Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Hội thảo bài trí, sắp xếp trong di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đông Cuông, huyện Văn Yên

15/03/2018 14:15:47 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 15/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo bài trí, sắp xếp trong di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Quang cảnh Hội thảo

Dự buổi Hội thảo về phía Trung ương có đồng chí Trần Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch; các Giáo sư, Tiến sỹ; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa.

Về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và lãnh đạo huyện Văn Yên.

Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên) còn có tên gọi khác là Đền Thần Vệ Quốc, Đông Quang, sơ khởi là miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, họ Hoàng, là người Tày Khao sáng lập. Năm 1995, UBND tỉnh đã quyết định cho phép nhân dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên xây dựng lại ngôi đền Đông Cuông ngay trên nền của đền cũ. Năm 2000, Đền được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, đến năm 2009, Đền Đông Cuông được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Trong những năm qua, di tích thường xuyên được tu bổ, chống xuống cấp và tôn tạo phù hợp với quy hoạch và đáp ứng được nguyện vọng của du khách thập phương đến hành hương và tham gia việc tổ chức Lễ hội hàng năm. Tuy nhiên, ngoài các hạng mục, các công trình phụ trợ đã được xây dựng và trùng tu tôn tạo thì ngôi Đền chính đã xuống cấp. Cùng với đó, các kiến trúc bên trong khu vực Đền chính như: Hậu Cung và Cung Chúa được xây dựng trước, Tòa Đại Bái được xây dựng sau, do vậy kiến trúc của Đền chính thiếu tính đồng bộ, chưa đảm bảo về mỹ quan và kiến trúc, diện tích của Đền chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan và hành lễ của nhân dân và du khách thập phương.

Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: Việc trùng tu, tôn tạo hạng mục đền chính của di tích Đền Đông Cuông là cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân; tri ân các bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh. Tỉnh Yên Bái đã lập dự án tôn tạo hạng mục đền chính bằng nguồn vốn xã hội hóa và được Bộ VHTT&DL thẩm định và phê duyệt. Sau khi hạng mục Đền chính Đông Cuông được tu bổ, tôn tạo, nhiệm vụ tiếp theo là bài trí sắp xếp các ban thờ, hệ thống tượng thờ, đồ thờ tự trong đền là rất quan trọng, đề vừa thể hiện được sự tôn nghiêm, linh thiêng của đền, đồng thời phải có sự hài hòa không gian nội thất, có tính thẩm mỹ cao, đảm bảo yếu tố gốc, phù hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu của ngôi đền thờ truyền thống ở Việt Nam.

Tại Hội thảo các Giáo sư, Tiến sỹ; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa đã đóng góp những ý kiến tâm huyết của mình, trao đổi, thống nhất các hình thức bài trí, sắp xếp trong trong di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đông Cuông.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, căn cứ theo truyền thuyết đền Đông Cuông là nơi thờ Mẫu Thượng ngàn giáng sinh và ngự. Đây được coi là nơi phát tích tục thờ Mẫu Thượng ngàn, tôn thờ người mẹ vũ trụ của núi rừng; phù hộ thương nghiệp, bảo vệ môi trường tự nhiên, gắn liền với ước vọng, niềm tin tâm linh che chở của đồng bào các dân tộc địa phương nơi đây. Vì vậy, Giáo sư đề nghị cần nghiên cứu sâu dấu tích của tục thờ mẫu để hòa nhập chung cùng đất nước. Giáo sư đưa ra phương án thờ mẹ và con ngang hàng nhau, còn các tượng, bệ to nhỏ khác nhau.

Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng việc bài trí, sắp xếp cần cố gắng giữ lại tính linh thiêng, bản chất gốc của đền; cần nghiên cứu hướng đền, kiến trúc đền; kích thước của các lỗ ban...

Theo đồng chí Trần Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và nhiều đại biểu khác cũng cho rằng về kiến trúc của đền nên theo kiến trúc chữ Công vì đây là di tích được xếp hạng, người đến hành lễ đông nên quy mô cần phải được mở rộng hơn và lớn hơn các ngôi đền truyền thống. Theo đồng chí Trần Thành, việc bài trí, sắp xếp bên ngoài cần phải lắng nghe thêm ý kiến của người dân địa phương; Một số đồ thờ cần phải được đánh giá để giữ lại...

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: việc tôn tạo, tu bổ đền cần đáp ứng nguyện vọng, phù hợp với tín ngưỡng của người dân địa phương. Về phương án thiết kế, tôn tạo phải tôn trọng tối đa tính nguyên mẫu, kiến trúc phải có nét đặc trưng gắn với nét sinh hoạt của bà con người Tày. Cần có quy hoạch tổng thể bảo đảm kiến trúc tổng thể hài hòa; trong quá trình thiết kế tôn tạo cần điều chỉnh kiến trúc đảm bảo không gian đáp ứng yêu cầu chiêm bái, hành lễ của du khách thập phương. Giữ cơ bản gắn với nguyên mẫu phần nội thất nhưng có thể điều chỉnh bổ sung sao cho phù hợp với trật tự thờ mẫu trên nguyên tắc đảm bảo đầy đủ chức năng, nội dung như hiện nay.

Về phương án bài trí, đồng chí cho rằng các phương án của các chuyên gia, các nhà khoa học đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đồng chí đề nghị đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch mặt bằng hoàn chỉnh các công trình trong khu di tích. Đối với kiến trúc đền chính thống nhất về vị trí, hướng như khuôn mẫu hiện tại; Hình thức mặt bằng chữ Công để đảm bảo về không gian và dễ dàng bài trí; xem xét thêm các yếu tố về phong thủy. Về vật liệu thống nhất phương án thiết kế bằng gỗ, tường xây, mái ngói; Các cột bên ngoài là cột tròn, bệ thờ tùy theo vị trí có thể cân nhắc giữa bê tông và gỗ; Giữ nguyên các ban như hiện nay; Cân nhắc về việc sắp đặt trong phần hậu cung...

795 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h