản mang vẻ đẹp từ khuôn hình được tạo cho đến ý nghĩa nhân sinh, mục đích làm cho người ta chiêm nhiệm, suy ngẫm bằng các giác quan, từ đó khâm phục, ngưỡng mộ, ưa chuộng. Trong lịch sử phát triển loài người, con người sáng tạo các loại hình nghệ thuật để làm phong phú hơn cuộc sống, giúp con người thêm tự tin tồn tại và phát triển. Vì vậy, sáng tạo nghệ thuật là quy luật tất yếu và là nhu cầu không thể thiếu của con người. Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông cũng không nằm ngoài quy luật đó, nó thể hiện những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển, trước ước vọng vươn tới cái đẹp, cái đủ đầy, no ấm của con người. Đó chính là vẻ đẹp bất biến, cao cả của giá trị nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc này.
Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông thể hiện trình độ nghệ thuật và óc sáng tạo cao của tộc người, bởi nó không sao chép hiện thực, mà nó dùng hình tượng sinh động cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền tải hiện thực. Sự phản ánh hiện thực ấy được thông qua lăng kính và cái nhìn của con người với những cảm xúc thẩm mĩ, sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, ý nguyện, tình cảm và những khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng. Đó chính là cái đẹp, cái cao cả của giá trị nghệ thuật đích thực mà di sản mang lại.
5. Vai trò của di sản trong đời sống của người Mông: Trong cộng đồng của người Mông ở tỉnh Yên Bái hiện nay, cơ bản nữ giới từ thiếu niên đến tuổi trưởng thành đều biết tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải, thậm chí còn nhuần nhuyễn với những động tác này, bởi đó là cách thức đầu tiên và quan trọng để góp phần tạo nên bộ trang phục truyền thống, phục vụ nhu cầu của mỗi cá nhân trong đời sống thường nhật, tiếp đó là các sản phẩm không thể thiếu được sử dụng hằng ngày trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng được tạo nên từ đôi bàn tay của người phụ nữ Mông.Với sự hiện diện thường xuyên và liên tục của những sản phẩm có sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn này trong đời sống tộc người ở nhiều phương diện khác nhau đã khẳng định vai trò không thể thiếu của di sản.
Đây chính là di sản văn hóa phi vật thể không thể thiếu để tạo nên sản phẩm vật thể độc đáo, quan trọng trong đời sống của cộng đồng, trước hết là phục vụ nhu cầu của đời sống vật chất tộc người (nhu cầu mặc) bởi đối với cộng đồng người Mông ở tỉnh Yên Bái cho đến nay, việc sử dụng y phục truyền thống và những sản phẩm thủ công trong đời sống thường nhật vẫn được duy trì, bảo lưu rất tốt, đồng bào không sử dụng hoặc rất ít khi sử dụng y phục của những tộc người khác, kể cả đối với tầng lớp thanh thiếu niên và trẻ em. Từ việc bảo lưu rất tốt những giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng dẫn tới việc duy trì và truyền dạy tri thức để tạo ra những sản phẩm vật chất phục vụ nhu cầu tinh thần ấy cũng được cộng đồng tự nguyện trao truyền và bảo lưu rất tốt, đối với di sản này, đó là những sản phẩm bằng vải có sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên địu, gối, chăn, đồ dùng cho người chết, … không thể vắng bóng và không thể sai lệch về chất liệu cũng như quy trình tạo sản phẩm và các mẫu hoa văn.
Đây là di sản văn hóa phi vật thể điển hình, kết tinh trong những sản phẩm vật chất đặc trưng, không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất cũng như tinh thần của tộc người. Bởi vậy, nó có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống cộng đồng, là di sản góp phần thỏa mãn nhu cầu của đời sống thực tại và tâm linh tộc người.
IX. Hiện trạng Di sản văn hóa phi vật thể
Từ xưa đến nay, việc thực hành di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông tỉnh Yên Bái được những người phụ nữ duy trì thường xuyên, liên tục, nhuần nhuyễn từ đời này qua đời khác, trước hết là để phục vụ nhu cầu của đời sống thường ngày trong các gia đình, dòng họ (làm váy, áo, gối, địu, đai váy, …); cùng với sự phát triển của hoạt động trải nghiệm văn hóa tộc người tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây, di sản đã được phát huy, mở rộng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch với nhiều sản phẩm thủ công được ưa chuộng như: túi, balo, khăn trải bàn, rèm trang trí, chăn, tranh các loại, …
Đến với các bản Mông vùng cao ở tỉnh Yên Bái, chúng ta không khó để bắt gặp những người phụ nữ ngồi bên bếp lửa, cạnh chảo sáp ong, cặm cụi, tỉ mỉ tạo những đường nét hoa văn độc đáo trên tấm vải lanh truyền thống. Họ tranh thủ vẽ mọi lúc khi có thời gian rảnh, ở mọi nơi khi có bếp lửa và sáp ong đã nóng chảy. Vào những khi nông nhàn, đâu đâu cũng có thể gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông đang say sưa tạo tác. Tạo hoa văn để làm y phục và các sản phẩm thủ công truyền thống khác từ vải khác đối với người phụ nữ Mông, giống như cơm ăn, nước uống và hít thở không khí hằng ngày, trong bất cứ không gian, thời gian, hoàn cảnh nào cũng có thể thực hành và thực hành thuần thục, đó còn được coi như tiêu chuẩn để đánh giá về một người vợ, người mẹ khéo tay, đảm đang trong gia đình, dòng họ người Mông.
Hằng năm, các địa phương trong tỉnh Yên Bái thực hiện nhiều chương trình, nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh nhằm giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có tộc người Mông mà nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, không thể thiếu trong các chương trình, sự kiện như thế. Có thể kể đến như: các sự kiện văn hóa du lịch được tổ chức tại các địa phương trong cả nước mà tỉnh Yên Bái có tham gia; các hoạt động mừng Đảng mừng xuân hằng năm; lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; các hoạt động du lịch "mùa vàng", "mùa nước đổ", "lễ hội hoa tớ dày" trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, ... trong đó chú trọng tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc Mông, các hội thi tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được thực hành và phô diễn hiệu quả tại những sự kiện này đã góp phần quảng bá, giới thiệu di sản truyền thống này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 02 cá nhân được tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái, lĩnh vực tri thức dân gian đều thuộc loại hình nghệ thuật tạo hình hoa văn này, đó là: Bà Lý Thị Ninh và bà Hờ Thị Chư, đều ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.
Đối với cộng đồng người Mông ở tỉnh Yên Bái hiện nay, đại bộ phận vẫn mặc y phục truyền thống trong đời sống thường ngày, đặc biệt là nữ giới (trừ một bộ phận người Mông là cán bộ, đi làm thường ngày mặc âu phục), các hoa văn được trang trí trên y phục không có nhiều thay đổi.
Về chất liệu vải, đến nay, đã có một bộ phận nhỏ người Mông cư trú gần người Thái có thay đổi về chất liệu vải, thay vì vẽ trên vải lanh, đã có người vẽ trên vải bông, họ cho rằng: "vải bông mặc nhẹ hơn vải lanh, nhất là khi trời mưa, vẽ hoa văn cũng dễ và đẹp hơn" hoặc "làm vải lanh khó quá, vải của nhà nước rẻ lại có nhiều màu và đẹp hơn" còn đại bộ phận người Mông vẫn duy trì nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên chất liệu truyền thống (vải lanh), họ cho rằng: "váy phải may bằng vải lanh mới đẹp, vải bông nhẹ không giữ được nếp nên không đẹp, vải lanh bền hơn vải bông nhiều, nhất là khi đi rừng". Đặc biệt, những vật có trang trí hoa văn bằng sáp ong sử dụng trong lễ, tết, hội hè, hỏi cưới, sử dụng cho người chết sang thế giới bên kia, người Mông ở tỉnh Yên Bái sử dụng hoàn toàn bằng vải lanh với những hoa văn truyền thống. Có thể khẳng định, việc sử dụng y phục truyền thống cũng như nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải đối với người Mông ở tỉnh Yên Bái vẫn được bảo lưu rất tốt trong đời sống hằng ngày.
Đồng bào vẫn duy trì việc trồng lanh trên các nương, trồng chàm để nhuộm vải (vẽ hoa văn bằng sáp ong thì nhuộm chàm là khâu bắt buộc để nổi hoa văn), nhuộm màu vàng từ một loại cây dây leo trên rừng (cây măng đằng), các màu nhuộm khác, người Mông có sử dụng thuốc nhuộm hóa học (bán sẵn) nhưng không nhiều. Đối với công đoạn dệt, đã có một số gia đình có điều kiện mang vải lanh đến các bản Thái thuê dệt và một số gia đình dùng máy để may áo, đại đa số các gia đình vẫn dệt thủ công với khung dệt cổ truyền và khâu tay, riêng với váy thì vẫn khâu tay hoàn toàn.
Về các mẫu hoa văn: các nhóm Mông ở huyện Mù Cang Chải rất ít biến đổi từ mẫu mã đến phong cách tạo hình, đặc biệt là nhóm Mông Hoa và Mông Đen, hệ thống hoa văn và cách trang trí cơ bản vẫn sát với truyền thống, chỉ có nhóm Mông Đỏ là có bị ảnh hưởng bởi nhóm Mông Hoa. Ở huyện Trạm Tấu và Văn Chấn, váy của người phụ nữ Mông Đen có sự thay đổi, họ dùng vải màu ghép thành các ô to nhiều hơn, ít các ô vải nhỏ chồng ghép lên nhau, ít vẽ hoa văn bằng sáp ong hơn trước kia, nhiều người lại trang trí giống váy của người Mông Đỏ, hoa văn dùng sáp ong ít và đơn giản hơn. Nếu như ở huyện Mù Cang Chải các nhóm sử dụng cách tạo hình hoa văn bằng sáp giống với truyền thống trên các vị trí cố định trên trang phục, trên địu thì các nhóm Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Văn Chấn ít sử dụng hoa văn vẽ bằng sáp ong ở những vị trí cố định và thay vào đó là ghép vải màu hoặc thêu với những hoa văn đơn giản hơn trước, thậm chí thêu bằng máy.
Về màu sắc và phong cách tạo hình: nhìn chung các nhóm Mông ở huyện Mù Cang Chải vẫn giữ được phong cách tạo hình truyền thống, cầu kỳ hơn, màu sắc trầm hơn, thực hành nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong đầy đủ và nguyên gốc hơn, trong khi các nhóm Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Văn Chấn sử dụng nhiều màu sắc sặc sỡ hơn, ít trang trí bằng hoa văn sáp ong hơn, đường nét hoa văn cũng đơn giản, ít tinh tế hơn, có sự can thiệp nhiều của máy móc công nghiệp hơn.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, chú trọng. Tháng 5/2020, huyện Mù Cang Chải đã Quyết định thành lập Tổ thêu dệt thổ cẩm Chế Cu Nha với 20 thành viên (ở các bản Dề Thàng, Chế Cu Nha, Thào Chua Chải), đến nay, tổ này đã lên tới 35 thành viên, trong đó có 10 thành viên ở các xã lân cận như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề, … Tổ đã hình thành Hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công để phục vụ thị trường cả trong và ngoài nước, phục vụ khách du lịch (đặc biệt là khách nước ngoài) khi đến với huyện Mù Cang Chải.
Ngoài việc thêu hoa văn trên vải thì việc sử dụng nghệ thuật tạo hình bằng sáp ong được tổ hợp tác thực hành rất thường xuyên để tạo các sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu trong cộng đồng, đặc biệt là sự ưa chuộng của du khách quốc tế đối với loại hình nghệ thuật này. Từ hoạt động của tổ, các thành viên đã tổ chức 02 lớp truyền dạy nghề ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, đưa số lượng người thực hành di sản lên trên 70 người; phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện Mù Cang Chải mở lớp tập huấn cho 26 chị em về nghề thêu dệt thổ cẩm, tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải; từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã đã phối hợp với các trường học truyền dạy cho hơn 50 học sinh thuần thục các kỹ thuật về vẽ, thuê hoa văn trên vải. Tới đây, Hợp tác xã có kế hoạch tổ chức truyền dạy ngay tại làng nghề cho những cá nhân có nhu cầu, đồng thời làng nghề cũng là nơi diễn ra các hoạt động trải nghiệm và mua sắm của du khách (đặc biệt là khách quốc tế) khá hiệu quả trong những năm gần đây. Hợp tác xã cũng luôn chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn khởi nghiệp, các triển lãm nghề thủ công trên toàn quốc, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá trên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Hoạt động của tổ hợp tác không chỉ giúp bảo tồn, gìn giữ, quảng bá, phát huy giá trị của di sản mà còn giúp cho các thành viên có thêm thu nhập hằng tháng, ổn định hơn về kinh tế đối với nhiều chị em.
Trong những năm gần đây, thực hiện dự án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội đã phối hợp với Hợp tác xã thổ cẩm Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đến với đông đảo công chúng thủ đô và du khách quốc tế, thu hút rất nhiều người tham gia trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm như: gối các loại, chăn, túi đeo, khăn trải bàn, áo, tranh và nhiều sản phẩm trang trí khác. Tại đây, các nghệ nhân đã trực tiếp tham gia tạo sản phẩm và hướng dẫn du khách thực hành như một hoạt động bảo tồn, kết nối cộng đồng, giới thiệu, quảng bá và phát triển sâu rộng di sản của cộng đồng đến cộng đồng du khách trong nước và quốc tế rất hiệu quả. Bằng nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu, các sản phẩm của Hợp tác xã hiện không chỉ bán ở trong huyện, trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở nhiều địa phương khác như: Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai) và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tại các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều có các chương trình dạy và học vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải tại trường, thực hiện thường xuyên, liên tục trong các giờ ra chơi, ngoại khóa, phấn đấu mỗi học sinh bán trú tự làm ít nhất 01 sản phẩm làm vật dụng cá nhân. Tại trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải đã có 01 tổ tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải với 15 học sinh nữ, hình thành phong trào chung của các đơn vị nhà trường nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống phù hợp với lứa tuổi, giới tính và phong tục tập quán của dân tộc; góp phần thúc đẩy mô hình trường học du lịch, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn huyện và đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mông đến thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân một cách sâu rộng, quảng bá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với du khách, dần đưa di sản trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.
Tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, năm 2022, đã hình thành tổ hợp tác sản xuất và phát triển sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Mông xã Suối Giàng với 5 thành viên, trong đó có thực hành thuần thục và đầy đủ các họa tiết hoa văn được tạo từ sáp ong truyền thống, tổ hợp tác hoạt động tương đối ổn định và đã cho ra được nhiều sản phẩm thủ công có giá trị nghệ thuật phục vụ hoạt động trải nghiệm và mua sắm của khách du lịch khi đến với Suối Giàng.
Năm 2021, Tỉnh đoàn Yên Bái phát động cuộc thi "Tuổi trẻ Yên Bái giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc", thí sinh Khang Thị Bla, sinh năm 1998, dân tộc Mông ở bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải bằng tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc, lấy cảm hứng từ nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong, đã thể hiện tác phẩm của mình thông qua việc kể về quy trình vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống của đồng bào Mông đầy sinh động và hấp dẫn. Tác phẩm sau khi được đăng tải đã thu hút đông đảo lượng người truy cập, theo dõi, bình chọn, được Ban Tổ chức đánh giá cao và xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi đã thể hiện vai trò của di sản trong cộng đồng tộc người Mông cũng như sự đánh giá cao về giá trị của di sản trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm, trong đó coi di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là một di sản tiêu biểu của đồng bào Mông, được chú trọng truyền dạy và phổ biến trong cộng đồng, trong các trường học và coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông trên địa bàn các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được xác định là một di sản văn hóa tiêu biểu của người Mông, tương lai sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, được nhiều du khách lựa chọn và trải nghiệm. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đã được đưa vào nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giúp di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững nhất, có thể kể đến một số định hướng lớn như: Đề án giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, giai đoạn 2013-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng huyện MCC trở thành huyện du lịch, giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển du lịch huyện Trạm Tấu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 21-NQ/HU, ngày 28/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động số 10/CTr-UBND, ngày 16/9/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/HU của Huyện ủy Mù Cang Chải; Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn háo dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải …
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)
444 lượt xem
Ban Biên tập
Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL công nhận “ Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc giaI. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Tên thường gọi: Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông.
- Tiếng Mông viết là: Tsưr ziv hnuaz chaz mur changz sâu ntâuz (đọc là: chứ dỉ mua cha mú chang sâu tâu), nghĩa là: nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải.
2. Tên gọi khác: Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông.
II. Loại hình
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông được xếp vào loại hình “Tri thức dân gian”.
III. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể
Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch chứng nhận “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông” huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
(Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Chứng nhận "Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho tỉnh Yên Bái)
IV. Địa điểm phân bố Di sản
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 107.049 người Mông (chiếm 13,03% dân số toàn tỉnh), được chia thành 04 nhóm: Mông Đu (Mông Đen), Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Si (Mông Đỏ), Mông Lềnh (Mông Hoa), các nhóm vừa sống tập trung vừa đan xen với nhau tại 40 xã thuộc 05 huyện.
Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông” được phân bố tại 40 xã thuộc 05 huyện: Huyện Mù Cang Chải; Huyện Trạm Tấu; Huyện Văn Chấn; Huyện Trấn Yên; Huyện Văn Yên như sau:
Huyện Mù Cang Chải có tổng số là 57.179 người Mông, chiếm hơn 91% dân số toàn huyện, phân bố ở 14/14 xã, thị trấn: Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Cao Phạ, Chế Cu Nha, Chế Tạo, Hồ Bốn, Khao Mang, Kim Nọi, Lao Chải, Mồ Dề, Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, thị trấn Mù Cang Chải; Huyện Trạm Tấu có tổng số là 26.570 người Mông, chiếm 77% dân số toàn huyện, phân bố ở 13/13 xã, thị trấn: Trạm Tấu, Pá Hu, Phình Hồ, Tà Xi Láng, Làng Nhì, Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Túc Đán, Pá Lau, Pá Hu, Hát Lừu và thị trấn Trạm Tấu; Huyện Văn Chấn có tổng số là 13.353 người Mông, chiếm 7,84 % dân số toàn huyện, phân bố tại các xã: xã Suối Giàng, Suối Quyền, Suối Bu, An Lương; Huyện Trấn Yên có tổng số là 1.270 người Mông, chiếm 1,9% dân số toàn huyện, phân bố ở hai xã: Hồng Ca, Kiên Thành; Huyện Văn Yên có tổng số là 6.349 người Mông, chiếm 4,4% dân số toàn huyện, tập trung ở xã Nà Hẩu.
V. Chủ thể văn hóa
Cộng đồng người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
VI. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Quá trình ra đời và tồn tại của di sản
Người Mông vào tỉnh Yên Bái trên địa bàn huyện Mù Cang Chải cách ngày nay khoảng gần 300 năm và di cư làm nhiều đợt. Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Mông ở Quý Châu (Trung Quốc) di cư xuống Vân Nam và Việt Nam vào Bắc Hà, xuống Phố Lu, lên Sa Pa (Lào Cai), đi sang Than Uyên, từ đó di cư sang Mù Cang Chải và các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái ngày nay. Đến nay, người Mông ở huyện Mù Cang Chải vẫn coi "Lồng Cống" (Lùng Cúng nay thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) "Lồng Mù" (Nay thuộc xã Tùa Mông, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, giáp ranh với xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, trước kia là địa danh liền kề khi chưa phân địa giới hành chính) là vùng đất tổ. Khi chết, trong bài hát chỉ đường phải dẫn linh hồn về vùng đất này và từ đó mới được về trời. Những nhóm người Mông đầu tiên đến đây thuộc các họ Vàng, Thào, Giàng, Sùng, Cứ, Hồ, Hảng, Mùa, Lý, Phàng, Lầu, … trong đó họ Giàng là đông nhất.
Tiếng Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao trong ngữ hệ Nam Á. Do chiếm tỷ lệ đa số nên ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu nên tiếng Mông trở thành phương tiện giao tiếp phổ biến nhất trong vùng. Người Mông ở tỉnh Yên Bái cư trú trên những sườn núi cao, địa hình hiểm trở. Họ có kinh nghiệm làm ruộng bậc thang rất giỏi bên cạnh canh tác nương rẫy là những phương thức sản xuất và nguồn sống chính trong mỗi gia đình. Đồng bào cũng chú trọng chăn nuôi gia đình và thu hái lượm lâm thổ sản. Một số nghề thủ công phổ biến trong cộng đồng người Mông ở tỉnh Yên Bái là: dệt vải sợi lanh, đan lát, đặc biệt là nghề rèn đúc.
Nguồn lương thực chủ yếu của đồng bào là lúa (lúa nương, lúa nước), ngoài ra là ngô. Các loại rau xanh tự trồng hoặc hái lượm ở trong rừng. Đối với các loại thịt, cá thì rang khô, nướng khô, cho muối mặn. Hằng ngày, họ uống nước lá cây, nước chè, khi có khách, có lễ, có hội, đồng bào uống rượu tự nấu. Người Mông ở nhà đất, nguyên liệu làm nhà là gỗ, mái lợp truyền thống là gỗ pơmu chẻ mỏng, nhà phải có ít nhất 3 gian, gian giữa thờ cúng tổ tiên. Trang phục của người Mông khá phong phú, mỗi nhóm đều có trang y phục đặc trưng khác nhau, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ và phản ánh thế giới quan của mình, gồm có: váy (hoặc quần), áo, thắt lưng, tạp dề, khăn, mũ đội đầu, xà cạp, …
Hình thái chủ đạo của gia đình người Mông là gia đình phụ hệ với 2,3 thế hệ cùng chung sống. Gia đình là đơn vị kinh tế và có sự phân công lao động khá chặt chẽ theo lứa tuổi, giới tính đồng thời cũng là một đơn vị văn hoá, là môi trường bảo tồn, trao truyền và phát triển văn hóa cộng đồng. Xã hội người Mông được điều hành theo dòng họ khép kín, có luật lệ, quy định riêng của mỗi dòng họ, nó mang tính quy ước, được cộng đồng thừa nhận và phải tuân thủ nghiêm ngặt. Sự cố kết dòng họ của tộc người này vô cùng chặt chẽ, họ quan niệm những người cùng họ, cùng ma là coi nhau như anh em ruột thịt, dù có ở xa đến mày có thể đẻ, ốm và chết trong nhà nhau.
Tín ngưỡng truyền thống của người Mông là thờ đa thần. Họ thờ cúng tổ tiên là thờ cúng ông, bà, cha mẹ. Đối với đồng bào việc thờ cúng tổ tiên là nghi lễ tín ngưỡng có tính cộng đồng mạnh mẽ. Họ luôn hướng về tổ tiên và coi đó là một biểu hiện quan trọng để bảo tồn giữ gìn văn hoá cội nguồn. Ngày tết được chuẩn bị rất chu đáo, họ mổ lợn, thờ cúng theo nhiều lễ nghi truyền thống, tham gia ngày hội xuân với các trò chơi dân gian như: đưa ngựa, bắn nỏ, đánh quay, đẩy gậy, ném pao, thanh niên nam nữ rủ nhau đi chơi xuân, thổi kèn lá, kèn môi, múa khèn, hát giao duyên, …
Người Mông ở tỉnh Yên Bái có nền văn hoá dân gian phong phú, phản ánh nhận thức về cuộc sống thực tại, gắn với thiên nhiên, những khao khát vươn tới cái đẹp, cái thiện cái tốt. Vào ngày vui hay trong các lễ nghi truyền thống, họ đều hát dân ca, thổi sáo, múa khèn. Đồng bào còn lưu giữ được một kho tàng truyện cổ về lịch sử, tinh thần thượng võ của cha ông được truyền từ đời này qua đời khác. Trong đời sống, đồng bào còn lưu giữ được nhiều phong tục mang giá trị nhân văn như hỏi, cưới, tang ma, lên nhà mới, các nghi lễ cúng họ, ăn thề, giải hạn, cầu may, … Lễ hội "Gầu tào" được duy trì thường xuyên, là một đặc sắc của riêng đồng bào, thể hiện nhiều giá trị tinh thần tích cực của tộc người. Các nghề thủ công truyền thống và hệ thống tri thức dân gian của cộng đồng tộc người Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái vô cùng phong phú và mang những giá trị văn hóa đặc trưng riêng, vẫn đang được cộng đồng lưu giữ và tiếp tục phát huy. Một trong những di sản văn hóa phi vật thể điển hình cho loại hình tri thức dân gian về nghệ thuật chính là cách thức tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của đồng bào. Đây là di sản được ra đời và tồn tại xuyên suốt trong quá trình lịch sử của tộc người, tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng.
Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người. Các mẫu hoa văn trang trí phản ánh nhiều mặt của đời sống văn hóa cổ truyền. Từ những mẫu hình cụ thể được tạo ra trên vải lanh đã góp phần giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật trang trí, nghệ thuật tạo hình chung của cộng đồng người Mông. Về cơ bản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông được thể hiện trên: trang phục nữ, trang phục trẻ em nữ (áo và váy), địu, gối, chăn; hiện nay có thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch như: các loại túi, balo, khăn trải bàn, rèm cửa, tranh, …
Đối với người Mông, để tạo hoa văn trên vải, đồng bào sử dụng chủ yếu 03 kỹ thuật là: thêu, in sáp ong và ghép vải để trang trí. Đối với hồ sơ khoa học này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu kỹ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải.
Người Mông ở tỉnh Yên Bái vẫn truyền nhau câu truyện kể về quá trình ra đời của nghệ thuật tạo hình hoa văn trên trang phục như sau:
Xưa kia, người Mông sống ở Trung Quốc, họ có chữ viết và sử dụng như những cộng đồng khác. Sau đó, người phương Bắc tràn xuống, chiếm đất và muốn đồng hóa nên cho quân đốt hết sách có chữ Mông và cấm người đàn ông Mông không được học chữ Mông mà học chữ Hán, người Mông muốn ghi lại lịch sử của mình cũng không được. Đang lúc chạy lên núi, đoàn người gặp một người phụ nữ Mông đang cắm cúi thêu bên suối, người thủ lĩnh chợt nghĩ ra cách giữ lại chữ của người Mông bằng cách thêu chúng lên váy phụ nữ. Nhưng nhận thấy thêu thì lâu nên nhân khi thấy tổ ong trên rừng, ông liền nghĩ, lấy sáp ong đun lên vẽ vào vải để giữ. Việc tạo hình hoa văn trên vải có từ đó nhưng vì người phụ nữ trước kia không được học chữ nên không biết nghĩa của chúng mà chỉ thấy quen với đồ dùng, vật dụng, cây cối, con vật gì xung quanh đời sống của mình thì cho là cái đó thôi.
(Theo lời kể của ông Thào A Thề, người Mông Hoa, bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái)
Xét về quá trình lịch sử, việc ra đời của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải có thể xuất phát từ quá trình lao động sản xuất, từ môi trường sống, từ nhu cầu muốn lưu giữ những hình ảnh quen thuộc của không gian sống xung quanh, của những dấu ấn lịch sử đặc trưng trên những sản phẩm gần gũi, gắn bó với cộng đồng, đảm bảo tính bền chặt, thân thiết trong điều kiện vật chất tự cung tự cấp còn nhiều khó khăn của cộng đồng; thêm vào đó, để đáp ứng nhu cầu về mặt nghệ thuật và óc sáng tạo nghệ thuật của mỗi cá nhân trong cái chung của cộng đồng tộc người, dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có trong môi trường cư trú của người rẻo cao đã quy định sự ra đời và tồn tại của di sản độc đáo này.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông, nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Mông ở Việt Nam thường cư trú trên những triền núi cao, dân cư thưa thớt, nhà nhà sống cách xa nhau trên những quả đồi để canh tác nương rẫy, khai phá đồi thành ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Mông luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại kẻ thù và thú dữ. Với môi trường và tập quán cư trú như vậy, đã phần nào làm cho cộng đồng sống khép kín hơn, từ đó, lại càng khuyến khích sự sáng tạo của mỗi cá nhân để tạo ra những sản phẩm tự phục vụ nhu cầu của đời sống, mang đặc trưng riêng và có sức sống bền vững trong cộng đồng. Để duy trì đời sống của mỗi cộng đồng, nhu cầu về cái ăn, cái mặc phải được đáp ứng trước tiên. Ban đầu, có thể chỉ là những hình vẽ phác họa, đơn giản, chưa hoàn thiện về những gì quan sát được ở môi trường sống xung quanh. Sau dần, bằng tài năng, óc sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ tộc người đã tạo nên những hoa văn sắc nét hơn, bổ sung thêm nhiều loại hoa văn cũng như cách thể hiện phong phú của mỗi người "họa sĩ" đã dần hoàn thiện và tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận, coi đó là bản sắc, là cái không thể thiếu trong đời sống và tự nguyện trao truyền qua nhiều thế hệ. Hoạt động này được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên trong cả ý thức và hành động tạo tác trên nhiều loại sản phẩm khác nhau, hình thành nên di sản tiêu biểu của cộng đồng. Di sản văn hóa ấy được truyền từ đời này qua đời khác, duy trì và phát triển, trở thành một trong những di sản văn hóa tiêu biểu, mang tính đặc trưng của tộc người, được các cộng đồng khác ưa chuộng và ghi nhận.
Như vậy, có thể nói chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần, về tư duy nghệ thuật của tộc người Mông đã hình thành nên nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải để mô phỏng, chuyển tải, lưu giữ, phản ánh những gì là đặc sắc, là cô đọng nhất về thế giới quan, nhân sinh quan, thiên nhiên và cuộc sống của cộng đồng tộc người cư trú ở vùng rẻo cao phía Bắc này.
Có thể nói, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là một thành tố quan trọng của đời sống văn hóa tộc người, ra đời và hoàn thiện cùng với quá trình hình thành bản sắc văn hóa trong lịch sử tộc người. Nó thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức. Nó gắn với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Mông đã sáng tạo ra nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong mang đậm sắc thái tộc người. Mỗi loại hình hoa văn, mỗi cách thể hiện đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ tư duy nghệ thuật cao. Đây chính là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người, từ tư duy nghệ thuật và được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng.
Là một hệ thống tri thức dân gian góp phần tạo nên sản phẩm vật chất đặc trưng, là tín hiệu quan trọng bậc nhất để nhận biết về tộc người cũng như các nhóm địa phương tộc người đầu tiên của đồng bào Mông, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, quan trọng, không thể thiếu trong không gian văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào. Di sản đã tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lịch sử tộc người, khẳng định được vai trò và sức sống của mình trong đời sống quá khứ và đương đại. Đến hôm nay, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải vẫn là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của người Mông nơi rẻo cao tỉnh Yên Bái.
Những hoa văn được tạo ra từ kỹ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông thực sự là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Những đồ án hoa văn của họ mang tính nghệ thuật cao, hầu hết các hoa văn trang trí đều mang tính chất độc bản. Do quá trình trao truyền nghề, quá trình sáng tạo hoa văn của mỗi người phụ nữ Mông mà hoa văn cứ tiếp nối như một dòng chảy xuyên suốt lịch sử tồn tại của tộc người miền sơn cước tỉnh Yên Bái này.
Những người phụ nữ Mông ở tỉnh Yên Bái chính là những tác giả của nghệ thuật tạo hình độc đáo này. Từ xưa đến nay, trong quá trình lịch sử tộc người, di sản văn hóa phi vật thể này đã tồn tại xuyên suốt, được cộng đồng tự bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng nói chung và người phụ nữ Mông nói riêng. Cả cuộc đời của họ gắn liền với công việc thêu thùa, may vá, dệt vải, vẽ, thêu hoa văn để tạo ra các sản phẩm thủ công đẹp cho bản thân, con cái, gia đình, dòng họ,… Các em gái người Mông, từ khi mới 8 – 10 tuổi, đã được các bà, các mẹ dạy học dệt vải, cắt, khâu, thêu thùa, vẽ hoa văn để tạo trang phục. Bởi vậy, trong dân ca Mông mới có câu hát:
Lớn lên anh theo cha đi cày nương
Theo anh vào rừng sâu săn thú
Lớn lên em theo mẹ tập thêu
Theo anh chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới….
Khi đến tuổi trưởng thành, các thiếu nữ người Mông không tiếc thời gian, ngày đêm cặm cụi, tỉ mẩn, trang trí hoa văn cho bộ váy áo cưới thật đẹp để chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời – cuộc sống hôn nhân. Trong tập quán của người Mông, vẻ đẹp, tài năng của người phụ nữ được đánh giá thông qua khả năng thêu thùa, khâu vá, vẽ hoa văn và bộ trang phục cô dâu mặc trong lễ cưới sẽ phản ánh phẩm chất này. Có thể khẳng định kỹ năng dệt vải, thêu và vẽ hoa văn là tiêu chí quan trọng, là thước đo giá trị của người phụ nữ trong xã hội người Mông xưa. Bởi vậy, tục ngữ Mông mới có câu:
Muốn biết người tốt xem gác bếp
Muốn biết người đẹp xem quần áo.
Hay:
Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu
Gái xinh chưa biết cầm kim là hư.
Người phụ nữ giỏi thêu thùa, trang trí hoa văn sẽ được cả cộng đồng nể trọng, đề cao. Trong những ngày nông nhàn hay ngày mùa bận rộn, những buổi tối trăng thanh, gió mát hay mùa đông, bên bếp lửa hồng, từng tốp các cô gái lại quây quần bên nhau học thêu, truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm vẽ sáp ong, tạo mẫu, ghép vải mới,… đây là một hình thức quan trọng để lưu truyền, phát triển nghệ thuật in vẽ sáp ong cũng như thêu thùa, trang trí. Trước khi đi làm dâu các cô gái sẽ làm những bộ quần áo đẹp để tặng cho mẹ đẻ và mẹ chồng. Những bộ váy đẹp trở thành tài sản vô giá của người phụ nữ Mông. Những người phụ nữ giàu có là người phụ nữ có nhiều váy áo đẹp do tự tay mình làm ra. Khi khách quý đến chơi và ngủ lại gia đình, người khách sẽ được chủ nhà đắp cho tấm váy có nhiều hoa văn đẹp. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Mông vẫn tiếp tục in nhiều mẫu hoa văn sáp ong, thêu thùa để lo cho bản thân và gia đình chồng con được chăn ấm, địu êm với những nét hoa văn truyền thống được khắc in trên đó. Hạnh phúc của mỗi gia đình được phản ánh trong bức tranh sinh hoạt đầy tính biểu tượng của thơ ca Mông:
Cuối nhà là nơi em ngồi thêu váy
Đầu nhà là nơi anh thổi sáo, múa khèn
Em thêu váy mới không có sáp, anh đi kiếm
Em in hoa mới, không biết đường anh cầm que vạch giúp.
Khi người vợ trở thành người mẹ, họ lại có nghĩa vụ dạy bảo con gái học vẽ hoa văn bằng sáp ong để tự trang trí váy, áo cho mình. Đồng thời họ lại được mẹ chồng, bà nội và các bác dâu bên nhà chồng nhiệt tình truyền dạy cách tạo các hoa văn từ sáp ong. Từ đó, người phụ nữ sẽ học thêm được nhiều mẫu hoa văn mới. Theo đó, mỗi người phụ nữ Mông sẽ vừa được kế thừa nghệ thuật tạo hoa văn của gia đình bên nhà mẹ đẻ, kết hợp với việc tiếp thu các mẫu hoa văn mới bên gia đình nhà chồng cùng với sự tìm tòi sáng tạo của bản thân đã tạo nên nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải rất đa dạng và phong phú, ngày càng nhiều mẫu mã và sự kết hợp độc đáo được thực hành. Khi người phụ nữ trở về già họ còn lo truyền dạy cho con cháu và tạo thêm bộ váy áo đẹp cho mình và cho người chồng mặc khi nhắm mắt xuôi tay, trở về với thế giới tổ tiên.
Cứ như vậy, với chu kỳ đời người phụ nữ Mông, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục nói riêng và trên vải nói chung như một tín hiệu văn hóa được tự bảo lưu, tự trao truyền và kế thừa qua nhiều thế hệ. Nhờ đó mà bản sắc tộc người được phát triển theo một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ, tạo nên sức sống trường tồn, mãnh liệt của di sản trong đời sống cộng đồng.
2. Hình thức biểu hiện và quy trình thực hành
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái là kết tinh của một hệ thống tri thức dân gian độc đáo, phản ánh quá trình lịch sử, những cái nhìn sinh động về thế giới quan, về môi trường sống qua lăng kính của những người "họa sĩ bản làng", khắc họa trên những sản phẩm vật chất độc đáo, đặc trưng không chỉ phục vụ nhu cầu của chính cộng đồng tộc người mà còn là sản phẩm được ưa chuộng đối với các cộng đồng khác trên đất nước Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nghệ thuật ấy được tư duy, được sáng tạo, chắt lọc, biểu hiện bằng sự đa dạng, phong phú của nhiều loại hình hoa văn khác nhau trên nhiều sản phẩm vật chất khác nhau, được sử dụng trong những không gian và thời gian khác nhau, thậm chí được giải thích và thể hiện bằng những góc nhìn và tư duy nghệ thuật mang tính sáng tạo của mỗi cá nhân trong cái chung, cái tổng thể, cái truyền thống của tộc người. Như vậy, hình thức biểu hiện của di sản này được thể hiện trên các sản phẩm vật chất đặc trưng và rất đa dạng, phong phú, kèm theo tính "mở" trong khuôn khổ truyền thống vốn có của di sản qua óc tư duy và sáng tạo nghệ thuật của mỗi người phản ánh thực tế cuộc sống lao động sản xuất, môi trường cư trú, cảnh quan thiên nhiên với hệ thống động, thực vật đa dạng kèm theo đó là ước vọng, khát khao của cộng đồng về một cuộc sống bình yên, no đủ.
Để có được các nguyên liệu phục vụ cho quá trình tạo hình hoa văn trên vải, người Mông phải tạo ra sợi lanh, dệt thành tấm vải, tạo ra sáp ong và các loại bút vẽ, chảo nấu sáp…với quy trình như sau:
2.1. Quy trình trồng và tạo vải lanh:
Cây lanh hay còn gọi là cây gai dầu, cây lanh mèo, cây gai mèo (tiếng Mông gọi là chaoz mangx). Cây lanh được trồng phổ biến ở khu vực cư trú của đồng bào trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cây lanh từ lâu đời đã trở nên quen thuộc trong đời sống tộc người, đó không chỉ là thứ vật liệu để may mặc mà cây lanh, sợi lanh đã đi vào thế giới tâm linh, tình cảm, trở thành biểu tượng gắn bó lứa đôi, sự bền chặt của cuộc đời mỗi người, là sợi dây dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Từ bao đời nay, người Mông vẫn thường truyền nhau câu nói: "Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông".
- Người Mông làm đất trồng lanh: Để có những cây lanh mọc khỏe, người Mông thường chọn những mảnh nương tương đối bằng phẳng, ít đá, đất màu mỡ, có độ ẩm cao. Lanh là loại cây ưa sáng nên nương trồng lanh phải thoáng đãng, ít cây to. Đất trồng lanh cũng được làm kỹ, sau khi cày ải, bừa qua, đồng bào còn dùng cuốc đập tơi đất, nhặt sạch cỏ dại, vun thành luống rồi mới tiến hành gieo hạt.
- Chọn giống lanh: Hạt lanh chọn làm giống là những hạt chắc, mẩy, được thu từ những cây lanh cao, to, nhiều nhánh, nhiều hạt, những cây này để riêng, không tước mà chỉ dùng để lấy quả và hạt.
- Trồng lanh và thu hoạch lanh: Người Mông ở tỉnh Yên Bái thường trồng lanh từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch, tùy thời tiết từng năm, có thể thu hoạch từ giữa tháng 5 đến tháng 6 âm lịch (trước khi thu hoạch ngô). Khi cây lanh phát triển cao tới khoảng 3m, vỏ xanh đậm, bóng là có thể thu hoạch, cây lanh được cắt thành từng bó, róc hết lá, phơi nắng theo cách "ngày phơi tối cất" khoảng 3 đến 4 ngày. Sau đó, đem phơi sương theo cách "ngày cất đêm phơi" khoảng 2 đêm rồi đem phơi nắng 1 ngày nữa là có thể tước lấy sợi.
- Tước lanh, tách và nối sợi lanh: Công việc này phải được thực hiện trước khi có các đợt gió mùa Đông Bắc, bởi nếu gặp gió, lanh sẽ bị khô sợi, sợi nát, giảm độ bền, khó nối. Người ta thường phân riêng ra các cây có độ dài gần bằng nhau. Khi tước vỏ thì bẻ đôi thân cây rồi tước từ đó lên đến ngọn trước, sau quay lại tước ngược từ giữa thân cây cho đến gốc. Vỏ lanh được bó thành từng bó đều nhau, cho vào cối giã khoảng nửa giờ cho mềm để dễ nối hơn và không để lại mối. Sau đó đem tước thành sợi, mỗi cây có thể tước được 8 đến 12 sợi, sợi dài nhất có thể tới 1,6m. Nối lanh là công đoạn tốn khá nhiều thời gian. Những sợi lanh sau khi đã được tước tương đối đều nhau được nối với nhau một cách rất đặc biệt: tách đôi một sợi lanh ở vị trí cách đầu sợi khoảng 10cm rồi luồn một sợi khác vào giữa, xoắn lại, sau đó lại tách đôi sợi thứ hai này và luồn sợi thứ nhất vào. Bằng cách này, sợi lanh vẫn đều, nuột, không rõ mối nối. Người phụ nữ thường bó sợi lanh thành từng chùm nhỏ, cuốn quanh bụng, sau đó rút lấy từng sợi từng sợi nối với nhau, nối đến đâu cuộn vào bàn tay hoặc một vòng mây gắn vào một que nhỏ đến đấy. Khi nối sợi phải tuân thủ nguyên tắc nối ngọn với ngọn, gốc với gốc và các đoạn nối phải to đều, sợi nào bé thì bổ sung thêm, sợi nào to thì tước bớt đi.
- Xe sợi và thu sợi: Sau khi sợi được nối bằng tay, được đưa lên guồng để xe sợi. Để sợi không bị đứt, trước khi đưa lên guồng, các cuộn sợi này được nhúng vào nước từ 15 đến 20 phút để sợi được mềm, tăng độ dẻo dai. Guồng xe sợi được làm bằng gỗ, có bánh quay được đóng cố định giữa hai tấm ván gỗ vào một chiếc cột, trên hai tấm ván có 4 lỗ nhỏ cắm các suốt chỉ để cuốn sợi. Dùng da trâu làm thành một vòng da tròn vòng qua bánh xe và tấm ván gỗ, nó đóng vai trò như một dây cua-roa, tạo lực đẩy suốt chỉ chuyển động khi bánh xe quay. Dùng một đoạn cây ngắn làm bàn đạp, một đầu gắn vào bánh xe, một đầu đặt trên một chạc cây chôn dưới đất, cách cột bánh xe khoảng 1m. Người xe sợi ngồi trên một chiếc ghế hai chân để lên đoạn cây này, một chân đặt giữa chạc cây và bánh xe, một chân đặt bên ngoài chạc, khi đạp lúc nhấn mạnh đoạn phía trong, lúc nhấn mạnh đoạn phía ngoài sẽ làm cho bánh xe chuyển động theo vòng tròn kéo theo sự chuyển động của suốt chỉ. Trước khi xe sợi, lấy bốn cuộn sợi đặt lên một tấm ván gỗ, lấy đầu sợi của mỗi cuộn kéo buộc vào bốn suốt chỉ.
Sau khi được xe vào từng suốt nhỏ, các suốt sợi được cuộn lại trên guồng thu sợi thành các bó sợi lớn. Guồng này được làm bằng gỗ, gồm một trục bằng tre hoặc gỗ, cao chừng 1m, một đầu trục cắm xuống đất, đầu trên có thể quay tròn được và đục lỗ xuyên qua hai thanh tre dài từ 5 đến 6m, bắt ngang vuông góc với nhau, ở đầu các thanh tre có gài các que để giữ sợi lanh. Người ta đẩy trục gỗ xoay tròn và cuốn sợi lên khung tre.
- Làm trắng sợi, lăn sợi, thu sợi, xếp sợi, xe sợi: Những bó sợi này sẽ được ngâm với nước tro bếp, rồi luộc chín cho bong hết vỏ xanh. Mỗi lần luộc 4 đến 5 cuộn sợi, luộc trong khoảng 40 – 60 phút thì vớt ra để ủ sợi. Khi ủ, người ta rắc một lớp tro nguội lên tro bếp còn nóng, trải lên đó một mảnh vải lanh hoặc một chiếc váy lanh rồi đặt những cuộn lanh lên, phủ một lớp vải lanh rồi rải một lớp tro nữa lên trên, ủ trong 5 ngày 5 đêm. Sau đó mang giặt sạch và cho lên guồng thu sợi phơi khô. Tiếp đó lại cho lên luộc và ủ thêm 3 lần nữa nhưng mỗi lần sau chỉ ủ 1 ngày 1 đêm. Riêng lần luộc sợi sau cùng, người ta cho thêm một ít sáp ong vào luộc cùng để sợi được trắng, mịn, dai chắc. Sợi lanh lúc này đã trắng và sạch, người Mông gọi là "xur".
Để làm cho sợi mềm và bóng, các đầu nối sợi dẹt ra, phẳng, không phát hiện ra các mối nối, người Mông sử dụng dụng cụ để lăn sợi. Đó là một khúc gỗ tròn làm trục, một phiến đá phẳng, nhẵn hoặc một tấm gỗ có chiều dài chừng 1m, chiều rộng chừng 0,3m. Người ta đặt sợi lên khúc gỗ tròn, lấy phiến đá hoặc tấm gỗ đặt lên trục rồi đứng lên trên phiến đá, hai tay vịn vào tường hoặc một cột gỗ chôn bên cạnh, dùng lực chân đẩy sang hai bên trái, phải làm cho trục gỗ chuyển động lăn đi lăn lại miết xuống sợi lanh.
Sau khi lăn xong, sợi được đưa lên guồng thu sợi để tháo cho dễ. Người ta đặt sợi xuống đáy gùi rồi quay guồng thu sợi, tay dỡ sợi thả dần xuống gùi, bước này phải làm từ từ chậm để tránh bị rối sợi.
Xếp sợi dọc thành các con chỉ dệt, mỗi con chỉ gồm có 10 hoặc mười 12 sợi. Người ta đổ 10 hoặc 12 ống sợi từ gùi ra, luồn sợi qua các lỗ đục trên một thanh tre ngang đóng vào cọc tre. Xếp sợi đòi hỏi phải có 02 người: một người dùng tay túm các sợi lanh thành con sợi lần lượt đi từ đầu sân này tới đầu sân kia để ghim con sợi vào các cọc gỗ đóng trên sân, một người coi để sợi không bị rối, nếu thấy có dấu hiệu bị rối là khắc phục luôn, đồng bào thường rắc cát khô lên trên đống sợi để khi kéo sợi không bị rối.
Sau khi gỡ sợi từ guồng thu sợi xuống, đồng bào xe sợi vào các suốt chỉ. Công việc này tốn nhiều thời gian (khoảng 2 đến 3 tháng). Người ta dùng xa xe sợi để cuộn sợi vào các suốt chỉ. Xa xe sợi được làm bằng gỗ và tre, gồm những thang tre nhỏ đặt chéo nhau thành hai lớp, qua một tâm điểm ở giữa. Hai đầu của từng cặp thanh tre này được liên kết với nhau bằng một sợi dây tạo thành bánh xe. Ở tâm điểm, người ta lắp thêm một đoạn tre hoặc gỗ ngắn làm thành tay quay của bánh xe. Bánh xe được đóng cố định vào một cái khung gỗ cao khoảng 50 đến 60cm. Phía trên khung gỗ đặt một thanh gỗ nằm ngang, trong đó để một ống tre hoặc sắt làm suốt chỉ, được nối với con lăn và bánh xe. Khi bánh xe quay, con lăn chuyển động sẽ kéo theo sự chuyển động của suốt chỉ.
- Dệt vải:
+ Khung dệt: Người Mông sử dụng loại khung dệt dùng dây buộc lưng tức là dùng thân người làm dây đai để căng sợi dọc (tiếng Mông gọi là "ndền ntu"), đây là tiền thân của loại khung dệt cố định dùng bàn đạp. Độ căng của sợi dọc được tạo ra bằng cách cuốn thành nhiều vòng vào một trục (gọi là trục cuốn sợi). Trục này được đóng vào giữa hai cột cao khoảng 150cm bằng tre hoặc gỗ. Đầu bên kia của sợi dọc được buộc vào một trục bằng tre (gọi là trục cuốn vải). Khi dệt, người phụ nữ Mông ngồi trên ghế, dùng một cái dây làm bằng da trâu hoặc vải buộc một đầu vào trục cuốn vải, vòng dây qua lưng, buộc thắt dây vào đầu còn lại của trục cuốn vải, dùng thân người để căng sợi dọc. Vải dệt đến đâu được cuộn tròn vào trục cuốn vải đến đó. Để luồn sợi ngang qua sợi dọc nhanh hơn, người Mông sử dụng cơ cấu nâng sợi dọc bằng hai cần tách sợi (còn gọi là trục go) được làm bằng tre, cứ cách một sợi dọc lại buộc một sợi dọc vào một sợi dây nối với một cần tách sợi, các sợi còn lại buộc vào cần tách sợi thứ hai. Để cơ cấu nâng sợi dọc này chuyển động, người Mông dùng dây vải hoặc dây mây buộc từ trục go xuống chân người dệt. Khi chân người dệt kéo sợi này chuyển động về phía sau sẽ làm cho trục go nối với nó được nâng lên hay hạ xuống tạo ra một khoảng trống cho sợi ngang chạy qua. Để làm cho các sợi ngang khít lại với nhau, người ta dùng cái dập sợi đẩy sợi dồn xuống dưới sát với sợi ngang vừa được đan qua lúc trước. Để đưa sợi ngang luồn qua sợi dọc, người ta cuốn sợi vào từng suốt nhỏ, sau đó để bên trong con thoi làm bằng gỗ để có thể dễ dàng trượt qua khoảng trống giữa các sợi dọc một cách nhanh chóng. Vải được dệt mau hay thưa là phụ thuộc vào số răng của go – nơi sợi dọc phải chạy qua từ trục cuốn sợi đến trục cuốn vải. Go của người Mông thưa hơn go của người Thái và những tộc người khác do vải lanh dệt thô hơn vải bông. Độ mau thưa của vải lanh tương đối đều nhau, đặt cơ sở cho việc thêu hoa văn theo lóng vải sau này.
Những năm gần đây, người Mông ở tỉnh Yên Bái đã có một số gia đình chuyển sang loại khung dệt mới cho năng suất cao hơn, gần giống với khung dệt của người Thái, có bàn đạp nhưng do chỉ dệt vải trơn, không dệt hoa văn nên khung dệt mới này không sử dụng nhiều trục go lấy sợi như của người Thái. Khung được đóng bằng 4 cột gỗ, trục cuốn vải và ghế ngồi được đóng cố định vào khung, thay dây cuộc điều khiển cơ cấu nâng sợi bằng bàn đạp.
+ Kỹ thuật dệt: Người phụ nữ ngồi trên ghế, buộc đai nối với trục cuốn vải vào lưng để làm căng sợi dọc, chân buộc vào dây nối với cơ cấu nâng sợi, cơ thể người dệt trở thành một bộ phận của khung dệt. Khi dệt, người phụ nữ dùng chân điều khiển dây nối, khi chân kéo dây về phía sau, cần tách sợi sẽ tách hai luồng sợi làm đôi tạo một khoảng trống để đưa thoi vào, dùng lược nén dập cho các sợi khít lại với nhau. Khi thả chân, mặt sợi dọc trùng xuống, cần tách sợi trượt về phía trên để trở lại thế ban đầu.
Khổ vải của người Mông ở Yên Bái thường rộng khoảng 20 đến 40cm. Cứ 12 sợi được tính thành 1 chùm, để may váy, áo cho trẻ em, đồng bào thường dệt thành 5 chùm, để may cho người lớn phải dệt khoảng 8 chùm, cho những người cao to thì dệt khoảng 10 đến 12 chùm.
Để dệt một tấm vải dài từ 10 đến 12m, rộng 40cm, người phụ nữ Mông phải mất 20 đến 22 giờ liên tục. Tuy nhiên, do chỉ có thể dệt trong lúc rảnh rỗi nên trung bình một tháng mỗi người chỉ dệt được một mảnh dài khoảng 12m. Trung bình mỗi mùa, một người phụ nữ Mông có kỹ năng bình thường có thể dệt được khoảng 48 đến 60m vải.
Ngoài dệt vải, người Mông còn dệt dây buộc xà cạp, họ xếp các sợi cạnh nhau, buộc thắt một đầu, buộc vào ngón chân để làm cho căng sợi dọc ra, sau đó dùng tay luồn sợi ngang qua sợi dọc đan thành dây. Hiện đã có một số người học cách làm khung dệt dây của người Thái để dệt nhanh hơn hoặc mua dây đã dệt sẵn của người Thái.
- Làm trắng vải: Để làm trắng vải, người ta hòa tro vào chảo nước, quấy đều, nhúng tấm vải vào rồi đem hong khô, khi khô lại đem nhúng và hong khô, cứ làm đi làm lại như thế trong 4 đến 5 ngày, mỗi ngày nhúng 3 đến 4 lần. Sau cùng đem đi giặt với tro bếp rồi phơi khô. Sau khi khô được lăn cho bóng, mịn, mềm. Cách lăn vải cũng tương tự như lăn sợi, trung bình một người có thể lăn được khoảng 100m vải một ngày.
2.2. Quy trình tạo sáp ong: Ong là một loài côn trùng, có tổ chức cao, sống theo đàn, mỗi đàn đều có ong chúa, ong thợ, ong non và có sự phân công công việc rõ ràng. Ong thường tìm kiếm nơi an toàn, khô ráo, sạch sẽ để xây dựng tổ, tổ thường được làm trên rừng, trên núi hay trên các tảng đá lớn, những nơi có sức hút của các loài hoa, thức ăn, nước uống. Nguyên liệu của tổ ong thường là bột gỗ trộn với nước dãi ong. Ong dùng râu của mình để đo các khung viền của tổ (tạo thành các hình lục lăng mà ta vẫn thường thấy).
Sáp ong là một chất sáp tự nhiên được ong mật sản sinh ra. Sáp có dạng hình "vảy", được hình thành bởi tám tuyến phản chiếu sản sinh sáp trong phân đoạn bụng từ 4 đến 7 của ong thợ, được thải bỏ bên trong hoặc tại tổ ong. Ong thợ thu thập và sử dụng tạo thành lỗ trong tổ ong để lưu trữ mật ong, bảo vệ ấu trùng và nhộng ong. Sáp mới ban đầu trong suốt và không màu, trở nên mờ đục sau khi nhai và pha trộn với phấn hoa của ong thợ xây tổ. Ngoài ra, sáp dần ngả màu vàng hoặc nâu do sáp nhập dầu phấn hoa và keo ong. Ong mật sử dụng sáp ong để xây dựng lỗ tổ ong trong đó ong non được nuôi bằng mật ong và tế bào phấn hoa bị giới hạn để bảo quản. Lượng mật ong được ong sử dụng để sản xuất sáp vẫn chưa được xác định chính xác. cho biết 1 pound (453,6 gram) sáp ong được sử dụng để chứa 22 pound (9.979,2 gram) mật ong .Về mặt hóa học, sáp ong được hình thành từ hỗn hợp một số hợp chất. thành phần chính là palmitate, palmitoleate và este oleate của alcohol béo chuỗi dài, …
Trong lịch sử loài người, sáp ong là một trong những chất dẻo đầu tiên được sử dụng, cùng với các polyme tự nhiên khác như nhựa cây, sừng, mai rùa và sơn cánh kiến. Sáp ong không bao giờ hỏng, có thể nung nóng và sử dụng lại, được ứng dụng lâu đời trong lĩnh vực thực phẩm và hương liệu của con người như: chất tráng men, chất tạo ngọt, nến, chất kết dính, sản xuất mỹ phẩm, viết chữ, vẽ tranh sáp màu, chế tạo cung tên, gia cố và bảo quản chỉ may, định hình ống thổi của đàn và phím đàn, ổn định thuốc nổ quân sự, ...
Khi khai thác mật ong, người ta cắt chỏm sáp từ mỗi lỗ tầng tổ ong bằng dao. Màu sắc biến đổi từ gần trắng đến nâu nhạt, nhưng thường là màu vàng, tùy thuộc vào độ thuần khiết, khu vực và loại hoa do ong thu thập. Sau khi đã vắt lấy mật, phần sáp được khai thác để sử dụng làm mực vẽ trong nghệ thuật tạo hình hoa văn trên vải.
Sáp ong dùng để vẽ hoa văn có ba màu khác nhau: màu gốc là màu vàng, người ta nhúng chàm để tạo sáp màu đen và đến nay mua thêm sáp màu trắng, trộn các màu này đun lên để vẽ hoa sẽ rõ nét hơn. Trước kia, đồng bào chỉ dùng sáp vàng và sáp đen để vẽ.
Sáp ong là phần còn lại của tổ ong sau khi đã vắt lấy mật, người ta lấy sáp từ rừng về cho vào túi vải lanh, đun nước sôi lên, nhúng túi sáp vào đun chừng 15 đến 20 phút thì vớt ra, vắt trong một chậu nước lạnh. Sau đó, đun lại nồi nước cũ, nhúng túi vào rồi vắt, làm đi làm lại như vậy 4 đến 5 lần. Sáp ở trong chậu nước lạnh sẽ nổi lên, vớt lấy sáp đó đem đun nhỏ lửa cho đến khi nào cô lại, để nguội sẽ đóng thành bánh sáp để sử dụng lâu dài. Sáp này được tạo ra là sáp màu vàng (chia mú).
Để tạo được sáp đen (chia đu) người Mông ở tỉnh Yên Bái thực hiện như sau: sau khi đã vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh màu trắng, đồng bào mang đi nhuộm chàm, trước khi nhuộm chàm thì nhúng mảnh vải vào nước lã cho vải ngấm nước đều rồi nhúng vào ngâm trong thùng nước chàm khoảng 30 đến 60 phút, vớt ra để ráo nước rồi lại nhúng tiếp, đến tối thì vớt ra để qua đêm. Sáng hôm sau, giặt qua nước lã rồi đem phơi, ráo nước lại ngâm tiếp, cứ như thế khoảng 6 đến 7 ngày sẽ được một mảnh vài màu chàm sẫm và hoa văn được vẽ sẽ hiện lên màu trắng, phần sáp ong được sử dụng để tạo hoa văn cho mảnh vải khi nhúng chàm sẽ tan ra nước và nổi lên, sáp lúc này sẽ có màu đen, người ta vớt lấy và đem cô lại để dùng dần.
Đến nay, người Mông sử dụng thêm sáp màu trắng (chia đơ), sáp này được mua về để trộn với hai màu sáp truyền thống nhằm làm cho hoa văn sáng hơn, nét hơn khi tạo hình.
Sáp ong được nấu chảy, lúc này trở thành "mực vẽ", khi sử dụng, người Mông cho sáp vào một chảo gang nhỏ, đường kính khoảng 10cm, có tay cầm, đun nhỏ lửa để sáp tan chảy dần ra, khoắng đều sáp lên, đặc biệt là khi trộn nhiều màu (có thể sử dụng một màu, hai màu hoặc ba màu). Khi sáp tan chảy ra tới khoảng 60 đến 65 độ là có thể dùng để vẽ.
2.3. Các loại bút vẽ: Người ta tạo hình hoa văn bằng sáp ong từ cây bút có ngòi bằng đồng. Các loại bút này đều có tay cầm bằng tre hoặc gỗ và hai lá đồng, ở giữa hai lá đồng có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong, ngòi thường là hình tam giác hoặc hình tròn với nhiều kích cỡ khác nhau. Người phụ nữ khi vẽ, chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải cho phù hợp. Đối với người Mông ở tỉnh Yên Bái, có 03 loại bút truyền thống và 02 loại bút mới dùng để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải:
+ Bút vẽ nét đậm (tiếng Mông gọi là đar changz): đầu bút bằng đồng, nhọn, ghép 03 lá đồng tạo thành hình tam giác. Bút này dùng để kẻ các đường viền và đoạn thẳng.
+ Bút vẽ nét thanh (tiếng Mông gọi là đar huz): đầu bút được tạo từ hai lá đồng nhọn ghép lại. Bút này dùng để tạo hình răng cưa, vẽ nét thanh.
+ Bút vẽ các hoa văn nhỏ (tiếng Mông gọi là đar chuz): bút này gần giống như bút vẽ nét đậm nhưng 03 lá đồng nhọn được ghép so le nhau. Bút này dùng để tạo hình các hoa văn nhỏ, ít nét, không uốn nhiều, thường được dùng để vẽ các hoa văn bên trong đường viền của một khuôn hình.
Gần đây, người Mông ở tỉnh Yên Bái có sử dụng thêm 02 loại bút cầu kỳ hơn để tạo hình hoa văn tổng hợp là:
+ Bút vẽ các hoa văn hình hình học tổng hợp như hình bông hoa, chấm tròn, hình tam giác, hình tròn (tiếng Mông gọi là hâur cưz): đầu bút này có nhiều đầu đinh tròn nhọn song song để tạo các hoa văn hình học.
+ Bút vẽ các hoa văn hình biểu tượng tổng hợp như hình xoắn ốc, hình chữ thập, cây thông, đồi núi, sóng nước (tiếng Mông gọi là tôngz thur): đầu bút này được uốn thành nhiều vòng tròn để vẽ hoa văn hình xoắn ốc, hình các loại hoa, cây, ….
Hai loại bút mới này giúp tạo hình hoa văn nhanh hơn, giảm thời gian vẽ nhưng hạn chế sự sáng tạo của người tạo hình, bởi mô típ hoa văn chỉ giới hạn trong những hình mẫu đã định.
2.4. Quá trình tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong của người Mông có thể có cách đây hơn 2.000 năm. Từ thế kỷ III đến thế kỷ I TCN, người ta đã thấy nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong khá phổ biến trong xã hội người Mông nhưng do trình độ sản xuất còn thấp và chiến tranh liên miên nên chưa phát triển. Đến thời Hán Vũ Đế (136 TCN – 124 TCN), xã hội ổn định, kỹ thuật này rất phát triển. Trong quá trình lịch sử, người Mông phải thường xuyên di chuyển và đấu tranh để sinh tồn, trải qua hàng nghìn năm những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được cộng đồng bảo lưu rất tốt, trong đó có nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của tộc người.
Hoa văn in sáp ong chủ yếu là hoa văn tả thực với những đường nét uốn lượn mềm mại từ cây bút ngòi đồng, tay cầm bằng tre hoặc gỗ, ngòi đồng. Ngòi bút có một bầu nhỏ để chứa sáp ong đã đun nóng chảy khi nhúng, phần cuối bầu có một lỗ nhỏ cho sáp ong chảy ra khi vẽ.
Người Mông ở tỉnh Yên Bái vẽ hoa văn bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ, sau đó ghép lại thành các bộ phận như: vai áo, thân váy hay tay áo, cổ áo, địu, khăn, từ đó khâu lại các sản phẩm. Khi vẽ, người ta vẽ từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, vẽ đường viền trước để tạo ô, sau đó vẽ các hoa văn nhỏ bên trong.
Khi sáp ong đã được nấu chảy, người vẽ ngồi bên bếp lửa, trải vải ra mặt phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu mở vải đến đấy, đầu kia cuộn lại, khi vẽ dùng bút chấm vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, nhúng bút vào chảo rồi vẽ lên nền vải mộc (thường là vải lanh trắng) với những họa tiết cổ truyền. Khi vẽ cần cân đối để lượng sáp có thể chảy đều, không bị loang nét vẽ, cho đến khi hết sáp thì chấm lần tiếp theo. Để có hình họa, người ta không cần có đồ án trước mặt và làm theo mà họ được tiếp xúc từ nhỏ và được thực hành thường xuyên nên họ tự có sự sắp xếp trong đầu và óc sáng tạo nghệ thuật riêng để vẽ. Sáp ong sẽ dính lại trên vải. Sau đó, đem vải đi nhuộm chàm, những chỗ có vẽ sáp ong nước chàm sẽ không ngấm vào, cứ để thế phơi khô, rồi lại nhuộm cho đến khi có màu sẫm. Khi đã có được sản phẩm vừa ý, mang phơi thật khô rồi luộc trong nước sôi, lớp sáp sẽ tan hết ra, để lại những họa tiết trắng xanh (hoặc vàng nếu tô màu) trên nền vải tối. Việc sử dụng thuốc nhuộm màu vàng từ cây "măng đằng" để tô lên hoa văn vẽ bằng sáp ong trên tay áo và vai áo chỉ thấy ở nhóm Mông Hoa, một bộ phận người Mông Đỏ ở Mù Cang Chải, nhóm Mông Đen và các nhóm Mông này cư trú ở hai huyện Trạm Tấu và Văn Chấn chỉ có hoa văn màu trắng.
Để làm nổi bật hơn nữa những họa tiết hoa văn này, người Mông sắp xếp các mảng màu tối, sáng; nóng, lạnh đi cạnh nhau. Ở những vị trí vẽ hoa văn bằng sáp ong, bao giờ cũng sử dụng những đường viền đen, trắng xung quanh hoặc những miếng vải đáp nhỏ hình thoi, hình tam giác, màu vàng, đỏ, đen xen kẽ nhau khiến những đường nét hoa văn trở nên nổi bật.
Các họa tiết hoa văn hình học được sử dụng nhiều khi vẽ bằng sáp ong, việc kết hợp các dạng hình học này đã tạo nên những môtíp hoa văn thường được liên tưởng tới các loài động vật (như con ốc, con hến, con bướm, con chó, …) và thực vật (như cái cây, bông hoa, cái lá, …), các hoa văn thể hiện tính cách điệu khá rõ nét, cách trang trí thiên về đường cong nhiều hơn. Nhìn chung, hoa văn của người Mông ở tỉnh Yên Bái khá đa dạng, tái hiện được phần nào cuộc sống xung quanh, có tính biểu đạt cao và chứa đựng những ý nghĩa xã hội nhất định.
Có thể nói, người Mông ở tỉnh Yên Bái còn bảo lưu được đầy đủ các dạng hoa văn truyền thống trong nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải. Hoa văn được trang trí chủ yếu trên tay áo, lưng áo, cổ áo, váy, địu trẻ em và khăn gối đầu cho người chết. Ngoài kỹ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong, người Mông còn sử dụng kỹ thuật thêu, ghép vải màu để tạo nên những sản phẩm độc đáo trên vải. Các kỹ thuật này được phối hợp rất nhịp nhàng trên một sản phẩm. Khi trang trí hoa văn bằng sáp ong thì bao giờ cũng được điểm xuyết thêm các hình ô vuông hoặc hình thoi vải màu ghép chồng lên nhau và dùng những đường viền vải màu bao quanh từng mảng hoa văn nhỏ hoặc bao quanh cả mảng hoa văn lớn, tôn các đường nét hoa văn bằng sáp ong màu trắng lên, tạo cho cả mảng hoa văn nổi bật trên nền chàm.
Nhìn chung, khi trang trí các hoa văn bao giờ cũng được bố trí theo mảng và nguyên tắc là mỗi mảng đều có tâm điểm, có đường bao quanh và có đường mở rộng. Tuy theo sự sáng tạo của mỗi người mà thể hiện những đồ án trang trí có phần khác nhau nhưng về tổng thể vẫn phải đảm bảo đầy đủ các hoa văn truyền thống và xác định những khuôn hình rõ ràng theo ô hình vuông, hình chữ nhật, hình quả trám hay dải vải tùy vào các vị trí khác nhau trên sản phẩm. Ngoài các họa tiết dưới dạng đoạn thẳng, đường thẳng, người Mông rất thành thục trong việc bố cục đồ án hoa văn hình tròn, đường cong, đường xoáy trôn ốc hay biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ "S". Những họa tiết có đường cong, đường xoáy thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển như vậy tạo cho bố cục của mỗi mảng hoa văn trở nên hài hòa hơn, tránh đơn điệu.
Qua khảo sát trên địa bàn các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chúng tôi nhận thấy: trong 04 nhóm Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái thì nhóm Mông Hoa là cộng đồng đạt trình độ cao hơn cả trong nghệ thuật tạo hình hoa văn này, họ sử dụng nhiều loại hình hoa văn, kết hợp đa dạng, phong phú tạo nên những môtíp hoa văn độc đáo, trình độ tư duy thẩm mỹ phát triển, họ cũng được đánh giá là khéo tay hơn những nhóm Mông khác. Đến nay, nhóm Mông Đỏ đã ảnh hưởng nhiều từ nghệ thuật tạo hình hoa văn này từ nhóm Mông Hoa.
Nếu như người Mông Hoa chú trọng vẽ hoa văn bằng sáp ong trên cả áo và váy, hoa văn trên áo không những đa dạng hơn trên váy mà còn tập trung nhiều loại hoa văn cổ thì người Mông Đỏ chỉ tập trung trang trí trên váy là chính, áo trang trí ít hơn váy và ít hơn áo của người Mông Hoa.
Đối với nhóm Mông Đen thì chỉ vẽ hoa văn bằng sáp ong trên váy, không vẽ trên áo. Váy được vẽ hoa văn cả hai mặt, mặt phải kết hợp vẽ hoa văn và đáp vải, mặt trái chủ yếu hoa văn vẽ bằng sáp ong. Hoa văn bằng sáp ong được vẽ ở phần thân váy và chân váy. Váy không thêu, chỉ vẽ hoa văn bằng sáp ong và ghép vải thành các ô hình vuông, hình thoi nhỏ, xếp chồng lên nhau ở phần thân váy. Nhóm Mông Đen trang trí chủ yếu ở chân váy và cạp váy. Cạp váy chỉ vẽ hoa văn đơn giản là các đường thẳng và hoa văn răng cưa. Chân váy được vẽ bằng sáp ong kết hợp với đáp vải, vải thường được đáp ở phần có hoa văn thẳng và hoa văn răng cưa. Các hoa văn hình học thường được đáp phần vải màu nhỏ để tạo điểm nhấn. Ngoài hoa văn chủ yếu là hình xoắc ốc, chân váy của nhóm Mông Đen được trang trí nhiều hoa văn hình hoa, lá, cây cối, động vật, công cụ, …
Nhóm Mông Hoa trang trí hoa văn bằng sáp ong ở thân váy là chủ yếu và một phần ở sát cạp váy và đặc biệt không đáp những ô vải nhỏ ở váy như các nhóm khác, sử dụng chủ yếu là các hoa văn hình chấm tròn nhỏ và sọc kẻ xen kẽ, hình hoa, một số có hoa văn hình xoắn ốc nhưng hiếm hơn, không bao giờ sử dụng họa tiết hình lục giác và đồng tiền như nhóm Mông Đỏ.
Nhóm Mông Đỏ sử dụng các loại hoa văn như nhóm Mông Hoa nhưng không tập trung trang trí trên áo như Mông Hoa mà họ tập trung nhiều trên váy. Các họa tiết hoa văn vẽ bằng sáp ong trên váy rất phong phú. Ở phần thân gần cạp váy, họ thường trang trí các hình lục giác, hình đồng tiền lớn, bên trong là hình hoa, lá và thường ghép thêm các dải vải đỏ dọc theo thân váy. Đây là đặc trưng riêng của nhóm Mông Đỏ.
Về tổng thể, hoa văn trang trí của nhóm Mông Đen được vẽ to hơn, đơn giản hơn nhóm Mông Hoa và Mông Đỏ.
Riêng với nhóm Mông Trắng (Mông Đơ) ở tỉnh Yên Bái không sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải.
- Một số sản phẩm đặc trưng có sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong:
Hoa văn bằng sáp ong được trang trí chủ yếu ở áo, váy của phụ nữ, trẻ em gái; gối; chăn; địu trẻ em; túi đeo; váy, áo, khăn cho người chết (cả nam và nữ); hiện nay có thêm các sản phẩm phục vụ du lịch như: gối, chăn, balo, túi đeo, khăn trải bàn, tranh trang trí, …
*Đối với y phục nữ, áo dài tay có trang trí hoa văn (yao cuav đrangx): được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, trong lễ hội, cưới hỏi, tang ma. Ngày nay, những cô gái trẻ, mặc cả áo này trong khi lao động, còn phụ nữ tuổi trung niên trở lên thì chỉ mặc khi đi chơi, đi chợ, đi dự đám cưới hay lễ tết, hội hè (khi đi lao động họ mặc áo dài tay không trang trí hoa văn – yao tês pux). Loại áo này hoa văn được trang trí ở những vị trí sau:
+ Tay áo: có trang trí hoa văn thành mảng lớn ở mảnh vải đáp hình chữ "U" đến khuỷu tay, đó là những đường thẳng xếp thành hình vuông đan xen vào nhau,các chấm tròn nhỏ xếp sát vào nhau tạo thành hình lục lăng, xen kẽ với những hình vuông. Nhìn tổng thể sẽ tạo thành hình bông hoa với hình vuông ở giữa, bốn hình lục lăng xung quanh.
+ Cổ áo: được trang trí những chấm hoa văn tròn rất nhỏ thành dải đều nhau hoặc chạy xung quanh, ở giữa là hoa văn sao tám cánh mà khi mặc, người ta thường gập xuống khiến cho người khác khó có thể nhìn thấy. Ở cổ áo sử dụng hoa văn hình hạt mạch xèo, hoa bí, lá cây, hình zíc zắc, hình ánh sáng, chấm tròn nhỏ, …;
+ Vai áo: có hoa văn hình ánh sáng, sao tám cánh, hình chó nằm ngủ, hình con bướm, … Đây là những họa tiết hoa văn chính, thường nằm ở vị trí trung tâm của dải hoa văn (một ô, một khuôn hình), bao quanh dải hoa văn chính này là các hoa văn hình mạch xèo, lá cây các loại, hình hoa bí, hình răng cưa, hình zíc zắc, … (những loại hoa văn thường trang trí trên cổ áo).
Áo của nhóm Mông Hoa được trang trí nhiều hơn, khéo hơn, nét bút nhỏ hơn nên hoa văn nét hơn, đẹp hơn so với nhóm Mông Đỏ.
+ Áo khoác (yao khôuv): áo này gần như giống áo dài tay không trang trí hoa văn, chỉ khác là không có tay áo, cổ áo được trang trí hoa văn bằng sáp ong giống áo dài tay có hoa văn. Áo này mặc cho cả nam và nữ trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt mặc trong mùa đông giá rét.
+ Váy: Đây được coi là sản phẩm người Mông sử dụng nhiều nhất kỹ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong. Mỗi chiếc váy đều được xếp ly thủ công, mỗi nhóm đều có sự khác nhau chủ yếu về trang trí hơn là kỹ thuật. Nếu váy của người phụ nữ Mông Trắng là váy lanh trắng hoặc quần không trang trí hoa văn thì người Mông Đen mặc váy màu chàm có trang trí hoa văn bằng sáp ong và ghép vải. Váy của người Mông Hoa và Mông Đỏ có phần giống nhau nhưng phần vẽ hoa văn của nhóm Mông Hoa nhiều hơn, hoa văn đa dạng hơn, cầu kỳ hơn và không ghép vải trên nền hoa văn được vẽ bằng sáp ong.
Váy có 3 phần: Cạp váy, thân váy và gấu váy.
+ Cạp váy và gấu váy không trang trí hoa văn bằng sáp ong. Phần thân váy các nhóm đều vẽ hoa văn bằng sáp ong, thân váy có chia ra: phần thân trên và phần thân dưới. Tùy thuộc vào các nhóm Mông khác nhau và người tạo hoa văn mà trên thân váy có thể vẽ sáp ong hoặc kết hợp thêu hoa văn, đáp vải màu tùy ý. Riêng với nhóm Mông Hoa, phần thân dưới có thể vẽ hoàn toàn bằng hoa văn từ sáp ong hoặc kết hợp thêu nhưng phần thân trên bắt buộc phải dùng hoàn toàn là hoa văn vẽ bằng sáp ong. Hoa văn của hai phần thân váy là khác nhau.
+ Phần thân trên (sát cạp): phần này chiếm khoảng 25cm của thân váy trên, phần này cả ba nhóm Mông đều sử dụng toàn bộ hoa văn vẽ bằng sáp ong. Phần vẽ sáp ong này, tùy vào từng độ tuổi, sở thích, nhóm địa phương tộc người để người ta chọn các đường viền to nhỏ, họa tiết khác nhau. Người Mông Hoa thường dùng sáp ong vẽ lên đó những đường kẻ thẳng và các chấm tròn nhỏ song song (họ giải thích là hình bờ ruộng bao quanh và hình hạt lúa ở trong, có người lại cho đó là hình dãy núi, chấm tròn là hình hạt đậu tương). Phần này, người Mông Đen lại vẽ sáp ong các hình xoắn ốc bố trí dọc theo chiều ngang của váy hoặc xếp thành hình chữ "T" trong các đường kẻ nhỏ hoặc xếp chéo xen kẽ với hoa văn hình lá dương sỉ và hoa bí. Người Mông Đỏ có cách trang trí phần này là các hoa văn hình hoa, lá cây trong các khuôn hình vuông, có đường viền răng cưa. Gần đây, trang trí của nhóm Mông Đỏ ở thân trên này có phần giống với nhóm Mông Hoa. Những hoa văn được trang trí ở phần thân này khá phong phú như: hình xoắn trôn ốc, hình khuỷu chân, bờ ruộng, dãy núi, con hến, con bướm, con gà, con sâu, cây dương sỉ, cây thông, hoa dưa, hoa bí, hạt đậu tương, …
+ Phần thân dưới (sát gấu): phần này tập trung nhiềm màu sắc và cách trang trí hoa văn, ngoài vẽ hoa văn bằng sáp ong người ta còn thêu và ghép vải ở phần thân này. Ô vẽ hoa văn bằng sáp ong thường có màu vàng (được tạo nên bằng cách nhuộm hoa văn trắng thành màu vàng từ rễ cây "măng đằng"). Hoa văn được sử dụng ở đây chủ yếu là những đường thẳng song song tạo thành ô vuông, bên trong trang trí các đường gấp khúc có hình răng cưa. Người Mông Hoa, Mông Đỏ trang trí với các hoa văn hình học, đường viền bao quanh, bố trí thành các dải ô vuông, hình chữ nhật hoặc tản ra dải vải và vẽ các hoa văn nhỏ bên trong. Khi in sáp ong thì những hoa văn sử dụng ở phần này có hình dấu nhân (người Mông giải thích đó là hình con tằm, hình vết chân chuột), hình lá dương sỉ, hình hoa bí, hình khuỷu chân, hình hạt mạch xèo, hình cái cuốc, hình móng chân trâu, móng chân gà, … Đối với nhóm Mông Đen, thân dưới váy vẽ hoàn toàn bằng sáp ong, trang trí nhiều hơn thân trên, ngoài vẽ sáp ong, người ta dùng miếng đáp bằng vải hình chữ thập, hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình thoi, hình răng cưa, hình zíc zắc, … Sau khi đã trang trí hoa văn vẽ bằng sáp ong, người ta sử dụng những mảnh vải màu dày, tạo thành đường viền bao quanh các chi tiết để làm nổi bật hoa văn màu trắng bên trong.
+ Khăn gối đầu cho người chết: là khăn có hai lớp, lớp ngoài viền vải đỏ, lớp trong vẽ hoa văn bằng sáp ong (có thể thêu hoặc ghép vải), thường là các hình kỷ hà (nếu thêu sẽ là hoa văn hình xoắn ốc, guồng thu sợi, con tằm).
* Đối với y phục nam:
+ Áo cho người chết: khi chết, người đàn ông Mông ở tất cả các nhóm đều mặc áo dài tay nam, quần, dây lưng như ngày thường nhưng bên ngoài phải mặc tạp dề đen như phụ nữ, một số dòng họ người đàn ông khi chết mặc váy phụ nữ. Riêng hai nhóm Mông Hoa và Mông Đỏ, người đàn ông khi chết mặc áo dài tay nữ, loại có vẽ hoa văn bằng sáp ong mà phụ nữ mặc thường ngày hoặc mặc trong lễ tết, hội hè để đi sang thế giới bên kia. Hoa văn được sử dụng ở áo này có hình con bướm, chó nằm ngủ màu vàng hoặc màu trắng ở tay áo và lưng áo.
+ Khăn gối đầu khi chết giống như của nữ. Đồ dùng cho người chết bắt buộc phải được làm từ vải lanh truyền thống, đồng bào quan niệm, phải được dùng vải lanh thì khi sang thế giới bên kia, tổ tiên của họ mới nhận diện được con cháu của mình. Đối với người Mông nói chung, việc chuẩn bị trang phục cho bố mẹ khi chết là của con gái, con dâu và người vợ chuẩn bị cho chồng mình. Nếu là nữ thì còn có chiếc váy mà mẹ đẻ tặng khi đi lấy chồng.
* Đối với y phục trẻ em:
+ Áo, váy trẻ em nữ: từ 3 tuổi trở lên, các bé gái mặc trang phục như người lớn, cũng có vẽ hoa văn bằng sáp ong trên áo và váy nhưng ít hơn nhiều so với trang phục của người lớn.
* Đối với những sản phẩm vải khác có sử dụng hoa văn vẽ bằng sáp ong:
+ Địu trẻ em (lang nhax): Gồm hai nửa ghép lại với nhau, mỗi nửa gồm hai lớp, lớp ngoài của cả hai nửa và nửa dưới của lớp trong đều có vẽ hoa văn bằng sáp ong. Tùy vào sự khéo léo của người mẹ, người bà ngoại (hoặc chị gái của mẹ nếu bà ngoại không còn) mà địu được trang trí các loại hoa văn khác nhau nhằm ý nghĩa bảo vệ được đứa bé và hướng tới nơi có ánh sáng, có mặt trời để có một tương lai tốt đẹp, bình an.
+ Gối, chăn: Là những sản phẩm phục vụ nhu cầu của đời sống mỗi gia đình người Mông, các loại hình hoa văn được sử dụng tùy thuộc vào người tạo tác và sự khéo léo của đôi bàn tay, hướng tới cuộc sống bình yên, no đủ của gai đình. Đó thường là hoa văn hình núi, hình bờ ruộng, hình hạt gạo, hình mặt trăng, mặt trời, sao tám cánh, các loại hình hoa đặc biệt là hoa đào, …
* Các họa tiết hoa văn được tạo
Các loại hoa văn được tạo hình bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái bao gồm nhiều mô típ khác nhau, được những người thợ thủ công kết hợp, sáng tạo làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang tính bản sắc của tộc người. Chủ yếu là các hoa văn hình hình học, đó là những đường ngang, viền đậm, dài hoặc gãy góc tạo ra các khối hình vuông, hình chữ nhật. Có thể chia ra hai mô típ chính là: mô típ hoa văn kỷ hà (tức hình hình học) và mô típ hoa văn tả chân. Các hoa văn kỷ hà mang đặc trưng nguyên thủy hơn những hoa văn tả chân. Mô típ hoa văn tả chân có thể chia ra 04 loại sau: hoa văn hình thực vật, hoa văn hình động vật, hoa văn hình công cụ, vật dụng; hoa văn biểu tượng. Các hoa văn tả chân nhiều khi là sự kết hợp của những hoa văn hình hình học lại với nhau ở mức độ khác nhau mà thành.
Trong quá trình khảo sát các nhóm Mông ở tỉnh Yên Bái, nhóm Mông Hoa thể hiện trình độ trang trí hoa văn bằng sáp ong trên vải phong phú nhất, sắc nét nhất; tiếp đến là nhóm Mông Đỏ và Mông Đen; riêng nhóm Mông Trắng không sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải và y phục của họ cũng đơn giản hơn, ít hoa văn trang trí hơn (chỉ thêu phần cổ áo) so với các nhóm Mông trên.
Tên gọi của hoa văn mang tính chất ước lệ, thấy hoa văn gần giống vật gì quen thuộc trong đời sống thì dùng tên vật đó để gọi tên hoa văn, chủ yếu được goi theo các hiện tượng tự nhiên và hệ thống động thực vật xung quanh khu vực người Mông cư trú mà họ quan sát được để dễ hình dung như hình các con vật, các loại hoa, các loại cây, mặt trời, mặt trăng, … cùng một loại hoa văn nhưng được gọi theo nhiều tên khác nhau ở nhiều nơi khác nhau.
Hoa văn hình hình học như:
+ Hoa văn đường gấp khúc song song (nar kơ): thường được dùng để vẽ viền mép xung quanh, xác định một khung hình (một ô) hoa văn trên váy, áo và phần tiếp giáp giữa các ô với nhau.
+ Hoa văn đường thẳng song song (cêr nđangx): được vẽ ở phần giữa của thân váy và sát cạp váy.
+ Hoa văn hình vuông (xơ luz ntâuz): đây là những ô vuông lớn bao bọc các mảng hoa văn vẽ sáp ong bên trong, cũng để xác định từng ô trước khi trang trí các mảng hoa văn bên trong.
+ Hoa văn hình tam giác (xơ blei pê câu): được sử dụng để trang trí bên trong một khuôn hình hoặc nối các khuôn hình với nhau cũng có khi là lồng các hình tam giác vào nhau hoặc cũng có khi vẽ hai hình tam giác quay đỉnh vào nhau để liên tưởng đến hoa văn hình con bướm.
+ Hoa văn hình chấm tròn (xơ khênh): là các chấm tròn to nhỏ khác nhau, phổ biến hơn là các chấm tròn nhỏ thể hiện trong các ô hoa văn lớn. Được sử dụng nhiều khi trang trí ở vai áo và thân trên của váy.
+ Hoa văn hình dấu nhân (xơ ư công chi kang): có người cho đó là hình con tằm, hình vết chân chuột, thường được trang trí ở phần thân váy.
+ Hoa văn hình răng cưa, có hai loại: răng cưa to (ná cơ) và răng cưa bé (lu), hoa văn này thường sử dụng để trang trí đường viền bên trong ô vuông, bao xung quanh phần trang trí các hoa văn nhỏ bên trong. Hoa văn này thường xuất hiện ở quanh thân váy và vai áo, đồng bào cho rằng đó là hình rặng núi.
Hoa văn hình động vật như:
+ Hoa văn hình con ốc (cư rong hoặc plớ cư): hoa văn này được vẽ trang trí ở phần thân váy, gần sát cạp váy hoặc là những hình xoáy vuông góc 4 cạnh hoặc 8 cạnh thể hiện trên áo dài tay nữ mặc trong lễ hội, cưới xin hoặc lúc chết. Hoa văn này còn được trang trí trên dây thắt lưng sử dụng trong lễ hội và khăn gối đầu dành cho người chết.
+ Hoa văn hình con bướm (nả bâu): thực chất đây là hoa văn hình học nhưng với cách xếp biến thể tạo thành, thông thường loại hoa văn này chỉ gồm hai hình tam giác ghép quay đỉnh vào nhau để tạo thành con bướm chứ không uốn cong theo hình dáng của con bướm như hoa văn thêu. Loại hoa văn này thường xuất hiện trên những đường viền xung quanh phần in sáp ong trên vai áo.
+ Hoa văn hình móng gà (txâu kai): khi in sáp ong trên vải, loại hoa văn được thể hiện là một hình vuông nhỏ, được bao quanh bởi một hình vuông lớn, thường trang trí trên thân váy và vai áo.
+ Hoa văn hình con tằm (cang zư): thường là hình hai gạch chéo giống như dấu nhân, thường được trang trí ở đường viền để phân biệt giữa các ô hoa văn hoặc giữa mảng hoa văn trang trí bằng sáp ong và hoa văn thêu trên thân váy.
+ Hoa văn hình con hến (cang zê): loại hoa văn chỉ sử dụng khi vẽ bằng sáp ong, được thể hiện là hình lục giác, trong có 03 chấm tròn nhỏ, trang trí phổ biến trên vai áo.
+ Hoa văn hình con chó nằm ngủ (đê pu): loại hoa văn cũng chỉ sử dụng khi vẽ bằng sáp ong, đó là những đường thẳng vuông góc và những đường gấp khúc kết hợp với nhau tạo thành hình gần giống hình thoi với những nét ngoặc lớn hướng ra phía ngoài. Hoa văn này thường được trang trí ở giữa hình vuông to tạo khuôn hình và những hoa văn nhỏ trong cùng trong một ô trang trí trên váy hoặc vai áo.
+ Hoa văn vết chân chó (nênh đê): được thể hiện là hình năm chấm tròn nhỏ chụm lại một chỗ, thường trang trí trên thân váy và phần trên sát với cạp váy.
+ Hoa văn hình móng chân trâu (chau nhu): trước kia chỉ sử dụng trong hoa văn thêu, nay có dùng trong vẽ sáp ong để trang trí ở phần thân váy, cũng là những hình tròn chụm lại với nhau, to hơn hoa văn hình vết chân chó.
+ Hoa văn hình vết chân chim (chau zang): là những chấm tròn nhỏ tạo thành hai đường thẳng cắt nhau, nhiều bố cục này nối lại với nhau được gọi là hoa văn hình vết chân chim, được sử dụng trang trí trên vai áo.
+ Hoa văn hình móng lợn (chau bua): là những hoa văn hình chấm tròn nhỏ chụm lại với nhau, gần giống như hoa văn hình vết chân chó, được sử dụng để trang trí trên vai áo và tay áo.
+ Hoa văn vết chân chuột (chau nằng): là hoa văn chấm tròn nhỏ, ba chấm chụm lại một khuôn hình, cũng là những chấm tròn này nếu lệch nhau thì tạo thành hoa văn hình hạt đậu tương, nếu xếp vuông góc thì tạo thành hoa văn hình cái cuốc, được trang trí trên thân váy.
Hoa văn hình thực vật như:
+ Hoa văn hình hạt gạo (nu mov): đây là những dải chấm tròn nhỏ liên tiếp xuất hiện ở phần in sáp ong trên thân váy.
+ Hoa văn hình hạt đậu tương (xảy tảu): loại hoa văn này được thể hiện là 03 chấm tròn nhỏ, thường được trang trí là hoa văn nhỏ bên trong một ô vuông lớn.
+ Hoa văn hình quả trám (lun tau): là loại hoa văn được trang trí phổ biến ở tay áo và thân trên của váy, bên trong mỗi ô vuông họa tiết.
+ Hoa văn hình bông hoa (plớ pằng): là hoa văn có một chấm tròn ở giữa và năm đến tám chấm hình cánh xung quanh, xuất hiện nhiều ở trên thân váy, vai áo, chủ yếu dùng trong hoa văn vẽ sáp ong.
+ Hoa văn hình hoa bí (pằng tau): là loại hoa văn được trang trí phổ biến ở cổ áo dài tay và thân váy, có một chấm tròn ở giữa và 5 cánh đều xung quanh.
+ Hoa văn hình hoa bầu (pằng tâu): được thể hiện giống như hoa bí nhưng nếu có nhuộm màu vàng thì hoa bầu thường là hoa màu trắng còn hoa bí nhuộm màu vàng. Đây cũng là loại hoa văn được trang trí phổ biến ở cổ áo dài tay và thân váy.
+ Hoa văn hình hoa dưa (pằng đi): là hoa văn được in nhiều ở cổ áo và thân dưới của váy. Mẫu hoa văn này được cách điệu ở nhiều kiểu khác nhau nhưng đặc trưng xuyên suốt vẫn là những chấm tròn nhỏ ghép lại tạo thành hoa bốn cánh.
+ Hoa văn hình hoa tỏi (pằng kê): là loại hoa văn có một chấm tròn ở giữa và các cánh đều xung quanh, được thể hiện nhỏ hơn các loại hoa bầu, hoa bí. Loại hoa văn này được sử dụng để trang trí trên vai áo và thân váy.
+ Hoa văn hình hoa đào (pằng dí đùa): là loại hoa văn có hình chấm tròn ở giữa to hơn và xung quanh là các cánh hoa được trang trí dày hơn các loại hoa trên. Đây là hoa văn điển hình, được trang trí trên nhiều sản phẩm như: cổ cáo, vai áo, thân váy, địu trẻ em, …
+ Hoa văn hình hoa cỏ (pằng su): là loại hoa văn hình hoa nhỏ nhất, thể hiện bằng những chấm tròn nhỏ li ti trong các khuôn hình trên thân váy.
+ Hoa văn hình lá cây thông (blông sôu): được thể hiện là những hình tam giác lồng vào nhau, thường được trang trí trên sát cạp váy và vai áo.
+ Hoa văn hình lá cây dương sỉ (blông sua): là những hình chữ "V" xếp liên tiếp nhau và đường vạch chằng chịt theo gân lá, thường được trang trí trên thân váy và vai áo.
Hoa văn biểu tượng như:
+ Hoa văn hình mặt trăng (hli): là loại hoa văn hình chấm tròn khá to và độc lập trong các khuôn hình, được thể hiện trên tay áo và vai áo.
+ Hoa văn hình mặt trời (nuz): có hình tròn ở giữa và từ 5 đến 17 tia sáng tỏa ra xung quanh, thường được trang trí ở tay áo và vai áo.
+ Hoa văn hình sao tám cánh (nur ku): được tạo bởi một hình vuông và năm hình tam giác ghép lại với nhau tạo thành hình ngôi sao, vẽ bằng sáp ong trang trí ở phần vai và tay áo.
+ Hoa văn ánh sáng (dỉ chề): là những chấm hoa văn in sáp ong nhỏ xếp xếp với nhau gần giống hình thoi, trang trí trên tay và vai áo. Đây là loại hoa văn đặc trưng của nhóm Mông Hoa (Mông Lềnh hay Mông Lình) ở tỉnh Yên Bái.
+ Hoa văn hình chữ "thập" (tô khau li): là hình hai đường thẳng cắt nhau vuông góc từ đơn giản đến phức tạp. Hoa văn hình chữ "thập" được sử dụng khá nhiều trên các mảng hoa văn trang trí trên thân váy, tay và vai áo của các nhóm.
+ Hoa văn đường dích dắc (hồi văn), (chư xông hay chứ háu lềnh): đó là những hình gấp khúc, được lặp đi lặp lại bằng những đoạn thẳng ngắn bằng nhau và độ gập khúc cũng bằng nhau. Đây là loại hoa văn đơn giản, nó thường được kết hợp với một vài hoa văn đơn giản khác để tạo nên những hoa văn mới trên thân váy, vai áo.
+ Hoa văn hình bờ ruộng (làn đáy): đó là những đường thẳng song song không liên tiếp nhau, được trang trí viền ở mỗi ô vuông trên tay áo.
+ Hoa văn hình rặng núi (ca đa): Đây là một dạng của đường dích dắc thẳng đứng, mà đỉnh nhọn cắt nhau giữa hai đường thể hiện là đỉnh núi, nhiều đường dích dắc như vậy lặp đi lặp lại tạo thành rặng núi hay dãy núi theo liên tưởng của cộng đồng.
+ Hoa văn hình khuỷu chân (lu chề): đây là những hình gấp khúc được tạo bởi những chấm tròn (chủ yếu bằng nghệ thuật vẽ sáp ong) để in hoa văn trang trí ở phần cổ áo dài tay.
Hoa văn hình công cụ, vật dụng như:
+ Hoa văn hình cái cuốc (chang klâu): là những chấm tròn nhỏ, xếp vuông góc với nhau, tạo thành hình cái cuốc, hoa văn này được trang trí chủ yếu ở phần thân váy.
+ Hoa văn hình lưỡi cày (háu cày): là dạng hoa văn hình tam giác, nhọn, giống lưỡi cày, được sử dụng để trang trí trên thân trên của váy và trên địu trẻ em.
+ Hoa văn hình cái sàng gạo (plớ có chàu): là hoa văn sử dụng đường viền tròn liền, bên trong có những chấm tròn rất bé, tượng trưng cho mắt sàng, trang trí trên thân váy sát cạp.
+ Hoa văn hình chân ghế (Chì tò): là những hoa văn hình vuông tạo thành mảng, là nơi chuyển tiếp giữa hai mảng hoa văn in sáp ong trên vai áo và tay áo.
+ Hoa văn hình cái then cửa (tù làng): là hình giống chữ "t" viết thường, được dùng nhiều trên thân váy và vai áo để ngăn cách giữa các mảng trang trí hoa văn.
+ Hoa văn hình đồng tiền có lỗ ở tâm (tau nha hoặc pằng tau): là hoa văn hình vuông, thủng lỗ ở giữa, thường được sử dụng để trang trí ở thân váy và vai áo.
Có thể thấy, hệ thống hoa văn của người Mông khá phong phú nhưng mỗi loại hoa văn này lại có những biến cách riêng tùy vào sự khéo léo và óc sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình thực hành để vượt lên sự thô sơ, tạo nên sự đa dạng, nhiều cách điệu, đạt trình độ biểu đạt thẩm mỹ cao. Từ một dạng hoa văn cơ bản, người Mông biết kết hợp nhiều kiểu với nhau tạo nên sự đa dạng trong hệ thống hoa văn và thể hiện tư duy sáng tạo của cộng đồng. Ví như: cùng là hình tam giác, nếu đứng một mình sẽ tạo điểm nhấn cho họa tiết vẽ sáp ong, nếu quay hai đỉnh vào nhau thì tạo thành hoa văn hình con bướm, nếu dùng bốn con bướm đính các cạnh lại với nhau thì tạo thành ngôi sao tám cánh, nhiều sao tám cánh chồng chất trong một ô vuông theo từng lớp thì tạo thành hoa văn hình mặt trời hoặc cùng là họa tiết chấm tròn nhỏ, nếu đứng riêng thì là biểu tượng của hạt gạo, hạt đậu tương, nếu sử dụng một chấm ở giữa và 5 đến 8 chấm xung quanh sẽ tạo thành bông hoa hoặc chấm liên tiếp thành dải chạy xung quanh thân váy, …
Trong hệ thống những hoa văn được người Mông ở tỉnh Yên Bái sử dụng để tạo hình bằng sáp ong có những hoa văn rất phổ biến trong nghệ thuật tạo hình cổ xưa ở Đông Nam Á và Việt Nam như: hoa văn mặt trời, sao tám cánh, hình xoáy trôn ốc, cây dương sỉ.
* Về bố cục hoa văn:
Quan sát tổng thể, cách bố cục tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải ở người Mông tỉnh Yên Bái chúng tôi nhận thấy: sử dụng hình thức bố cục mảng, tạo thành các ô hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình thoi trên bề mặt vải là chủ đạo, các đồ án hoa văn nhỏ và rất nhỏ, nhiều nên trang trí tập trung, dày, các đường nét và hình họa thường chen chúc, luồn lách, ít gặp bố cục thoáng.
Một đặc điểm nổi bật là bố cục đăng đối, cặp đôi, cặp bốn, lấy hoa văn chính làm trung gian, các mô típ hoa văn thay nhau làm hoa văn chính (hoa văn vệ tinh) đứng vào vị trí đăng đối trên từng đồ án, có những đường viền xung quanh to nhỏ khác nhau, thể hiện tư duy của người tạo hình và sự sinh động trên từng mảng hoa văn.
* Về bố cục màu sắc:
Về cơ bản, việc tạo hình hoa văn trên vải của người Mông (ở cả ba kỹ thuật: thêu, vẽ sáp ong và ghép vải) cũng chỉ có 5 màu cơ bản: chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Nếu xét riêng về màu sắc của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong thì chỉ có hai màu cơ bản là màu trắng (nhuộm chàm nhiều chuyển thành xanh lơ nhạt) và màu vàng trên nền chàm tối.
Xét về tổng thể của một đồ án trang trí hoa văn trên một khuôn vải nhất định thì màu xanh lơ nhạt của vải in sáp ong trở thành màu trung gian, dung hòa các màu đậm của vải ghép, chỉ thêu và màu chàm tối của nền vải nhuộm. Bởi thế mà màu sắc, đường nét, mô típ của hoa văn có sự chuyển động khá phong phú, mát mắt mà vẫn tạo điểm nhấn được cho các sản phẩm. Bảng màu của người Mông so các tộc người Tày, Thái, Mường thì không nhiều hơn nhưng từ sự kết hợp tinh tế của các kỹ thuật tạo hình hoa văn và phối hợp màu sắc đã làm cho người xem cảm thấy các sản phẩm của người Mông luôn nổi bật hơn về màu sắc.
VII. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được người Mông thể hiện trên nhiều sản phẩm khác nhau như: váy, áo, gối, địu, đai váy sử dụng trong đời sống thường nhật của cộng đồng và sử dụng cho cả người chết sang thế giới bên kia; ngày nay, nghệ thuật này rất được khách du lịch ưa chuộng trong các sản phẩm thủ công như: balo, túi các loại, khăn trải bàn, rèm, gối, chăn, tranh, ... bởi vậy, không gian văn hóa có liên quan đến di sản là khá rộng, thể hiện ở nhiều mức độ không gian khác nhau, trong những thời điểm cụ thể khác nhau, xuyên suốt đời sống sinh hoạt của cộng đồng, gắn với những thời điểm quan trọng trong chu kỳ cuộc đời mỗi con người, từ khi sắp sinh, sinh ra (cái địu), trong đám cưới (các sản phẩm mà người con gái phải có để tặng cha mẹ đẻ và mang theo tặng gia đình nhà chồng) đến bộ y phục mà người chết phải có để mặc khi sang thế giới bên kia. Ngoài ra, từ những bộ y phục thường ngày đến những bộ y phục diện trong ngày lễ, ngày hội hay khi tham dự các nghi lễ: hỏi - cưới, tang ma, các nghi lễ của gia đình, dòng họ, cộng đồng, đất nước, .... đều mang trong đó nghệ thuật tạo hình độc đáo này. Dù cách thức trang trí ít hay nhiều, hoa văn trang trí đơn giản hay phức tạp thì nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong vẫn luôn hiện diện trong mọi mặt của đời sống cộng động, đặc biệt là trong ứng xử với người đã chết thì việc thực hành và đảm bảo tình truyền thống của nghệ thuật này luôn được coi trọng và không hề biến dạng. Việc thực hành và truyền dạy được cộng đồng tự nguyện bảo lưu và trao truyền từ đời này qua đời khác, đó được coi như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng người Mông. Di sản được những người phụ nữ Mông thực hành nhưng nó hiện diện trong hầu hết không gian văn hóa sinh hoạt của cả cộng đồng tộc người.
Gắn với nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải, có rất nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản. Những giá trị vật chất điển hình có thể kể đến chính là các sản phẩm được sử dụng để thực hành di sản và những sản phẩm được tạo ra trong quá trình thực hành di sản ấy như vải lanh, bút vẽ, sáp ong, cây chàm và các loại cây nhuộm màu khác; váy, áo, gối, địu trẻ em, túi xách, khăn trải bàn, rèm trang trí, chăn, tranh các loại, .... Những sản phẩm tinh thần gắn với di sản rất phong phú, đa dạng. Có thể nói, với vai trò của mình, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải gắn với nhiều sản phẩm tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là tri thức dân gian. Sản phẩm của nghệ thuật tạo hình này là kết tinh phản ánh quá trình lịch sử tộc người, văn hóa tộc người, trình độ thẩm mĩ cũng như thế giới quan, nhân sinh quan tộc người rất rõ nét.
VIII. Giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể
1. Giá trị lịch sử: Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là một di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, có lịch sử lâu đời trong xã hội cộng đồng tộc người, nó phản ánh quá trình lịch sử của tộc người rất rõ nét. Mỗi loại hình hoa văn, mỗi cách thể hiện đều mang những ý nghĩa riêng của nó, gắn với lịch sử di cư, lịch sử cư trú, lịch sử xã hội, lịch sử kinh tế - văn hóa của tộc người. Như thế, nghiên cứu mỗi loại hoa văn cũng như cách thức thể hiện và ý nghĩa của nó đều cho ta thấy được phần nào bức tranh nhiều màu sắc của lịch sử xã hội tộc người.
Các hình họa mà người Mông gửi gắm lên vải bằng nghệ thuật tạo hình bằng sáp ong này chủ yếu là những họa tiết mô tả thiên nhiên xung quanh cuộc sống của con người (mặt trời, ngôi sao, rặng núi, bờ ruộng, ...), đặc biệt là hệ thống động thực vật trong đời sống của những con người hái lượm (hoa bầu, hoa bí, con ốc, con hến, ...), vắng bóng những hình ảnh là đối tượng của hoạt động săn bắt (như các loại cung, nỏ, gươm, giáo, lao, hổ, báo, thỏ, sóc ...). Qua hệ thống hoa văn, chúng ta nhận thấy rõ có khuynh hướng nghiêng về nữ giới và nữ tính. Đó là dòng nghệ thuật trong văn hóa mẫu hệ. Mặc dù, cộng đồng người Mông đã là một xã hội phụ hệ gia trưởng cực quyền từ lâu nhưng dòng nghệ thuật độc đáo này vẫn được bảo tồn qua hệ thống hoa văn trên bề mặt vải cho đến ngày nay như một tàn dư của văn hóa mẫu hệ có sức sống bền bỉ, nguyên gốc, thuần khiết và tiêu biểu.
Một số loại hoa văn đã phản ánh những đặc điểm lịch sử của tộc người như: hoa văn hình xoáy trôn ốc giúp ta liên tưởng tới một thời kỳ mà người Mông sinh sống ở vùng thấp và canh tác lúa nước, tiếp xúc với nhiều loại sinh vật sống dưới nước như một số ý kiến khoa học đã chỉ ra khi nghiên cứu về lịch sử canh tác và lịch sử xã hội tộc người. Hoặc hoa văn hình chữ "S" nằm ngang theo nhiều nhà nghiên cứu thì đó là hình mặt trời cách điệu, hoa văn hình đồng tiền (hình vòng tròn có chấm ở giữa), hoa văn sao 8 cánh đều là biến thể của hình mặt trời, sấm chớp, các hiện tượng tự nhiên đã cho thấy nhu cầu về nguồn nước của cư dân nông nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới hoặc hoa văn xoắn vuông góc từng cặp đôi, cặp bốn kết hợp với nhau trong một ô vuông tạo thành môtíp trang trí có 8 hình xoắn vuông góc hoặc 4 hình xoắn vuông góc với nhiều biến dạng khác nhau mà theo truyện cổ Mông thì đây là hình cong của sừng trâu – một con vật quan trọng hàng đầu của cư dân nông nghiệp. Theo nhiều nhà nghiên cứu đã so sánh, đối chiếu thì loại hoa văn uốn vuông góc này đã tìm thấy trên các đồ gốm, đồ đồng Trung Hoa từ thời Thương (năm 1600 – 1028 TCN), Chu (năm 1028 – 257 TCN) cách ngày nay từ 2.260 – 3600 năm, phải chăng những hoa văn được người Mông sử dụng hiện nay có lịch sử rất lâu đời và có nguồn gốc gần với văn hóa Hán và mang những giá trị biểu tượng về mong ước một cuộc sống no đủ.
Các hoa văn liên quan đến hệ thống thực vật xung quanh đã cho thấy môi trường sống chủ yếu của cộng đồng trong lịch sử như: hoa , quả, cây bí, cây dưa, cây rau dớn, cây dương sỉ, ... Qua nghiên cứu, so sánh hệ thống hoa văn trên vải của người Mông đã cho thấy nó đã có lịch sử tồn tại từ trước khi người Mông vào Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
2. Giá trị văn hóa: Hệ thống hoa văn được tạo ra không chỉ tạo nên một tấm vải đẹp, một bộ y phục đẹp mà nó còn là sản phẩm của yếu tố văn hóa và tâm linh của tộc người, nó phản ánh cách cảm nhận, cách suy nghĩ của từng cá nhân và của cả cộng đồng trong quá trình lịch sử. Qua thực tiễn lao động sản xuất với sự quan sát tinh tế, người phụ nữ Mông đã khái quát hóa những hình ảnh quen thuộc thành những hình tượng nghệ thuật giàu thẩm mĩ. Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, là sản phẩm sở hữu chung của đồng bào, mang những giá trị rất riêng của văn hóa Mông, góp phần không nhỏ vào tín hiệu quan trọng đầu tiên giúp nhận biết tộc người. Mỗi nét hoa văn, mỗi kiểu kết hợp, mỗi cách tư duy, thực hành đều thể hiện những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện những cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên, với cuộc sống, với lịch sử, với thế giới tâm linh.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải hội tụ nhiều tri thức dân gian độc đáo về nghệ thuật, thẩm mỹ, văn hóa vật chất tạo nên từ môi trường sống của tộc người trong đời sống thường nhật cũng như tâm linh, tín ngưỡng truyền thống. Sản phẩm của di sản còn là hình thức biểu hiện của ngữ văn dân gian khi mang trong mình những câu truyện gắn với lịch sử, đời sống, văn hóa tộc người; của tập quán xã hội và tín ngưỡng khi mỗi sản phẩm đặc trưng gắn với mỗi giai đoạn trong chu kỳ đời người từ khi được sinh ra, tới lúc hỏi – cưới rồi chết đi; của nghề thủ công truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác, tạo ra sản phẩm mang đặc trưng văn hóa riêng, phục vụ nhu cầu của đời sống cộng đồng.
Hệ thống tri thức dân gian này tồn tại và phát triển xuyên suốt trong lịch sử tộc người, được truyền dạy qua nhiều thế hệ, được cộng đồng tự bảo lưu, tự trao truyền và thực hành thường xuyên trong đời sống, đã thể hiện sức sống bền vững của một di sản văn hóa độc đáo, lâu đời.
3. Giá trị khoa học: Qua nghiên cứu hệ thống hoa văn được tạo hình bằng sáp ong cũng như cách thể hiện và ý nghĩa của chúng trên mỗi sản phẩm giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức khoa học xã hội và nhân văn về đời sống vật chất, tinh thần, các hoạt động kinh tế và quá trình lịch sử của cộng đồng tộc người Mông nói chung.
Di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa – xã hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian, kinh tế truyền thống của đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái nói riêng cũng như người Mông ở Việt Nam, trong khu vực và thế giới nói chung. Di sản chứa đựng những sáng tạo nghệ thuật mang tính khoa học độc đáo, được biểu hiện qua cách thức thể hiện, kết hợp, giải thích của mỗi "nghệ nhân" tạo hình với sự đa dạng trong mỗi loại hoa văn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều thể hiện sự biến hóa độc đáo của người "họa sĩ" với sự sáng tạo riêng, mang tính khoa học mà vẫn không mất đi cái gốc, cái truyền thống của di sản, phản ánh sự đa dạng văn hóa trong cái chung, cái thống nhất và óc sáng tạo của tộc người.
4. Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, đặc sắc, riêng có của cộng đồng, được sử dụng trong những không gian văn hóa khác nhau thể hiện trình độ thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cao của tộc người. Hệ thống tri thức dân gian được lưu truyền từ đời này qua đời khác cộng với sự sáng tạo nghệ thuật được bồi đắp qua các thế hệ, kết hợp giữa tư duy và động tác của người "họa sĩ bản làng" đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang những giá trị văn hóa đặc trưng, là dấu hiệu rõ nét đầu tiên phân biệt người Mông với các cộng đồng tộc người khác. Đó là giá trị nghệ thuật đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao của tộc người, có sức lan tỏa trong một không gian và thời gian rộng lớn. Di sản mang vẻ đẹp từ khuôn hình được tạo cho đến ý nghĩa nhân sinh, mục đích làm cho người ta chiêm nhiệm, suy ngẫm bằng các giác quan, từ đó khâm phục, ngưỡng mộ, ưa chuộng. Trong lịch sử phát triển loài người, con người sáng tạo các loại hình nghệ thuật để làm phong phú hơn cuộc sống, giúp con người thêm tự tin tồn tại và phát triển. Vì vậy, sáng tạo nghệ thuật là quy luật tất yếu và là nhu cầu không thể thiếu của con người. Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông cũng không nằm ngoài quy luật đó, nó thể hiện những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển, trước ước vọng vươn tới cái đẹp, cái đủ đầy, no ấm của con người. Đó chính là vẻ đẹp bất biến, cao cả của giá trị nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc này.
Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông thể hiện trình độ nghệ thuật và óc sáng tạo cao của tộc người, bởi nó không sao chép hiện thực, mà nó dùng hình tượng sinh động cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền tải hiện thực. Sự phản ánh hiện thực ấy được thông qua lăng kính và cái nhìn của con người với những cảm xúc thẩm mĩ, sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, ý nguyện, tình cảm và những khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng. Đó chính là cái đẹp, cái cao cả của giá trị nghệ thuật đích thực mà di sản mang lại.
5. Vai trò của di sản trong đời sống của người Mông: Trong cộng đồng của người Mông ở tỉnh Yên Bái hiện nay, cơ bản nữ giới từ thiếu niên đến tuổi trưởng thành đều biết tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải, thậm chí còn nhuần nhuyễn với những động tác này, bởi đó là cách thức đầu tiên và quan trọng để góp phần tạo nên bộ trang phục truyền thống, phục vụ nhu cầu của mỗi cá nhân trong đời sống thường nhật, tiếp đó là các sản phẩm không thể thiếu được sử dụng hằng ngày trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng được tạo nên từ đôi bàn tay của người phụ nữ Mông.Với sự hiện diện thường xuyên và liên tục của những sản phẩm có sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn này trong đời sống tộc người ở nhiều phương diện khác nhau đã khẳng định vai trò không thể thiếu của di sản.
Đây chính là di sản văn hóa phi vật thể không thể thiếu để tạo nên sản phẩm vật thể độc đáo, quan trọng trong đời sống của cộng đồng, trước hết là phục vụ nhu cầu của đời sống vật chất tộc người (nhu cầu mặc) bởi đối với cộng đồng người Mông ở tỉnh Yên Bái cho đến nay, việc sử dụng y phục truyền thống và những sản phẩm thủ công trong đời sống thường nhật vẫn được duy trì, bảo lưu rất tốt, đồng bào không sử dụng hoặc rất ít khi sử dụng y phục của những tộc người khác, kể cả đối với tầng lớp thanh thiếu niên và trẻ em. Từ việc bảo lưu rất tốt những giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng dẫn tới việc duy trì và truyền dạy tri thức để tạo ra những sản phẩm vật chất phục vụ nhu cầu tinh thần ấy cũng được cộng đồng tự nguyện trao truyền và bảo lưu rất tốt, đối với di sản này, đó là những sản phẩm bằng vải có sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên địu, gối, chăn, đồ dùng cho người chết, … không thể vắng bóng và không thể sai lệch về chất liệu cũng như quy trình tạo sản phẩm và các mẫu hoa văn.
Đây là di sản văn hóa phi vật thể điển hình, kết tinh trong những sản phẩm vật chất đặc trưng, không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất cũng như tinh thần của tộc người. Bởi vậy, nó có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống cộng đồng, là di sản góp phần thỏa mãn nhu cầu của đời sống thực tại và tâm linh tộc người.
IX. Hiện trạng Di sản văn hóa phi vật thể
Từ xưa đến nay, việc thực hành di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông tỉnh Yên Bái được những người phụ nữ duy trì thường xuyên, liên tục, nhuần nhuyễn từ đời này qua đời khác, trước hết là để phục vụ nhu cầu của đời sống thường ngày trong các gia đình, dòng họ (làm váy, áo, gối, địu, đai váy, …); cùng với sự phát triển của hoạt động trải nghiệm văn hóa tộc người tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây, di sản đã được phát huy, mở rộng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch với nhiều sản phẩm thủ công được ưa chuộng như: túi, balo, khăn trải bàn, rèm trang trí, chăn, tranh các loại, …
Đến với các bản Mông vùng cao ở tỉnh Yên Bái, chúng ta không khó để bắt gặp những người phụ nữ ngồi bên bếp lửa, cạnh chảo sáp ong, cặm cụi, tỉ mỉ tạo những đường nét hoa văn độc đáo trên tấm vải lanh truyền thống. Họ tranh thủ vẽ mọi lúc khi có thời gian rảnh, ở mọi nơi khi có bếp lửa và sáp ong đã nóng chảy. Vào những khi nông nhàn, đâu đâu cũng có thể gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông đang say sưa tạo tác. Tạo hoa văn để làm y phục và các sản phẩm thủ công truyền thống khác từ vải khác đối với người phụ nữ Mông, giống như cơm ăn, nước uống và hít thở không khí hằng ngày, trong bất cứ không gian, thời gian, hoàn cảnh nào cũng có thể thực hành và thực hành thuần thục, đó còn được coi như tiêu chuẩn để đánh giá về một người vợ, người mẹ khéo tay, đảm đang trong gia đình, dòng họ người Mông.
Hằng năm, các địa phương trong tỉnh Yên Bái thực hiện nhiều chương trình, nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh nhằm giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có tộc người Mông mà nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, không thể thiếu trong các chương trình, sự kiện như thế. Có thể kể đến như: các sự kiện văn hóa du lịch được tổ chức tại các địa phương trong cả nước mà tỉnh Yên Bái có tham gia; các hoạt động mừng Đảng mừng xuân hằng năm; lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; các hoạt động du lịch "mùa vàng", "mùa nước đổ", "lễ hội hoa tớ dày" trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, ... trong đó chú trọng tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc Mông, các hội thi tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được thực hành và phô diễn hiệu quả tại những sự kiện này đã góp phần quảng bá, giới thiệu di sản truyền thống này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 02 cá nhân được tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái, lĩnh vực tri thức dân gian đều thuộc loại hình nghệ thuật tạo hình hoa văn này, đó là: Bà Lý Thị Ninh và bà Hờ Thị Chư, đều ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.
Đối với cộng đồng người Mông ở tỉnh Yên Bái hiện nay, đại bộ phận vẫn mặc y phục truyền thống trong đời sống thường ngày, đặc biệt là nữ giới (trừ một bộ phận người Mông là cán bộ, đi làm thường ngày mặc âu phục), các hoa văn được trang trí trên y phục không có nhiều thay đổi.
Về chất liệu vải, đến nay, đã có một bộ phận nhỏ người Mông cư trú gần người Thái có thay đổi về chất liệu vải, thay vì vẽ trên vải lanh, đã có người vẽ trên vải bông, họ cho rằng: "vải bông mặc nhẹ hơn vải lanh, nhất là khi trời mưa, vẽ hoa văn cũng dễ và đẹp hơn" hoặc "làm vải lanh khó quá, vải của nhà nước rẻ lại có nhiều màu và đẹp hơn" còn đại bộ phận người Mông vẫn duy trì nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên chất liệu truyền thống (vải lanh), họ cho rằng: "váy phải may bằng vải lanh mới đẹp, vải bông nhẹ không giữ được nếp nên không đẹp, vải lanh bền hơn vải bông nhiều, nhất là khi đi rừng". Đặc biệt, những vật có trang trí hoa văn bằng sáp ong sử dụng trong lễ, tết, hội hè, hỏi cưới, sử dụng cho người chết sang thế giới bên kia, người Mông ở tỉnh Yên Bái sử dụng hoàn toàn bằng vải lanh với những hoa văn truyền thống. Có thể khẳng định, việc sử dụng y phục truyền thống cũng như nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải đối với người Mông ở tỉnh Yên Bái vẫn được bảo lưu rất tốt trong đời sống hằng ngày.
Đồng bào vẫn duy trì việc trồng lanh trên các nương, trồng chàm để nhuộm vải (vẽ hoa văn bằng sáp ong thì nhuộm chàm là khâu bắt buộc để nổi hoa văn), nhuộm màu vàng từ một loại cây dây leo trên rừng (cây măng đằng), các màu nhuộm khác, người Mông có sử dụng thuốc nhuộm hóa học (bán sẵn) nhưng không nhiều. Đối với công đoạn dệt, đã có một số gia đình có điều kiện mang vải lanh đến các bản Thái thuê dệt và một số gia đình dùng máy để may áo, đại đa số các gia đình vẫn dệt thủ công với khung dệt cổ truyền và khâu tay, riêng với váy thì vẫn khâu tay hoàn toàn.
Về các mẫu hoa văn: các nhóm Mông ở huyện Mù Cang Chải rất ít biến đổi từ mẫu mã đến phong cách tạo hình, đặc biệt là nhóm Mông Hoa và Mông Đen, hệ thống hoa văn và cách trang trí cơ bản vẫn sát với truyền thống, chỉ có nhóm Mông Đỏ là có bị ảnh hưởng bởi nhóm Mông Hoa. Ở huyện Trạm Tấu và Văn Chấn, váy của người phụ nữ Mông Đen có sự thay đổi, họ dùng vải màu ghép thành các ô to nhiều hơn, ít các ô vải nhỏ chồng ghép lên nhau, ít vẽ hoa văn bằng sáp ong hơn trước kia, nhiều người lại trang trí giống váy của người Mông Đỏ, hoa văn dùng sáp ong ít và đơn giản hơn. Nếu như ở huyện Mù Cang Chải các nhóm sử dụng cách tạo hình hoa văn bằng sáp giống với truyền thống trên các vị trí cố định trên trang phục, trên địu thì các nhóm Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Văn Chấn ít sử dụng hoa văn vẽ bằng sáp ong ở những vị trí cố định và thay vào đó là ghép vải màu hoặc thêu với những hoa văn đơn giản hơn trước, thậm chí thêu bằng máy.
Về màu sắc và phong cách tạo hình: nhìn chung các nhóm Mông ở huyện Mù Cang Chải vẫn giữ được phong cách tạo hình truyền thống, cầu kỳ hơn, màu sắc trầm hơn, thực hành nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong đầy đủ và nguyên gốc hơn, trong khi các nhóm Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Văn Chấn sử dụng nhiều màu sắc sặc sỡ hơn, ít trang trí bằng hoa văn sáp ong hơn, đường nét hoa văn cũng đơn giản, ít tinh tế hơn, có sự can thiệp nhiều của máy móc công nghiệp hơn.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, chú trọng. Tháng 5/2020, huyện Mù Cang Chải đã Quyết định thành lập Tổ thêu dệt thổ cẩm Chế Cu Nha với 20 thành viên (ở các bản Dề Thàng, Chế Cu Nha, Thào Chua Chải), đến nay, tổ này đã lên tới 35 thành viên, trong đó có 10 thành viên ở các xã lân cận như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề, … Tổ đã hình thành Hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công để phục vụ thị trường cả trong và ngoài nước, phục vụ khách du lịch (đặc biệt là khách nước ngoài) khi đến với huyện Mù Cang Chải.
Ngoài việc thêu hoa văn trên vải thì việc sử dụng nghệ thuật tạo hình bằng sáp ong được tổ hợp tác thực hành rất thường xuyên để tạo các sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu trong cộng đồng, đặc biệt là sự ưa chuộng của du khách quốc tế đối với loại hình nghệ thuật này. Từ hoạt động của tổ, các thành viên đã tổ chức 02 lớp truyền dạy nghề ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, đưa số lượng người thực hành di sản lên trên 70 người; phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện Mù Cang Chải mở lớp tập huấn cho 26 chị em về nghề thêu dệt thổ cẩm, tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải; từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã đã phối hợp với các trường học truyền dạy cho hơn 50 học sinh thuần thục các kỹ thuật về vẽ, thuê hoa văn trên vải. Tới đây, Hợp tác xã có kế hoạch tổ chức truyền dạy ngay tại làng nghề cho những cá nhân có nhu cầu, đồng thời làng nghề cũng là nơi diễn ra các hoạt động trải nghiệm và mua sắm của du khách (đặc biệt là khách quốc tế) khá hiệu quả trong những năm gần đây. Hợp tác xã cũng luôn chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn khởi nghiệp, các triển lãm nghề thủ công trên toàn quốc, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá trên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Hoạt động của tổ hợp tác không chỉ giúp bảo tồn, gìn giữ, quảng bá, phát huy giá trị của di sản mà còn giúp cho các thành viên có thêm thu nhập hằng tháng, ổn định hơn về kinh tế đối với nhiều chị em.
Trong những năm gần đây, thực hiện dự án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội đã phối hợp với Hợp tác xã thổ cẩm Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đến với đông đảo công chúng thủ đô và du khách quốc tế, thu hút rất nhiều người tham gia trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm như: gối các loại, chăn, túi đeo, khăn trải bàn, áo, tranh và nhiều sản phẩm trang trí khác. Tại đây, các nghệ nhân đã trực tiếp tham gia tạo sản phẩm và hướng dẫn du khách thực hành như một hoạt động bảo tồn, kết nối cộng đồng, giới thiệu, quảng bá và phát triển sâu rộng di sản của cộng đồng đến cộng đồng du khách trong nước và quốc tế rất hiệu quả. Bằng nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu, các sản phẩm của Hợp tác xã hiện không chỉ bán ở trong huyện, trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở nhiều địa phương khác như: Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai) và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tại các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều có các chương trình dạy và học vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải tại trường, thực hiện thường xuyên, liên tục trong các giờ ra chơi, ngoại khóa, phấn đấu mỗi học sinh bán trú tự làm ít nhất 01 sản phẩm làm vật dụng cá nhân. Tại trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải đã có 01 tổ tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải với 15 học sinh nữ, hình thành phong trào chung của các đơn vị nhà trường nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống phù hợp với lứa tuổi, giới tính và phong tục tập quán của dân tộc; góp phần thúc đẩy mô hình trường học du lịch, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn huyện và đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mông đến thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân một cách sâu rộng, quảng bá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với du khách, dần đưa di sản trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.
Tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, năm 2022, đã hình thành tổ hợp tác sản xuất và phát triển sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Mông xã Suối Giàng với 5 thành viên, trong đó có thực hành thuần thục và đầy đủ các họa tiết hoa văn được tạo từ sáp ong truyền thống, tổ hợp tác hoạt động tương đối ổn định và đã cho ra được nhiều sản phẩm thủ công có giá trị nghệ thuật phục vụ hoạt động trải nghiệm và mua sắm của khách du lịch khi đến với Suối Giàng.
Năm 2021, Tỉnh đoàn Yên Bái phát động cuộc thi "Tuổi trẻ Yên Bái giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc", thí sinh Khang Thị Bla, sinh năm 1998, dân tộc Mông ở bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải bằng tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc, lấy cảm hứng từ nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong, đã thể hiện tác phẩm của mình thông qua việc kể về quy trình vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống của đồng bào Mông đầy sinh động và hấp dẫn. Tác phẩm sau khi được đăng tải đã thu hút đông đảo lượng người truy cập, theo dõi, bình chọn, được Ban Tổ chức đánh giá cao và xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi đã thể hiện vai trò của di sản trong cộng đồng tộc người Mông cũng như sự đánh giá cao về giá trị của di sản trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm, trong đó coi di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là một di sản tiêu biểu của đồng bào Mông, được chú trọng truyền dạy và phổ biến trong cộng đồng, trong các trường học và coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông trên địa bàn các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được xác định là một di sản văn hóa tiêu biểu của người Mông, tương lai sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, được nhiều du khách lựa chọn và trải nghiệm. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đã được đưa vào nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giúp di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững nhất, có thể kể đến một số định hướng lớn như: Đề án giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, giai đoạn 2013-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng huyện MCC trở thành huyện du lịch, giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển du lịch huyện Trạm Tấu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 21-NQ/HU, ngày 28/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động số 10/CTr-UBND, ngày 16/9/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/HU của Huyện ủy Mù Cang Chải; Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn háo dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải …
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)