Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích lịch sử cấp tỉnh đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

15/10/2024 15:45:51 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Ngày 13/06/2024, UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định số 1238 /QĐ-UBND công nhận đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh

1. Tên gọi di tích:

Di tích lịch sử đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình

2. Loại hình di tích

Di tích lịch sử đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình được xếp vào loại hình di tích lịch sử.

3. Quyết định công nhận di tích cấp tỉnh

Quyết định số 1238/QĐ-UBND ngày 13/6/2024 của UBND tỉnh Yên Bái về việc xếp hạng di tích đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc di tích cấp tỉnh

4. Địa điểm di tích

Đền Lương Nham hiện nay thuộc thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, cách Ủy ban nhân dân xã Phú Thịnh 04 km về phía Đông Bắc, cách trung tâm huyện lỵ Yên Bình 04 km về phía Tây Nam, cách tỉnh lỵ Yên Bái 05 km về phía Đông Nam.

Đền Lương Nham tọa lạc trên một gò đồi thấp với thế đất bằng phẳng, cao, thoáng, xung quanh là khu dân cư đông đúc cùng cánh đồng, đồi cây Đa và đồi cây Gội. Từ đường giao thông liên thôn dẫn vào qua cổng lớn dựng bằng vật liệu xi măng, cốt thép, hai bên đường vào có rất nhiều cây xanh (đủ loại từ cây bóng mát, cây hoa, cây ăn quả…) tạo quang cảnh tươi xanh, bình dị tới sân đền. Từ vị trí này có thể quan sát được toàn cảnh thôn Thanh Bình (xã Phú Thịnh) ngày nay cũng một phần vùng đất làng Cụa xưa (một phần thuộc khu Đồng Ngật xưa kia), xa xa là cánh đồng lúa, vùng núi non bao bọc, tạo cho nơi đây có một cảnh sắc trù phú, bình yên. Phía trước là khu gò (gò đồn) làm tiền án, phía sau cũng có núi thế hổ chầu, bao quanh khu đất là hai con suối.

Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích đền Lương Nham khu vực bảo vệ I có diện tích 4.070,7 m2.

5. Đường đi đến di tích

Đến di tích Đền Lương Nham xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái theo những tuyến đường sau:

Từ thành phố Yên Bái (km5) đi theo đường Nguyễn Tất Thành qua huyện lỵ Yên Bình, đến ngã tư rẽ phải đi theo đường Hương Lý – Văn Phú vào thôn Thanh Bình, khoảng 04 km đến di tích.

6. Sơ lược lịch sử di tích

Theo các cụ cao niên trong thôn Thanh Bình kể lại, di tích đền Lương Nham tiền thân là một miếu nhỏ được nhân dân tôn tạo, phát triển thành đền vào cuối thế kỷ XIX. Khởi thủy, từ một miếu nhỏ ở bên cạnh đình Lương Nham tại khu vực Đồng Ngật – vùng đất giáp ranh giữa Sứ Đồng Chùa, xã Lương Nham, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và làng Cụa, xã Ký Mã, tổng Đạo Ngạn, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Nhưng do thời gian di chuyển đình Lương Nham (đình Trắng) đã lâu khoảng cuối thế kỷ XIX nên không còn ai nhớ rõ vị trí cũ đầu tiên của đình khi khởi dựng. Theo các nhân chứng tại thôn Thanh Bình, vị trí hiện nay của đền Lương Nham chính là vị trí di tích đình Lương Nham trước kia tọa lạc.

Đình Lương Nham xưa kia được coi là đình cả - ngôi đình lớn nhất vùng, đồng thời là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa chung của nhân dân khắp vùng và khu vực xung quanh. Để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng ngày càng cao của nhân dân, người dân Ký Mã, lúc này dựng thiết chế đình riêng tại làng Cọ đồng thời rước chân nhang từ đình Lương Nham và phụng thờ các vị thần linh như đình Lương Nham, lấy tên đình Làng Cọ, tuy nhiên có quy mô và phạm vi hẹp hơn. Cùng với đó, người dân xã Lương Nham lại thực hiện chuyển đình Lương Nham sang vị trí mới (tức vị trí hiện nay phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) trên một khu vực đất thấp giữa cánh đồng, cách vị trí cũ là 2km. Riêng tại xóm Cụa (thôn Thanh Bình hiện nay), người dân vẫn lưu giữ ngôi miếu cạnh đình cũ (Thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái ngày nay) và thực hiện phụng thờ theo truyền thống.

Việc di chuyển di tích đình Lương Nham từ khu Đồng Ngật, trang Lương Nham, châu Quy Hóa, trấn Hưng Hóa đã tạo ra bước ngoặt lịch sử quan trọng trong việc hình thành, phát triển và khẳng định vị trí riêng biệt của thiết chế đền. Từ một miếu nhỏ vào thời điểm đình Lương Nham dịch chuyển, nhân dân làng Cụa tiếp tục phụng thờ các ngài tại đây. Đến khoảng cuối thế kỷ XIX, nhằm đáp ứng tâm nguyện và thỏa mãn nhu cầu, nhân dân chính thức tôn miếu thành đền và lấy tên theo vùng đất cũ là Lương Nham thờ Quan lớn Đệ nhất cùng các vị thần thánh khác theo tín ngưỡng Việt.

Quá  trình tu bổ,  tôn tạo và những sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích đình Lương Nham  Sau khi đình Lương Nham hình thành được một thời gian, nhằm mục đích tiếp biến và phát triển nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân trong vùng có lập một miếu nhỏ với kết cấu đơn sơ, bên cạnh đình tại khu Đồng Ngật để thờ các vị thánh. Khi đình Lương Nham chuyển sang vị trí hiện nay, tại khu vực nền cũ chỉ còn lại thiết chế miếu nhỏ, nhân dân làng Cụa tiếp tục duy trì thờ cúng tại miếu theo truyền thống.

Đến cuối thế kỷ XIX, ngôi miếu được nhân dân tu bổ, tôn tạo và phát triển thành đền bằng với kiến trúc gỗ, tre và lợp mái cọ mộc mạc.

Những năm 1940 -1945, dưới tác động của chiến tranh và nạn đói hoành hành khiến hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội tại đền không còn được duy trì thường xuyên như trước đó.

Giai đoạn năm 1945-1953, khu vực di tích đền Lương Nham tuy không được chọn làm nơi đặt trụ sở căn cứ cách mạng của xã Thịnh Hưng (gồm xã Thịnh Hưng và xã Phú Thịnh ngày nay) hay của Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 10 nhưng cũng là một địa điểm kết nối thông tin trong thời kỳ này. Đền Lương Nham nằm ở khu vực gò cao, lại là nơi giáp ranh giữa hai xã Thịnh Hưng, Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang và xã Lương Nham, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nên rất thuận lợi trở thành một trong những địa điểm được các chiến sĩ cách mạng sử dụng làm nơi nghe ngóng thông tin, bắt mối liên lạc với cấp trên; tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân.

Những năm 1950, thực dân Pháp thực hiện chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ,  lúc này khu vực đền Lương Nham được quân ta chọn làm nơi tập trung vũ khí, là điểm tuần tra canh gác, phục kích đánh địch khi chúng di chuyển đến đây. Tại đây, lực lượng dân quân, du kích ngày đêm canh gác, không cho địch vào làng càn quét, giết người cướp của.

Giai đoạn năm 1960- 1965, cả miền Bắc dồn tổng lực cho chiến trường miền Nam, nhân dân Phú Thịnh cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái chuyển sang thời kỳ vừa sản xuất, vừa là hậu phương. Theo đó, đền Lương Nham không có người qua lại, trông coi, sau này tạm ngừng hoạt động, nhiều hạng mục của nhà đền bị xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời.

Khoảng năm 1980-1982, nhân dân làng Cụa cùng nhau dựng một ban thờ nhỏ, trong đó đặt một bát hương tại khu vực đền mái lợp cọ để thờ cúng.

Năm 1979- 1992, trường Trung cấp Sư Phạm, sau đó đến trường Trung cấp Nông Lâm được giao quản lý sử dụng, đã dựng lớp học tại đây. Ban thờ nhỏ vẫn được giữ. Từ sau năm 1992, khu vực đền được giao lại cho Uỷ ban nhân xã Phú Thịnh quản lý.

Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, gia đình ông Nguyễn Tất Thắng, bà Đinh Thị Tuyển (thôn Thanh Bình) cùng nhân dân trong xã chung tay đóng góp xây dựng lại đền bằng vật liệu xi măng, gạch, cát, mái lợp tôn với diện tích 42m2, đồng thời thực hiện khôi phục lại các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng theo truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân thôn Thanh Bình nói riêng, xã Phú Thịnh nói chung.

Năm 2020, các hộ gia đình cùng gia đình ông Nguyễn Tất, bà Đinh Thị Tuyển Thắng tiếp tục công đức tiền của, đất đai để thực hiện tu bổ, tôn tạo, mở rộng diện tích khuôn viên cùng các hạng mục đền Lương Nham với hiện trạng như ngày nay.

Trải qua dòng chảy lịch sử, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, di tích đền Lương Nham trải qua 02 đợt tu bổ, tôn tạo lớn vào năm 2014 và 2020. Di tích đền Lương Nham, được phê duyệt quy hoạch đất tại thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích khu vực I là  4.070,7 m2.

7. Các nhân vật được thờ tự

Theo bản sao tài liệu ghi chép Thần tích thì lúc đầu miếu thờ Thái tử Nguyễn Công Rước Quế Hoa liệt nữ trinh thục công chúa, sau khi đình Lương Nham chuyển đi, miếu chuyển thờ Quan lớn Đệ Nhất là vị quan ông đứng đầu trong Ngũ Vị Tôn Ông - những vị quan thay mặt Mẫu cai quản bốn cõi Thiên - Địa - Thủy - Nhạc. Từ đó đến nay, nhân vật thờ tại di tích đền Lương Nham được nhắc đến là Quan lớn đệ nhất Hồng Dũng.

Ngoài thờ Quan lớn đệ nhất, ban thờ của di tích đền còn thờ các vị:  Thạch Linh thần đại vương, Thổ Lệnh thần đại vương, Thái tử Nguyễn Công Rước và Quế Hoa công chúa. Thần tích còn ghi chép về 1 vị là Âm thần, 1 vị là Dương thần dưới triều Hậu Lý, đời Vua Lý Trung Tông như sau: Vào thời gian này nhà Tống xâm lược nước ta, Tướng công Nguyễn Công Rước xin cầm quân đi bảo vệ biên thùy ở khu Đồng Ngật, trang Lương Nham, châu Quy Hóa, trấn Hưng Hóa - Sơn Tây. Tới đây, đêm nằm mộng thấy một tiên cung phụng chiếu mệnh của Thiên đình, mắt phượng mày ngài thập phần xuân sắc tự xung là hậu duệ của Hùng Vương, tự nguyện âm phù giúp tướng công trừ giặc. Từ đấy, Tướng công giao chiến trận nào chiến thắng trận đó. Khi ông mất nhân dân khu Đồng Ngật, trang Lương Nham phụng thờ 1 vị Dương thần, 1 vị Âm thần là: Thái tử Nguyễn Công Rước Quế Hoa liệt nữ trinh thục công chúa.

Theo thần tích về hai vị Thạch Linh thần đại vương Thổ Lệnh thần đại vương là bậc tôn thần. Thần tích chép lại rằng: “Cho đến đời thứ 17 là Hùng Nghị vương làm vua. Thánh vương nhân một ngày nhàn rỗi, tuần du vùng núi Tam Đảo, gặp được một nàng Tiên nữ tên là: Quế Hoa Xuân Dung. Thánh vương đưa nàng về kinh thành và lập nàng làm người đứng đầu cung phi trong hậu cung. Một đêm vào ngày mùng 2 tháng 2 năm Quý Hợi, Tiên nữ mộng thấy thần nhân đưa cho 2 quả đào, nàng nhận lấy, từ đó nàng mang thai. Tới ngày 10/2 năm Giáp Tý nàng sinh một đứa trẻ có diện mạo phi thường, hình dung quý phái, thiên chất kỳ dị, vẻ đẹp hơn người cho nên đặt tên là Thạch Linh. Sau đó 4 năm, vào ngày mùng 11/8 năm Đinh Mão, nàng lại sinh ra một người con diện mạo đẹp đẽ, cho nên đặt tên là Thổ Lệnh. Hai ông đến tuổi trưởng thành, tài kiêm văn võ, thông tuệ trực đoán cao minh”.

Thời bấy giờ, trong nước có loạn, nhà vua bàn luận với văn võ bá quan cùng nhất trí cử hai ông đánh giặc. Triều đình phong tước cho hai ông là Lạc Tướng, Bồ Chính, lãnh 5 vạn quân đi giao chiến. Hai ông chiến thắng trở về.  Hoàng đế rất vui mừng, giao quyền cho hai ông coi giữ các trang ấp thuộc châu Quy Hóa. Hai ông coi giữ châu Quy Hóa trong thời gian 7 năm, các trang ấp đều bình yên, thanh tĩnh. Đến ngày 11/11 năm Giáp Ngọ, hai ông không bệnh tật gì mà qua đời. Quân sĩ dâng sớ lên triều đình, rồi đưa di hài ông về thang mộc ấp, thuộc kinh thành Phong Châu để mai táng.

Ngoài ra, đền còn có các ban thờ Tam tòa thánh mẫu, Vua cha Ngọc Hoàng, Ban Trần Triều, Chúa Sơn Trang. Phía trước đền có 02 miếu thờ là: Ban thờ Cậu bé (phía bên phải), Ban thờ Cô bé (phía bên trái). Bên cạnh đền có một am nhỏ thờ Phật.

8. Đặc điểm của di tích đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình

Di tích đền Lương Nham có những đặc điểm sau:

Một là: Di tích có bề dày lịch sử, được ghi chép qua sử liệu (Thần tích, thần sắc) cho thấy thiết chế đền là sự kế thừa, tiếp nối và phát triển bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của người dân xã Ký Mã và xã Lương Nham từ xưa đến nay, vị trí đền thuộc khu Đồng Ngật, xã Lương Nham, tổng Bách Lẫm trước kia.

Hai là: Nhân vật thờ chính của đền là thần Quan lớn đệ nhất cùng các vị được tôn thần. Thiết chế là sự tiếp biến và dung hòa của tín ngưỡng truyền thống trong văn hóa Việt Nam thể hiện bằng việc thờ các vị có công đánh giặc giữ yên bờ cõi thời kỳ các vua Hùng tại đền là tín ngưỡng, văn hóa bản địa và thuần Việt có từ thuở xa xưa.

Ba là: Đền Lương Nham là sản phẩm văn hóa vật chấtchứa đựng những thành tố văn hóa đặc trưng của người Kinh thể hiện ở vị trí đền Lương Nham nằm trên khu đất bằng cao ráo, mặt tiền quay hướng Đông.

Bốn là: Đền được người dân thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh coi là chốn linh thiêng. Theo tục lệ cũ thì tên của vị Quan lớn thờ tại di tích được coi là tên húy, người trong làng, xã không được đọc, gọi tên các vị thần, thánh được thờ. Ngoài ra, lệ làng còn nghiêm cấm chặt cây, thả gia súc gần khu vực này, cấm trẻ con nô đùa, nghịch ngợm trên khu vực đền... Những người vi phạm điều cấm sẽ bị làng đưa ra xử phạt nghiêm khắc.

Năm là: Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích có vai trò quan trọng do đền Lương Nham nằm ở thôn Thanh Bình của xã Phú Thịnh có vị trí thuận tiện kết nối các điểm trong xã, là khu vực giáp ranh của Ký Mã và xã Lương Nham trở thành một trong những địa điểm được các chiến sĩ cách mạng sử dụng làm nơi nghe ngóng thông tin; tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân.

9. Phong tục lễ hội

- Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại di tích trước những năm 60 của thế kỷ XX: Theo các cụ cao tuổi trong vùng kể lại thì giai đoạn từ khi hình thành đến trước năm 1960, tại đền Lương Nham diễn ra  02 kỳ lễ chính là: Lễ đầu năm (ngày mùng 8-10 tháng Giêng), lễ ngày 15-24/8 (âm lịch) hằng năm.

* Lễ đầu năm

- Thời gian tổ chức: Ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng, đến ngày sinh của Quan lớn đệ nhất ngài Hồng Dũng đại vương (03 ngày).

- Lễ vật:  Trước ngày lễ: lễ vật là cỗ chay. Ngày chính lễ: lễ vật gồm có thịt lợn đen, thịt gà, xôi, rượu cùng bánh kẹo, ngũ quả, nhang đèn, tiền vàng.

- Phần hội: Tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và trò chơi dân gian.

* Lễ từ ngày 15 đến ngày 24/8 (âm lịch):

- Thời gian tổ chức: Từ ngày 15 đến ngày 24 tháng 8 (âm lịch), ngày lễ Thánh Mẫu (công chúa Quế Hoa) (2 ngày), còn là ngày sinh của Thổ Lệnh thần đại vương.

- Lễ vật: lễ dâng Mẫu: Hôm trước làm cỗ chay (5 mâm), có các loại bánh đủ màu sắc, hôm sau cỗ bàn tùy dụng. Lễ dâng thần Thổ Lệnh có: thịt lợn, thịt trâu, thịt bò.

- Phần hội: Tổ chức giống ngày lễ đầu năm.

Ngoài 2 lễ chính đền còn có các ngày lễ khác:

+ Ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 2 (âm lịch): ngày sinh Thạch Linh thần đại vương. Cỗ có lợn đen, xôi, bánh ngon 3 loại (bánh dày, bánh chưng, bánh đậu xanh), có mâm ngũ quả và có ca hát.

+ Ngày mùng 10 tháng 5 (âm lịch): Ngày mất của Hồng Dũng đại vương (2 ngày). Hôm trước có gà, hôm sau có trâu hoặc lợn, xôi, rượu và không có ca hát.

+ Ngày mùng 7 tháng 7 (âm lịch): ngày tế hội đồng 5 vị đại vương. Cỗ có xôi, gà.

+ Ngày mùng 8 đến ngày 11 tháng 11 (âm lịch): ngày hóa nhật của 5 vị đại vương. Cỗ bàn tùy dụng.

+ Ngày mùng 2 đến 10 tháng 11 (âm lịch): ngày tế hội đồng Thái tử Nguyễn Công Rước và công chúa Quế Hoa (5 ngày), hôm trước làm cỗ chay, có bánh dày, bánh chưng; hôm sau có thịt trâu, thịt lợn, có ca hát, các trò chơi, có rước cờ.

+ Ngày 11 tháng 12 (âm lịch): làm lễ thay mũ, áo, thay chiếu cho 5 vị đại vương. Cỗ  bàn tùy dụng.

- Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng hiện nay tại di tích: Từ sau khi thiết chế đền Lương Nham được tôn tạo lại, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng hiện nay tại đền được phục hồi theo truyền thống, cụ thể:

* Lễ đầu năm

- Thời gian tổ chức: Từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng.

- Lễ vật: Các lễ vật chuẩn bị gồm có đầu trâu, lợn đen, xôi, rượu, mâm ngũ quả, các loại hoa trơn (kiêng loại hoa thiên điểu).

- Công tác chuẩn bị:  Để chuẩn bị cho lễ, trước hôm lễ chính một số người dân được cử vệ sinh sạch sẽ ban thờ, không gian trong đền và phát, dọn xung quanh đền; chuẩn bị vật phẩm, lương thực, thực phẩm cho ngày lễ. Dân làng rất chú trọng vào việc trang trí hoa tươi một cách tỷ mỷ phù hợp. Trong tuần khánh lễ ngoài những đồ lễ chính như đầu trâu, lợn đen, gà, xôi, bánh chưng, bánh dày, cơm canh. Chuẩn bị đóng góp để tạo ra được một khoá lễ chu viên hoàn mỹ. Ngay từ sáng sớm ngày lễ, lễ vật của các hộ gia đình được mang đến và chế biến tại khu vực đền.

- Nghi lễ: Thủ từ trong trang phục truyền thống, thực hiện nghi lễ tại ban thờ.  Sau phần dâng lễ vật, Thủ từ thay mặt dân làng lần lượt thỉnh thần giáng thế; tạ ơn thần đã phù hộ cho dân làng xã một năm bình yên, an lành, vạn vật sinh sôi nảy nở; cầu may, cầu tài, cầu lộc. Nghi lễ tại đền diễn ra trong một ngày, sau đó những người tham dự nghi lễ chia đều cho dân thụ lộc.

- Phần hội: tổ chức ca hát chầu văn và các trò chơi dân gian.

* Lễ ngày 15 đến ngày 24/8 (âm lịch):

- Thời gian tổ chức: Ngày 15 đến ngày 24 tháng 8 (âm lịch).

- Lễ vật: lễ dâng Mẫu: Hôm trước làm cỗ chay (5 mâm), có các loại bánh đủ màu sắc, hôm sau cỗ bàn tùy dụng.  Lễ dâng thần Thổ Lệnh có: thịt lợn, thịt trâu, thịt bò.

- Công tác chuẩn bị:  Trước hôm lễ chính ngày 10/8: một số người dân được cử vệ sinh sạch sẽ ban thờ, không gian trong đền và phát, dọn xung quanh đền, chuẩn bị vật phẩm cho ngày lễ. Ngay từ sáng sớm ngày lễ, lễ vật của các hộ gia đình được mang đến và chế biến tại đền.

- Nghi lễ: Trong hai ngày lễ này, thủ từ vào cúng tại ban thờ Mẫu của đền. Sau phần dâng lễ vật, thủ từ thay mặt dân làng lần lượt thỉnh thần giáng thế; tạ ơn thần đã phù hộ cho dân làng xã được bình yên, an lành, vạn vật sinh sôi nảy nở; cầu may, cầu tài, cầu lộc. Các vị có chức sắc, một số hộ dân dâng lễ lên các thần tạ ơn thần đã phù hộ cho nhân dân trong vùng, trong xã.

- Phần hội: tổ chức giống lễ đầu năm.

Căn cứ vào lịch sử tồn tại của di tích đã phần nào cho ta thấy được quá trình lịch sử dân cư, cư trú, lịch sử phát triển xã hội, đời sống vật chất và tinh thần đặc biệt là sự phát triển trong văn hóa – tín ngưỡng Việt ở bộ phận cộng đồng dân cư sinh sống trên mảnh đất Phú Thịnh xưa. Với cứ liệu sử học đã thu thập được trong quá trình nghiên cứu đã cho thấy sự phát triển của cộng đồng dân cư vùng Phú Thịnh ít nhất từ những năm cuối thế kỷ XIX với sự tồn tại của những thiết chế tín ngưỡng cộng đồng trong dân cư tại khu vực, từ đó cũng nhận định được tầm ảnh hưởng và sự lan tỏa của những giá trị tâm linh tại di tích trong khu vực.

Trong tâm thức của người dân vùng Phú Thịnh, ngôi đền từ lâu đã là chốn thiêng liêng, là nơi bảo lưu, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hoá quê hương. Bên cạnh yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, di tích còn mang ý nghĩa lịch sử nhằm tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức các bậc tiền nhân bảo vệ gìn giữ vùng biên ải, mở mang vùng đất, cải thiện cuộc sống, cứu giúp người nghèo khổ, gây dựng thuần phong mỹ tục cũng như sự kính ngưỡng đặc biệt cho hình tượng Quan lớn đệ nhất với tín ngưỡng thờ thần, đã thể hiện nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa nằm trong văn hóa truyền thống của Việt nói chung.

Đền Lương Nham là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các dân tộc bản địa. Đền là nơi thờ Quan lớn đệ nhất Hồng Dũng và các vị thần bảo vệ bờ cõi, bảo vệ nhân dân. Thiết chế với nhiều chức năng là không gian gắn kết cộng đồng các dân tộc, nơi hội họp, cầu phúc, cầu bình an, cầu may mắn, cầu mùa màng, thúc đẩy con người lao động hăng say, trung thực, trọng nghĩa, hướng đến một cuộc sống no đủ, bình an.

Đền Lương Nham, xã Phú Thịnh ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nơi quy tụ tâm linh của cư dân, thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiền nhân có công bảo vệ biên ải, chứa đựng giá trị văn hoá bản địa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trước đây, là khát khao lưu giữ, phục hồi và bảo vệ truyền thống văn hóa của nhân dân xã Phú Thịnh ngày nay.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)

3 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h