Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Văn Yên “đánh thức” tiềm năng du lịch

13/02/2017 12:01:09 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Văn Yên, huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái từ lâu được mệnh danh là vùng đất “ cao sơn ngọc quế”, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp, với núi non kỳ vĩ, nhiều hang động, suối ngàn, thác nước, rừng nguyên sinh có hệ sinh thái đa dạng và lưu giữ nhiều sắc màu văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số với những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những thế mạnh đó, huyện Văn Yên đã từng bước khơi dậy tiềm năng để phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện thăm quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch huyện Văn Yên tại Lễ hội Quế huyện Văn Yên

Nằm cách thành phố Yên Bái gần 40km về phía Bắc, Văn Yên là mảnh đất lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Văn Yên như lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ cấp sắc của người dân tộc Dao đỏ, lễ hội Lồng tồng của người dân tộc Tày, lễ hội cúng Ma rừng (tết rừng) của người dân tộc Mông, tết Khu si mờ của người dân tộc Phù Lá, Tết nhảy của dân tộc Dao đỏ, múa khèn, múa Sênh tiền của dân tộc Mông…Cùng với đó, Văn Yên còn giữ gìn, tôn tạo và phát huy tốt các di tích đã được nhà nước công nhận, trong đó có 12 di tích cấp tỉnh, 02 di tích cấp quốc gia. Trong 14 di tích trên có 11 di tích lịch sử văn hóa và 03 di tích lịch sử cách mạng. Với nhiều lợi thế về sinh thái tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, phong tục tập quán truyền thống là điều kiện lý tưởng để Văn Yên phát triển các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng.

Đến với Văn Yên, du khách có thể tìm thấy sự bình yên, chút bỏ ưu phiền và ước nguyện những điều tốt đẹp ở ngôi đền cổ kính linh thiêng nổi tiếng như Đền Mẫu Đông Cuông, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.  Tọa lạc tại tả ngạn thượng lưu sông Hồng, Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền xã Đông Cuông. Qua sử sách thư tịch và nhiều tư liệu lịch sử, đền Đông Cuông được xây dựng vào thời Lê, là nơi thờ phụng những người có công với đất nước, được Vua nhà Nguyễn trao 4 sắc phong. Năm 2009, Đền đông Cuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, đồng thời cho phép phục hồi, tôn tạo khang trang. Hàng năm ngoài tuần rằm, mùng một, tứ thời, bát tiết đền Đông Cuông có hai lễ hội chính vào ngày Mão tháng Giêng mổ trâu trắng và ngày Mão tháng chín mổ trâu đen tế thần. Đặc biệt, đến với Đông Cuông, du khách còn được nghe, xem các làn điệu dân  ca, dân vũ như hát then Tày, múa xoè Tày, múa xúc tép…, được thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc tại làng văn hóa du lịch cộng đồng của thôn Cầu Có như gà đồi, thịt lợn sạch, thịt nhím, cá nướng, cá lam, cơm lam, xôi ngũ sắc, xôi cốm trong không gian yên tĩnh thanh bình của một vùng quê nông nghiệp thuần khiết.

Cách Đền Đông Cuông khoảng 20 km về phía thượng huyện là Đền Nhược Sơn, di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đền toạ lạc trên một thế đất khá bằng phẳng bên bờ Sông Hồng ở thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ. Đền Nhược Sơn thờ Ngài Hà Khắc Chương, một võ tướng thời nhà Trần đã có công đóng góp to lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía bắc, chống quân xâm lược Nguyên Mông, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta vào cuối thế kỷ XIII. Đền Nhược Sơn một năm có hai lễ hội chính vào ngày 20/1 và ngày 20/9 âm lịch. Ngày lễ diễn ra tại đền với các nghi lễ cổ truyền và các trò chơi dân gian đặc sắc là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng.

Suối nước nóng thôn 10, xã Phong Dụ Thượng

Cùng với các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, Văn Yên còn hệ thống các di tích được tỉnh Yên Bái xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, như  Đền Trạng xã Yên Thái thờ Trạng Lường - Lương Thế Vinh, Đình Mường A; Đền Phúc Linh; Đình Yên Phú; Đền Đại An; Đền Gò Chùa; Đền Thánh Mẫu. Đây là những điểm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Văn Yên, thể hiện mong ước của con người luôn khát vọng vươn tới chân thiện mỹ, tôn vinh, tri ân người có công khai phá lập bản mường, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước.

 Bên cạnh các điểm du lịch văn hóa tâm linh, đến với Văn Yên, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên; đặc biệt khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là một địa điểm thú vị cho những du khách yêu thích thiên nhiên, ưa sự mạo hiểm, thích khám phá những điều bí ẩn từ thiên nhiên. Với diện tích trên 16 nghìn ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có hệ động thực vật còn khá nguyên vẹn, nhiều động thực vật quý hiếm được bảo tồn và phát triển, có khí hậu trong lành mát mẻ. Đặc biệt tại thôn 10 xã Phong Dụ Thượng còn có suối nước nóng nguyên sơ chưa được bàn tay con người khai thác, đây là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhiều du khách tìm đến để vui chơi giải trí với những trải nghiệm thú vị vào những ngày nghỉ cuối tuần, mang lại sự bình an, thư thái cho tâm hồn. 

Thác nước Cô Tiên tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu

Với quyết tâm “đánh thức” những tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng du lịch của huyện, đưa du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, dần chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  Trên cơ sở chủ trương phát triển du lịch huyện Văn Yên theo Đề án phát triển du lịch huyện Văn Yên giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “ khai thác các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để xây dựng, phát triển, khai thác các dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện”. Trong năm 2016, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã tập trung nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển du lịch.  Huyện phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, các ngành liên quan khảo sát, xây dựng quy hoạch tổng thể các điểm phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng trên địa bàn; Duy trì mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Khe Tát xã Nà Hẩu, thôn Cầu Có xã Đông Cuông, bước đầu các mô hình trên đang hoạt động tốt và cho hiệu quả ; Chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án và chính quyền các địa phương có di tích lịch sử được xếp hạng phối hợp tổ chức tốt các Lễ Hội. Đặc biệt huyện đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thành công Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ hai năm 2016. Song song với đó, huyện Văn Yên đã tăng cường tuyên truyền kêu gọi các nguồn lực đầu từ các thành phần kinh tế để tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, trọng tâm là hạ tầng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Trong năm 2016, huyện Văn Yên đã huy động các nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và tiền thu công đức với số tiền trên 40 tỷ đồng để chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các di tích trên địa bàn huyện. Các doanh nghiệp, tư nhân nghiệp trên địa bàn đã xây dựng mới 5 nhà nghỉ, khách sạn, nâng tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện là 27 cơ sở. Đến nay đã có 1 số đơn vị, làng nghề có các sản phẩm phục vụ khách du lịch như: Các sản phẩm từ vỏ quế, thân cây quế, tinh dầu quế; thuốc nam; rau rừng; gà cẩm, lợn sạch....tại các lễ hội trên địa bàn huyện, các sản phẩm trên đã tiêu thụ với số lượng lớn đã góp phần tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Qua một năm thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, du lịch Văn Yên đã bước tiến rõ nét, từ việc chỉ mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ như trước đây, đến nay du lịch đã từng bước phát triển theo định hướng quy hoạch; giá trị kinh tế du lịch đã đóng góp đáng kể vào tổng giá trị trên địa bàn của huyện trong năm. Thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về du lịch đã từng bước được nâng cao; hạ tầng du lịch đã được quan tâm đầu tư xây dựng, chỉnh trang. Công tác quản lý du lịch đã có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Trong năm 2016 lượng du khách đến với huyện ước đạt gần 600 nghìn lượt người. Chất lượng phục vụ du khách từng bước được nâng cao, du lịch Văn Yên luôn duy trì đảm bảo sự thân thiện, mến khách và luôn là điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước.

Các sản phẩm du lịch tại Lễ hội Quế huyện Văn Yên thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế

Đồng chí Trần Huy Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Yên cho biết: Để khai thác hơn nữa, tiềm năng du lịch, trong thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đối với thị trường trong và ngoài tỉnh. Tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành trung ương để đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch đến những thị trường du lịch trọng điểm cả nước; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCC quản lý Nhà nước, đào tạo các hộ gia đình đủ năng lực tổ chức du lịch theo mô hình phát triển cộng đồng. Đồng thời, huyện tiếp tục đề xuất với tỉnh, trung ương trong việc hỗ trợ đầu tư; tạo kết nối mời gọi đầu tư và huy động các nguồn vốn cho các dự án phát triển du lịch tại địa phương. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, đầu tư phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn.

Cùng chung sự phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái, du lịch Văn Yên đang ngày càng khởi sắc. Để có những “Cú hích” tương xứng với tiềm năng sẵn có, Văn Yên đang rất cần được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư và khai thác đưa du lịch Văn Yên phát triển xứng  tầm với tiềm năng vốn có của huyện, dần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế, góp phần tích cực vào việc khép kín tua du lịch về cội nguồn theo chương trình phát triển du lịch của ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai./. 

 

1835 lượt xem
Theo Trang TTĐT huyện Văn Yên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h