Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Lương Thịnh: Nhiều kỳ vọng từ lựa chọn mới

03/05/2018 07:23:59 Xem cỡ chữ Google
Sự kỳ vọng đó đang đặt vào cây tre măng Bát độ bởi giá trị, lợi ích đã được chứng minh tại nhiều vùng quê ở Trấn Yên.

Lãnh đạo xã Lương Thịnh (Trấn Yên) cùng với người dân đánh giá tỷ lệ cây sống của rừng tre măng Bát độ mới trồng.

Lương Thịnh là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên, diện tích tự nhiên rất lớn, trong đó chủ yếu là đất lâm nghiệp. Từ nhiều năm qua phong trào trồng rừng ở Lương Thịnh phát triển mạnh, toàn bộ diện tích đất đã được phủ kín bằng các giống cây như keo, mỡ, bồ đề, quế... Tuy nhiên một vấn đề khiến cán bộ xã Lương Thịnh và huyện Trấn Yên trăn trở chính là nâng cao thu nhập cho người nông dân, bởi thực tế hiệu quả kinh tế trong việc trồng rừng chưa cao.

Đồng chí Đinh Khắc Huyên - Bí thư Đảng ủy xã Lương Thịnh hạch toán: Mỗi ha rừng, sau chu kỳ 7 đến 8 năm, dù có chăm sóc tốt cũng chỉ cho 80 đến 100m3 gỗ, giá bán mỗi khối được khoảng 1,2 triệu đồng; như vậy, sau gần 10 năm, một héc-ta rừng chỉ cho thu trên dưới 100 triệu đồng. Thực tiễn số tiền mang về còn ít hơn nữa do chi phí khai thác rất lớn, đặc biệt là những khu rừng có địa hình phức tạp, xa đường ô tô”.

Thu nhập từ trồng rừng kinh tế rõ ràng không cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang về đồng đất Lương Thịnh một cây trồng mới bảo đảm yếu tố phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, dễ tính, dễ làm, có thị trường tiêu thụ ổn định và hiệu quả kinh tế cao hơn thực sự trở thành vấn đề cần được quan tâm và tre măng Bát độ là cây trồng đã được lựa chọn.

Tre măng Bát độ được triển khai trồng tại huyện Trấn Yên từ năm 2013, tập trung chủ yếu tại các xã Kiên Thành, Y Can, Hồng Ca những địa phương liền kề với xã Lương Thịnh nên các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu không cần phải xem xét nhiều. Về hiệu quả kinh tế, đến thời điểm hiện tại chưa có loại cây lâm nghiệp nào mang lại giá trị kinh tế cao hơn tre măng Bát độ.

Với vốn đầu tư 2,5 triệu đồng tiền củ giống, 2 triệu đồng tiền phân bón và 150.000 đồng tiền thuốc trừ mối cùng với khoảng 20 công lao động là bà con đã có 1ha tre măng. Từ năm thứ hai trở đi rừng Bát độ đã cho thu từ 3 đến 5 tấn măng và sang năm thứ 3, rừng tre măng đã chính thức bước vào chu kỳ kinh doanh, khi đó năng suất bình quân đạt 25 đến  27 tấn măng/năm, giá bán hiện nay 1.500 đồng/kg măng cả vỏ, thì 1 ha cho thu từ 37 đến 40 triệu đồng.

Xin được nhấn mạnh rằng, năng suất 25 đến 27 tấn là năng suất bình quân, thực tiễn nhiều hộ dân tại thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành đã đạt năng suất 45 đến 48 tấn/ha/năm. Về thị trường tiêu thụ, thêm một yếu tố đáng để kỳ vọng ở cây tre măng vì toàn bộ sản phẩm măng đều được Công ty Vạn Đạt (đối tác mà Trấn Yên liên kết trong chương trình trồng tre măng Bát độ từ những ngày đầu) ký hợp đồng bao tiêu hết, chưa kể nhiều công ty khác liên tục vào vùng trọng điểm măng ở Kiên Thành, Tân Đồng, Hồng Ca... đặt đại lý thu mua và sẵn sàng điều chỉnh giá để cạnh tranh.

Cái hay của việc trồng tre măng Bát độ còn ở yếu tố môi trường; do chu kỳ sinh trưởng của tre măng Bát độ rất dài (thực tế rừng tre măng Bát độ ở Khe Tối, Kiên Thành đã 15 năm tuổi mà vẫn sinh trưởng và phát triển tốt) nên sẽ không có chuyện chặt trắng rồi phát, đốt, dọn để trồng mới như các loại cây lâm nghiệp khác vì thế mà tài nguyên, môi trường được bảo vệ tối đa, hiện tượng đất đai bị sói mòn sẽ không xảy ra.


Giá trị, lợi ích của cây tre măng Bát độ đã được chứng minh tại nhiều vùng quê ở Trấn Yên vì thế nó rất đáng được người dân xã Lương Thịnh kỳ vọng.

Cuối năm 2017, chương trình trồng tre măng Bát độ ở Lương Thịnh được triển khai, khi đã có những tín hiệu rất tích cực từ phía người dân, huyện đã giao kế hoạch cho xã triển khai trồng 50 ha ngay từ vụ xuân 2018, sau đó kế hoạch được điều chỉnh thêm 50 ha nữa.

Nhằm giúp người dân hiểu giá trị của cây tre măng, nắm được quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc, hàng loạt các buổi họp dân, tập huấn kỹ thuật đã được tổ chức ngay tại thôn bản do những cán bộ, kỹ sư đã có nhiều năm gắn bó với chương trình trồng tre măng Bát độ của huyện tổ chức. Ai cũng hiểu được giá trị mà cây tre măng Bát độ mang lại, rất nhiều bà con đã phát biểu ngay tại các cuộc họp thôn rằng: "Tôi đã lên Kiên Thành, sang Hồng Ca, đã thấy rõ hiệu quả của cây trồng này rồi. Tôi cũng đã trách mình sao không sớm học tập bà con xã bạn trồng măng để có cuộc sống khá giả”.

 

 

Vận chuyển củ giống tre măng Bát độ phục vụ trồng rừng của người dân trên địa bàn xã.


Đồng chí Triệu Khánh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cùng tôi xuống thôn trên con đường liên xã, từ Khe Vải đến Phương Đạo sang Hồng Ca. Đường bằng phẳng và đẹp quá, con đường mơ ước của người dân nơi đây đã thành hiện thực, hai bên đường nhà cửa đã khang trang, vùng quê đã mang bóng dáng "nông thôn mới”.

 "Bà con Lương Thịnh đã hăng hái trồng tre măng Bát độ, tôi và anh em trong xã sẽ quyết tâm đưa Lương Thịnh trở thành một trong những vùng tre măng Bát độ lớn của huyện”.

Anh Thiện tỏ vẻ quyết tâm và hăng hái kể tiếp: "Mỗi héc-ta tre măng được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng nữa, vậy là đủ tiền củ giống rồi. Anh em cán bộ tích cực xuống thôn giúp bà con chọn đất, đào hố và trồng đúng kỹ thuật là xong”.

Chẳng cần mở sổ sách, anh Thiện người mới được huyện Trấn Yên cử về tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã (trước đó anh là kỹ sư khuyến nông, người đã nhiều năm liền gắn bó với vùng tre măng Bát độ Kiên Thành) cung cấp số liệu cho chúng tôi: "Toàn xã bà con đăng ký trồng 103 ha, đến nay đã cơ bản trồng kín diện tích, thôn Liên Thịnh mà anh em mình đang trên đường xuống đã trồng xong 20 ha”.

Do đã hẹn trước, lão nông Trần Hiền, người thôn Liên Thịnh đã đứng bên vệ gò đón chúng tôi, ông chào bằng một câu hoan hỷ: "Báo cáo Phó Chủ tịch, tre măng lên rất đẹp, tỷ lệ sống 100%”. Tôi hì hục theo các anh vượt lên ngọn đồi cao, nắng mới chớm hạ càng khiến tôi thấm mệt, đúng là đồi cao và địa hình phức tạp thế này mà trồng cây lấy gỗ thì chi phí khai thác mất non nửa.

Ông Hiền đồng tình với tôi rồi chia sẻ thêm: "Nhà có 2ha đất mà trồng keo, trồng bồ đề thì chẳng thu được bao nhiêu, chưa kể sẽ không có thu nhập thường xuyên. Tôi quyết chuyển hướng trồng cây tre măng Bát độ vì thấy được lợi ích của nó”. Đúng là vườn tre măng của gia đình ông Hiền đã lên đẹp, tỷ lệ sống 100%, cây nào cũng thân xanh, mầm non vươn cao, để cho cây bén rễ và sinh trưởng ổn định trong thời gian đầu, ông Hiền chưa làm cỏ, bón phân mà chỉ bảo vệ không cho trâu bò vào phá... theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Hướng ra phía Khe Vải, nhìn về Phương Đạo hay Đoàn Kết, Lương Tàm... đâu đâu cũng thấy những vườn măng mới trồng bắt đầu vươn cành xanh mướt.

Gió núi man mát lay nhẹ lá tre măng, cả cán bộ xã và lão nông Trần Hiền tỏ vẻ mãn nguyện với thành quả của mình. Trong khung cảnh tươi xanh ấy, nghe câu chuyện của cán bộ và người dân xã Lương Thịnh, tôi mường tượng, chỉ ba, bốn năm nữa thôi vùng tre măng Bát độ ở Lương Thịnh sẽ hình thành, chưa có kế hoạch cụ thể nhưng bốn, năm trăm héc-ta chắc chắn sẽ đạt, cùng với diện tích măng bên xã bạn Hồng Ca, con đường Khe Vải - Phương Đạo - Hồng Ca là tuyến đường của tre măng Bát độ; trên con đường ấy sẽ xuất hiện thêm những ngôi nhà hai, ba tầng, những chiếc xe hơi đời mới mà tiền xây cất, mua sắm từ măng tre mà ra. Chẳng viển vông đâu, bà con Kiên Thành trồng tre măng có nhà đẹp, xe đẹp, gửi tiết kiệm cả tỷ đồng, tất cả là từ tiền bán măng mà có nên bà con Lương Thịnh mình có quyền kỳ vọng vào giống cây mới này.

 

1292 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h