Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Yên Bình đột phá từ “tam nông”

09/08/2018 13:29:27 Xem cỡ chữ Google
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Yên Bình đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực về "tam nông”.

Sản phẩm bưởi Đại Minh đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Ảnh: Nông dân xã Đại Minh chăm sóc bưởi.

Nông nghiệp tăng trưởng mạnh

Xác định phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và người dân, sản xuất nông nghiệp có sự chuyển đổi rõ nét từ nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa quy mô tập trung gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đáp ứng cho yêu cầu phát triển.

Nổi bật là, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, với các sản phẩm chủ lực như cây ăn quả có múi, rừng gỗ lớn, gạo đặc sản, cá hồ Thác Bà, tập trung phát triển đàn gia súc. Năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng.

Trong sản xuất lúa, cơ cấu giống tiếp tục có chuyển biến tích cực theo hướng tập trung các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt. Năm 2017, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt 27.390,7 tấn. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2017 đạt 1.970 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 sẽ đạt trên 2 ngàn tỷ đồng.

Từ một nền sản xuất chủ yếu tự phát thì nay đã phát triển và hình thành vùng cây ăn quả trên 1.480 ha; trong đó, cây có múi 950 ha, tập trung tại các xã: Đại Minh, Hán Đà, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Cảm Nhân, Tích Cốc; vùng quế 700 ha tại các xã: Đại Đồng, Tân Hương, Cảm Ân, Bảo Ái, Tân Nguyên; phát triển rừng gỗ lớn với quy mô 2.000 ha tập trung tại các xã: Xuân Long, Phú Thịnh, Văn Lãng, Đại Đồng, Tân Hương, Bảo Ái; vùng gạo đặc sản xã Bạch Hà; tập trung phát triển thủy sản hồ Thác Bà với quy mô lớn; tập trung phát triển đàn gia súc...

Yên Bình cũng đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Đại Minh”, nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà” và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà”. Mỗi năm, huyện trồng mới trên 2.600 ha rừng, trồng mới 511,86 ha quế và 85,1 ha tre măng Bát độ; đóng mới trên 1.000 lồng cá và quây lưới nuôi cá trên eo ngách hồ Thác Bà 234,8 ha...

Chăn nuôi gia súc, gia cầm không chỉ phát triển mạnh về số lượng mà phương thức chăn nuôi cũng từng bước được cải tiến theo hướng chăn nuôi hàng hóa tập trung và nhiều cơ sở chăn nuôi đi vào sản xuất có hiệu quả; tổng đàn trâu hiện có 13.695 con; bò 5.392 con; đàn lợn 74.175; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng gần 8.000 tấn.

Nông thôn đổi mới

Từ những vùng nông thôn nghèo, nay đã thay đổi căn bản về cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm) và cả cách nghĩ, cách làm của người dân. Phong trào XDNTM đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã và đang tạo ra những sự đổi thay tích cực, đặc biệt trong sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh việc phát huy vai trò chủ thể của người dân, Yên Bình còn vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước như: chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ y tế, đào tạo nghề; thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM... Bằng những kế hoạch, việc làm cụ thể, đến tháng 12/2017, bình quân toàn huyện đạt 12,3 tiêu chí/ xã, tăng thêm 7,3 tiêu chí/xã so với năm 2011.

Trong đó, có 7 xã đạt chuẩn NTM gồm: Hán Đà, Đại Minh, Mông Sơn, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Phú Thịnh, Thịnh Hưng, chiếm 29,2%; 3 xã đạt từ 11 - 17 tiêu chí, chiếm 12,5%; 14 xã đạt từ 7 - 10 tiêu chí, chiếm 58,3%. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và năm 2017 giảm còn 18,04%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng cao; nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội thay đổi rõ nét, nhất là họ đã xác định rõ việc phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Cùng đó, huyện đã chú trọng đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Hiện, toàn huyện 49 hợp tác xã; trong đó, có 27 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 23 hợp tác xã so với năm 2008. Các HTX đã phát huy vai trò là trụ đỡ và trực tiếp tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo được năng lực sản xuất, kinh doanh....

Làn gió mới "tam nông” đã và đang mang đến những đổi thay trong đời sống, xã hội vùng nông thôn huyện Yên Bình. Phát huy thành quả đạt được, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn tăng thu nhập cho người dân; triển khai hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế như hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại; xây dựng và phát triển mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.

 

1328 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h