Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Sự kiện - Hiện vật lịch sử

Thạp đồng Đào Thịnh, tỉnh Yên Bái - Thông điệp của nền văn hóa Sơn Đông, bảo vật quốc gia

23/08/2019 15:17:15 Xem cỡ chữ Google
Thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Chiếc thạp đồng này chính là loại hình di vật tiêu biểu của nền văn hóa Sơn Đông. Được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 1426/QĐ-TTg, hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Thạp đồng Đào Thịnh cao gần một mét là hiện vật lớn nhất trong số thạp hiện nay

Thạp là loại hình di vật được phát hiện khá nhiều và khá tiêu biểu trong văn hoá Đông Sơn. Thạp là một trong những đồ đựng của cư dân Đông Sơn, ngoài ra, nó còn dược dùng trong nghi thức chôn cất người chết. Thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện vào năm 1960, tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Thạp có đầy đủ cả thân và nắp. Đây là chiếc thạp có kích thước lớn nhất được phát hiện từ trước cho đến nay.

- Nghiên cứu và xác định giá trị:

Ngay sau khi thạp đồng được phát hiện, đã rộ lên nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu, nhất là trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử và trong các hội nghị về khảo cổ học. Cuối cùng chiếc “chum” đó đã được chính thức xếp vào hàng ngũ “Thạp đồng Đông Sơn Việt Nam”. Các nhà nghiên cứu đã thống nhất gọi đây là thạp đồng Đào Thịnh, xếp nó vào khung niên đại của văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay từ 2.000 - 2.500 năm. Điều đặc biệt, đây là chiếc thạp đồng lớn và đẹp nhất trong toàn bộ những thạp đồng đã được phát hiện. Quả thật, thạp Đào Thịnh là di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, cho đến nay không có chiếc thạp nào vượt qua được nó về mặt kích thước. Về trang trí, trong sưu tập thạp đồng Đông Sơn hiện nay, có lẽ chỉ có thạp Đào Thịnh và thạp Hợp Minh mới có thể sánh ngang với những chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất mà thôi.

- Sự đặc sắc trong trang trí trên thạp đồng Đào Thịnh:

Thạp Đào Thịnh thuộc loại thạp có nắp, thân tròn, miệng rộng, hơi khum vào, nửa trên hơi phình, nửa dưới hơi thót lại, dáng vững chãi, có hai quai hình mui thuyền, miệng có gờ đậy nắp. Nắp khum hình nón, cũng có hai quai hình mui thuyền. Thạp cao toàn bộ là 97,7 cm, miệng rộng 64 cm, miệng nắp rộng 68 cm, chân rộng 58 cm, nặng 76 kg. Hoa văn rất đẹp, được trang trí phủ kín trên cả nắp và thân thạp.

Trên nắp thạp: Chính giữa chỏm nắp là dấu vết của một động vật có 4 chân (nhưng 4 chân đó đã mất, chỉ còn dấu vết gắn 4 chân). Gần mép nắp có 4 khối tượng đôi nam nữ đang trong tư thế giao hợp, đầu quay vào trong. Hoa văn nắp thạp gồm: Chính giữa là ngôi sao 12 cánh, giữa các cánh là văn chữ V lồng có một cạnh chung. Tỏa ra xung quanh có 11 vòng hoa văn là đường vạch đứng song song 3 vòng, cụm đường chéo nhau dạng bện thừng hình thoi một vòng, 8 chim mỏ dài, đuôi dài bay ngược chiều kim đồng hồ một vòng. Đường tròn chấm giữa có gạch nối tiếp 6 vòng.

Trên thân thạp có 25 vòng hoa văn, chia làm ba nhóm: Gần miệng, gần chân và giữa thân. Nhóm gần miệng có 10 vòng, gồm đường vạch đứng song song 2 vòng, hình tam giác có chấm bên cạnh 3 vòng, đường tròn chấm giữa 4 vòng, cụm đường chéo bện thừng tạo hình thoi 1 vòng. Nhóm giữa thân có 4 vòng, đường tròn chấm giữa 2 vòng, chấm dải hình bông lúa 1 vòng và 1 vòng hình 6 thuyền. Nhóm gần chân có 11 vòng: Đường vạch song song 2 vòng, hình tam giác 4 vòng, đường tròn chấm giữa 4 vòng, cụm đường chéo nhau dạng bện thừng tạo hình thoi 1 vòng. Hai nhóm miệng và chân là văn hình học, làm nền cho vòng giữa thân, chủ đạo là 6 chiếc thuyền.

Xét về tổng thể trang trí, chúng ta thấy nét đặc sắc nhất của thạp là cụm 4 tượng đôi nam nữ giao hợp trên nắp và 6 thuyền trên thân. 6 thuyền khác kiểu nhau, trên đó, mỗi thuyền có từ 6 - 7 người đứng ngồi hóa trang lông chim làm các việc khác nhau như đánh trống, cầm nhạc khí, cầm rìu, giáo, cờ… Người cuối cùng cầm mái chèo. Trên không, có đàn chim bay. Gắn giữa 2 thuyền là một đôi thú hình cá sấu 4 chân gắn vào nhau. Gần thuyền có các con vật giống gà, thú 4 chân. Những mô tuýp này rất giống với trang trí trên những trống đồng Đông Sơn.

- Ý nghĩa và giá trị của thạp đồng Đào Thịnh:

Thạp Đào Thịnh có quy mô lớn nhất trong loại hình thạp đồng Đông Sơn, có trang trí dày đặc với những hoa văn cầu kì tinh xảo, là di vật tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam. Nếu như trống đồng có diện phân bố rộng rãi từ Việt Nam ra đến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc thì thạp đồng phân bố hẹp hơn nhiều, chỉ có ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, một vài chiếc ở Nam Trung Quốc. Điều đó khẳng định rõ ràng rằng, thạp đồng là sản phẩm đặc trưng của người Việt cổ.

Trong số 250 thạp được biết đến hiện nay, thạp đồng Đào Thịnh chiếm một vị trí đặc biệt với kích cỡ lớn nhất và cụm tượng giao hoan nam nữ độc nhất trên thân thạp. Thạp đồng Đào Thịnh và một số thạp đặc sắc khác như Hợp Minh, Tân Hợp (Yên Bái), Đồi Nội Trú (Lào Cai), Vạn Thắng, Làng Cả (Phú Thọ), thạp Đông Sơn có thể sánh ngang giá trị với trống đồng Đông Sơn.

Lưu vực sông Hồng từ Lào Cai - Yên Bái đến Phú Thọ là vùng có mật độ thạp đồng dày đặc với những thạp có giá trị nhất trong sưu tập thạp đồng Đông Sơn, trong đó Yên Bái là trung tâm và thạp Đào Thịnh đứng ở vị trí hàng đầu. Chính vì vậy, Yên Bái có thể được coi là quê hương của thạp đồng Việt Nam.

Thạp đồng Đào Thịnh cho chúng ta biết nhiều điều về trình độ luyện kim, nghệ thuật tạo hình, môi trường, cảnh quan thiên nhiên và xã hội của người Việt cổ. Đến giai đoạn sơ kì đồ sắt, cách ngày nay 2.000 - 2.500 năm, người Việt cổ đã nắm vững thuật luyện kim, họ đã biết pha tỉ lệ hợp kim phù hợp để đúc thành công những chiếc thạp lớn như thạp Đào Thịnh. Đồng thời, họ cũng đã nắm vững được nghệ thuật tạo hình với những họa tiết, hoa văn tinh tế, bố cục chặt chẽ, có chủ định rõ ràng, sử dụng thành thạo hoa văn hình học làm nền cho văn tả thực, và đặc biệt đã khắc họa cảnh sinh hoạt của con người hết sức sống động, gắn chặt con người với thiên nhiên và động vật tự nhiên. Những hoa văn thuyền, người, gia cầm, chim muông và thú cho biết đặc trưng môi trường sống của người Việt cổ gắn chặt với sông nước - một yếu tố cơ bản của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Về chức năng của thạp đồng Đào Thịnh nói riêng và thạp đồng nói chung, đã có nhiều học giả bàn luận, nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Căn cứ vào tình trạng khi phát hiện, thạp thường được chôn dưới đất, trong thường có hài cốt người cùng các đồ vật chôn theo, nhiều người cho rằng chức năng của thạp là làm quan tài chôn người. Đó là nhận thức sai lầm. Với chất liệu quý giá là đồng, trình độ luyện kim thành thục, đặc biệt là những trang trí cầu kì tinh xảo, người ta đúc thạp đồng không phải để làm quan tài, mà rõ ràng là một loại đồ vật cao quý, chỉ người giàu có hay chức sắc cao mới có điều kiện đúc được những thạp đồng giá trị như thạp Đào Thịnh. Và chắc chắn họ dùng để làm vật trang trí trong nhà, coi đó là những đồ gia bảo, để tự hào với thiên hạ khi mình đúc được một thạp đồng to lớn và đẹp thế. Điều đó cũng phản ánh uy thế của chủ nhân - người được người đời kính trọng. Rồi đến một lúc nào đó, khi họ qua đời, gia quyến đã dùng ngay vật quý nhất đó để chôn theo hoặc làm đồ tùy táng, và nếu là đồ lớn thì dùng luôn làm quan tài - một sự kính trọng to lớn của người sống đối với người chết. Việc chôn theo chủ nhân những vật có giá trị lớn như thạp đồng cho biết người Việt cổ đã coi cái chết quan trọng và thiêng liêng biết chừng nào.

Từ tất cả những giá trị trên, thạp đồng Đào Thịnh thật xứng đáng là bảo vật của quốc gia.

(Bài viết sử dụng tài liệu Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang (Hội Khoa học lịch sử Yên Bái)

0 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h