Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Di tích trường Trung cấp Y cũ, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái

22/08/2019 13:35:10 Xem cỡ chữ Google
Ngày 17/9/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1476/QĐ-UBND công nhận di tích trường Trung cấp Y cũ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Khu vực Công viên Yên Hòa thành phố Yên Bái, nơi ghi dấu tích trường Trung cấp y - chứng tích chiến tranh chống giặc Mỹ năm 1965

1.Tên Di tích 

- Di tích lịch sử - văn hóa trường Trung cấp Y cũ.

2. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận di tích trường Trung cấp Y cũ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích

- Trường trung cấp Y (cũ) nằm trên bán đảo phía Tây của hồ công viên Yên Hòa và trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa Nguyễn Thái Học và khởi nghĩa Yên Bái, thuộc tổ 55 phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Di tích nằm cách ga Yên Bái khoảng 1 km về hướng Đông và cách trụ sở UBND thành phố Yên Bái khoảng 700m về phía Nam.

- Đường sắt: Quý khách có thể đi tàu Hà Nội - Lao Cai xuống ga Yên Bái rẽ ra đại lộ Nguyễn Thái Học đến công viên Yên Hòa là tới Di tích.

- Đường bộ: Quý khách xuống bến xe Yên Bái, Di tích chỉ cách bến xe Yên Bái khoảng 500m.

5. Sơ lược lịch sử Di tích

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ bị phá sản. Với bản chất xâm lược hiếu chiến Đế quốc Mỹ không chịu thất bại, liều lĩnh tiếp tục chiến tranh, đưa quân đội Mỹ vào Miền Nam trực tiếp tham chiến càng điên cuồng hơn khi thực hiện cuộc "chiến tranh cục bộ" vô cớ mượn sự kiện "Vịnh Bắc Bộ", ngày 5/8/1964, Mỹ đã ném bom Miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại  bằng không quân và hải quân. Quy mô và mức độ ác liệt của chiến tranh phá hoại ngày càng tăng từ năm 1965, Đế quốc Mỹ muốn đưa Miền Bắc Việt Nam về "Thời kỳ đồ đá", phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn sự chi viện của Miền Bắc đối với Miền Nam.

Từ giữa năm 1965, chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ lan nhanh đến không phận Yên Bái với cường độ ngày càng khốc liệt. Lúc này, mọi hoạt động của Yên Bái được lệnh chuyển vào thời chiến như mọi tỉnh khác. Các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện,… sơ tán vào rừng núi và nông thôn tiếp tục duy trì hoạt động và sản xuất. Lúc này từ nhà máy đến ruộng đồng, từ nông thôn đến thị xã, công nhân, nông dân, cán bộ, học sinh thực sự là các chiến sĩ trên mặt trận mới, vừa sản xuất, công tác, học tập vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, cùng lực lượng vũ trang đánh trả không quân Mỹ xâm phạm vùng trời.

Tỉnh ủy Yên Bái, Nghĩa Lộ tập trung chỉ đạo việc chuyển hướng sản xuất, ra sức tăng cường lực lượng và thế trận. Các cấp ủy Đảng thường xuyên chăm lo giáo dục ý thức phòng không, ý thức quốc phòng và xây dựng quyết tâm cho nhân dân các dân tộc, làm cho nhân dân nhận thức đúng tình hình, củng cố niềm tin và quyết tâm, kiên cường bám trụ sản xuất và chiến đấu. Chính quyền các cấp có nhiệm vụ lập kế hoạch và tổ chức chu đáo cho nhân dân sơ tán ra khỏi các khu vực trọng điểm đánh phá của địch, đồng thời coi trọng công tác trật tự trị an, bảo đảm đời sống cho nhân dân, sơ tán nhanh chóng ổn định tình hình, đưa nhanh mọi hoạt động trở lại bình thường, có kế hoạch cụ thể và được chuẩn bị từ trước. Hết tháng 6/1965 công tác sơ tán cơ quan và nhân dân ra ngoài thị xã Yên Bái cơ bản được hình thành, 70% dân số thị xã rời công sở, nhà máy, khu phố,… đến các vùng nông thôn, tiếp tục công tác sản xuất, học tập. Trong hơn 1 tháng, ta đã chuyển hàng trăm tấn máy móc, kho tàng về nơi cất giấu an toàn, bí mật. Song song với việc lãnh đạo chặt chẽ sơ tán, ban phòng không nhân dân tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng không sơ tán ở các vùng trọng điểm, đôn đốc, nhắc nhở nhân dân đào hầm trú ẩn, huy động nhân dân đào hầm ở cả những nơi công cộng, nhà ga, ven đường Quốc lộ, bệnh viện, trường học, đào hầm giao thông ở nơi sản xuất, các đơn vị trực chiến duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, trực đài quan sát, trực chiến 24/24 giờ trong ngày, các trận địa 12,7 ly được bố trí trên các đỉnh đồi ven theo thị xã và dọc đường sắt, hình thành các cụm hỏa lực tầm thấp, liên hoàn, hỗ trợ cho nhau, các đơn vị pháo cao xạ của chủ lực tăng cường được bố trí xung quanh khu vực nhà máy thủy điện Thác Bà và công trường xây dựng sân bay Nam Cường. Hàng vạn dân công, hàng ngàn công trình được huy động làm trận địa, lán trại cho các đơn vị cao xạ chủ lực bước vào cuộc chiến đấu. Tỉnh ủy Yên Bái phát động phong trào thi đua "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" trong toàn tỉnh. Tỉnh đoàn phát động phong trào 3 sẵn sàng, tỉnh hội phụ nữ phát động phong trào 3 đảm đang, mặt trận Tổ quốc phát động phong trào 3 giỏi. Khí thế thi đua diễn ra sôi nổi, rộng khắp các tầng lớp nhân dân, trên ruộng đồng, xưởng máy, trong cơ quan, trường học thu hút hàng chục vạn quần chúng nhân dân ngày đêm hăng hái chuẩn bị chiến đấu và đẩy mạnh sản xuất.

Vào 14h 30 phút ngày 15/6/1965, máy bay Mỹ bất ngờ xâm phạm vùng trời Nghĩa Lộ, do chưa có kinh nghiệm lại vì lần đầu đối mặt với máy bay hiện đại nên lực lượng phòng không mặt đất lúng túng, bỏ lỡ thời cơ nổ súng khi máy bay địch nhào xuống cắt bom. Ngay trong đêm, tỉnh đội đã cử người xuống huyện Phù Yên chỉ đạo các xã, các trận địa rút kinh nghiệm kịp thời.

Từ 5/7 đến 10/7/1965 có 31 lượt máy bay xâm phạm vùng trời Nghĩa Lộ, oanh tạc các mục tiêu ở thị trấn Nghĩa Lộ, Than Uyên, Phù Yên, Bắc Yên và công trường 30, phá hỏng một số nhà cửa, công trình công cộng, sát hại 18 người và làm 17 người khác bị thương, các trận oanh tạc của không quân Mỹ đều diễn ra vào buổi chiều. Lợi dụng dãy núi phía Tây, máy bay địch luồn lách rồi bất ngờ bổ nhào đánh vào các trận địa. Đó là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chiến đấu.

Tháng 7/1965, nhận định có khả năng địch sẽ oanh tạc các mục tiêu khu vực thuộc thị xã Yên Bái và công trường thủy điện Thác Bà. Ban chỉ huy quân sự Yên Bái gấp rút bố trí lại thế trận đánh địch, quyết tâm bảo vệ các mục tiêu then chốt, đánh thắng địch ngay từ trận đầu.

Đúng như dự đoán của ta, 14h15 phút ngày 9/7/1965, 2 tốp máy bay F105 và 4 chiếc B57 từ phía Tây bay qua thị xã Yên Bái rồi đột ngột vòng trở lại dội bom xuống cơ khí, Ty y tế, bệnh viện, Ủy ban hành chính tỉnh. Trong đó gây ra việc dội bom xuống Trường trung cấp y gây thiệt hại nặng nề nhất về người, làm trên 50 người chết và bị thương. Sau vụ tội ác của giặc Mỹ với việc ném bom Trường trung cấp y tế Yên Bái ngày 9/7/1965, Ủy ban hành chính tỉnh và ủy ban phòng không đã động viên các đơn vị nhanh chóng khắc phục hậu quả, kịp thời cấp cứu những người bị thương, ổn định tư tưởng cho nhân dân và đã kiên quyết xử lý những trường hợp chấp hành chưa nghiêm lệnh sơ tán để xảy ra thương vong như Ty y tế.

Trở lại vụ máy bay Mỹ ném bom Trường trung cấp y ngày 9/7/1965 và diễn biến: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ, song âm vang của cuộc chiến vẫn còn vang vọng trong mỗi con tim, khối óc, từng ngọn cây, tấc đất của nhân dân và đất nước Việt Nam, vang vọng những chiến công hiển hách và còn thấm sâu những đau thương, mất mát, hy sinh. Đế quốc Mỹ, tên hung nô của thời đại với 5 đời tổng thống đã thực hiện 4 chiến lược chiến tranh, ném vào cuộc chiến gần ngàn tỷ đôla, tung vào chiến trường hơn nửa triệu quân viễn chinh Mỹ cùng với 5 nước chư hầu và hơn 1 triệu lính ngụy để xâm lược nước ta, chúng đã dội xuống non sông đất nước ta gần 8 triệu tấn bom đạn, riêng miền Bắc gần như toàn bộ các thành phố, thị xã đều bị giặc Mỹ đánh phá dã man, trong đó có 51 thị trấn và 12 thị xã bị chúng hủy diệt hoàn toàn, thị xã Yên Bái là 1 trong 12 thị xã ấy. Chỉ riêng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1968) của giặc Mỹ đối với tỉnh Yên Bái, chúng đã tung 3.396 tốp máy bay của 10.172 lượt chiếc phản lực hiện đại đánh phá dữ dội 604 mục tiêu với 17.953 quả bom phá, 866 quả bom nổ chậm, 96 quả bom từ trường, 33 quả bom lân tinh, 197.960 bom bơ, 302 quả tên lửa và 18.601 quả rốc két cùng hàng ngàn lần bắn đạn 20 ly xuống các mục tiêu chủ yếu là khu đông dân, bệnh viện, trường học, các cơ sở kinh tế của thị xã, chúng đã gây bao đau thương tang tóc cho nhân dân các dân tộc tỉnh ta và một trong những vụ điển hình nhất là trận đánh phá của chúng chiều 9/7/1965 vào Trường Trung cấp y tế tỉnh Yên Bái.

Diễn biến, vào ngày 9/7/1965 một ngày hè như bao ngày hè khác, các trường phổ thông học sinh đã nghỉ hè còn lại một số Trường chuyên nghiệp cũng đang bước vào những ngày cuối cùng của năm học. Tại Trường trung cấp y tế, phần lớn các lớp, các khoa đã phải sơ tán theo lệnh triệt để sơ tán của ban phòng không tỉnh, chỉ còn lại lớp Y1 với tổng số 25 anh chị em và lớp y tá kỹ thuật có 39 anh chị em cùng nhiều thầy cô giáo và cán bộ, viên chức tuyệt đại đa số là phụ nữ và nữ sinh vừa tốt nghiệp phổ thông.

Khoảng 14h, còi báo động vang lên khắp địa bàn thị xã rồi từng tốp, từng tốp máy bay phản lực Mỹ và chủ yếu là F104, F105, F44, B57 từ phía Tây xâm phạm vùng trời thị xã, lượn vài vòng chúng lại đi, chừng 15 phút sau chúng quay trở lại và lao thẳng xuống, cắt bom đánh phá dữ dội khắp thị xã mà trọng điểm là Trường Trung cấp Y tế và Bệnh viện tỉnh, tuyệt đại đa số sinh viên và các thầy cô giáo cán bộ công nhân viên chức đã nấp dưới hầm trú ẩn. Hầm sập, đất đá tứ phía phủ kín hầm hào, cây cối vật liệu nhà cửa bay loạn xạ, xém xuống phủ kín những căn hầm, tiếng la thét, gào khóc hỗn loạn cùng tiếng gầm rú của máy bay lẫn trong tiếng bom nổ, tiếng rốc két, đạn 20 ly đó đây vọng lại, tiếng pháo cao xạ, tiếng súng 12,7 ly, súng trường của dân quân Yên Bái giáng trả máy bay Mỹ.

Lợi dụng lúc máy bay Mỹ định vòng ra xa lấy cao độ, anh Nguyễn Đức Thân, chị Nguyễn Thị Trường, chị Lương Thị Hiên, anh Đặng Văn Lạp, anh Hà Đức Dục trong một căn hầm sắp sập hô nhau chạy. Họ vượt qua những ụ đất mới trong đó vẫn văng vẳng lên tiếng kêu la của phụ nữ, tiếng khóc của trẻ thơ. Bom lại nổ hàng loạt hất tung họ bay đi hàng chục mét. Tiếng máy bay vòng ra xa, người còn lành cắp người bị thương lại chạy, họ lao vào khu rừng vầu của Trường Trung cấp Sư phạm, lăn xuống dãy hào rồi bò dần xuống ven hồ bơi, máy bay địch vẫn gầm rú xé nát bầu trời, bom vẫn nổ rung chuyển xới tung mặt đất nơi đó có nhiều sinh viên, phụ nữ, trẻ thơ còn mắc lại dưới đống đất đá.

Gần 20 phút sau, máy bay địch đi xa, còi báo yên vọng lại nhưng vừa bị máy bay địch tàn phá đâu có yên. Từ khắp các ngả, trừ lực lượng trực chiến, công an, bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên, bà con dân phố hối hả lao tới đổ xô vào cứu người bị nạn. Tiếng loa tay chỉ huy các đơn vị lực lượng cứu người, bảo vệ tài sản, điều động các khu vực làm nhiệm vụ, giải quyết hậu quả và cảnh giác với tình huống máy bay địch có thể quay trở lại.

Thầy giáo Cổn - Phó hiệu trưởng Trường Y, người đỏ màu đất, nước mắt dòng dòng hối hả chạy tìm những sinh linh còn sống, thầy tập hợp lại những ai không bị thương hoặc còn làm được thầy chia làm 2 tốp dẫn đường, chỉ địa điểm những căn hầm của trường, trong đó có ai, mấy người cho lực lượng cứu sập. Cả cơ ngơi của nhà trường biến thành đống gạch vụn và đất đá lật tung, cây cối đổ ngổn ngang, xơ xác. Hội trường lớn nay là 3 hố bom sâu. Khói bom sạm đen quần áo sinh viên, lá cọ văng lên lủng lẳng trên cành cây chẳng còn một cái lá, xác định được vị trí hầm hào trên thực địa lúc này thật là khó. Trời bỗng nổi gió và mưa rào xối xả, mặc gió, mặc mưa nhiệm vụ khẩn cấp lúc này của họ là bới đất tìm người, nhiều tiếng khóc oà lên mỗi khi lực lượng cứu sập kéo lên từ lòng đất nhão một thi thể. Trời về tối nhiều thi thể đã cứng đơ được đưa lên trong tư thế vô cùng thương tâm. Chị Nguyễn Thị Vân, lớp Y1 được đưa ra trong tư thế ngồi, tay vẫn ghì chặt đưa con, miệng đứa bé còn ấp chặt vú mẹ, tay phải chị giơ cao như đang bới đất, đầu ngẩng lên, vươn cao, miệng há hốc, mắt trợn ngược, cả hốc mắt, mũi, miệng đất đã phủ kín. Chị Hoàng Thi Cửu, cùng lớp Y1, được đưa lên cùng đưa con thơ vừa 6 tháng tuổi, cả hai mẹ con đã cứng đơ trong tư thế mẹ cúi gục xuống che chở cho con, dành cho con chút không khí cuối cùng trong ngực mẹ. Đau xót hơn khi dược sĩ Nguyễn Thị Hợp, cán bộ bệnh viện, được kéo lên khi bom thù đã xé nát hết quần áo, chị đã chết song tất cả còn chứng kiến cái thai 8 tháng tuổi trong bụng chị đang giẫy đạp đòi sự sống một cách tuyệt vọng rồi từ từ lặng xuống. Tất cả thi thể nạn nhân được đặt trên những chiến ghế học sinh, lần lượt được tắm rửa khẩn cấp, biết tên ai thì lấy phấn, lấy gạch hoặc mẩu giấy ghi lại cho mỗi người, những chiếc xe trâu, xe ngựa được tận dụng chuyển áo quan vào rồi đưa các thi thể về nơi tập kết an toàn.

Trời về khuya, mưa vẫn rả rích, công việc vẫn hối hả không ngừng. Ngày hôm sau công tác tìm kiếm vẫn được tiến hành khẩn trương trong không khí căng thẳng, máy bay địch có thể ập đến bất cứ lúc nào, tìm thêm được nhiều thi thể trên cạn còn vớt được thi thể anh Bích từ dưới Hồ Bơi, đầu anh đã bị bom thù tiêu đứt mất tích chỉ còn phần thân thể và cái xà cột quàng chéo qua vai.

Trận bom tàn ác của giặc Mỹ đã sát hại trên 50 sinh mạng, phần lớn là phụ nữ và một số trẻ thơ. Riêng lớp Y1 chỉ còn sống sót 9 người, lớp y tá kỹ thuật sống sót 13 người.

Cho đến hôm nay dù thời gian có đi xa chúng ta nhưng nỗi đau của chiến tranh không bao giờ xóa đi được trong con tim mỗi con người có lương tri, lịch sử sẽ còn mãi lên án tội ác của kẻ xâm lược. Người dân Yên Bái nhớ mãi ngày 9/7/1965 và ngày 9/7 hàng năm, đó là ngày giỗ của tập thể hơn 50 người. Nhớ mãi nơi đây, Tr­ường trung cấp y tế, bệnh viện Yên Bái, nơi các thầy thuốc và thầy thuốc tương lai đang tìm cách chăm sóc sức khỏe cho toàn xã hội lại bị một trận bom Mỹ vùi lấp trong lòng đất như thế.

6. Đánh giá giá trị Di tích

Hơn 50 năm kể từ khi xảy ra sự kiện bi thương này và chiến tranh cũng đã lùi xa nhưng bao người dân thành phố, nhất là những người ở ngành y từng chứng kiến sự kiện vẫn còn nguyên ký ức về sự khốc liệt của chiến tranh cùng khoảnh khắc đau thương giờ phút ấy và họ đều mong muốn có một công trình ghi dấu lại tội ác của giặc Mỹ đã gây ra cho nhân dân thị xã bấy giờ. Với giá trị đó, Trường trung cấp Y (cũ), điểm này xứng đáng được ghi tên làm nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vào ngày 9/7/1965 và ngày 9/7 hàng năm là ngày giỗ chung hơn 50 người trên. Đồng thời, điểm di tích này cũng là nơi giáo dục các thế hệ sau về tinh thần cảnh giác, lòng căm thù giặc ngoại xâm, nêu cao tinh thần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đời đời bền vững.

7. Phương án bảo vệ và sử dụng Di tích

Hiện nay tỉnh Yên Bái đang triển khai dự án xây dựng khu “Di tích Trường Y tế tỉnh Yên Bái - Ghi lại tội ác chiến tranh của giặc Mỹ ngày 9/7/1965”. Toàn bộ diện tích 382,7 m2 là khu vực 1. Dự kiến phục hồi lại hố bom tấn, xây dựng tấm bia tại phía Đông, cách miệng hố bom 0,3m - ghi lại tội ác của giặc.

Ngoài không gian phải tôn tạo và dựng mới, các loại cây cối hiện có phải giữ nguyên trạng và bổ sung hợp lý. (Trong tương lai phải di dời nhà phía Tây và nhà phía Bắc, mở rộng diện tích cho khuôn viên Di tích). Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định công nhận di tích trường Trung cấp Y cũ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp )

4053 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h