Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục triển khai Đề án sắp xếp quy mô trường, lớp

15/12/2016 14:45:35 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020 là Đề án quan trọng đối với sự phát triển giáo dục của tỉnh. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện song hiện nay, các cấp, các ngành, các thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh đang rất đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện Đề án với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.

Tiến hành sắp xếp quy mô, mạng Iưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Để thực hiện các mục tiêu Giáo dục và Đào tạo đến năm 2020, Yên Bái có một mạng lưới giáo dục ổn định, phát triển lâu dài, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tập trung nguồn lực, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học, tạo điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn… việc xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn của một tỉnh miền núi và phù hợp với chủ trương lớn của Đảng.

Đặc biệt, tại các địa phương vùng cao của tỉnh Yên Bái trước đây duy trì mô hình các điểm trường lẻ ở các thôn, bản với số lượng mỗi xã thường có từ 5 - 10 điểm trường lẻ. Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020, các điểm trường lẻ sẽ tập trung về điểm trường chính hoặc sáp nhập nhiều điểm lẻ trên cơ sở khoảng cách từ nhà tới trường không quá 5 km, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và có điều kiện đầu tư tập trung cho các điểm trường chính. Do đó, về cơ bản, Đề án đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, sự ủng hộ của nhân dân.

Năm học 2016 - 2017 là năm học đầu tiên các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Đề án. UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan trực tiếp thực hiện đã chủ động hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện Đề án.

Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, đến nay, 100% các đơn vị đã hoàn thành việc sáp nhập trường, 4 đơn vị thí điểm đã hoàn thành việc sắp xếp lại các điểm trường lẻ theo Đề án. Các huyện đã triển khai quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm, điều động đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; xây dựng phương án bồi dưỡng, đào tạo lại đổi với giáo viên và nhân viên.

Sau sắp xếp, các cơ sở giáo dục mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở công lập toàn tỉnh giảm 148 trường, giảm 179 điểm trường; giảm 87 lớp; tăng 5.330 học sinh, tăng 6.068 học sinh bán trú. So với Đề án đã được phê duyệt tăng 99 lớp và tăng 558 học sinh.

Số điểm trường trong năm học 2016-2017 giảm 179 điểm (vượt 1 điểm trường so với Đề án). Trong đó có 9 điểm lẻ được sáp nhập tăng so với Đề án; huyện Trấn Yên mở mới 1 điểm lẻ tại trường Mầm non Việt Hồng. Hiện tại, so với Đề án còn 7 điểm trường chưa sáp nhập tại Thành phố Yên Bái, Thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu.

Về đội ngũ, tính đến hết tháng 10 năm 2016 đã có 6 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên đã sắp xếp là 660 người. Trong đó cán bộ quản lý là 140 người, giáo viên 288 người, nhân viên 232 người. Dự kiến tiếp tục sắp xếp 218 người. Đối với việc bố trí giáo viên, nhân viên đi đào tạo lại, bồi dưỡng là 347 người.

Toàn tỉnh đã huy động từ công tác xã hội hóa được trên 63 tỷ đồng để sửa chữa phòng học, cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ, hỗ trợ học sinh nghèo mua sách vở, đồ dùng học tập…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đề án vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn về cơ sở vật chất là nổi bật. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư song chưa thực sự đồng bộ. Đặc biệt ở các huyện vùng cao hiện vẫn còn thiếu phòng học văn hóa, phòng bộ môn, phòng hiệu bộ, công trình vệ sinh; trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư lâu hiện đang xuống cấp, không sử dụng được; điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh bán trú còn thiếu, còn nhiều công trình tạm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, ở nhiều trường vẫn phải tận dụng nhà kho làm phòng học, phòng ở cho học sinh...

Tại phiên họp thành viên UBND tỉnh tháng 11 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 11 và 11 tháng 2016, rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai Đề án sắp xếp quy mô trường, lớp.

UBND tỉnh đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền thực hiện Đề án. Các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền để cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như nhân dân hiểu được mục đích và ý nghĩa nhân văn của Đề án. Chỉ đạo tuyên truyền làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp; nâng cao tỷ lệ chuyên cần; khắc phục tình trạng học sinh nghỉ học; tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tiếp tục triển khai kế hoạch sắp xếp trường, điểm trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong năm 2016. Trong đó, Thành phố Yên Bái, Thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các điểm trường lẻ còn lại theo Đề án. UBND đồng ý chủ trương cho huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu chưa thực hiện việc sáp nhập trường Tiểu học PTDTBT Lao Chải và Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ (huyện Mù Cang Chải) và điểm lẻ của các trường Mầm non ở xã Bản Mù, Tà Xi Láng, Làng Nhì, Bản Công (huyện Trạm Tấu) theo lộ trình của Đề án, yêu cầu có văn bản điều chỉnh đề án gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Đối với điểm lẻ của các trường Mầm non ở xã Dế Xu Phình, Lao Chải, Hồ Bốn, Mồ Dề (Mù Cang Chải) và các huyện khác sau khi các ngành chức năng kiểm tra cụ thể báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định sau.

UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai việc điều động, bố trí giáo viên, nhân viên thuộc diện sắp xếp của Đề án.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND tỉnh quyết định tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, nhân viên thuộc diện sắp xếp của Đề án. Cùng với đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình tại các trường học; đẩy mạnh thực hiện giáo dục đặc thù trong trường học nội trú, bán trú; thực hiện tốt phong trào tương thân, tương ái trong trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát nhu cầu giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở (đáp ứng khoảng 95% theo định mức quy định tại Thông tư 35), đồng thời đề xuất các giải pháp điều động, bổ sung giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu trong hoặc ngoài phạm vi cấp huyện để đảm bảo đáp ứng cơ bản việc dạy học.

Đối với việc thực hiện Đề án năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch di chuyển, chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất trước khi đưa học sinh ở điểm trường lẻ về điểm trường chính. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại danh mục các công trình chuẩn bị đầu tư theo kế hoạch thực hiện Đề án năm 2017. Tiếp tục vận động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 là một chủ trương đúng, một phương thức hay, là bước ngoặt lớn cho cả giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực vượt khó để tiến tới mục tiêu cao hơn trong nâng cao chất lượng giáo dục. Với sự quan tâm của tỉnh, sự đồng thuận, quyết tâm cao, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, thầy cô và phụ huynh giúp sức, tin tưởng rằng Đề án này sẽ đạt được kết quả tốt với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.

566 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h