Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Di tích đình, đền và chùa Văn Tiến, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái

22/08/2019 13:35:02 Xem cỡ chữ Google
Ngày 17/02/2016, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 237/QĐ-UBND công nhận đình, đền và chùa Văn Tiến, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

1. Tên Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa đình, đền và chùa Văn Tiến, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử -  văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đình, đền và chùa Văn Tiến, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích

Di tích đình, đền và chùa Văn Tiến thuộc địa phận thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Diện tích khoanh vùng bảo vệ 5.500,4m2.

Di tích đình, đền và chùa Văn Tiến cách trung tâm xã 1km, cách trung tâm tỉnh Yên Bái 05 km. Để đến được di tích du khách có thể đi bằng đường bộ rất thuận tiện. Từ thành phố Yên Bái (ga Yên Bái) đi theo đường Điện Biên tới km5, sau đó rẽ phải theo hướng đường tránh ngập (nhà khách số 2) xuống cầu Văn Phú, tiếp tục đi thẳng 2km là tới Di tích.

Từ Hà Nội - Yên Bái đi theo đường cao tốc, đến nút giao IC12 rẽ phải theo đường Âu Cơ, qua cầu Văn Phú tiếp tục rẽ phải 2km là tới Di tích.

5. Sơ lược lịch sử Di tích

* Đình Văn Tiến

Cuối thế kỷ XIX, tại các tỉnh miền xuôi do dân số đông, diện tích đất canh tác chật hẹp, cộng với chính sách chiêu mộ lao động vào làm việc trong các đồn điền chè, cà phê của Pháp nên một bộ phận cư dân các tỉnh miền xuôi và trung du đã mang theo gia đình lên Văn Tiến khai phá vùng đất mới. Vào thời gian này nơi đây là vùng đất còn hoang vu, dân cư thưa thớt, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là trồng cấy các loại cây nông nghiệp và chăn nuôi, mùa vụ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên họ luôn có niềm tin vào các đấng siêu nhiên ngự trị tại mỗi vùng đất như thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp…

Vì vậy, từ thực tế cuộc sống và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng thờ các vị thần và tưởng nhớ người đã có công khai phá lập làng nhân dân Văn Tiến đã đóng góp xây dựng ngôi đình làm nơi sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng, thờ Thành Hoàng làng và các vị thần ngự trị tại đây để thể hiện lòng thành kính, cầu mong có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

* Đền Văn Tiến

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của mình, sau khi xây dựng đình, nhân dân tiếp tục xây dựng đền Văn Tiến để thờ mẫu và các vị thánh. Với quan niệm "vạn vật hữu linh", nhân dân cho rằng mọi vật đều có linh hồn, trong sự bế tắc vào việc giải thích nguồn gốc của vũ trụ, từ các hiện tượng tự nhiên như dịch bệnh, hạn hán… người dân cần một chỗ dựa về tinh thần để yên tâm lao động sản xuất nên đã tin tưởng vào thần linh và các vị thánh. Đồng thời lập đền thờ thần thánh với mong muốn được phù hộ cho mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào.

* Chùa Văn Tiến

Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ VII sau Công Nguyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ, dễ thích nghi và đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp trong xã hội. Từ khi du nhập, tư tưởng Phật giáo đã thấm sâu vào tư tưởng con người nhất là từ thời Lý - Trần khi phật giáo trở thành quốc giáo ở nước ta.

Cuối thế kỷ XIX, dưới sự áp bức của các thế lực thực dân và phong kiến làm cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Vốn là cư dân nông nghiệp sống lâu đời ở đồng bằng Bắc Bộ, Phật giáo đã thấm sâu vào làng xã, vào tư tưởng con người, cùng với ảnh hưởng Phật giáo du nhập vào Yên Bái từ thời Lý - Trần, nên sau khi lên vùng đất Văn Tiến sinh sống, người dân đã xây dựng ngôi chùa lấy tên gắn với địa danh Văn Tiến. Từ khi chùa Văn Tiến được xây dựng đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo, thu  hút được đông đảo phật tử trong và ngoài vùng đến tụng kinh niệm phật, cầu mong sự che chở của thần linh và phật.

6. Các nhân vật được thờ tự

* Nhân vật thờ tự tại đình Văn Tiến:

Đình Văn Tiến thờ Thành Hoàng có tên Trịnh Nguyên (tên húy Cụ Ngô), theo các cụ cao niên trong xã kể lại, ông là một vị tướng của triều đình, được cử đi đánh dẹp giặc phương Bắc. Sau khi chiến thắng quân xâm lược, nhận thấy vùng đất bằng phẳng màu mỡ, có địa thế thuận lợi có thể sinh sống lâu dài nên ông đưa dân đến, khai phá mở mang vùng đất Văn Tiến. Khi ông mất nhân dân đã suy tôn ông là Thành Hoàng làng.

Ngoài thờ Thành Hoàng Trịnh Nguyên, với văn hóa đình làng truyền thống của nhân dân miền xuôi, đình Văn Tiến còn thờ tam vị đẳng thần bao gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương. Theo truyền thuyết dân gian ba vị đại vương trên là ba anh em, cùng là tướng thời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) đã có công trấn ải Sơn Nam bảo vệ đất nước. Sau khi giúp vua Hùng Duệ Vương đánh thắng quân xâm lược, mỗi vị thần ngự ở một ngọn núi (bên trái của dãy Ba Vì là thần Cao Sơn; Tản Viên Sơn Thánh đứng giữa, bên phải là Quý Minh Đại Vương). Các vị đại vương trên được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành Thành Hoàng làng và nổi tiếng là vị thần linh ứng khi nhân dân cầu đảo.

* Nhân vật thờ tự và bài trí tượng thờ đền Văn Tiến:

Hậu cung là nơi thâm nghiêm đặt ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tượng ở giữa có sắc phục màu đỏ là tượng bà chúa Liễu Hạnh hay còn gọi là Mẫu đệ nhất Thượng Thiên (Mẫu nghi thiên hạ).

Tượng bên phải có sắc phục màu xanh là Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn (cai quản rừng xanh).

Tượng bên trái có sắc phục màu trắng là Mẫu đệ tam Thoải Phủ (cai quản miền sông nước).

Hàng thứ hai là tượng Ngũ Vị Tôn Ông: Đệ nhất Thượng Thiên (áo đỏ tươi); Đệ Nhị Thượng Ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần (áo xanh); Đệ Tam Thoải Phủ cai bản mệnh thanh đồng (áo trắng); Đệ Tứ Khâm Sai quyền cai tứ phủ (áo vàng); Đệ Ngũ Tuần Tranh - quyền cai quản âm binh nhà trời (áo đỏ thẫm).

Hàng thứ ba là tượng Tam vị Quan Hoàng: Ở giữa là ông Hoàng Bảy (áo xanh); Bên phải là tượng ông Hoàng Mười (áo vàng); Bên trái là tượng ông Hoàng Ba (áo trắng).

Bên phải gian đại bái là ban thờ bà chúa Sơn Trang. Ban thờ bên trái thờ Đức Thánh Trần và Đệ Nhất Vương Cô, Đệ Nhị Vương Cô.

* Hệ thống tượng thờ chùa Văn Tiến:

Lớp thứ nhất: Trên cùng là tượng Tam Thế Phật gồm ba pho tượng, bên trái là Quá Khứ Thế, ở giữa là Hiện Tại Thế, bên phải là Vị Lai Thế. Tên đầy đủ là Tam Thế Phật (phật quá khứ, hiện tại và tương lai).

Lớp thứ hai: Bộ Di Đà Tam Tôn, trong đó phật A Di Đà ở giữa; Quan Thế Âm Bồ Tát ở bên trái; Đại Thế Chí Bồ Tát ở bên phải. Phật A Di Đà thể hiện tính bát đại, tuyên ngôn của đạo Phật là từ tâm và trí tuệ; Quan Thế Âm Bồ Tát: đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả (bốn tính thuộc từ tâm); Đại Thế Chí Bồ Tát: đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng (bốn tính thuộc trí tuệ). A Di Đà là vị phật ở Tây phương cực lạc, có chức năng tiếp dẫn linh hồn nhưng vì ít xuống trần gian nên phải nhờ đến hai vị bồ tát của mình.

Lớp thứ 3: Bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, gồm tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn (nghìn tay nghìn mắt) mỗi bàn tay đều có con mắt trí tuệ, trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục ma chướng, những cánh tay cầm kiếm, búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy, chày kim cang…cũng tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống trên thế gian này. Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn còn có danh hiệu Bồ Tát Chuẩn Đề, qua hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn chúng ta cũng có thể thấy được ý nghĩa công đức và phúc đức. Với tư tưởng giải thoát tuyệt đối của đạo Phật, nhận thức tâm lý con người ở thế gian thân, miệng, ý là nguyên nhân tạo những nghiệp thiện hay ác qua nhiều kiếp luân hồi, chỉ có tu hạnh bồ tát mới chuyển đổi được nhân quả. Bên phải là tượng Phổ Hiền Bồ Tát, bên trái là tượng Văn Thù Bồ Tát.

Lớp thứ 4: Ở giữa là tượng Ngọc Hoàng, bên phải Nam Tào, bên trái là Bắc Đẩu.

Lớp thứ 5: Tòa Cửu Long, tượng này theo điển tích nói khi Đức Thích Ca Mầu Ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn ngài đi bẩy bước tay tả chỉ lên trời, tay hữu chỉ xuống đất mà nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn. Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là quí hơn cả” Bởi vậy tòa Cửu Long làm chín con rồng vây bọc chung quanh và ở trên những đám mây có chư phật chư thiên, nhã nhạc, cờ phướn và Bát Bộ Kim Cương, ở giữa có pho tượng nhỏ, đứng một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất, đó là tượng Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật lúc sơ sinh.

7. Các hiện vật trong Di tích

Hiện vật tại di tích đền Văn Tiến gồm có: 02 tượng mẫu (cũ); Bộ tượng Tam Tòa Thánh Mẫu; Bộ tượng Ngũ Vị Tôn Ông; Tượng Đức Trần Triều; Tượng Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô.

Ngoài ra trong đền còn có các hiện vật khác như ống hương, ống hoa, đao, kiếm, khay đồng, chuông đồng…

8. Phong tục lễ hội.

Lễ Thượng nguyên: Lễ Thượng nguyên được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng. Vào ngày này ai đến chùa đều lễ Phật cầu an cho gia đình, dòng họ, đất nước, cho thiện hạ thái bình, an lạc. Đây cũng là ngày mà Phật tử về chùa lễ Phật, sám hối, phát nguyện, nỗ lực tinh tấn tu tập mong trọn vẹn năm ấy được phúc lành.

Lễ Phật Đản:  Lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày 14/4 - 15/4 (âm lịch). Vào ngày chính lễ nhà chùa cùng các phật tử và bà con nhân dân chuẩn bị các đồ cúng chay như: hoa, quả, chè lam, oản, bánh… là những sản phẩm do chính tay người dân làm ra. Những nguyên liệu như gạo, nước dùng làm bánh đều được lựa chọn và cất giữ tại kho riêng. Gạo phải hạt to, tròn được gặt từ ruộng lúa được chăm sóc với chế độ đặc biệt không bị sâu bệnh. Nước phải là được lấy từ giếng chùa để làm bánh và oản. Trong lễ Phật đản nổi bật lên nghi lễ Tắm Phật. Nước tắm Phật là loại nước thơm (nước thơm được kết hợp từ lá sen và các loại hoa, thảo dược từ thiên nhiên) để tắm tượng.

Lễ Vu lan báo hiếu : Rằm tháng Bảy được giới tăng ni phật tử gọi là lễ Vu Lan, là dịp để con cái báo hiếu bậc sinh thành và tổ tiên đã khuất. Theo tín ngưỡng, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, nhà nhà bày mâm cao cỗ đầy để cúng chúng sinh. Hàng năm, ngày lễ Vu Lan nhắc nhở mỗi người tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ở kiếp này và các kiếp trước. Vào ngày này các phật tử cùng bà con dân làng lên chùa với ước vọng cầu siêu mong cho các linh hồn của ông, bà, cha, mẹ được siêu thoát, đây chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và đạo lý tri ân hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà, tổ tiên theo lời đức Phật dạy.

Tại đình Văn Tiến Lễ hội hàng năm tại lưu giữ nét truyền thống đặc sắc, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Lễ hội diễn ra vào các dịp trong năm (tính theo âm lịch):

Mùng 7 tháng giêng tổ chức lễ khai xuân, đây là ngày lễ lớn nhất trong năm. Trong ngày khai xuân, lễ cúng phải có các đồ lễ như chè lam, bánh bỏng, bánh tẻ, bánh mật, cơm lam, hoa chuối bạch, rau gai và rượu.

Ngày 15 tháng giêng tổ chức tết Nguyên tiêu.

Ngày 25 tháng chạp tổ chức lễ tạ.

Tại đền Văn Tiến ngày mùng 7 tháng giêng hàng năm tổ chức lễ giỗ Mẫu. Theo tục lệ, cứ đến ngày này hàng năm nhà đền lại chuẩn bị đồ cúng lễ. Có hai loại mâm cúng là cúng chay và cúng tạp.

Mâm cúng chay có những đồ làm từ thực vật, gồm: cơm nếp, cơm tẻ, oản, chè lam, bánh khảo, bánh chuối và 01 chén đựng nước…

Mâm cúng tạp gồm thức ăn được chế biến từ thịt động vật và thực vật như thủ lợn, chân giò, thịt, đuôi lợn và rượu, gà, vịt và các loại hoa quả, gạo nếp, gạo tẻ, cơm lam, xôi nếp, rượu, hương, hoa - là những sản vật do chính người dân nơi đây làm ra, dâng lên cúng tế tổ tiên, trời đất và các thần - thánh nhằm kính báo và tạ ơn tổ tiên, trời đất, thần thánh đã che chở, phù hộ cho một năm được mùa, cuộc sống an bình, hạnh phúc.

Khi mọi việc chuẩn bị xong, đến giờ đẹp các mâm cúng được bày đặt đúng vị trí, thủ nhang làm lễ cúng tế tạ ơn các vị thánh đã che chở, ban cho dân làng một năm an bình, mùa màng bội thu, diệt trừ cái ác… đồng thời cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, lúa tốt đầy bồ, mọi người khỏe mạnh… Ngoài ra đền Văn Tiến còn tổ chức các ngày lễ khác trong năm như lễ Mẫu ngày 10 tháng 3 âm lịch; lễ các thánh thần 20 tháng 8; 10 tháng 10 lễ cúng cơm mới.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)

5196 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h