Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích Lịch sử văn hóa Chùa Văn Lãng (Chùa Ngã Hai), xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

25/01/2023 08:54:02 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Di tích lịch sử văn hóa chùa Văn Lãng (Chùa Ngã Hai) - xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có vị trí, cảnh quan tự nhiên đẹp, sơn thủy hữu tình. Chùa Văn Lãng là một công trình văn hóa - tâm linh, một điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, kết nối cộng đồng của bà con nhân dân nơi đây.

Lãnh đạo huyện Yên Bình, Bảo tàng tỉnh và xã Văn Lãng tham quan công trường đào thám sát di tích chùa Văn Lãng.

1. Tên gọi di tích

- Chùa Văn Lãng, thôn Đồng Đình, xã Văn Lãng (nay là xã Phú Thịnh), huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Tên Chùa Văn Lãng gắn với tên xã Văn Lãng (cũ).

- Tên gọi khác của di tích:

+ Chùa Đồng Đình: Tên gọi gắn với địa danh thôn Đồng Đình.

+ Chùa Ngã Hai: Do Chùa tọa lạc điểm giao thủy của suối từ xã Phú Thịnh và suối Cầu Yên chảy từ xã Thịnh Hưng về hợp lưu tại Ngã Hai cửa Lem (Đồng Dé) thành suối lớn rồi chảy ra sông Hồng, có thể vì vậy mà người dân trong xã gọi là Chùa Ngã Hai.

2. Loại hình di tích:

Di tích Chùa Văn Lãng (Chùa Ngã Hai), xã Văn Lãng (nay là xã Phú Thịnh), huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được xếp vào loại hình di tích lịch sử - văn hóa.

Tên gọi đầy đủ: “Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Văn Lãng, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.

Lãnh đạo xã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Văn Lãng

3. Quyết định công nhận di tích:

Quyết định số 93/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2018 Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việ xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong đó xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích Chùa Văn Lãng (Chùa Ngã Hai).

4. Địa điểm di tích Chùa Văn Lãng (Chùa Ngã Hai)

Di tích chùa Văn Lãng thuộc địa phận thôn 5, làng Đồng Đình, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Di tích chùa Văn Lãng (Chùa Ngã Hai) cách Ủy ban nhân dân xã 3km; cách trung tâm huyện Yên Bình 10km; cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 17km (km5).

Diện tích khoanh vùng bảo vệ 8.386,3m2.

5. Đường đi đến di tích Chùa Văn Lãng (Chùa Ngã Hai)

Đến di tích Chùa Văn Lãng (Chùa Ngã Hai) đi bằng đường bộ hoặc đường sắt rất thuận lợi:

- Từ trung tâm tỉnh Yên Bái (km5), theo đường Nguyễn Tất Thành (hoặc Quốc lộ 37) đến thị trấn Yên Bình đi tiếp vào xã Văn Lãng vào làng Đồng Đình là tới di tích. Hoặc đi theo đường Nguyễn Văn Cừ - Âu Cơ đến đầu cầu Văn Phú đi theo đường Văn Phú - Phú Thịnh đến xã Văn Lãng vào làng Đồng Đình là tới di tích.

- Đi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến nút IC12, qua cầu Văn Phú rẽ phải theo đường Văn Phú - Phú Thịnh đến xã Văn Lãng (8km) là tới di tích.

- Đi đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đến ga Văn Phú (xã Văn Phú), tiếp tục đi theo hướng Văn Phú - Phú Thịnh vào xã Văn Lãng khoảng 4km là đến di tích.

6. Đặc điểm di tích

- Dấu ấn lịch sử, cội nguồn: Di tích Chùa Văn Lãng là di tích khảo cổ học, mang dấu ấn kiến trúc Phật giáo từ thời Trần xuyên suốt qua nhiều thế kỷ đến thời Nguyễn. Di tích Chùa Văn Lãng gắn với quá trình hình thành và phát triển vùng đất Văn Chiếu xưa (nay xã Văn Lãng), cũng như quá trình Phật giáo du nhập lên vùng biên viễn của nước Đại Việt từ xa xưa.

- Dấu ấn lối sống và dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng: Di tích Chùa Văn Lãng là nơi tu hành của tăng ni, phật tử và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáocủa nhân dân xã Văn Chiêu xưa (nay xã Văn Lãng) và của nhân dân trong vùng Hạ Hòa, để lại dấu ấn khá đậm trong “văn minh vật chất và văn minh tinh thần” của dân tộc Việt. Phật giáo có sự dung hội giữa tâm hồn Việt với những giáo lý căn bản của nhà Phật.

Sự hòa đồng của Phật giáo vào trong lòng dân tộc sâu đậm tới mức, với tâm hồn người Việt, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn được coi là lối sống đạo đức. “Ai chuyên tâm niệm Phật, nghĩ điều thiện, làm việc thiện thì được vãng sinh cực lạc. Nước Phật không chỉ dành riêng cho người xuất gia, càng không phải dành riêng cho kẻ giàu sang. Không phải quần chúng đến với Phật, mà Phật đến với quần chúng. Quần chúng hóa như vậy, nên Phật giáo có ảnh hưởng rộng rãi tới xã hội. Kết quả của việc đó là, người tu hành gắn với quần chúng nghèo khổ và ngôi chùa gần với làng xã”. Bằng chứng là ở hầu như tất cả các làng xã Việt Nam đều có sự hiện diện của mái chùa thờ Phật. Phật giáo đã có những tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần của nhân dân, trong đó có cả tầng lớp thống trị. Người ta đã bi quan, bất lực với hiện tại và phải tìm về với Phật, lấy cửa chùa làm chỗ dựa tinh tình cho cuộc đời.

- Về loại hình kiến trúc và niên đại

Qua đào thám sát và kết quả phát hiện thu được nhiều hiện vật có giá trị như gạch, ngói, bệ thờ, chim thần Garuda, phù điêu trang trí, mảnh mái tháp, đồ sành, gốm, men, ... các chuyên gia khảo cổ học, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa khẳng định đây là loại hình kiến trúc của thiết chế Phật giáo, cụ thể là một ngôi chùa. Di tích Chùa Văn Lãng có niên đại (khởi dựng) từ thời Trần 1225 - 1400 (hiện vật bao gồm: diềm trang trí, gạch trang trí, gạch lát nền, phù điêu, bệ thờ có trang trí cánh sen, mảnh tháp mái,…) trải qua thời Lê Trung Hưng 1553 - 1789 (hiện vật bao gồm: ngói góc mái, ngói lợp, gạch, đồ sành, đồ gốm, đinh sắt), đến thời Nguyễn 1802 - 1945 (hiện vật bao gồm: mảnh gốm men, bát đĩa, lư hương). Như vậy, có thể nhận định di tích Chùa Văn Lãng khởi dựng từ thời Trần, tồn tại, phát triển qua thời Lê Trung Hưng sang đến thời Nguyễn.

Mảnh bệ sen phát hiện tại di tích - một biểu tượng đặc trưng của Phật giáo thời Trần

Sự hiện diện Chùa Văn Lãng ở xã Văn Chiếu xưa (nay xã Phú Thịnh) theo nhận định:

Một là: Thời Trần đạo Phật rất phát triển cực thịnh và được coi là Quốc giáo. Trần Cảnh lên ngôi năm 1225 đến năm 1258 (niên hiệu Trần Thái Tông) đã xuống chiếu cho các địa phương có đình trạm phải tô tượng Phật đặt thờ phụng nhằm tuyên truyền, phát triển đạo Phật. Thời kỳ này nhiều chùa triền đã được xây dựng, tu bổ trên khắp cả nước.

Sau khi đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược nước Đại Việt, vua Trần Nhân Tông đã khôi phục được sự ổn định và hưng thịnh của nước Đại Việt. Năm 1293, vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (Trần Anh Tông), sau đó vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành theo đạo Phật và lấy hiệu Trúc Lâm đại đầu đà hay Trúc Lâm đại sĩ. Trần Nhân Tông cũng chính là vị tổ sư sáng lập của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tinh thần nhập thế.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1258 - 1288), sau thất bại ở Thăng Long quân Nguyên - Mông rút chạy theo đường sông Hồng về nước, vua Trần và Thái tử chỉ huy quân phản công. Rất có thể sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông (1288), cùng với chiến lược quân sự đưa quan binh lên trấn ải bảo vệ vùng biên viễn, nhà Trần còn có chính sách đưa dân lên sinh sống lập làng xã ở vùng biên ải, tạo thành phên dậu vững chắc để bảo vệ đất nước. Đồng thời, mở rộng phát huy vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo để thu phục nhân tâm, an dân. Và có thể trong thời gian này đã hình thành nên những làng, xã đông đúc và Chùa Văn Lãng được nhân dân xây dựng trong tâm thế lịch sử chung đó.

Hai là:ới thời Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh nên các nhà sư đã lên vùng Văn Lãng ngày nay truyền bá đạo Phật, đồng thời đứng ra huy động nhân dân xây dựng ngôi Chùa Văn Lãng. Nhà sư, quan binh và nhân dân hầu hết đều từ miền xuôi hay ở kinh thành Thăng Long lên đã mang ảnh hưởng hoặc có sự giao lưu (giao thoa) văn hóa Chăm nên quá trình xây dựng Chùa Văn Lãng đã đúc tượng chim thần Garauda. Quy mô kiến trúc, vật liệu xây dựng, nghệ thuật đúc, trang trí hoa văn của Chùa Văn Lãng mang đậm dấu ấn của những ngôi chùa cổ thời Trần, theo đó thợ xây dựng Chùa Văn Lãng là những người thợ lành nghề từ miền xuôi hoặc từ kinh thành Thăng Long lên làm.

Sách Đồng Khánh Dư địa chí ghi: “... huyện Hạ Hòa đàn ông, đàn bà đều cần cù, tiết kiệm. Nhiều người theo đạo Phật, ít người theo đạo Thiên chúa giáo”. Trên địa phận tỉnh Sơn Tây xưa có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ rải khắp từ đô thị đến vùng nông thôn, vùng miền núi hẻo lánh xa xôi.

- Về kiến trúc của di tích Chùa Văn Lãng

Căn cứ nền móng, đá móng, chất liệu xây dựng có thể nhận định: Nền chùa chính có kích thước 6m x 6,40m, như vậy có thể thấy đây là kiến trúc chùa nhỏ, chỉ có 1 gian, vật liệu xây dựng chủ yếu bằng đất nung và đồ mộc, toàn bộ khung chùa (cột, kèo, xà...) bằng vật liệu gỗ (qua tìm thấy hiện vật đinh và chân tảng đã chứng minh kết cấu kiến trúc chùa làm bằng gỗ là có cơ sở); mái chùa, bệ thờ bằng đất nung.

Nền móng xây kiên cố bằng đá, gia cố bằng lớp ngói vỡ, kích thước 20cm - 30cm; lớp đá vòng trong nhô cao 40cm so với lớp đá vòng ngoài. Vòng ngoài có thể là hành lang và thấp hơn so với lớp đá vòng trong. Chùa quay hướng Nam được xếp nhiều đá to và gạch vồ, một số viên đá có mặt phẳng (đây có thể là đá kê chân cột), là mặt chính của di tích nên được xây dựng công phu và khác biệt hơn so với các hướng khác, hành lang lát bằng gạch, phía dưới được gia cố bằng gạch vồ.

Bên cạnh chùa có thể còn có tháp - một công trình thường thấy trong khuôn viên các ngôi chùa thời Trần.

- Về quá trình tồn tại và tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Văn Lãng

Căn cứ vào các hiện vật đã thu được, có thể khẳng định: Chùa Văn Lãng được khởi dựng từ thời Trần, tồn tại và phát triển qua thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Trong thời kỳ Lê Trung Hưng, Chùa Văn Lãng đã được xây dựng lại hoặc trùng tu, tôn tạo, sửa chữa với quy mô lớn, bằng chứng là phát hiện nhiều hiện vật như gạch trang trí, bệ sen, đinh sắt, trên bề mặt có nhiều gạch vồ và ngói lợp thời Lê Trung Hưng. Đến thời Nguyễn, Chùa Văn Lãng lại được trùng tu, tôn tạo lại với những vật liệu đơn giản và thời gian tồn tại không dài.

- Về tượng chim thần Garuda

Trong số những hiện vật thu được ngoài các hiện vật thời Trần, thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, đặc biệt có hiện vật tượng chim thần Garuda. Garuda (Đại bàng Kim Sí Điểu) là loài chim thần trong Ấn Độ giáo và sau đó ảnh hưởng sang phái Phật giáo Nam tông. Theo thần thoại Ấn Độ, Garuda là con vật cưỡi của vị thần Vishnu. Trong quan niệm của Phật giáo, những con chim Garuda có vai trò nâng đỡ mái, che chở, bảo vệ ngôi chùa. Garuda có đầu người, mình chim, có đầy đủ chân, tay nhưng cũng có cả đôi cánh, với vẻ mặt khá dữ tợn, như sẵn sàng xé xác bất cứ kẻ nào dám xâm phạm tới nơi mà Garuda đang bảo vệ. Garuda mang hình tượng đặc trưng của kiến trúc Chămpa. Hình tượng Garuda xuất hiện tại Chùa Văn Lãng cùng với những hình tượng trang trí mang đậm nét văn hóa của người Việt tạo ra một sự giao thoa văn hóa Việt - Chămpa rất hài hòa, tinh tế.

Tại khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, trong quá trình khai quật các nhà khảo cổ học thu thập được rất nhiều di vật thời Lý - Trần mang đậm phong cách văn hóa Chăm, Ấn Độ, trong đó có nhiều viên gạch có chim thần Garuda. Nói về điều này, nhà nghiên cứu, TS Bùi Minh Trí đã đưa ra nhận định: “Đây là minh chứng sinh động về sự ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ giáo đến Thăng Long vào thời Lý bằng con đường gián tiếp qua các nước Đông Nam Á, trong đó có Chămpa”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trước khi đạo Phật và văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam thì người Việt - Mường cổ, người Chăm và các tộc người khác cư trú tại các vùng đất ở Việt Nam đã tồn tại tín ngưỡng thờ hình tượng chim. Trong thiên sử thi thần thoại “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, chim Tùng và chim Tót (chim trống và chim mái) đã sinh ra người Mường, người Việt, người Dao. Truyền thuyết của người Việt cũng ghi rằng, Âu Cơ là giống tiên (giống chim) lưỡng hợp với Lạc Long Quân (giống rắn), đẻ ra 100 trứng, nở ra 100 con chính là tổ tiên của các tộc người đang sinh sống trên đất Việt Nam. Do vậy, việc đưa tượng đầu người mình chim vào chùa chiền và kinh thành chính là sự thể hiện tín ngưỡng này của các tộc người Việt.

Theo thông tin từ cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Vào đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đã phát hiện và thu giữ một tượng chim thần Garuda tại di tích Chùa Văn Lãng, xã Văn Lãng, hiện vật này hiện nay đang trưng bày tại Bảo tàng Cộng hòa liên bang Đức.

Việc phát hiện tượng chim thần Garuda tại di tích Chùa Văn Lãng có ý nghĩa quan trọng, mang giá trị to lớn đối với công tác nghiên cứu khoa học – lịch sử, góp phần nhận diện và đánh giá sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm nói chung và ảnh hưởng của văn hóa Chăm ở vùng biên viễn cương mục phía Bắc quốc gia Đại Việt từ thời Trần.

5. Ký hiệu trên các viên gạch trang trí có chữ Hán “” -Tứ (Bốn), “ ” - Thập - Ngũ (Mười-Năm), “八十二 - Bát - Thập - Nhị (Tám – Mười - Hai). Theo chúng tôi nhận định, đây có thể là ký hiệu vị trí của từng viên gạch, viên ngói để khi xây dựng thợ sẽ dễ dàng sắp đặt, lắp ghép đúng vị trí.

Di tích Chùa Văn Lãng là nơi ghi dấu những giá trị văn hóa và sự du nhập, phát triển Phật giáo ở vùng biên viễn cương mục của nước Đại Việt từ thời Trần, chứa đựng những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa quan trọng theo suốt chiều dài lịch sử, tính liên tục với tư cách là một thiết chế Phật giáo của vùng Văn Chiếu, Sơn Tây, Hưng Hóa xưa (nay là Văn Lãng, tỉnh Yên Bái).

(Tư liệu do Trung Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch tỉnh Yên Bái cung cấp)

797 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h