Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Bái

07/08/2018 16:32:09 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Từ năm 2016 đến hết tháng 6 năm 2018, toàn tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho 41.182 người, trong đó có 32.500 người lao động nông thôn tham gia học nghề. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Lớp dạy nghề sửa chữa máy nông cụ tại xã Bạch Hà, huyện Yên Bình.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 56 nghề đào tạo cho lao động nông thôn gồm 20 nghề nông nghiệp, 23 nghề thộc nhóm nghề công nghiệp, xây dựng, 13 nghề thuộc nhóm nghề thương mại, dịch vụ, phi nông nghiệp với 530 giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến được với những người có nhu cầu, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm với lao động nông thôn. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị đào tạo nghề. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo và được hỗ trợ thêm một phần tiền ăn, đi lại khi tham gia lớp học.

Từ những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc triển khai Đề án, đến hết tháng 6 năm 2018, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 41.182 người, trong đó có 32.500 người lao động nông thôn tham gia học nghề với nhiều đối tượng ưu tiên như: người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ cận nghèo, người bị thu hồi đất. Đặc biệt, 8.618 người dân tộc thiểu số và 1.682 người thuộc hộ nghèo đã được đào tạo nghề.

Toàn tỉnh đã mở được 403 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 với số lao động nông thôn được học nghề là 11.482 người. Trong đó, 77,9% lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp, còn lại là các nghề phi nông nghiệp.

Đã có 10.170 (chiếm 88,6%) lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo có việc làm sau khi học nghề. Những người sau khi học nghề tiếp tục làm việc với năng suất và thu nhập cao hớn trước.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã huy động được sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã trong việc tham gia giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, chấn chỉnh những đơn vị yếu kém từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh giảm từ 69,44% (năm 2015) xuống còn 66,90% (năm 2017), góp phần xóa đói giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động (đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu sổ, người nghèo...) được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề.

Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, đã hình thành được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao như: Sản xuất rau an toàn tại xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái); Trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, may công nghiệp (huyện Trấn Yên); Chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel (huyện Văn Yên); xây dựng, chăn nuôi lợn (huyện Lục Yên); chạm khắc đá (huyện Văn Chấn), kỹ thuật nuôi ong mật tại tại xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải), du lịch cộng đồng Homestay (thị xã Nghĩa Lộ)...

Có tới 90% các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Các lớp dạy nghề mở tại các địa phương đã được bố trí đảm bảo các thiết bị cần thiết, việc cung cấp nguyên vật liệu thực hành, hỗ trợ các văn phòng phẩm, tiền ăn cho học viên đảm bảo đủ theo quy định và kịp thời. Bước đầu, công tác dạy nghề đã gắn kết với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp như nghề may công nghiệp, điện dân dụng, xây dựng, gò, hàn... nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đã tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự sâu rộng, hình thức tuyên truyên chưa phong phú. Do nhận thức của lao động nông thôn tại một số nơi còn hạn chế, một phần do tâm lý người lao động không muốn đi làm xa. Bên cạnh đó, việc lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, tổ chức lớp chưa đúng thời điểm, việc thực hiện kế hoạch đào tạo gặp nhiều khó khăn, phải điều chỉnh nhiều lần. Số lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 hàng năm còn ít; Cơ cấu đào tạo nghề cho lao động nông thôn không thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh; Chưa có sự liên kết, đào tạo có địa chỉ các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các doanh nghiệp sử dụng lao động. Hiệu quả công tác đào tạo nghề chưa tác động nhiều đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn sản xuất và nhu cầu của thị trường lao động.

Trong những năm tiếp theo, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025" gắn với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong đó chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp, tăng cường đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm trên các phương tiện thông tin truyền. Đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo thực hành, điều chỉnh nội dung chương trình, giáo trình và thời gian đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tế và nhu cầu của người học.

1312 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h