Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo tồn văn hóa phi vật thể cấp quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Nghề đan lát của người Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

07/08/2017 10:31:43 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Có thể nói, đan lát là một hoạt động thủ công truyền thống tiêu biểu, đặc sắc, một đặc trưng mang tính tộc người của người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

* Khái quát về tộc người Khơ Mú ở tỉnh Yên Bái

I. Khái quát về tộc người Khơ Mú ở tỉnh Yên Bái.

Người Khơ Mú là một trong những cư dân đã cư trú lâu đời ở tỉnh Yên Bái Hiện nay người Khơ Mú ở Yên Bái rất ít, có khoảng 1100 người sinh sống tập trung tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, chiếm 97% dân số toàn xã. Đây cũng là xã duy nhất có người Khơ Mú sống ở Yên Bái.

Ngoài tên gọi là Khơ Mú, đồng bào còn có tên gọi Xá Cẩu hay người Xá. Người Khơ Mú có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me (thuộc dòng ngôn ngữ Nam Á.

Địa hình cư trú người Khơ Mú chủ yếu là núi cao, đất dốc, ít có nơi phù hợp để khai phá làm ruộng nước.

Nền kinh tế chính của người Khơ Mú nơi đây là kinh tế nương rẫy, đồng bào sống chủ yếu bằng nương rẫy, mới khai phá và trồng thêm lúa nước từ năm 1960 trở lại đây. Mặc dù diện tích trồng lúa nương nhiều gấp 5 lần diện tích lúa nước, song năng suất lúa nương lại thấp hơn: bình quân chỉ đạt 8 - 9 tạ/ha và chỉ làm được 1 vụ lúa/năm. Lúa nước làm 2 vụ, năng suất trung bình 4 tấn/ha. Ngoài nguồn thu từ cây lúa, đồng bào Khơ Mú còn trồng các hoa màu khác như ngô, sắn nhưng sắn vẫn là cây chủ lực, trồng các loại cây công nghiệp như cây chè, quế nhưng quế mới chỉ là cây thử nghiệm. Hiện nay, đồng bào đã trồng thêm được một số loại cây ăn quả, trong đó, cây mận phát triển tốt nhất. Phương tiện làm nương là rìu, dao, cuốc, xẻng. Phương tiện tra hạt là gậy gỗ đặc để chọc lỗ bỏ hạt. Ngoài trồng trọt, đồng bào chăn nuôi  trâu, lợn, gà để phục vụ đời sống và nghi lễ. Đến nay chăn nuôi trâu, bò, lợn cũng được chú trọng tại đây.

 Nghề thủ công do canh tác nương rẫy nên nghề đan lát nhất là đan các dụng cụ gùi, thồ, chứa đựng rất phát triển và trở thành nghề truyền thống, ngoài phục vụ trong sinh hoạt gia đình, đồng bào còn đem các sản phẩm này xuống chợ vùng thấp đổi cho người Thái, Mường lấy vải vóc, quần áo, trang sức cá nhân. Trong các vật đan lát thì “Eng” là phương tiện vận chuyển thông dụng, tiện lợi được đan rất cầu kỳ. “Eng” tựa như chiếc gùi của người Hmông nhưng miệng lại có quai to, giữa quai là mảnh vải đệm, vắt qua trán người, tạo nên điểm tựa lưng và trán, làm cân đối giữa lực cơ thể và trọng.

Người Khơ Mú ở nhà sàn, thường làm ba gian trên diện tích đất không cần rộng lớn, bằng phẳng, vật liệu làm nhà trước đây của đồng bào chủ yếu là tre nứa và cỏ gianh, ngày nay nhà ở của người Khơ Mú nơi đây đã kiên cố. Điều đáng chú ý nhất là trong nhà có ba chiếc bếp, bếp ở gian thứ hai nấu nướng thông thường, bếp giáp hàng cột cái của vì cột thứ ba để đặt lễ thờ cúng, gọi là bếp cúng và bếp trong cùng chỉ để xôi cơm biểu thị sự no đủ sung túc. Khách lạ không nên đến hai bếp này vì theo quan niệm của đồng bào, dễ đem điều rủi ro đến cho chủ nhà.

Trang phục của người Khơ Mú Yên Bái chịu ảnh hưởng nhiều trang phục của người Thái Đen. Khăn piêu, áo cỏm đen, xài ẻo, váy bằng vải đen, hàng mắc pém hình khối chữ nhật đối diện. Riêng ngực áo cỏm, dọc hai bên mắc pém có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết, ở giữa giải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang phồn thịnh luôn được vị thần mặt trời sưởi ấm, che chở. Khăn “Piêu” gần giống như khăn “Piêu” Thái, khác là đầu khăn có khâu những đường viền xanh đỏ. Khi đội các cô gái Thái vắt khăn lên đầu, còn thiếu nữ Khơ Mú lại quấn khăn quanh đầu và luồn một đầu khăn qua vành quấn, vắt ra ngoài.

Văn hoá ẩm thực của người Khơ Mú đơn giản, thức ăn chính của người Khơ Mú là lúa nương, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ và các loại thảo mộc khác. Ngày nay, đồng bào đã trồng nhiều loại rau khác nhau ngay tại vườn nhà để phục vụ nhu cầu hàng ngày khi không vào rừng hái rau.  Các loại gia súc, gia cầm được nuôi chủ yếu để phục vụ  nhu cầu sinh hoạt của gia đình cũng như những tín ngưỡng dân gian của đồng bào. Chế biến món ăn chủ yếu dưới hình thức: Lam, nướng, xào hoặc luộc. Khẩu vị họ thích ăn những món có vị cay, chua, đắng.

Các hoạt động sinh hoạt xã hội – gia đình của người Khơ Mú ở Yên Bái cũng rất phong phú và đa dạng. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Khơ Mú khá độc đáo, chủ yếu là họ  thờ tổ tiên và một số các nghi lễ khác như các nghi lễ thờ cúng ma bản (Hrôi cung), ma mường (Hrôi Phrông)

Cưới hỏi: quan hệ hôn nhân được người Khơ Mú rất chú trọng. Khi hai bên cha mẹ bằng lòng gả con cho nhau thì đôi trai gái được tự mình quyết định cuối cùng. Nếu đôi lứa không tự nguyện thì cha mẹ, dòng họ cũng không ép buộc. Nhờ vậy gia đình trẻ Khơ Mú sống gắn bó hạnh phúc, không mấy khi xảy ra bất hòa. Lễ cưới hỏi thường diễn ra qua các bước: Tìm hiểu (dụm); dạm hỏi (Manh căm brạ); đưa rể về nhà vợ (Vécsrông gút căm brạ); nộp lễ vật (Mang Kmul kha rua); tổ chức lễ cưới (Su ghê su căm brạ hay cươi căm brạ); đưa dâu về nhà chồng (gát găng ghê); đưa rể lại mặt nhà vợ (gai hấp êm). Sau lễ cưới, chú rể ở một hai năm rồi tách thành gia đình riêng hay tiếp tục ở chung với gia đình bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng tùy theo hoàn cảnh cụ thể và sự thỏa thuận. Trong hôn nhân và xây dựng cuộc sống của gia đình trẻ, người cậu ruột thịt trong họ có tiếng nói rất thuyết phục, thậm chí có vai trò quyết định đối với cuộc sống hôn nhân

Tang ma người Khơ Mú có tục lệ khi gia đình có người chết thì con rể hay cháu rể có hiểu biết, có uy tín sẽ chủ trì tang lễ. Lễ tang người Khơ Mú mang những nét riêng như: Không đánh trống, thổi kèn mà thỉnh thoảng gõ một tiếng chiêng, khi đưa tang lấy tro bếp rắc sau quan tài để xua đuổi ma xấu. Sau ngày đưa tang, các con trai lên nương rẫy chia đất nương và thóc giống cho người chết, mảnh nương dẫy ấy sẽ phải bỏ hoang sau một năm mới làm lại.

Dân tộc Khơ Mú có vốn truyền thống văn hóa lâu đời, tuy cuộc sống vật chất còn nghèo, nhưng cuộc sống tinh thần khá dồi dào. Ngày nay truyền thống văn hóa dân gian luôn được bảo tồn, khai thác, phát huy trong sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, cùng với các tộc người khác trong tỉnh tộc người Khơ Mú cũng đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và phát triển quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp hơn.

II. Khái quát về người Khơ Mú huyện Văn Chấn.

1. Đặc điểm tự nhiên

Vị trí địa lý: Huyện Văn Chấn là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 1.205,2km2 miền núi, chiếm 17% diện tích toàn tỉnh. Huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, phía Đông giáp huyện Văn Yên và Trấn Yên, phía Tây giáp huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp tỉnh Sơn La.

Đặc điểm địa hình: Văn Chấn nằm ở sườn phía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Địa hình phức tạp, có nhiều rừng, núi, hang động, suối khe chằng chịt, thung lũng bằng phẳng. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 400m. Tuy địa hình khá phức tạp nhưng chia thành 3 tiểu vùng kinh tế: Vùng trong  là vùng tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò. Vùng ngoài có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước. Vùng cao thượng huyện có độ cao trung bình 600 m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.

Khí hậu: Văn Chấn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 20 – 30 0C; mùa đông rét đậm nhiệt độ xuống dưới tới -2 đến -3oC. Tổng nhiệt độ cả năm đạt 7.500 – 8.100 oC; lượng mưa được chia thành hai mùa rõ rệt. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1200 đến 1600 mm, thích hợp phát triển các loại động thực vật á nhiệt đới, ôn đới và các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp. Rừng của Văn Chấn có hàng trăm loại gỗ cùng tre, nứa, song, mây, trong đó có các loại gỗ quý như: lát, pơ mu, vàng tâm, đinh, lim, sến, táu… Bên cạnh các loại gỗ quý, còn có các loại dược liệu có giá trị như: thiên niên kiện, sa nhân, hoài sơn; nhiều loại thực phẩm tự nhiên như: măng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong và nhiều loại thú rừng.

 Do điều kiện địa hình đồi núi dốc mạnh, lượng mưa lớn và tập trung nên tạo cho Văn Chấn một hệ thống ngòi suối khá dày đặc, có tốc độ dòng chảy lớn và lưu lượng nước thay đổi theo từng mùa.

2. Một số đặc điểm văn hóa, xã hội.

Toàn huyện Văn Chấn gồm có 3 thị trấn và 28 xã. Bao gồm thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Trần Phú, Sơn Thịnh, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Đồng Khê, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Đại Lịch, Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Nghĩa Sơn, Sơn Lương, Nậm Lành, An Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh, Sơn A. Huyện lỵ đóng trên địa bàn xã Sơn Thịnh.

Tổng dân số của huyện Văn Chấn 145.711 người, bao gồm nhiều tộc người sinh sống như: Kinh, Dao, Tày, Mường, H'Mông, Giáy, Khơ Mú, Thái....chia thành 3 vùng cư trú. Mật độ dân số 121 người/km2. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho huyện Văn Chấn có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.

Tổng số lao động trong độ tuổi 88.554 người; số lao động trong độ tuổi hoạt động kinh tế 70.866 người; số lao động trong độ tuổi không hoạt động kinh tế 17.688 người, với lực lượng lao động đông đảo chính là nguồn lực, tiềm năng phát triển kinh tế của huyện.

Văn Chấn – Mường Lò là một vùng văn hóa phi vật thể điển hình của tỉnh Yên Bái với nền văn hoá nghệ thuật phong phú, đa dạng của người Thái, Tày, Khơ Mú, Hmông, Dao, Mường, Giáy, … Lễ hội, trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn thường tổ chức vào các dịp ngày lễ tết cổ truyền. Người Thái có lễ hội “Xên đông”, “Xên mường”, “Lồng tồng”, trò chơi tó mắc lẹ, ném còn. Lễ hội “Rước mẹ lúa”, “Mùa măng mọc” của người Khơ Mú. Hội “Gầu tào”, “Nào sồng”, cưỡi ngựa bắn súng, đánh yến, ném pao dân tộc Hmông. ...

Tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên; chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau như: đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, Thiên Chúa giáo tạo cho Văn Chấn một miền đất đa tôn giáo kết hợp với những tín ngưỡng bản địa đặc sắc càng làm cho đời sống văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo thêm đa dạng.

Những hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian đã tạo cho Văn Chấn một nền văn hoá giàu sắc thái, đa dạng nhưng thống nhất, là sắc mầu văn hoá dân gian độc đáo ở phía Tây của tỉnh và là trung tâm của vùng văn hoá Mường Lò – một trong 3 vùng văn hoá tỉnh Yên Bái. Đây là một lợi thế không nhỏ để Văn Chấn phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.   

III. Khái quát về người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn.

1. Khái quát chung về  xã Nghĩa Sơn:

1.1. Vị trí địa lý:

Nghĩa Sơn là một xã vùng cao vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn có cơ cấu địa lý tương đối phức tạp. Cách trung tâm huyện 15km, cách trung tâm tỉnh lỵ 86km, địa hình đồi núi cao, giao thông trong xã đi lại khó khăn. Phía Đông giáp phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ); phía Tây giáp xã Túc Đán (huyện Trạm Tấu); phía Nam giáp xã Nậm Lành và xã Nghĩa Phúc (thị xã nghĩa Lộ). Địa hình chủ yếu đồi núi xen kẽ với các thung lũng giữa núi

Về địa lý hành chính xã Nghĩa Sơn có 06 thôn bản, bao gồm các bản: Nậm Tộc 1, Nậm Tộc 2, bản Lọng, Noong Khoang 1, Noong Khoang 2, bản Bẻ. Với tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 939,34 ha, toàn xã có 358 hộ = 1549 khẩu, gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó dân tộc Khơ mú chiếm 72,90%, dân tộc Kinh là 10,50%, dân tộc Thái là là 15,60%, còn lại là dân tộc khác.

Sản xuất nông lâm nghiệp: Tập chung cấy hết diện tích, đúng lịch theo khung thời vụ, áp dụng các mô hình khuyến nông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, nhân dân còn trồng các loại cây màu khác như ngô, sắn, khoai, rau các loại, đậu các loại với việc áp dụng Khoa học kỹ thuật, đổi mới cơ cấu cây trồng để tăng diện tích cây trồng, nâng cao năng suất.

1.2. Kinh tế - xã hội.

Chăn nuôi : Xã luôn quan tâm phát triển đàn gia súc, gia cầm về cả số lượng và chất lượng. Hiện nay tổng đàn gia súc có 905 con, trong đó: Đàn trâu: 366 con; Đàn bò: 109 con; Đàn lợn: 460 con.

Lâm nghiệp : phát triển kinh tế đồi rừng, đưa việc bảo vệ và phát triển rừng giao khoán rừng đến từng hộ dân. Trồng Rừng Lâm nghiệp xã hội là 10 ha = 100 % kế hoạch huyện giao. Để nông lâm nghiệp phát triển một cách có hiệu quả, xã tiến hành tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, mở các lớp tập huấn cho nhân dân trong xã. Đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng năng suất và giá trị sản lượng của các loại cây trồng, vật nuôi.

Về giao thông: Về phát triển giao thông nông thôn đã thực hiện song các tiểu dự án nâng cấp đường giao thông nội thôn và đã bàn giao đưa vào sử dụng .

1.3. Văn hóa - xã hội.

Về giáo dục:

Tổ chức khai giảng năm học mới 2012 - 2013 theo đúng kế hoạch, vận động con em đến trường đúng độ tuổi, duy trì sỹ số học sinh, số lượng chất lượng ngày càng được nâng lên giữ vững phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở.

* Huy động học sinh của cả 3 cấp là 367 học sinh, trong đó: Học sinh Mẫu giáo có 128 cháu; Học sinh  Tiểu học có  142 học; Học sinh  THCS có 67 học sinh

Công tác Y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình:  

Công tác y tế đảm bảo thường xuyên chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân và thực hiện các chương trình y tế Quốc gia.

Trong năm đã khám và điều trị 2.672 lượt người, trong đó: Điều trị ngoại trú kê đơn; 2.490 lần; Khám Y học cổ truyền 182 lần.           

 Dân số KHHGĐ: Tổng dân số toàn xã 1.549 khẩu với 358 hộ, Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được quan tâm. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 24,47%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2012 giữ ở mức 1.0%, thực hiện tốt chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Văn hoá:

Năm 2012 có 43/358 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang lễ hội có nhiều tiến bộ, đã phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Thông tin, truyền thanh truyền hình đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương đến nay 90% số hộ được xem truyền hình và nghe đài phát thanh, Hoạt động của bưu điện văn hóa xã được duy trì, công văn, báo chí được chuyển cấp phát kịp thời, đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin của cán bộ và nhân dân.

1.4. An ninh – trật tự.

Tình  hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường, các vụ việc sẩy ra trên địa bàn được giải quyết kịp thời. Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc tiếp tục được phát triển rộng khắp, có hiệu quả, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an và quân sự đáp ứng nhu cầu giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn  trong năm 2012 tổng số vụ việc ban công an xã đã giải quyết là 05 vụ = 13 đối tượng, sử phạt hành chính 5 vụ được 2.500.000đồng. Công tác đảm bảo an toàn giao thông được tổ chức thường xuyên thông qua các đợt tuyên truyền, tuần tra, sử lý vi phạm 7 vụ phạt tiền được 1.050.000 đồng, quản lý đối tượng tù tha là 04 người, các đơn thư khiếu kiện được xem xét giải quyết kịp thời không để tồn đọng, không để sẩy ra điểm nóng và khiếu kiện đông người.

1.5. Quân sự. 

Tổ chức tốt công tác huấn luyện lực lượng dân quân đảm bảo nội dung và chất lượng huấn luyện. Bảo quản tốt vũ khí được trang bị, kết hợp với lực lượng công an, các ban ngành đoàn thể và các trưởng thôn bản, triển khai thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và công tác phòng chống bão lũ.

2. Lịch sử di cư của người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn.

Theo các tài liệu nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đều có chung một nhận định: “nhóm tộc người nói ngôn ngữ Môn – Khơ Me thuộc ngữ hệ Nam Á, trong đó có người Khơ Mú là những cư dân bản địa vùng bán đảo Đông Dương”.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn thì “Người Khơ Mú ở Tây Bắc Việt Nam nói chung mới di cư từ Lào đến Việt Nam trên dưới 200 năm nay”.

Các cụ già ở xã Nghĩa Sơn kể lại người Khơ Mú ở đây từ Lào đến Sơn La, Lai Châu rồi tới xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái.

3. Một số đặc điểm về văn hóa vật chất của người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn

Người Khơ Mú sống chủ yếu bằng kinh tế nương rẫy. Cây trồng chính là ngô, khoai, sắn. Trong canh tác, đồng bào dùng dao, rìu, gậy chọc hốc là chính. Hái lượm săn bắn giữ vị trí quan trọng, nhất là lúc giáp hạt. Là cư dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy nên được gọi là "Xá ăn theo lửa". Ngoài hình thái du canh du cư là chủ yếu, bộ phận định cư thường canh tác nương theo chu trình vòng tròn khép kín. Cây trồng ngoài lúa ngô ra còn có bầu bí, đỗ và các loại cây có củ. Công cụ sản xuất gồm rìu, dao, cuốc, trong đó đáng lưu ý nhất là chiếc gậy chọc lỗ. Hoặc gậy đơn hoặc gậy kép (bịt sắt) có thể dùng nhiều năm. Hái lượm và săn bắn vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Nghề phụ gia đình chủ yếu là đan lát đồ gia dụng. Một số nơi biết thêm nghề rèn, mộc, dệt vải. Việc trao đổi, mua bán chủ yếu là hình thức hàng đổi hàng. Tiền vỏ ốc "kxoong" trước kia được coi như vật ngang giá. Người Khơ Mú chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà phục vụ sức kéo và chỉ để phục vụ dịp lễ tết, tiếp khách, tín ngưỡng.

3.1. Nhà cửa.

Người Khơ Mú thường lập bản làng trên các sườn đồi, từ xa xưa trong tiềm thức người Khơ Mú là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được điều kiện nơi núi cao rừng sâu. Từ xa xưa trong tiềm thức ngươi Khơ Mú là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được điều kiện nơi núi cao rừng sâu. Vì vậy mà người Khơ Mú dựng nhà phù hợp với địa hình của bản làng. Họ dựng những nếp nhà sàn kiểu truyền thống, nhà sàn thấp, hai mái cao, đầu hồi ghép phụ; những ngôi nhà tryền thống đó, gắn với đồng bào hàng ngàn năm, giúp họ tồn tại, phát triển, tránh được biết bao thiên tai khắc nghiệt.

Để có ngôi nhà vừa ý, người Khơ Mú chọn những loại gỗ tốt làm khung, nhờ khói bếp lâu ngày bám vào mà tạo được độ bền, sàn nhà cao hơn mặt đất chừng 2 mét, kiến trúc nhà truyền thống của người Khơ Mú khá đơn giản nhưng đòi hỏi dự chính xác cao, nhà được dựng cấu trúc 3 gian, bếp nấu được làm ngay ở góc gần cầu thang phía trước. Một bếp nữa ở gian thứ hai đặt lễ thờ cúng tổ tiên, ma nhà. Bếp thứ ba ở gian trong cùng, bếp này chỉ để xôi cơm, nấu rượu.

3.2. Trang phục.

Người Khơ Mú không phát triển nghề dệt vải, nên thường mua quần áo, váy của người Thái để mặc. Nếu nhìn vào trong phục của người Khơ Mú hầu như ta không nhận thấy gì nét riêng biệt của dân tộc này, bởi hầu như đã bị pha trộn, tuy chỉ ở đồ trang sức có đôi điểm riêng biệt là cách trang trí những hàng tiền bạc và vỏ ốc ở phía thân áo của phụ nữ, nhưng số này không nhiều, mà chỉ còn thấy ở những người cao tuổi. Ngày nay, phần lớn người Khơ Mú, nhất là nam giới đều ăn mặc theo người Việt.

3.3. Ăn.

Người Khơ Mú có nguồn gốc sinh sống bằng nghề săn bắt và hái lượm. Sau những ngày đi rừng săn bắt được nhiều ngoài việc sử dụng ngay, họ còn dành một phần bảo quản và cất trữ, chủ yếu trữ dưới dạng sấy khô. Những con vật sau khi săn được sẽ được làm sạch và treo lên gác bếp cho khô cứng lại. Vì thế, các món ăn của người Khơ Mú thường được chế biến từ những nguyên liệu đã được sấy khô là chính.

Họ ít chú ý tới bữa ăn hàng ngày, các món ăn khá nghèo nàn và đơn giản. Lương thực chính của đồng bào là lúa nương. Ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn. Nguồn thực phẩm bầu bí, rau quả, cá, thịt gà, thịt lợn… Chế biến món ăn chủ yếu dưới hình thức: Lam, nướng, xào hoặc luộc. Khẩu vị họ thích ăn những món có vị cay, chua, đắng.

Một số món ăn hàng ngày của người Khơ Mú như:

Rau xôi (tâm ri hộ): Rau cải, rau rừng được hái về đem rửa sạch để cả cây cho vào chõ, thêm gia vị vừa đủ rồi xôi lên khoảng 10 – 15 phút thì rau chín.

Xôi cá (ộ cạc): Bắt cá đem về mổ, làm sạch gói vào lá để trên gác bếp từ 2 – 3 ngày cho khô thì đem xuống ướp gia vị (hạt xẻn, hạt dổi, gừng, hành, ớt rồi cho vào chõ xôi lên), cho thêm 1 ít tấm gạo, xôi khoảng 25 – 30 phút cá và tấm gạo chín là ăn được.

Măng xôi (ộ sặc ô tơ bặz): Măng bóc vỏ, rửa sạch, thái mỏng dải dọc thân măng cho hạt xẻn, hạt dổi, gừng, hành, ớt rồi đặt vào chõ xôi lên, khoảng 15 – 20 phút thì măng chín. Măng xôi được chấm với nước mắm hoặc muối.

Một số món ăn trong ngày lễ tết:

Cá nướng (cạ càng): Cá tươi bắt về được làm sạch cho gia vị đầy đủ, gập đôi lại để giữ gia vị không rơi ra ngoài, sau đó kẹp cá vào thanh tre rồi nướng lên than hồng, phải quay đều kẹp cá để cho cá chín đều. Cá nướng đến khi có màu vàng và mùi thơm là được.

Thịt gà khô ninh (Ả yêng urưn): Mổ và làm sạch gà, chặt đôi treo lên gác bếp cho đến khi khô cứng lại sẽ được đem rửa sạch rồi chặt thành từng miếng nhỏ cho vào nồi ninh cùng tấm gạo, sau đó cho đầy đủ gia vị vào đun sôi khoảng 30 – 35 phút là thịt gà chín.

Thịt trâu lam: Thịt trâu mới mỏ lấy một phần thịt băm nhỏ cho đầy đủ gia vị, hạt xẻn, hạt dổi, gừng, ớt, muối, cho vào ống nứa lam lên cho tới khi có mùi thơm, thịt chín là được.

3.4. Phương tiện vận chuyển.

Cơ bản là gùi có dây đeo trên trán, có ách và các loại túi đeo, sọt gánh.

4. Một số đặc điểm về văn hóa tinh thần của người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn:

4.1. - Tiếng nói, chữ viết:

Tiếng nói dân tộc Khơ Mú thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me, nằm trong dòng ngữ hệ Nam Á. Từ trước đến nay tiếng nói của người Khơ Mú vẫn luôn được bảo tồn nguyên vẹn trong đời sống của người dân. Họ sử dụng tiếng dân tộc mình cả trong đời sống sinh hoạt cũng như trong đời sống lao động sản xuất.

Chữ viết: Đồng bào Khơ Mú không có chữ viết riêng của dân tộc. Để khắc phục khó khăn đó họ biết cách viết chữ phiên âm tiếng nói của dân tộc mình sang tiếng phổ thông. Cho nên việc ghi chép dựa vào chữ phổ thông là chính.

4.2. Lễ hội truyền thống

Lễ hội cầu mùa.

Người Khơ Mú rất coi trọng lễ hội cầu mùa trong sản xuất nông nghiệp. Lễ hội được tổ chức vào đầu vụ mùa, khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch. Lễ hội diễn ra trong quy mô bản làng. Được tổ chức bằng sự đóng góp của những gia đình trong bản. Lễ hội mang ý nghĩa to lớn, cầu mong cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng phát triển tươi tốt, bội thu. Trong lễ hội phải dựng một nhà cúng, người cúng thay mặt cho cả làng phải là người già làng, hiểu rõ về văn hóa, về phong tục tập quán của dân tộc. Phần lễ thường kéo dài từ 2 đến 3 tiếng, bài cúng có nội dung: Xin trời đất ban cho mưa thuận, gió hòa cho vụ mùa phát triển tươi tốt, bội thu, bảo vệ cho mùa màng không bị phá hoại.

Lễ đón mẹ lúa (Cọ mạ ngọ):

Lễ đón mẹ lúa của người Khơ Mú được diễn ra trong phạm vi gia đình, tổ chức vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, được tiến hành qua các bước sau:

* Ăn cơm mới: Lúa trên nương bắt đầu chín, cũng là lúc người nhà bắt đầu lên nương tuất khoảng 1 gùi “eng” thóc đem về giã thành gạo đun cơm xôi ở bếp 3 trong nhà.

Cám gạo được giữ lại trong một cái mẹt, cuốc xẻng, dao dựa được đặt cạnh mẹt cám với ý nghĩa chủ nhà muốn tạ ơn những vật dụng lao động đã vất vả cả năm qua cùng mọi người lao động sản xuất. Cúng ma cuốc, xẻng, dao xong chủ nhà cúng vía cho mọi người trong gia đình. Saun đó, chủ nhà tiếp tục ngồi cúng tổ tiên. Cúng tổ tiên xong, chủ nhà lấy vài hạt cơm mới vê lên tóc hết thẩy con cháu con cháu trong gia đình, mâm cơm được bày ra để gia đình cùng ăn.

* Thu mùa: Sau lễ cơm mới, khi trên nương lúa đã chín rộ chủ nhà chọn một ngày đẹp để làm lễ thu lúa mới. Đồng thời cũng cử hai người để đi tuốt lúa làm lễ, sau đó cho người lên nương làm một cái lán nhỏ, trong lán để một chiếc thúng và một vại rượu cần để cúng ma nương. Hai người được chọn tiến hành tuốt lúa đổ vào thúng ở trong lán. Ngày thứ 3, mọi người trong gia đình mới tới gặt lúa đem về, lúa trong thúng ở lán vẫn để đó. Nương lúa thu hoạch xong, mọi người tập trung uống rượu cần ở nương.

* Cúng mẹ lúa: Lễ cúng mẹ lúa nhằm báo cáo với tổ tiên về vụ mùa vừa qua và cầu mong một vụ mùa nữa bội thu, no ấm. Người ta dùng một con gà lấy máu bôi vào bó lúa để mùa vụ sau tươi tốt, bôi vào bầu bí để cho nhiều quả, vào trâu bò để trâu bò dai sức, bôi vào chân tay mọi người trong nhà để cầu mong một sức khỏe. Sau đó mọi người cùng nhau ăn cơm, uống rượu rồi ca hát, nhảy múa thâu đêm.

4.3. Tết của người Khơ Mú

Tết nguyên đán(Ma chiêng):

Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái ăn Tết Nguyên Đán (Mạz chiêng) là lễ tết lớn nhất trong năm, vào khoảng 27-28 tháng chạp là thời gian đồng bào tích cực làm các công việc chuẩn bị cho ngày tết như; củi lửa, các nguyên liệu gói bánh chưng, lương thực thực phẩm, mọi người trong gia đình tranh thủ những lúc rảnh dỗi dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa. Trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn khá độc đáo và đặc sắc. Điểm nổi bật trong ngôi nhà của đồng bào trong dịp tết đó là hai bàn thờ; bàn thờ ma nhà và bàn thờ thổ công được trang hoàng lộng lẫy, sặc sỡ với các loại giấy màu đỏ được trang trí khắp khu vực bàn thờ trong những ngày tết. Người Khơ Mú dựng bàn thờ để mời tổ tiên về nhà ăn tết cùng con cháu và chơi xuân trước ngày 30 tết, trên bàn thờ bày hoa quả, bánh kẹo, 2 nải chuối, lau, măng, khoai sọ, hai bên bàn thờ đặt hai cây mía và cành đào.

Vào cuối năm, gia đình cũng phải mổ gà cúng tổ tiên, châ gà được giữ lại để xem may rủi năm mới. Sau đêm giao thừa, nam nữ thanh niên rủ nhau đi chơi, các cụ già cũng không ngủ ngay mà thức đợi một năm.

Cùng với các phong tục trong ngày đầu năm, sau giao thừa các cụ già trong gia đình thường nghe trong lúc đi ngủ từ đêm giao thừa đến sáng xem con vật gì sẽ kêu trước. Người dân cho rằng sau đêm giao thừa, nếu con gà kêu trước thì năm đó sẽ mất mùa vì gà lúc nào cũng ăn. Nếu lợn hay chó kêu trước, đồng bào quan niệm năm đó sẽ được mùa và no đủ vì chó thì sang, lợn thì sung túc. Nếu năm đó con mèo kêu trước thì sẽ có nhiều chuột đến phá nương rẫy của đồng bào.

Tục lấy nước vào buổi sáng là một tập quán độc đáo, cách ứng xử của người dân với môi trường và các quan niệm về vai trò nước trong cuộc sống. Sáng sớm tinh mơ ngày mồng một tết, bà chủ gia đình là người dậy thật sớm và địu ống bương ra khe lấy nước mới. Theo quan niệm dân gian, trong năm mới người dân phải dùng nước mới để lấy may. Bà chủ nhà địu nước mới về trước tiên cho mỗi người trong gia đình uống một ngụm nước nhỏ để lấy may, sau đó mọi người đều rửa mặt và chân tay bằng nước mới.

Nếu gia đình nào không đi lấy nước mới trong ngày đầu năm, người ta cho rằng cả năm đó gia đình ấy sẽ không gặp may mắn, năm mới làm ăn không tốt đẹp như năm cũ.

Đầu xuân năm mới, người xông nhà giữ vai trò rất quan trọng đối với mỗi gia đình vì người xông nhà sẽ quyết định đem tới may rủi cho gia đình đó. Người có vía tốt sẽ đem lại may mắn, vía giữ sẽ đem tới xui xẻo cho gia đình, thông thường thì phụ nữ người Khơ Mú ít được xông nhà.

Trong ngày tết cổ truyền, mỗi gia đình đều phải mổ một con lợn dù to hay nhỏ để cúng tổ tiên, lợn cúng tổ tiên và ma nhà của đồng bào Khơ Mú không mổ trước tết mà tùy thuộc vào từng gia đình và những kiêng kị mà họ sẽ mổ lợn cúng vào ngày mồng một, mồng hai hay mồng ba tết. Khi mổ lợn, gia chủ mời dân làng tới dự và ăn tết cùng gia đình. Đây là dịp gia chủ cảm ơn bà con lối xóm trong một năm đã giúp đỡ gia đình và là dịp để mời dân làng uống rượu.

Sau ngày mồng một, dân làng đi chúc tết nhau và tới dự lễ mổ lợn cúng và ăn tết tại các gia đình, theo tập quán con cháu cùng bố mẹ đi chúc tết và mừng thọ ông bà, đáp lại ông bà thường mừng mỗi cháu một đôi bánh chưng lấy may cùng với các lời chúc phúc, dặn dò con cháu luôn luôn ngoan ngoãn nghe lời người lớn và ông bà. Do vậy, trong ngày tết, đồng bào Khơ Mú thường làm rất nhiều bánh chưng để mừng tuổi con cháu, bánh chưng của đồng bào thường được gói từ sau ngày mồng một tết sau khi đã mổ lợn cúng để lấy thịt lợn làm nhân bánh. Đồng bào ăn tết cho tới rằm tháng giêng nên bánh chưng được gói liên tục nếu trong nhà hết bánh. 

Trong dịp tết cổ truyền là dịp để đồng bào Khơ Mú thăm hỏi chúc phúc cho nhau, cũng là dịp nghỉ ngơi để giao lưu gặp gỡ, mọi người cùng vui mừng năm mới, uống rượu đánh chiêng trống, tổ chức các hội xòe, múa các điệu múa truyền thống và tổ chức các sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống.

Tết Rằm tháng giêng (Xíp hả chiêng):

Tết Rằm tháng giêng là ngày kết thúc Tết Nguyên Đán. Những gia đình đã có ma nhà sẽ làm cơm cúng tôt tiên, cảm ơn tổ tiên đã về ăn tết với gia đình, hôm nay đã là ngày kết thúc tết gia đình mời tổ tiên một bữa nữa để tiễn tổ tiên về và xin dỡ bàn thờ ngày tết.

Sáng sớm gia đình thức dậy, mỗi người mỗi việc, phân công nhau dọn dẹp nhà cửa, sau đó chuẩn bị một mâm cơm để cúng tổ tiên. Sau lễ cúng, gia đình ăn với nhau bữa cơm tết sau đó mọi người trở về nhà, những ngày tết đầu năm kết thúc.

Tết xíp xí(Mạz xíp xì):

Cứ vào ngày 14 tháng 7 hàng năm, đồng bào Khơ Mú thường tổ chức tết Xíp Xí khá lớn, đây được coi như ngày tổng kết 6 tháng đầu năm và chuẩn bị cho kế hoạch 6 tháng cuối năm của đồng bào.

Mọi gia đình đều tổ chức làm cơm cúng ông bà, tổ tiên trong ngày tết Xíp Xí. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà mổ lợn hoặc gà để làm cơm cúng. Mâm cúng có nhiều món khác nhau, có cả xôi và rượu. Sau khi cúng xong, cơm được bầy ra để gia đình và anh em họ hàng cùng ăn.

4.4. Hôn nhân gia đình

Cũng như nhiều dân tộc khác, phong tục cưới hỏi của người Khơ Mú là một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào nơi đây. Người Khơ Mú thường có tục ở rể, việc ở rể được người Khơ Mú coi như một hình thức tạ ơn nghĩa sinh thành của chàng trai với cha mẹ của cô gái trước khi chàng trai rước cô gái về làm vợ.

Người Khơ mú có tục thách cưới tuy nhiê việc thách cưới lại không nhiều, đó chỉ là một hình thức nhằm nâng cao giá trị của người con gái Khơ Mú. Ngày cưới, nhà trai gồm hai ông mờ, chú rể, bà mẹ chồng, họ hàng, bạn bè, người dân bản và tốp người khiêng lễ vật. Đoàn đón dâu đến nhà gái từ chiều hôm trước mang theo đầy đủ lễ vật nhà gái yêu cầu. Sáng hôm sau, nhà gái phải bố trí làm cơm mời nhà trai và anh em, họ hàng cùng ăn để còn đưa cô dâu về nhà chồng. Trước đó, nhà gái chuẩn bị của hồi môn cho con gái đem về nhà chồng. Của hồi môn của các cô dâu Khơ Mú khi về nhà chồng thường có giường, tủ, chăn, chiếu, đệm, gối, bát, đĩa… Tùy vào điều kiện gia đình mà chia của hồi môn.

Về tới nhà trai, theo phong tục của người Khơ Mú, hai ông mờ trao con dâu cho bố, mẹ chồng; sau đó giao lại cho nhà trai số của hồi môn của cô dâu. Mọi thủ tục đã hoàn thành, nhà trai tổ chức một bữa ăn mời anh em, họ hàng và bạn bè. Trong bữa ăn, cô dâu chú rể đi xin lời căn dặn và nhận quà mừng từ mọi người. Sau bữa ăn, lại cùng nhau ca hát, nhảy múa.

4.5. Một số phong tục theo chu kỳ đời người:

Sinh đẻ: Phụ nữ Khơ Mú khi sinh thì có thầy lang đỡ đẻ tại nhà. Trẻ em Khơ Mú sau khi sinh ra từ 3 đến 1 tuần thì gia đình sẽ làm lễ tổ chức làm lễ cúng vía, đặt tên. Hình thức cúng này mang ý nghĩa báo cáo cho tổ tiên để tổ tiên công nhận đứa trẻ là người trong gia đình đồng thời cũng để thông báo cho bà con trong bản, anh em, bạ bè và họ hàng về đứa trẻ.

Lễ vật cúng gồm có lợn, gà, xôi, rượu… Khi mổ gà thì giữ lại chiếc xương cánh gà dùng chỉ buộc cùng với đồng tiền bạc đeo vào cổ đứa trẻ mang ý nghĩa tránh tà ma và đem những điều may mắn tới.

Gia đình Khơ Mú có phụ nữ mới sinh thì trong vòng một tháng, người trong gia đình không được sát sinh vì người Khơ Mú có quan niệm. Mình làm gì với động vật thì con mình cũng sẽ bị như vậy. Trong vòng một tuần, mọi người trong gia đình kiêng không đi làm.

Một tháng từ khi gia đình có phụ nữ sinh thì khách lạ không được tới nhà, để tránh những điều không may mắn đối với đứa trẻ . Để thông báo cho khách lạ biết nhà có phụ nữ mới sinh, thì sau ngày cúng vía gia đình sẽ để một vật trước cổng báo cho khách biết không được lên nhà, vật đó người Khơ Mú gọi là Htàle.

Tang ma: Nếu gia đình đã có ma nhà thì người mất được đặt trong quan tài và để trong nhà một ngày. Người con trai cả trong gia đình phải cầm kiếm mời người mất ăn các món ăn, vừa mời vừa khóc. Sau khi mời xong thì cầm kiếm chọc xuống sàn nhà. Cứ đến bữa ăn thì lại là như vậy.

Người mất là đàn ông thì phải tháo ván ở phía sau nhà để cho quan tài qua, người mất là đàn bà thì phải tháo ván đằng trước. Người chết được đem chôn trong rừng, khi khiêng quan tài đi gia đình phải buộc vào phía trước quan tài một con gà, người khiêng quan tài và đoàn người đưa ma phải đi theo sự dẫn đường của con gà, con gà dừng ở đâu thì sẽ chôn người chết ở đó. Sau khi chôn xong, con gà vẫn được buộc ngay ở mộ. Theo quan niệm của người Khơ Mú, con gà sẽ bảo vệ và đưa người chết sang thế giới bên kia. Khi việc chôn cất và mai táng đã hoàn tất gia đình sẽ làm mâm cơm để tạ ơn mọi người đã giúp đỡ.

Trường hợp gia đình chưa có ma nhà thì không đặt quan tài trong nhà nhưng vẫn phải tháo ván và được lắp lại ngày hôm sau khi chôn người chết, khi chôn cất xong khách khứa không được ở lại nhà. Gia đình không đi lao động, không sát sinh, không đem rau xanh vào nhà và kiêng không được tới nhà người khác trong vòng 1 tháng. Gia đình phải nhờ anh em, họ hàng nấu ăn rồi đem đồ ăn tới.

4.6. Tín ngưỡng thờ cúng.

Người Khơ Mú khá phong phú đa dạng về tín ngưỡng thờ cúng. Họ thờ cúng gia tiên và những người chết trong gia đình, nhằm cầu mong sự phù hộ, độ trì đem lại may mắn cho gia đình. Họ thờ cúng thần đất để cầu mong sự che chở, bảo vệ đối với gia đình, mong cho mùa màng tươi tốt. Ngoài ra, người Khơ Mú còn thờ cúng các loại ma để đem lại may mắn cho gia đình. Họ còn thờ rất nhiều loại ma như: ma bản, ma mường, ma nhà, ma cuốc, ma xẻng, ma dao, ma trâu bò… thể hiện quan niệm vạn vật hưu linh của đồng bào nơi đây.

4.7. Dân ca.

Dân ca là một trong những nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khơ Mú. Người tham gia hát dân ca rất đa dạng, cả các cụ già và thanh niên đều hát được. Hình thức hát dân ca của đồng bào Khơ Mú gồm có hát Tơm (hát lễ) và hát Con trơ (hát giao duyên, hát đối…). Họ tổ chức hát dân ca tỳ theo từng bối cảnh, thời gian và tùy theo từng người thể hiện như: Tơm xin con dâu và Tơm xin rước dâu về thì sẽ được hát và biểu diễn trong những lễ cưới truyền thống khi nhà trai chuẩn bị đón dâu về, hoặc bài Tơm mừng nhà mới thì sẽ được hát trong dịp mừng nhà mới của người Khơ Mú.

4.8. Dân vũ.

Người Khơ Mú có rất nhiều điệu múa dân gian thường được biểu diễn trong sinh hoạt văn hóa thường ngày, họ biểu diễn rất sinh động và mang rất nhiều ý nghĩa lớn. Như điệu Múa Sạp được người Khơ Mú tổ chức trong dịp lễ hội Cầu Mùa, trong lễ hội này, múa sạp mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, điệu múa đã thể hiện ý nghĩa cầu mưa của dân tộc nơi đây, là sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân trong nền sản xuất nông nghiệp. Ngoài múa sạp, người Khơ Mú còn Múa Đao, múa đao mang ý nghĩa lớn đối với bản làng nơi đây, múa đao nhằm mục đích bảo vệ đồng bào, bảo vệ bản làng thoát khỏi những thế lực xấu, tránh mọi tà ma gây hại…

* Nghề đan lát của  người Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn.

I. Nguồn gốc nghề đan lát người Khơ Mú.

Đan lát là nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng của người Khơ Mú. Nó xuất hiện và tồn tại từ bao giờ người ta cũng không biết rõ, đồng bào chỉ biết: Người Khơ Mú được sinh ra và lớn lên trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nơi bản làng được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ, những cánh rừng xanh ríu rít tiếng chim và những dòng suối trong vắt ngày đêm róc rách chảy. Cũng vì thế mà tâm hồn của người Khơ Mú luôn chất phát, mộc mạc và thật gần gũi với thiên nhiên, để rồi từ đó họ lấy những nguyên liệu sẵn có trong vùng phục vụ nhu cầu của đời sống và thể hiện chính cái thiên nhiên tươi đẹp, cái tri thức của tộc người trong những sản phẩm này.

Cứ như thế, từ đời này sang đời này, kiếp này sang kiếp khác đã đúc kết và hình thành nên một nghệ thuật tài tình mà không phải tộc người nào cũng có được: nghệ thuật đan lát.

II. Khái quát về nghề đan lát của người Khơ Mú.

Trải qua bao thế hệ, đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn đã đúc rút ra kinh nghiệm: "Làm rẫy no ăn, đan mây ấm mặc". Đến với Nghĩa Sơn, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu rất nhiều loại sản phẩm đan, trong đó có những sản phẩm khá tinh xảo và mang đặc trưng riêng của người Khơ Mú. Ngoài ra, trong quá trình tiếp cận với các nghệ nhân cần mẫn, khéo tay, chúng ta cũng có thể nhận thức sâu hơn về nghề đan lát, hiểu hơn về bản sắc văn hóa của tộc người.

Bản làng nằm giữa những ngọn núi điệp trùng, những lúc nông nhàn, nhà nhà, người người lại quây quần bên nhau cùng chẻ tre, ken mây đan lát. Nghề đan lát mây tre đã giúp đồng bào tự túc được vật dụng trong gia đình, đổi được gạo, được thịt, được muối trước kia, đến ngày nay thì có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống và hơn thế nữa đồng bào khẳng định được một nét văn hóa độc đáo của tộc người mình.

Các loại sản phẩm từ gùi lúa, mâm, ghế, hòm đựng quần áo, hộp đựng xôi, hộp đựng kim chỉ, đụng cụ đánh bắt cá, chim đến một số vật dụng để thực hành nghi lễ, ... đều được coi là một trong những “kiệt tác” của nghệ thuật đan lát, được những người thợ khéo tay làm rất công phu.

Đan lát đã từ bao đời nay là nghề thủ công có truyền thống lâu đời và rất nổi tiếng của người Khơ Mú. Nghệ nhân Vì Văn Sân, ở bản Nậm Tộc 1, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Đã là người Khơ Mú ta thì ai cũng biết đan, chỉ có điều là đan đẹp hay chưa đẹp mà thôi. Để đan được một chiếc mâm đẹp và bền phải mất 5 ngày công. Với ghế mây thì chỉ 1 ngày có thể hoàn thành. Ngày nay, nhiều gia đình đã dùng những sản phẩm mới mua ở chợ về nhưng không phải vì thế mà nghề truyền thống này bị mất đi".

Nếu như may vá, bếp núc, chăm con là công việc của phụ nữ thì đan lát được coi là công việc của người đàn ông. Người đàn ông Khơ Mú càng cao tuổi thì kinh nghiệm và kỹ thuật đan lát càng giỏi. Thường thì thanh niên Khơ Mú chỉ tham gia khai thác và chế biến nguyên liệu còn khâu đan (đặc biệt là đan những sản phẩm phức tạp) chủ yếu do người cao tuổi thực hiện. Tùy từng loại sản phẩm, người Khơ Mú sử dụng những kỹ thuật đan lát cổ truyền khác nhau.

Từ xa xưa, với tộc người Khơ Mú ai ai cũng biết đan, cả người già và thanh niên; các cụ già thì đan những vật dụng có kỹ thuật phức tạp và khó đan như đan bem, đan gùi, trẻ thì đan những đồ dùng đơn giản, từ đơn giản dần dần sẽ tiếp cận được các kỹ thuật phức tạp hơn. Cứ như thế, nghệ thuật đan lát của người Khơ Mú ngày càng tăng tỷ lệ thuận với tuổi đời của mỗi con người.

Tuy thế, nhưng từ xưa, đan lát chỉ là một hoạt động kinh tế phụ của gia đình, chỉ diễn ra những lúc nông nhàn, không có tổ chức mà chỉ là hình thức lao động tự nhiên. Việc dạy nghề, truyền nghề hoàn toàn tự phát. Bởi thế mà ngày nay, nhiều thanh niên Khơ Mú đã không còn biết đan.

Những năm gần đây, du lịch Mường Lò được đẩy mạnh, sản phẩm đan lát của người Khơ Mú cũng được đưa vào danh mục các sản phẩm phục vụ du lịch, được bày bán ở chợ Mường Lò hay tham gia các chương trình hội chợ, các chương trình giới thiệu các sản phẩm văn hóa tộc người nhưng cũng chưa đẩy mạnh được quá trình sản xuất các sản phẩm này, chưa khai thác được tiềm năng vốn có của tộc người, cũng chưa trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập đáng kể cho cộng đồng tộc người.

III. Cách khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản nguyên liệu.

Địa bàn cư trú của người Khơ Mú vốn nhiều rừng, lắm loại cây. Đó thực sự là những nơi rất giàu nguyên liệu cho nghề đan lát. Trải qua nhiều đời đúc kết, cộng đồng rất thành thạo trong việc lựa chọn các nguyên liệu khác nhau cho việc đan lát các sản phẩm khác nhau.

Nâng trên tay những sản phẩm tuyệt mỹ, mấy ai biết rằng để có những sản phẩm này, bà con phải lặn lội vào tận rừng sâu cả mấy ngày liền mới tìm được nguyên liệu đảm bảo cho quá trình đan lát.

Theo kinh nghiệm của bà con, muốn có sản phẩm đẹp, bền lâu, không mối mọt phải chặt tre, nứa vào những ngày cuối các tháng từ tháng 9 tháng 12 (âm lịch), là những ngày không có trăng, vì "tre đầu tháng thân chứa nhiều nước nên dễ bị hỏng". Cây nứa, cây giang thì lại chỉ lấy được tháng 3 thì cây mới già, tốt, ít nước và không bị mọt.

Sáng sớm, bà con rủ nhau lên rừng để lấy vật liệu đan. Đồng bào vào tận rừng sâu để tìm những đon nứa, giang thẳng đẹp, những cuộn mây tốt nhất.

Khi đến rừng, mỗi người đi một đường để tìm, cây nứa, cây giang mọc từng khom, ở đâu có cây là họ chặt, cây nứa chặt lấy ba sải tay, chặt từ gốc, cây nào chẻ được là lấy, chọn cây càng già càng tốt, chặt đến khi nào đủ thì dùng lạt bó để vác về nhà. Cây giang hiếm hơn cây nứa, đồng bào cũng chặt từ gốc rồi đẵn thành từng dong, sau đó bó như bó củi và ghánh về nhà, các sản phẩm đan từ cây giang được người sử dụng đánh giá bền hơn và không bị mọt.

Những thân tre được chọn phải là những đon tre nứa thẳng, những bó song đẹp, những cuộn mây tốt. Sau đây là một số loại tre, mây hay được khai thác để dùng vào việc đan lát:

Tờ re se: Là loại tre nhỏ, đường kính thân cây 3 - 4cm, ruột đặc, dóng dài, tre này có đặc tính mềm và dai, thích hợp để đan các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao và tinh xảo như gùi, ếp, ...

Choi: Là loại tre vừa phải, đường kính thân 5 - 6cm, dóng chắc và cứng, độ dẻo kém, thích hợp để đan các sản phẩm thô và khỏe như bồ đựng lúa, đồ đánh cá, ...

Tnếc: Là loại tre to, có độ dẻo và độ cứng vừa phải, dễ khai thác và chế biến thành các loại nan. Tre này được dùng làm nguyên liệu để tạo ra phần lớn các sản phẩm đan lát như gùi, sàng, nong, nia, ...

Rhang: Là loại  tre cực to, to hơn cả tnếc, thân mỏng, dùng để đan tấm phơi, tấm liếp che mưa nắng hay đập dập để làm sàn nhà.

Ploong: Là loại mây trước kia có nhiều quanh nơi cư trú, đây cũng là nguyên liệu quan trọng trong đan lát, nhất là trong đan các sản phẩm như mâm mây, ghế mây. So với tre thì mây khó kiếm hơn và ngày càng hiếm. Mây phải chọn loại sợi già, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt. Có những lúc, người Khơ Mú phải mua lại mây của những tộc người khác hoặc cũng có khi đồng bào phải đi xa vài chục cây số mới lấy được.

Ngoài tre và mây, nguyên liệu dùng vào đan lát ở người Khơ Mú còn bao gồm một số loại cây khác như "may pua", "tà nà", "may hang", "may mưng", "may noi", ...

Sau khi chọn được cây tre ưng ý, đồng bào dùng dao phát quang, hạ tận gốc rồi chặt thành từng đoạn vừa để vác được về. Tre được pha thành nan từ lúc còn tươi, dẻo để tránh gẫy và ưởi.

Những nguyên liệu này được mang về nhà để các cụ già tạo ra các nhiều sản phẩm khác nhau, tùy đan dụng cụ gì thì chẻ theo cách đan của dụng cụ đó. Khi chế biến nguyên liệu, người thợ phải tôn trọng nguyên tắc "tre nứa chẻ từ ngọn xuôi, song mây lóc từ gốc ngược". Có như thế, mới đảm bảo chất lượng của nguồn nguyên liệu phục vụ quá trình đan lát sau này.

Công cụ pha nan là con dao nan (vec khar): là một loại dao to bản, sắc và nặng, chiều dài thân dao khoảng 60cm (có những gia đình mua lại của người Hmông).

Dao vót nan là dụng cụ chuyên dùng, hình lá liễu, dài khoảng 12 đến 15 cm, đây là một công cụ thiết yếu đối với hầu hết những người đàn ông Khơ Mú, lúc nào họ cũng dắt bên người.

Từ đoạn tre mang về nhà, đồng bào pha thành các gióng tre, thanh tre rồi nan tre. Nan tre được pha theo lối lột vỏ từ ngoài vào trong. Mỗi thanh tre chỉ được lột hai đến ba nan là bỏ. Nan pha xong, được vót qua, ngâm nước rồi sau đó mới được vót lại cẩn thận.

Nan vớt xong không bao giờ được đan ngay. Khi vớt ra, đồng bào đem để lên gác bếp một thời gian cho lên màu nâu sẫm hay vàng óng để đảm bảo độ bền và chống mối mọt cho sản phẩm đan. Đối với giang, sau khi vót nan thật đẹp, đồng bào có thể hơ vào lửa cho nan có màu hơi đen mới sử dụng.

Bước vào đầu tháng ba, người Khơ Mú bắt đầu chuẩn bị đồ đan. Họ đan vào tháng 4, tháng 5 rồi sử dụng hoặc mang đi bán cả năm.

IV. Kỹ thuật đan lát của người Khơ Mú.

Người Khơ Mú tạo ra rất nhiều sản phẩm từ đan lát, tất cả những sản phẩm này đều được sử dụng cây nứa, cây giang, mây để đan. Trước kia, đan chủ yếu bằng cây cây nứa, cây giang; nhưng ngày nay cây tre cũng được người Khơ Mú đem vào sử dụng để tạo ra các sản phẩm đan lát.

Để tạo màu sắc, hoa văn cho sản phẩm đan, người Khơ Mú có nhiều cách khác nhau: có thể giữ nguyên màu vỏ xanh đậm của nan cật để phối hợp với nan thường trong quá trình đan; có thể nhuộm nan bằng màu hoặc có thể để nan lên gác bếp, hun khói trong khoảng thời gian khác nhau cũng tạo ra những bó nan có màu vàng đậm nhạt khác nhau.

So với các tộc người khác trong vùng, người Khơ Mú vượt xa về kỹ thuật đan lát. Đồng bào biết rất nhiều kiểu đan, có kiểu giống với các tộc người khác như đan lóng mốt, lóng hai, lóng ba nhưng cũng có những kiểu đan đặc trưng mà chỉ ở người Khơ Mú mới có. Sau đây là một số kỹ thuật điển hình:

 Kỹ thuật xâu xiên (taleho): trước tiên, người ta đặt ba chiếc nan chồng và chéo lên nhau ở chính giữa các nan, tạo thành sau góc đều nhau. Sau đó, người ta đan tiếp theo cách cạnh sao cho nan đan sau song song với nan đan trước theo ba chiều cắt nhau, tạo thành các lóng hình lục giác đều. Kỹ thuật này gần giống với kỹ thuật đan mắt cáo của người Kinh nhưng người Khơ Mú đan các nan khít hơn để tạo thành hộp lục giác. Đây là một kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được. Nan để đan kiểu này thường phải vót mỏng, to bản, đảm bảo độ dẻo và cứng vừa phải. Kiểu đan này thường dùng để tạo các sản phẩm như mâm mây, đáy hay nắp đậy các loại gùi.

Kỹ thuật đan lóng vuông (khandiing hoặc trdoar): đây là kiểu đan lóng hình vuông có tâm điểm ở giữa của đáy sản phẩm. Kỹ thuật này được áp dụng để đan mẹt, nong, nia, sàng, ...

Kỹ thuật đan lóng thuyền hay lóng nia (lay ăm): đây là kiểu đan theo nguyên tắc cắt hai nan đè năm nan được áp dụng để tạo ra các tấm phơi, tấm liếp hoặc tạo nên các hoa văn hình quả trám trên thân các loại gùi nhỏ.

Kỹ thuật đan lóng đôi (kha ar sen): kiểu đan này được áp dụng để đan các sản phẩm yêu cầu mỏng và mềm như tấm phơi, tấm liếp, tấm trải, gùi hoặc tạo các hoa văn hình xương cá chạy quanh các loại gùi.

Kỹ thuật đan lóng ba (khảm xam): đây là kỹ thuật phổ biến và bắt buộc để đan phần tiếp giáp giữa thân và đáy gùi, đặc biệt là gùi nhỏ đồng thời cũng là kỹ thuật nhằm tạo các hoa văn xương cá nằm ngang.

Các bộ phận nhỏ của các sản phẩm đan lát như quai, tai, cạp, dây đeo, ... đòi hỏi dai và mền nên đều được đan bằng mây hoặc dang.

V. Một số sản phẩm tiêu biểu.

Sản phẩm đan lát của người Khơ Mú rất phong phú. Trong chuyên đề nghiên cứu này, chúng tôi dựa vào chức năng sử dụng của các sản phẩm để chia ra làm hai loại sản phẩm như sau:

1. Sản phẩm dùng trong vận chuyển.

Gùi (Eng): Đây vừa là đồ đựng vừa là công cụ vận chuyển chính của người Khơ Mú. Gùi của người Khơ Mú khác nhiều với các dân tộc cận cư nhưng lại có nét gần giống với các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me ở Tây Nguyên. Đây được đánh giá là loại sản phẩm đặc sắc nhất của tộc người Khơ Mú.

Gùi cao chừng 60 - 65cm, gồm hai phần: đáy gùi và thân gùi. Đáy gùi vuông, mỗi cạnh chừng 25 đến 30cm. Thân gùi dưới hình vuông, chiếm khoảng 1/3 tổng độ cao của chiếc gùi, thân gùi trên hình tròn, chiếm khoảng 2/3 tổng độ cao của chiếc gùi, càng lên cao càng loe ra như hình chiếc phễu. Miệng gùi loe rộng được quấn mây thanh thoát rất đẹp, vừa có dây quàng qua trán vừa có ách tỳ vào gáy người đeo. Đáy gùi được đan bằng tre. Quai gùi được nối với thanh tre chạy từ sườn bên này vòng qua đáy sang sườn bên kia. Nhờ cách nối này mà khi mang, vác, quai gùi đỡ toàn bộ gùi từ đáy lên, tăng tuổi thọ cho thân gùi và miệng gùi. Đây là một sản phẩm đan lát đặc biệt của người Khơ Mú, nó tinh sảo cả về kiểu dáng và kỹ thuật chế tác. Những người đến lứa tuổi đi làm rẫy đều có ít nhất một chiếc gùi cho riêng mình, không được bán hoặc cho người ngoài tộc.

Sản phẩm đựng đồ để gánh (Mbung): sản phẩm này cũng có thân và đáy, đáy hình vuông, thân cao chừng 30 - 35cm, hình tròn, giữa phình to, đáy và miệng thu nhỏ. Ở hai bên sườn, điểm gần miệng của "mbung" có hai chiếc tai bằng mây chắc chắn để lồng đòn khi gánh.

Bồ đựng thóc (Bem hót): sử dụng để đựng thóc khi mới tuốt, tuốt lúa xong thì để vào "bem hót" cho đến khi đầy mới đổ vào gùi. "Bem hót" đan đơn giản hơn những đồ đựng trên. “Bem hót” có hình tròn đều, cao chừng 40cm, đường kính khoảng 20cm. Có hai quai bằng mây chắc chắn ở hai bên sườn để có thể luồn dây và buộc trước ngực khi tuốt lúa.

Đồ đựng khi đi trên đường (ép): có hai loại: loại to dùng để đựng rau, củ, quả, măng khi đi lên rừng, hái lượm, làm rẫy; loại nhỏ dừng để phụ nữ đựng đồ khi đi chợ. Đây là một sản phẩm đẹp, đòi hỏi kỹ thuật cao. Đáy của "ép" dẹt và rộng, thân hình bầu dục, miệng thu lại. "Ép"  to cao khoảng 50 - 55cm, rộng khoảng 60 - 65cm, "ép" nhỏ cao khoảng 25cm, rộng khoảng 30cm. Quai "ép" lớn giống quai gùi, quai "ép" nhỏ làm bằng vải. Loại "ép" nhỏ không chỉ là đồ đựng sản phẩm khi vận chuyển mà còn những món quà tặng mà các chàng trai thường tặng bạn gái của mình. Khi là quà tặng thường "ép" được trang trí nhiều hoa văn tinh sảo, vừa để gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào sản phẩm vừa để thể hiện trình độ đan lát của mình với bạn gái. Bởi vậy, khi đan "ép" làm quà tặng, người ta tốn rất nhiều tâm trí, thời gian và công sức để tạo nên được một sản phẩm mà mình ưng ý.

"Ép" của người Khơ Mú có thể được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật đan lát sử dụng chất liệu cật tre, có sức cuốn hút đặc biệt đối với bất kỳ một khách hàng khó tính nào.

Người Khơ Mú tin rằng, khi đan gùi lúa và hộp đựng xôi phải áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo thành hoa văn thì người sử dụng chúng mới “ăn nên làm ra” nên người ta luôn cố gắng để tạo ra những sản phẩm đẹp nhất.

2. Sản phẩm dùng trong sinh hoạt gia đình.

Hòm đựng quần áo (plum): đây là sản phẩm đựng quần áo và một số đồ tư trang khác. Mỗi cặp vợ chồng khi cưới đều có một "plum" mới để đựng quần áo chung và chiếc "plum" này được giữ đến hết đời. "Plum" cũng gồm hai phần chính: Thân được đan loe dần đến độ cao 30cm thì lại thu nhỏ lại. Miệng thân có hình bầu dục, đường kính chỗ lớn nhất khoảng 40cm, chỗ nhỏ nhất 25cm. Hai bên sườn của thân được làm hai quai mây để tiện vận chuyển. Nắp "plum" gồm hai bộ phận cấu thành: nắp hình chữ nhật được thiết kế cong cong như chiếc thuyền, thân nắp cao khoảng 8 - 10cm, có chu vi lớn hơn miệng thân "plum" để khi đậy lại, nắp trùm được ra ngoài. Đáy "plum" hình chữ nhật, dài 35 - 40cm, rộng khoảng 18 - 20cm, được nẹp tre xung quanh và chéo bốn góc chắc chắn. "Plum" có hai loại: loại nan mộc và loại nan hoa văn. Sản phẩm này đòi hỏi kỹ thuật khá cao nên chỉ những người già mới làm được những sản phẩm đạt yêu cầu.

Giỏ đựng cơm khi đi nương (ép mah): "ép mah" có hai bộ phận: thân và nắp. Đó là hai nửa hình trụ rỗng đan theo kiểu lóng đôi, có thể lồng khít vào nhau. Phần thân được đan kép. Khi đạt chiều cao theo yêu cầu, người ta gập lại rồi đan tiếp tạo thành hai lớp nhằm giữ nhiệt cho cơm. Miệng thân và miệng nắp không có cạp. Mặt đáy và mặt nắp được đan rời theo kỹ thuật xâu xiên (taleho) tạo hình tròn rồi dùng mây, giang khâu liền với thân và nắp. Phần  trên của thân được tạo hoa văn xương cá, phần giữa thân được tạo hoa văn quả trám.

Hộp nhỏ (Tưr đen): sản phẩm này có chức năng như chiếc hộp nhỏ dùng đựng đồ trang sức và kim chỉ của phụ nữ. "Tưr đen" đan bằng tre, gồm ba phần: đáy có hình bầu dục, đường kính chỗ rộng nhất khoảng 16cm, hẹp nhất khoảng 7cm, đáy làm bằng gỗ. Thân "Tưr đen" cao chừng 17cm. Nắp có mặt bầu dục giống đáy nhưng được đan bằng tre theo kiểu "taleho". "Tưr đen" là một trong những sản phẩm đan lát được người con trai Khơ Mú chọn làm quà để tặng người bạn đời của mình.

Tấm phơi (Miên) và tấm trải (tưng ai): các sản phẩm này được đan rất kỳ công. Nguyên liệu để đan các sản phẩm này là nan và cật tre, đảm bảo vừa mềm vừa dẻo để khi không dùng có thể cuộn lại và cất đi. Đây là sản phẩm phổ biến trong các gia đình. Mỗi nhà có tới hàng chục tấm phơi, tấm trải để phơi ngô, phơi và đập lúa, phơi và đập đỗ và trải khi nằm ngủ.

Chiếc rổ (Sà rè): công dụng của sản phẩm này là dùng để rửa rau, củ, các loại măng. "Sà rè" có đáy vuông, đan thưa và thoáng để khi rửa, đất và nước dễ thoát.

Đồ đan bằng tre của người Khơ Mú rất phong phú. Ngoài những sản phẩm trên, có thể kể đến nữa như mẹt (pịarơ), sàng (try ơơr), nong, nia (chưng ưr), bồ (khờ rẹ), sọt (crồng), bề (spà) giỏ chứa đồ (khờ roóng), quạt thóc (rươi ngo); dụng cụ đánh bắt có: đó (sày), giỏ (mlò), lồng bẫy chim (tưm mưr), ...

Có hai loại đồ đan mà chỉ có phụ nữ làm để dùng và biếu mẹ chồng là quạt nấu bếp (rươi roóng) và rá đựng thức ăn (ả dỗng).

Ngoài các sản phẩm đan bằng tre, người Khơ Mú còn có những sản phẩm đan bằng mây khá nổi tiếng, trong đó không thể bỏ qua chiếc mâm mây (phươn đon ploong) và ghế mây (xèng đon ploong).

Mâm mây (phươn đon ploong): đây có thể coi là sản phẩm đan đặc trưng nhất của tộc người Khơ Mú. Loại sản phẩm này được nhiều tộc người cận cư mua về dùng và cũng là sản phẩm hàng hóa bán chạy số một đối với du khách hiện nay ở Mường Lò. Mâm được đan bằng mây và tre, gồm hai bộ phận chính là mặt mâm và thân mâm. Mặt mâm hình tròn có đường kính khoảng 70cm, đan bằng tre theo kỹ thuật xâu xiên. Khoảng 10cm vành ngoài cùng của mặt mâm được đan bằng những sợi mây để nguyên uốn theo kiểu hình lượn sóng (hình sin). Người Khơ Mú gọi phần này là "Snơrông" tức là làm đẹp. Thân mâm là một vòng tròn hình trụ có chiều cao chừng 15 - 20cm. Đường kính đáy thân mâm bao giờ cũng nhỏ hơn đường kính mặt mâm từu 8 đến 10cm. Thân mâm được làm bằng tre đan hình mắt cáo, thưa thoáng và tạo hoa văn mềm mại. Vành đáy thân mâm thường làm bằng tre vót nhẵn, cũng có khi làm bằng cây song uốn tròn lại.

Ghế mây (xèng đon ploong): ghế này cũng có kiểu dáng giống như mâm mây nhưng mặt ghế lại nhỏ hơn chân ghế. Bởi thế, ghế mây nhìn giống hình chóp cụt mà mặt ghế là mặt cắt nhỏ phía trên của hình chóp cụt đó. Ghế cao khoảng 15cm.Mặt ghế được đan lóng đôi bằng mây. Mặt này được căng trên một chiếc cạp hình tròn bằng tre cứng hoặc song uốn lại. Mặt ghế được nối với vành đáy chân ghế bằng những thanh tre cứng, khỏe và thanh gọn. Những mảnh tre này được lắp vào đáy ghế và mặt ghế bằng các mộng đục lỗ. Cũng có khi chúng được bố trí theo hình chữ nhân, cũng có khi thẳng đứng. Ghế loại này bền, đẹp mà việc chế tạo cũng đơn giản, thuận tiện. Không chỉ người Khơ Mú dùng sản phẩm này mà các tộc người trong vùng đều mua và sử dụng loại ghế mây này.

VI. Giá trị của nghề đan lát.

Có thể nói, đan lát là một hoạt động thủ công truyền thống tiêu biểu, đặc sắc, một đặc trưng mang tính tộc người của người Khơ Mú. Nó thể hiện nhiều giá trị khác nhau:

Giá trị lịch sử: Thông qua hoạt động đan lát cũng như những sản phẩm đan lát, kỹ thuật chế tác và nghệ thuật tạo hoa văn trên sản phẩm đều phản ánh quá trình lịch sử tộc người rõ nét với lịch sử di cư, địa bàn cư trú, sự phát triển tư duy nghệ thuật, ...

Giá trị văn hóa: Từ cách thức khai thác, vận chuyển, chế biến nguyên vật liệu đến cách đan, cách trang trí hoa văn đều thể hiện những nét văn hóa riêng, độc đáo của tộc người.

Giá trị nghệ thuật: Mỗi sản phẩm đan lát đều thể hiện giá trị nghệ thuật riêng của nó, từ cách thức đan đến cách thức tạo hoa văn và ý nghĩa của các hoa văn đó. Tư duy nghệ thuật của tộc người được thể hiện rõ nét trong hoạt động thủ công truyền thống này.

Giá trị khoa học: Nghề đan lát nói chung cũng như mỗi sản phẩm đan lát nói riêng đều thể hiện những giá trị khoa học của nó. Qua đó, người ta nhận thấy được tổng thể các giá trị khác của tộc người.

Giá trị kinh tế: Trước kia, người Khơ Mú có thể dùng sản phẩm đan lát để đổi vải, đổi gạo, đổi muối, đổi thịt từ những tộc người xung quanh, ngày nay người ta có thể sử dụng như để trao đổi như một sản phẩm hàng hóa thực sự với tất cả các tộc người có nhu cầu. Tuy chưa phải là nhiều nhưng cũng đã ít nhiều mang lại thu nhập cho cộng đồng tộc người ở nơi sơn cước vốn chỉ sống bằng nông nghiệp này.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

                                                                                                             Ban Biên tập Cổng TTĐT

5353 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h