Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Đình Tháp Cái, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

23/01/2023 06:40:01 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 7/4/2019 (tức ngày 3/3 năm Kỷ Hợi) đình Tháp Cái, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên đã vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Lễ dâng hương tại Đình Tháp Cái (Viễn Sơn)

 Đình Tháp Cái thờ ông Bàn Thừa Phú (còn gọi là Phú Sáu) - ông Tổ trồng quế. Ông là một trong những người đầu tiên đưa gia đình về khai khẩn, lập làng bản ở Viễn Sơn và là người khởi dựng, chủ đình Quế Sơn Tháp Cái. Ông cũng là người đầu tiên phát hiện ra cây quế, đưa về trồng, truyền dạy dân bản, xã và trong vùng cách trồng cây quế nên đồng bảo Dao xã Viễn Sơn. Theo những già làng tại đây kể lại, trong một lần ông Sáu vào rừng săn bắt, vô tình phát hiện ra một loại cây cao lớn. Thân cây tỏa ra mùi thơm, lá cây cho vào miệng nhai thì thấy có mùi thơm rất ấm, vị cay và khi nuốt thấy ngọt. Đoán là loài cây quý, ông liền mang về nhà trồng. Thời gian sau, cây lớn lên cho ra rất nhiều quả, ông đem hạt đi trồng quanh nhà, trên nương và vận động, dạy dân bản cách trồng. Mới đầu, người dân chỉ dùng loại cây này để làm thuốc chữa bệnh và hương liệu. Sau một thời gian, có nhiều người miền xuôi lên mua bán, trao đổi hàng hóa với đồng bào Dao lấy vỏ mang về xuôi. Thấy cây lạ vừa chữa bệnh, lại bán, trao đổi hàng hóa nên dân bản trồng khắp núi đồi và gọi là "Phinh gia húa” (có nghĩa là: Cây của tiên gia), sau này gọi là cây quế và được người Dao cùng các dân tộc trong vùng trồng ngày càng nhiều và trở thành món hàng có giá trị. Cây quế đã giúp cho cuộc sống của đồng bào Dao và người dân trong vùng ngày càng ấm no, đầy đủ, hạnh phúc hơn. 

Tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng, lập bản, đưa cây quế về trồng, đồng bào Dao ở xã Viễn Sơn và cộng đồng các dân tộc trong vùng gọi ông Phú Sáu là "ông tổ” cây quế và suy tôn ông là Thành Hoàng làng, xã và được thờ trong đình Tháp Cái. Vào mỗi dịp lễ tết, người dân trong xã, trong vùng đến đình Tháp Cái thắp hương để tưởng nhớ, tri ân công lao của ông và thỉnh cầu Ông linh thiêng, phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây quế tốt tươi.

Lãnh đạo huyện Văn Yên trao bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Tháp Cái cho UBND xã Viễn Sơn

Trải qua những thăng trầm lịch sử, cây quế không chỉ giúp đồng bào làm thuốc chữa bệnh và làm hương liệu mà còn có thể bán, trao đổi hàng hóa nên đồng bào đã trồng quế ở khắp núi đồi. Hiện cây quế đã phát triển, trở thành cây trồng chủ lực, là biểu tượng kinh tế, biểu tượng văn hóa của nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên. Quế đã phủ khắp 25 xã, thị trấn với tổng diện tích toàn huyện đạt trên 52.000 héc-ta. Các sản phẩm từ quế đã mang lại giá trị hằng năm gần 1 nghìn tỷ đồng. 

Trong khuôn khổ của Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ IV năm 2022, hoạt động dâng hương tại đình Tháp Cái được thực hiện với các nghi thức độc đáo, mang đậm bản sắc, truyền thống tốt đẹp trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao để cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa; cầu Thành hoàng, thần linh che chở, phù hộ làng bản yên bình, mùa màng bội thu, cây quế tốt tươi, con người khỏe mạnh…

 

Lễ dâng hương tại Đình Tháp Cái là 1 trong 5 hoạt động chính tại Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ IV-2022. Tại buổi lễ, các thầy cúng thực hiện nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Dao để cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa; cầu cho mưa thuận, gió hoà, hoạt động trồng, chế biến, tiêu thụ quế gặp may mắn, thuận lợi

Lễ dâng hương là hoạt động này nhằm tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng, lập bản, đưa cây quế về trồng, đem đến cuộc sống ấm no cho đồng bào Dao ở Viễn Sơn nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung. Mặt khác nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, giúp người dân địa phương cũng như du khách hiểu thêm về quá trình khai khẩn, lập làng bản cũng như sự có mặt và phát triển của cây quế nơi đây, đồng thời được tìm hiểu nét đặc sắc trong các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đỏ bản địa từ Lễ Cấp sắc 12 đèn, chữ viết, hát Páo dung đến múa Rùa, múa Gông…

Buổi học chữ Dao tại đình Tháp Cái

Từ khi khởi dựng đến nay, trải qua hơn 200 năm, đình Tháp Cái vẫn tồn tại gắn bó với cộng đồng người Dao, với vùng đất Viễn Sơn xưa và nay. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tuy đã có sự thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị vốn có của di tích. Theo phong tục, tín ngưỡng của dân tộc Dao đỏ xã Viễn Sơn, đình Tháp Cái mỗi năm tổ chức 4 lần cầu cúng. Đó là Lễ tháng Giêng - Lễ cúng Thành Hoàng vào ngày mùng 1 tết; Lễ cầu mùa vào ngày mùng 3/3 âm lịch; Lễ Cầu phúc, cầu lộc vào ngày 6/6 âm lịch và Lễ cầu phúc, cầu lộc vào ngày 2/8 âm lịch hàng năm với những nghi thức độc đáo theo phong tục địa phương. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, ngày 26/12/2018, đình Tháp Cái xã Viễn Sơn được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Một số hình ảnh tại Lễ dâng hương tại đình Tháp Cái:

Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên và nhân dân thắp hương tại Lễ dâng hương tại Đình Tháp Cái

Cảm tạ công lao của ông tổ nghề trồng Quế đã cho bà con nơi đây cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Những nghi thức và điệu múa truyền thống trong những ngày lễ cũng được đồng bào nơi đây thể hiện để cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu 

1701 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h