Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Trấn Yên chủ động trước mùa mưa bão

21/05/2018 07:39:27 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Với đặc điểm địa hình có tỷ lệ đồi núi cao, độ dốc lớn, có sông Hồng và nhiều suối chảy qua địa bàn nên hàng năm huyện Trấn Yên thường chịu thiệt hại do gió lốc, mưa lũ, sạt lở đất… Chính vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai gây ra, huyện Trấn Yên đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN), đồng thời thực hiện nghiêm túc kế hoạch và các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “Chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” góp phần giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống cho người dân.

Xã Lương Thịnh gia cố và sửa chữa các đê, đập trước mùa mưa bão

Xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) có sông Hồng chảy qua, vào mùa mưa lũ nước sông dân cao thường gây ngập lụt trên diện rộng tại các thôn khu vực Lan Đình. Bên cạnh đó, có 1 suối lớn là suối Phú Thọ chảy qua các thôn Đồng Phúc, Đồng Phú, Phú Thọ và Phú Lan, ngoài ra còn có 5 tuyến mương tiêu và nhiều đầm hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hàng năm khi thời tiết mưa to kéo dài kết hợp với nước sông Hồng dâng cao thường gây ngập, úng cục bộ làm thiệt hại tài sản, hoa màu của nhân dân, sạt lở các công trình thuỷ lợi, tắc đường giao thông. Những gia đình ở theo ven sông, suối có nguy cơ sạt lở, các hộ vùng thấp luôn có nguy cơ bị ngập úng, nước cuốn trôi... Trước mùa mưa bão năm 2018, xã Việt Thành đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và đội xung kích PCTT - TKCN ở các thôn trong toàn xã. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, rà soát các hộ nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, tăng cường công tác kiểm tra tu bổ hệ thống các công trình phúc lợi, hệ thống đê bao, hồ đập chứa nước, mương dẫn nước và hệ thống đường điện. Đồng chí Lê Thị Lụa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: Việc chuẩn bị tốt các phương án ứng phó khi có mưa bão xảy ra là khâu then chốt trong việc giảm nhẹ thiệt hại, chính vì vậy chúng tôi xây dựng các phương án phòng chống và ứng phó cụ thể với từng loại thiên tai sao cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi khu vực.

Xã Hồng Ca nằm ở phía Tây của huyện Trấn Yên có diện tích tự nhiên hơn 9.300 ha, địa hình đồi núi là chủ yếu và bị chia cắt rất phức tạp bởi các khe suối lớn như: suối Bậu, suối Cại, suối Bản Khun, suối Ngòi Lâu. Do đặc thù là xã vùng núi nên thời tiết ở xã Hồng Ca có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa thường bắt đầu vào tháng 3 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Mùa mưa thường xảy ra mưa to, kéo dài, nên thường xảy ra lũ lớn và sạt lở đất gây thiệt hại hoa màu và nhà cửa của người dân. Trước những diễn biến của biến đổi khí hậu thì những thiên tai này ngày càng có xu hướng gia tăng, cả về số lần xảy ra cả về cường độ, phạm vi gây hại, do vậy chính quyền địa phương luôn chủ động xây dựng kế hoạch phương án PCTT - TKCN cụ thể với đặc thù của từng thôn, từng khu vực và công trình cụ thể; thường xuyên tổ chức thống kê hộ dân có taluy nguy cơ sạt lở, tiến hành vận động xử lý để khắc phục tránh nguy hiểm khi mưa to xảy ra và rà soát các ngôi nhà tạm bợ có nguy cơ sụp đổ khi có mưa lốc xảy ra tìm giải pháp khắc phục lâu dài. Ông Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết thêm: Ở khu vực miền núi, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên để có một nơi ở đảm bảo an toàn là không phải hộ dân nào cũng làm được. Trước thực trạng đó chúng tôi phải hết sức sát sao trong việc theo dõi diễn biến thời tiết và thiên tai để khuyến cáo người dân và vận động người dân hiểu được sự nguy hiểm để di chuyển đến nơi ở an toàn.

Năm 2017 tình hình thời tiết trên địa bàn huyện Trấn Yên có nhiều diễn biến bất thường; xuất hiện nhiều trận mưa, với lượng mưa lớn; dông lốc bất ngờ và ảnh hưởng của bão số 2, bão số 10, áp thấp nhiệt đới; kết hợp lũ thượng nguồn làm nước sông Hồng dâng cao gây lũ, ngập úng, sạt lở đất làm thiệt hại về nhà ở, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và nhiều công trình công cộng trên địa bàn huyện. Trong năm trên địa bàn huyện Trấn Yên xuất hiện 6 đợt mưa lớn kèm theo gió lốc vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 10. Những ảnh hưởng do mưa, lũ, gió, lốc đã thiệt hại 42 nhà dân, trong đó 8 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 8 nhà hư hỏng nặng, 16 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp, 10 nhà bị tốc mái, hư hỏng vật dụng sinh hoạt. Ngoài ra, mưa lũ còn gây thiệt hại hơn 80 ha cây hoa màu, gần 100 ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cây công nghiêp lâu năm. Bên cạnh đó, thiên tai cũng đã gây thiệt hại hàng loạt công trình thủy lợi, giao thông như:  công trình đê chắn lũ thôn Lan Đình (xã Việt Thành), đê thôn 2 (thị trấn Cổ Phúc) và một số hồ đập công trình thủy lợi tại các xã Việt Hồng, Y Can, Tân Đồng; mưa bão cũng đã gây sạt lở một số tuyến đường gioa thông, làm gẫy đổ 21 cột điện…

Ngay trước mùa mưa bão năm 2018, huyện Trấn Yên đã quyết liệt chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê chi tiết số lượng các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng; rà soát những khu vực ngầm tràn, những đoạn đường giao thông bị ngập, bị sạt lở; kiểm tra các hồ chứa, các công trình thủy lợi để kịp thời gia cố, sửa chữa những điểm sung yếu trước mùa mưa lũ; kiểm tra các điểm khai thác khoáng sản, có phương án chủ động đảm bảo an toàn các hồ chứa và đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống trong khu vực. Trong tình huống khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Trấn Yên chỉ đạo các xã, thị trấn, các doanh nghiệp trên địa bàn huy động “4 tại chỗ” giúp đỡ các hộ gia đình vận chuyển đất, đá sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

Năm 2018, các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” đã được Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện quán triệt cụ thể đến các xã, thị trấn nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản và các công trình công cộng trên địa bàn. Đặc biệt, tại các điểm khai thác quặng ở một số xã như Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị triển khai các biện pháp gia cố đê đập, bể xả thải, khai thông các dòng chảy để không để xảy ra các sự cố đáng tiếc gây ảnh hưởng nặng cho người dân. Tuy có địa hình rộng và khá phức tạp, tình hình thời tiết và thiên tai diễn biến phức tạp nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của các lực lượng, tin rằng công tác phòng chống thiên tai của huyện Trấn Yên sẽ phát huy hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản và tính mạng của người dân.

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Mục tiêu của huyện Trấn Yên là chủ động giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Chính vì vậy việc huy động, vận động sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành, của các doanh nghiệp và của cả động đồng thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai được thực hiện trước tiên. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện cả các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp và cá nhân nếu không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.

1019 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h