Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Trạm Tấu sau một năm xóa các điểm trường lẻ

16/07/2017 06:46:59 Xem cỡ chữ Google
Sắp xếp mạng lưới quy mô trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái là một chủ trương lớn, một bước tiến của giáo dục Yên Bái. Trạm Tấu là một trong bốn địa phương thí điểm thực hiện.

Sau sáp nhập, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non huyện Trạm Tấu đều được nâng cao so với những năm học trước.

Sau một năm nỗ lực xóa điểm trường lẻ, Trạm Tấu đã thu được những kết quả bước đầu vững chắc. Song bên cạnh đó cũng có những khó khăn, bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của địa phương.

Kết quả sau một năm nỗ lực

Năm học 2016 - 2017 là năm học đầu tiên huyện Trạm Tấu thực hiện Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp theo hướng tinh gọn. Đến nay, toàn huyện có 26 trường, giảm 3 trường, giảm 58 điểm trường lẻ so với năm học trước, số nhóm lớp tăng lên. Sáp nhập các điểm lẻ về trường chính, quy mô được mở rộng, nhiều trường bán trú được thành lập, số học sinh được hưởng chế độ bán trú, theo đó cũng tăng lên.

Toàn huyện có gần 5.000 học sinh được hưởng chế độ bán trú, tăng gần 1.400 học sinh so với năm học trước. Cái được nhận thấy rõ nhất đó là sau sáp nhập học sinh được học tập trung, sinh hoạt tập thể, được tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa... nên các em đã mạnh dạn tự tin hơn. 

Cô Bùi Thanh Hải  - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Xà Hồ cho biết: “Các em từ điểm lẻ về đã thay đổi rất nhiều, tự tin hơn. Bởi về điểm trường chính các em được tăng cường sử dụng tiếng Việt, được làm quen với môi trường học tập và sinh hoạt tập thể. Từ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên. Đặc biệt, các em được rèn luyện kỹ năng sống và các hoạt động tập thể, dần loại bỏ tư tưởng của các tập tục lạc hậu”.

Thực tế ở Trạm Tấu cho thấy, xóa bỏ điểm trường lẻ công tác quản lý giáo dục và chăm sóc học sinh được tốt hơn, việc đi lại của giáo viên cũng đỡ vất vả hơn. Từ đó có thêm nhiều điều kiện, cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn và các hoạt động khác, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ của toàn ngành.

Mục tiêu cuối cùng của mọi đề án giáo dục là nâng cao chất lượng giáo dục và đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cũng như vậy. Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện Đề án, còn nhiều khó khăn song với sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, cũng như toàn ngành giáo dục và sự đồng thuận của nhân dân, chất lượng giáo dục của Trạm Tấu đã được nâng lên rõ rệt.

Sự thay đổi ấy không chỉ là sự tự tin, mạnh dạn của học trò mà còn thể hiện ở kết quả đánh giá, kiểm tra. Tất cả các chỉ số giáo dục tích cực ở các bậc học đều tăng, chỉ số yếu kém giảm so với năm học trước.

Cụ thể như ở bậc học mầm non, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 2% so với năm học trước. Ở bậc tiểu học, đánh giá về phẩm chất, năng lực tốt đều tăng và tỷ lệ học sinh chưa đạt giảm so với năm học trước. Ở bậc học THCS, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 27%, tăng gần 5% còn tỷ lệ học sinh yếu kém giảm gần 2% so với năm học trước...

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Trạm Tấu thì việc sáp nhập các trường, điểm trường trên địa bàn huyện hoàn toàn phù hợp, không có khó khăn. Sáp nhập toàn bộ điểm trường tiểu học về bán trú có nhiều thuận lợi, giáo viên có điều kiện nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường công tác kiểm tra; học sinh được tiếp cận cách ăn ở, giáo dục nếp sống, nét văn hóa; về các điểm trường chính học sinh được tiếp cận đầy đủ hơn, được ăn nghỉ tại trường, được học 2 buổi chính, buổi tối học tập có sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo.

Mặc dù công tác giáo dục ở Trạm Tấu đã được tập trung các nguồn lực để đầu tư, mở rộng trường lớp, nâng cao cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu để thực hiện sáp nhập, song là huyện nghèo đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đa phần học sinh đều là con em hộ nghèo của huyện nên ngành giáo dục huyện đã đẩy mạnh phong trào “tương thân tương ái” trong tất cả các trường học.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (người đội mũ) kiểm tra thực đơn bếp ăn bán trú của Trường PTDTBT TH&THCS Bản Công, huyện Trạm Tấu. 

Ông Phạm Mạnh Tưởng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết: “Toàn huyện xây dựng chung một kế hoạch “tương thân tương ái”, đó là phân công giáo viên đỡ đầu các em học sinh. Đối tượng là các em học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Các nhà trường triển khai vận động phong trào “tương thân tương ái” ngay trong nhà trường từ những việc nhỏ nhất. Cùng với đó, các trường xây dựng “đôi bạn cùng tiến”, anh chị lớn giúp đỡ các em bé, một tháng phát động một lần quyên góp ủng hộ chủ yếu là các thầy cô...”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Đề án tại huyện Trạm Tấu cũng vấp phải những bất cập như: một số điểm trường lẻ mầm non sáp nhập trong lộ trình có đường giao thông đi lại khó khăn, dự kiến ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyên cần, nhiều nơi khó khăn cơ sở vật chất mặc dù huyện cùng các nhà trường nỗ lực rất nhiều; quỹ đất để xây dựng các hạng mục công trình phòng học, phòng ở và các công trình phụ trợ còn hạn chế; cơ cấu giáo viên bậc học mầm non và THCS còn thiếu; số lượng học sinh trên lớp hơi cao so với thông tư hướng dẫn, trong khi đó quy mô lớp học nhỏ hơn...

Đề xuất điều chỉnh

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án của năm học 2016 - 2017, triển khai có hiệu quả Đề án trong năm học 2017 - 2018, huyện Trạm Tấu đề xuất được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho học tập và sinh hoạt của học sinh ở các đơn vị trường để thực hiện hoàn thành mục tiêu Đề án, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Trong năm học 2017 - 2018, huyện đề nghị được lùi lộ trình sáp nhập 17 điểm trường lẻ của các trường mầm non, trong đó có 2 điểm trường của lộ trình 2016 - 2017 là Tà Tầu, xã Pá Hu và Háng Tây, xã Pá Lau do chưa chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và 15 điểm trường theo kế hoạch của năm học 2017 - 2018. Bởi đây là các điểm lẻ cách điểm chính hoặc điểm sáp nhập trên 5km, giao thông đi lại khó khăn như đường đất, qua suối...

Huyện cũng đề nghị được mở lại lớp tại 4 điểm lẻ là điểm Sán Trá sáp nhập về điểm lẻ Bản Công, khoảng cách đi lại 4km nhưng giao thông đi lại khó khăn; điểm Mù Cao sáp nhập về điểm chính Trường Mầm non Họa Mi, Bản Mù, khoảng cách đi lại có 3km nhưng đường đất, dốc cao, trơn trượt, thậm chí giao thông chia cắt vào mùa mưa; điểm lẻ Tà Đằng của Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Xà Hồ sáp nhập về điểm lẻ Đầu Cầu khoảng cách là 8km, giao thông đi lại khó khăn; điểm lẻ Tà Đằng của Trường Mầm non Hồng Ngọc xã Tà Xi Láng sáp nhập về điểm lẻ Chống Chùa, khoảng cách đi lại 3km nhưng giao thông khó khăn. Cùng với đó, huyện cũng kiến nghị được phép tách những lớp tiểu học có số học sinh trên lớp vượt quá từ 10% trở lên so với điều lệ trường học để đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học và được tuyển dụng số giáo viên mầm non, giáo viên THCS còn thiếu để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp...

Một giờ học áp dụng công nghệ thông tin của Trường PTDTBT TH&THCS Bản Công.

Sau một năm thực hiện, Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tại huyện Trạm Tấu đã thu được những kết quả tích cực, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn cần điều chỉnh những bất cập cho phù hợp để đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Quan điểm của tỉnh Yên Bái rất rõ là không thực hiện Đề án một cách máy móc, cứng nhắc mà trên tinh thần quyết tâm thực hiện Đề án, song bất cập ở đâu, nghiên cứu điều chỉnh ở đó để đảm bảo tính nhân văn và ý nghĩa to lớn của Đề án.

 

886 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h