Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái: Đánh giá kết quả sau 2 tháng triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp

08/11/2016 14:23:24 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Ngày 8/11, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả sau 2 tháng triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Thị Thanh Bình – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục trong diện sắp xếp theo Đề án trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Đề án đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan trực tiếp thực hiện đã chủ động hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện Đề án.

Việc triển khai thực hiện Đề án đã được các địa phương tích cực triển khai, 100% các đơn vị đã hoàn thành việc sáp nhập trường, 4 đơn vị thí điểm đã hoàn thành việc sắp xếp lại các điểm trường lẻ theo Đề án. Các huyện đã triển khai quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm, điều động đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; xây dựng phương án bồi dưỡng, đào tạo lại đổi với giáo viên và nhân viên.

Sau sắp xếp, các cơ sở giáo dục mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở công lập toàn tỉnh giảm 148 trường, giảm 179 điểm trường; giảm 87 lớp; tăng 5.330 học sinh, tăng 6.068 học sinh bán trú. So với Đề án đã được phê duyệt tăng 99 lớp và tăng 558 học sinh.

Số điểm trường trong năm học 2016-2017 giảm 179 điểm (vượt 1 điểm trường so với Đề án). Trong đó có 9 điểm lẻ được sáp nhập tăng so với Đề án; huyện Trấn Yên mở mới 1 điểm lẻ tại trường Mầm non Việt Hồng. Hiện tại, so với Đề án còn 7 điểm trường chưa sáp nhập tại Thành phố Yên Bái, Thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu.

Về cơ sở vật chất, đối với 4 huyện làm thí điểm thực hiện sáp nhập điểm trường lẻ trong năm học 2016-2017, do tăng quy mô ở điểm chính nên phần lớn các trường học thuộc diện chuyển từ điểm lẻ về điểm chính đều thiếu về cơ sở vật chất. Các huyện đã chủ động bố trí vốn để sửa chữa, di dời các phòng học, xây dựng, bổ sung thêm một số công trình phụ trợ và đưa vào sử dụng ngay đầu năm học, tuy nhiên, toàn tỉnh còn 77 phòng học phải bổ trí học nhờ. UBND tỉnh đã giao bổ sung chỉ tiêu kế hoạch vốn năm 2016 để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu để thực hiện Đề án với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ thực hiện triển khai nguồn vốn vẫn còn chậm, các công trình chưa được khởi công, hiện mới thực hiện xong bước thẩm định nguồn vốn.

Toàn tỉnh đã huy động từ công tác xã hội hóa được trên 63 tỷ đồng để sửa chữa phòng học, cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ, hỗ trợ học sinh nghèo mua sách vở, đồ dùng học tập…

Về đội ngũ, tính đến hết tháng 10 năm 2016 đã có 6 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên đã sắp xếp là 660 người. Trong đó cán bộ quản lý là 140 người, giáo viên 288 người, nhân viên 232 người. Dự kiến tiếp tục sắp xếp 218 người. Đối với việc bố trí giáo viên, nhân viên đi đào tạo lại, bồi dưỡng là 347 người.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã tập trung thảo luận, nêu lên một số khó khăn, vướng mắc sau 2 tháng triển khai thực hiện Đề án. Cụ thể như một số nội dung hướng dẫn, chỉ đạo do các ngành tham mưu chưa kịp thời dẫn đến khó khăn cho các địa phương khi triển khai thực hiện Đề án; Công tác quản lý, việc tổ chức ăn ở bán trú, học 2 buổi/ngày… chưa được đảm bảo; Tại một số đơn vị ở địa bàn vùng khó khăn, tỷ lệ chuyên cần chưa cao do xóa điểm lẻ, học sinh phải đi học xa hơn, điều kiện thời tiết không thuận lợi, tâm lý phụ huynh ngại đưa con đi học; Nhiều đơn vị trường Phổ thông Dân tộc Bán trú thiếu phòng ở, chưa đảm bảo diện tích và các điều kiện tối thiểu cho học sinh, thiếu các công trình vệ sinh, hệ thống điện nước; Công tác quản lý ở các trường Dân tộc Bán trú còn gặp nhiều khó khăn; Hầu hết các huyện còn thiếu giáo viên mầm non sau khi sáp nhập; Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia giảm ở tất cả các huyện do không đủ các điều kiện tiêu chuẩn để công nhận trường chuẩn quốc gia; học sinh còn nhỏ, chưa tự chăm sóc được bản thân…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc thực hiện Đề án đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu là 2 huyện vùng cao của tỉnh nhưng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện Đề án. Công tác xã hội hóa được thực hiện tốt; Công tác thông tin tuyên truyền được tăng cường… Tuy nhiên việc thực hiện Đề án vẫn gặp phải nhiều khó khăn như chỗ ở còn chật chội; tiến độ xây dựng công trình còn chậm; chưa tổ chức được các lớp cho giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng; một số địa phương còn thiếu giáo viên; việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh còn nhiều khó khăn… Đồng chí nhấn mạnh những khó khăn này sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị cần Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về Đề án, đặc biệt là chính quyền các cấp cần vào cuộc để tuyên truyền cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Đề án; Các địa phương phải làm tốt công tác vận động loại bỏ các phong tục lạc hâu; Tiếp tục triển khai việc sắp xếp năm 2016 trong đó Thành phố Yên Bái, Thị xã Nghĩa Lộ đưa điểm lẻ về điểm chính. Riêng huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, đồng chí đề nghị hai huyện có văn bản chính thức điều chỉnh việc sáp nhập; Tổ chức ngay các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trong tháng 11; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng tại các trường trong tháng 12.

Sở Tài chính rà soát cân đối, chỉ đạo phòng Tài chính cấp huyện thực hiện bổ sung mua một số trang thiết bị còn thiếu cho các trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, xem xét chế độ cho học sinh đang ở bán trú nhưng chưa được hưởng chính sách bán trú; Bổ sung giáo viên Tiểu học dôi dư làm công tác quản sinh tạm thời tại các trường Bán trú; đẩy mạnh giáo dục đặc thù trong các trường Bán trú; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiểm tra thực hiện Đề án; Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; Các địa phương chỉ đạo các trường sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; có phương án diễn tập khi tình huống xảy ra; Công an tỉnh chỉ đạo Công an xã hướng dẫn kiểm tra phòng chống các tệ nạn xã hội trong trường học; Thực hiện tốt các phong trào tương thân tương ái trong trường học…

Tại Hội nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phát động phong trào tương thân, tương ái trong các trường học và quán triệt một số nội dung đặc thù đối với các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và trường Phổ thông Dân tộc Bán trú.

489 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h