Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Yên Bình nửa nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp

25/07/2018 13:36:16 Xem cỡ chữ Google
Đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Yên Bình khẳng định, sản xuất nông nghiệp (SXNN) phát triển khá toàn diện; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt, vượt kế hoạch đề ra. Giá trị SXNN tăng bình quân 9,9% năm và dự kiến năm 2018 sẽ cán đích 2.000 tỷ đồng.

Cán bộ nông nghiệp truyền đạt các tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến với người dân vùng thâm canh lúa

Thực hiện Nghị quyết Đại hội và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Yên Bình đề ra mục tiêu phát triển vùng cây ăn quả có múi khoảng 1.100 ha, tập trung ở các xã: Đại Minh, Hán Đà, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Cảm Nhân, Tích Cốc; vùng quế tập trung ở các xã dọc quốc lộ 70 với diện tích 1.200 ha; vùng lúa chất lượng cao ở 13 xã và sản xuất gạo đặc sản chủ yếu ở xã Bạch Hà; quy hoạch nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà với quy mô 2.000 lồng cá và 400 ha nuôi cá quây lưới eo ngách.

Với những mục tiêu đó, huyện tiến hành rà soát quy hoạch phát triển SXNN, thủy sản và quy hoạch vùng SXNN, sản xuất hàng hóa; thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là với các cây con chủ lực gắn với xây dựng chuỗi liên kết giá trị.

Đồng thời, huyện chú trọng đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, nông lâm nghiệp, thủy sản. Bằng những giải pháp tích cực, cùng sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cố gắng của người dân, các chỉ tiêu phát triển nông lâm nghiệp đều đạt so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

Qua đó, trong ba năm gần đây, các địa phương của huyện trồng mới 606 ha cây ăn quả, đạt 55% kế hoạch, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên gần 1.600 ha; trồng mới 512 ha quế, đạt 42,7%; xây dựng 93 cơ sở chăn nuôi trâu bò, 30 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm hàng hóa và đóng mới 623 lồng nuôi cá.

Huyện đã hoàn thành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Đại Minh”, đang tập trung phát triển vùng gạo đặc sản tại xã Bạch Hà gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà”. Những nỗ lực đó, sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của nông dân.

Về sản xuất lương thực, huyện đã quy hoạch vùng lúa thâm canh cao sản quy mô 500 ha tại 13 xã trọng điểm về cây lúa, phát triển vùng sản xuất gạo đặc sản tại xã Bạch Hà gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Cùng với duy trì diện tích ngô vụ đông trên ruộng 2 vụ lúa, huyện mở rộng diện tích ngô đồi, đảm bảo hàng năm trồng 1.550 ha ngô.

Năm 2017, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt 27.390 tấn; năm 2018, huyện phấn đấu đạt trên 27.600 tấn tăng trên 100 tấn so với kế hoạch. Trong chăn nuôi, nhờ khuyến khích phát triển chăn nuôi hàng hóa, đã có 339 mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm, ba ba; 103 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 10 con.

Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện đến tháng 4/2018 là 83.300; trong đó, đàn bò tăng 55,25% so với năm 2016. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt trên 6.000 tấn, dự kiến năm 2018 đạt 7.800 tấn, vượt Nghị quyết Đại hội 12%. Nuôi trồng thủy sản phát triển cả về khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi. Xã Thịnh Hưng là địa phương vào cuộc tích cực trong tận dụng diện tích mặt nước hồ Thác Bà để phát triển thủy sản.

Ông Lương Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã trao đổi: "Trong 3 năm qua, đã có 93 lồng nuôi cá được đóng mới. Bà con cũng đã quây lưới eo ngách hồ để nuôi cá được 90 ha. Hiện, có 23 hộ và 1 HTX đầu tư nuôi cá với tổng số 145 lồng cá, 105 ha mặt nuôi cá quây lưới”.

Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã đóng mới trên 1.000 lồng nuôi cá và mở rộng diện tích quây lưới nuôi cá trên hồ Thác Bà được 235 ha. Sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm đạt từ 4.500 tấn trở lên, dự ước năm 2018 đạt 6.400 tấn.

Huyện đang tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà” và dự án phát triển thủy sản trên hồ Thác Bà theo chuỗi liên kết giá trị, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm ổn định nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII, Đảng bộ huyện Yên Bình cho rằng, SXNN chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa thấp; triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp có mặt còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị...

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Trọng trao đổi: "Phân tích nguyên nhân của những hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, chúng tôi quyết tâm đưa ra mục tiêu cao hơn để phấn đấu, làm sao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 phải đạt 2.400 tỷ đồng, tăng trên 12% so với Nghị quyết đã đề ra”.

Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp trong chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, vận động, có cơ chế chính sách hỗ trợ, giải pháp về khoa học, kỹ thuật, xúc tiến thương mại... cũng đã được đề ra. Huyện sẽ có chính sách để thúc đẩy liên kết sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; vận động người dân tự nguyện liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm...

 

1327 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h