Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Di tích Đình Lâm Thượng

22/08/2019 13:35:16 Xem cỡ chữ Google
Ngày 6/2/2015 UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 219/QĐ-UBND công nhận đình đình Lâm Thượng, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.

1. Tên Di tích

 Di tích lịch sử - văn hóa đình Lâm Thượng, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử  - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 6/2/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đình Lâm Thượng, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích

Di tích đình Lâm Thượng thuộc xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, di tích có diện tích 870,3m2.

Đến di tích đình Lâm Thượng, đi theo đường bộ thuận tiện nhất: Từ trụ sở UBND xã đi đường liên xã Lâm Thượng - Mai Sơn khoảng 2km đến thôn Bản Chỏi, sau đó rẽ phải đi tiếp đường liên thôn khoảng 500m là đến Di tích.

Đi từ trung tâm huyện Lục Yên (thị trấn Yên Thế): Đi theo đường liên xã Yên Thắng-Mai Sơn-Lâm Thượng khoảng 13km đến thôn Bản Chỏi, sau đó rẽ trái theo đường liên thôn khoảng 500m là đến Di tích.

Từ trung tâm thành phố Yên Bái đi theo Quốc lộ 70 Yên Bái - Lào Cai khoảng 65km đến xã Khánh Hòa. Sau đó rẽ phải đi Quốc lộ 152 khoảng 20km đến trung tâm huyện Lục Yên, tiếp tục đi theo hướng dẫn trên là đến Di tích.

5. Sơ lược lịch sử Di tích

Trong cuốn sách Đền, Chùa, Đình ở tỉnh Yên Bái do Hồ Văn Thái, Nguyễn Liễn - xuất bản năm 2005 có ghi: Lâm Trường Thượng là đất Đông Bắc châu Lục Yên, trấn Tuyên Quang vốn là miền thưa dân, nhưng đất rừng rộng, trải dài và lâm sản phong phú. Sau khi trung hưng, nhà Lê chủ trương đưa dân đồng bằng lên mở mang vừa để khai thác tài nguyên, vừa để an trấn bờ cõi, Lâm Trường Thượng là địa danh đầu tiên ra đời vào dịp này ở châu Lục Yên.

Thời Lê sơ (1428-1527) được thành lập từ kết quả thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài 10 năm chống lại sự đô hộ của nhà Minh (Trung Quốc) do Lê Lợi lãnh đạo. Giai đoạn đầu là thời kỳ xây dựng lại đất nước sau thời bị nhà Minh đô hộ. Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ nhanh chóng bắt tay vào xây dựng đất nước bị tàn phá qua nhiều năm chiến tranh. Ông ở ngôi được 6 năm thì đến đời vua Lê Thánh Tông, có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Lê Thánh Tông quan tâm các chính sách nhằm phát triển kinh tế như sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, khai hoang những vùng đất mới đưa Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển thịnh trị. Quốc sách triều đình rất phù hợp với đường lối của Gia Quốc Công Vũ Công Mật. Nhân cơ hội này, Vũ Văn Mật tổ chức đưa hàng trăm hộ dân ở quê hương mình là vùng đất Ba Đồng, Gia Lộc thuộc trấn Hải Dương lên Yên Bình - Lục Yên (Tuyên Quang) và Thủy Vĩ (Hưng Hóa) sinh cơ lập nghiệp. Một số cơ sở khẩn điền tiêu biểu là thôn Đinh, thôn Chang xã Lâm Thượng và thôn Cát xã Tân Lập. Như vậy, đầu thế kỷ 16 dân Gia Lộc - Hải Dương và cư dân miền xuôi khác lên vùng đất Lâm Trường Thượng khai hoang, mở mang vùng đất mới đã lập đình Lâm Thượng thờ “nhiên thần” (thần núi, thần sông) và Thành Hoàng.

Với tư tưởng “Phù Lê, diệt Mạc”, Vũ Văn Mật ngoài việc đưa dân miền xuôi lên mở mang khai khẩn vùng đất mới, ông cho dời căn cứ từ thành Nghị Lang xây thành đắp lũy trên gò Bầu. Từ đó, nhân dân thường gọi ông là "Chúa Bầu" hoặc "Vua Bầu". Ông xây dựng thành Nghị Lang ở Lương Sơn - Lục Yên (nay thuộc Phố Ràng - Bảo Yên); thành Cát Tường ở Khánh Vân - Lục Yên; thành Bắc Pha ở xã Đà Dương (nay là xã Minh Xuân - Lục Yên); thành Bình Ca ở Hàm Yên (Tuyên Quang); thành Việt Tĩnh ở Diên Gia - Châu Thu (Lục Yên - Yên Bình - Yên Bái) về sau đều được gọi chung là thành “Nhà Bầu”.

Khi nhà Mạc lên ngôi năm 1527, vẫn lấy pháp độ cũ của nhà Lê từ hệ tư tưởng đến mô hình thiết chế nhà nước để cai trị, tuy nhiên nhân dân Lâm Trường Thượng đi theo Vũ Văn Mật mở mang vùng đất nên chịu sự ảnh hưởng tư tưởng “phù Lê, diệt Mạc” của 2 anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật. Để tưởng nhớ về một thời hoàng kim dưới triều đại Lê sơ (kéo dài 100 năm), nhân dân thờ thêm các vị vua thời nhà Lê tại đình làng. Các cụ cao niên tại địa phương cho biết đình Lâm Thượng có 3 sắc phong qua các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Khải Định thuộc triều Nguyễn, nhưng nay các sắc phong đã bị thất lạc, mất. Như vậy theo sử sách ghi chép lại, đình Lâm Thượng, xã Lâm Thượng huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được dựng vào khoảng thế kỷ XVI gắn với quá trình di cư của dân Gia Lộc - Hải Dương và các cư dân miền xuôi tôn thờ nhiên thần và Thành Hoàng, sau chịu ảnh hưởng tư tưởng “phù Lê, diệt Mạc” của Vũ Văn Mật nên thờ thêm thiết chế các vị vua nhà Lê và công thần Lê Lai.

Trải qua các thời kỳ, ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống Pháp và tác động của thiên nhiên, năm 1955 đình Lâm Thượng bị sụp đổ. Do nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Lâm Thượng nói riêng và trong vùng nói chung, năm 1957, đình được phục dựng, có kiến trúc 3 gian, nhà tre, lợp cọ. Từ năm 1957 đến năm 1960, tại đình các hoat động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng (lễ hội, các nghi lễ cúng tế) vẫn theo truyền thống cũ. Do vật liệu làm đình bằng tre, nứa không đảm bảo, sau 3 năm phục dựng, các cột, xà của đình bị mối mọt, mục nát nên xuống cấp, không được tu sửa nên năm 1960 đình bị sụp đổ. Từ đó đình Lâm Thượng không được phục dựng, nay chỉ còn dấu tích và không gian tổ chức lễ hội.

Qua quá trình khảo sát thực địa và qua các lời kể lại của các cụ cao niên tại địa phương: Các cụ cho biết: Đình Lâm Thượng xây dựng kiến trúc hình chữ Nhất, với 3 gian 2 trái, cột gỗ, mái lợp cọ. Gian chính giữa gồm một ban thờ được làm bằng gỗ, chiều cao so với mặt đất 2,5m. Trên ban thờ gồm có 3 bát hương, ở vị trí cao nhất là bát hương thờ vua Lê Thái Tổ; ở phía dưới là 2 bát hương thờ vua Lê Thái Tông và công thần Lê Lai.

Hai gian ở hai bên gian chính, mỗi bên có một ban thờ bằng gỗ, chiều cao so với mặt đất 2,5m. Trên ban thờ mỗi bên gồm 3 bát hương thờ Thành Hoàng bản thổ. Hai trái còn lại mỗi bên có một bát hương thờ thần Thổ Công và nhiên thần.

6. Các nhân vật được thờ tự

- Thờ nhiên thần (thần núi, thần sông…): Cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành tín ngưỡng thờ các vị thần siêu nhiên xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh”, mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình. Vì thế, thần cổ sơ nhất được nhân dân nơi đây tôn sùng là các nhiên thần, đặc biệt là thần núi, thần sông, thần cây. Với lòng tin các vị nhiên thần sẽ che chở, bảo vệ nhân dân khỏi những điều không may trong cuộc sống do thiên tai, lũ lụt, hạn hán… gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

- Thờ Thành Hoàng: Những người đặt dấu chân đầu tiên đi khai hoang, mở mang vùng đất mới (Lâm Thượng) có công rất lớn, đặt nền móng cho sự sinh sôi, phát triển vùng đất Lâm Thượng. Nhân dân nơi đây quan niệm rằng: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy”, cho nên khi những người đó qua đời, nhân dân nơi đây đã suy tôn là thần Thành Hoàng bảo vệ vùng đất, che chở cho người dân.

- Thờ hai vị vua Lê đầu tiên là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Công thần Lê Lai:

+ Lê Thái Tổ, tên húy là Lê Lợi  là người khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của triều hậu Lê, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam (tính cả thời Lê sơ và thời Lê Trung hưng). Ông ở ngôi gần 6 năm, thọ 49 tuổi.

+ Lê Thái Tông , là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Lê (ở ngôi từ năm 1433 đến 1442) trong lịch sử Việt Nam. Ông tên thật là Lê Nguyên Long. Ông sinh ra tại Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam.

+ Lê Lai là người gốc Mường, thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hóa). Ông tính tình cương trực, dung mạo khác thường, có chí khí. Ngay trước khởi nghĩa Lam Sơn ông đã theo hầu Lê Lợi có nhiều công lao, ông đã hy sinh thân mình cứu chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh.

7. Các hiện vật trong Di tích

Do ảnh hưởng của chiến tranh, tác động của môi trường cùng với nhiều nguyên nhân khác, đình Lâm Thượng không còn, nay chỉ còn lại không gian và một số hiện vật như chuông đồng bát quái cao toàn thân 45cm, đường kính miệng 24cm, quai treo cao 13cm. Theo công văn số: 13/CV-BTT của Bảo tàng Yên Bái xác định: Chuông đồng bát quái đình Lâm Thượng có niên đại thời Lê Trung Hưng. Nội dung các ký hiệu trên thân chuông có dòng chữ hán đúc nổi: Nguy, Thất, Bích, Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy (Tuy), Sâm, Tỉnh, Quỷ, Liễu, ? (thiếu 01 chữ), Trương, Dực, Chẩn, Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư. Nếu xếp các chữ theo thứ tự tương đối theo tứ phương ta được:

- Đông phương - Thanh Long: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.

- Nam phương - Chu tước: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Trương, Dực, Chẩn.

- Tây phương - Bạch Hổ: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy (Tuy), Sâm.

- Bắc phương - Huyền Vũ: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Ngụy, Thất, Bích.

27 chữ Hán trên được xác định là tên các vì sao “Thập Nhị Bát Tú”  bị khuyết chữ Tinh.

8. Phong tục lễ hội

* Lễ cầu đình: Theo quan niệm của dân tộc Tày ở Lâm Thượng, ngày “Thân” là con “Khỉ” đứng thứ 9 trong 12 con vật giáp (Thập Nhị Địa Chi). Khỉ là loài vật thông minh, đi vào đời sống văn hóa người dân. Loài khỉ đứng thứ 9 trong 12 con Giáp, theo phong thủy Việt con số 9 là số lớn nhất, tận cùng của dãy số tự nhiên 0-9 thể hiện sự trường tồn, vĩnh cửu. Với quan niệm đó, người Tày Lâm Thượng chọn ngày “Thân” đầu năm mới để tổ chức lễ hội để tâm nguyện cầu, cúng của bà con dân làng luôn được viên mãn.

Lễ vật chính gồm: 01 con lợn, các mâm lễ tạp và chay được từng hộ dân trong địa phương chuẩn bị (gia đình, dòng họ nào có điều kiện về kinh tế thì làm mâm to và đầy đặn hơn; gia đình, dòng họ khó khăn hơn thì cúng mâm chay).

Mâm lễ tạp gồm: Thịt gà, thịt lợn, cá, xôi, bánh chưng, rượu…

Mâm lễ chay gồm các loại bánh chay, hoa quả do chính tay người dân trồng và tự làm thể hiện lòng thành đối với Thần thánh.

Theo đó từng gia đình, dòng họ cử ra những trai, gái tân để phục vụ cho công tác lễ hội tại đình như: Đón ông Mo, vệ sinh khu vực đình, chuẩn bị còn, yến, trang phục mới… để vui hội đình.

Mở đầu hội đình Lâm Thượng là phần thi ném còn diễn ra rất sôi động. Các quả còn được trai tài, gái sắc chuẩn bị ở nhà từ trước cho ngày hội. Người chơi chia thành 2 đội, mỗi đội có 6 người đứng về hai phía cột còn. Ông Mo đứng ở giữa tung cho mỗi bên 6 quả còn, ai ném còn thủng được lớp giấy chui qua vòng tròn thì sẽ là người chiến thắng. Nếu vòng tròn được ném thủng càng nhanh thì năm đó sẽ mùa màng bội thu, dân làng bình yên khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc. Qua giờ Ngọ vòng tròn chưa thủng thì dân làng phải bắn nỏ cho thủng vòng tròn rồi mọi người mới bắt đầu được ăn cơm, thụ lộc tại đình.

Tiếp theo là hội “tát yến”. Quả yến cũng được dân làng chuẩn bị từ trước, sau đó người chơi đứng thành vòng tròn nam nữ xen nhau. Ông  Mo là người đầu tiên tát những cái yến cho đội chơi. Hội tát yến diễn ra sôi nổi và thu hút được rất nhiều người tham gia, nhất là những trai tài, gái sắc đang có ý muốn hẹn hò nhau. Thông qua ngày hội đình dịp đầu năm mới có nhiều cặp đôi trai gái nên duyên vợ chồng.

Ngoài hội thi ném còn, tát yến tại đây còn diễn ra các trò chơi dân gian khác như kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy… được bà con dân làng cổ vũ sôi động và nhiệt tình. Khi tiết trời ngả về chiều, từng tốp nam nữ tụ tập dưới những gốc cây to quanh đình rì rầm nói chuyện, có tốp thì hát đối đáp với nhau... Hội đình kéo dài đến đêm thì tan.

* Lễ mừng cơm mới

Lễ mừng cơm mới là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày nơi đây, với ý nghĩa mừng một năm sản xuất đạt mùa bội thu, dâng thành quả lao động cúng thần, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.

Hoạt động cúng cơm được tổ chức vào tháng 9 hàng năm tại đình Lâm Thượng, ngày tổ chức lễ hội phải là ngày đẹp, do ông Mo đình chọn ngày. Lễ mừng cơm mới diễn ra đúng dịp khi lúa bắt đầu trổ bông, xanh mơn mởn, chuẩn bị một mùa bội thu thóc lúa đầy nhà.

Lễ vật cúng tế bao gồm rượu, thịt lợn, xôi, gà và cơm mới (cốm)... được các hộ gia đình chuẩn bị công phu dâng lễ tại đình với mục đích mừng mùa màng bội thu và để cúng tạ các vị thần đã che chở, bảo vệ giúp dân làng được mùa; gia súc, gia cầm không dịch bệnh.... mừng cho dân làng ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau khi kết thúc các hoạt động dâng lễ, bà con dân làng cùng nhau thụ lộc tại đình. Các hoạt động vui hội đình ngày mừng cơm mới diễn ra như lễ Thượng Nguyên vào dịp đầu năm. Hội đình kéo dài đến chiều tối thì kết thúc.

Đình Lâm Thượng là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của nhân dân Lâm Thượng, đánh dấu lịch sử hình thành phát triển văn hóa đình làng, nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển của địa phương. Đây là những thiết chế quan trọng trong quá trình bảo tồn, lưu giữ, giao lưu, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã công nhận Đình Lâm Thượng  là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)

4595 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h