Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái phê duyệt 2 dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp

11/12/2018 10:40:23 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn cho sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường và giải quyết được tình trạng “được mùa, mất giá” và tăng thu nhập cho người nông dân, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt 2 dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lục Yên hướng dẫn bà con nông dân cải tạo vườn tre măng Bát độ.

Cụ thể, tỉnh Yên Bái sẽ xây dựng mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân tiêu thụ sản phẩm măng tre bát độ và cung ứng vật tư nông nghiệp tại Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh, huyện Trấn Yên. Tham gia mô hình này là Công ty Cổ phần Yên Thành tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình là đơn vị thu mua chế biến sản phẩm để tiêu thụ xuất khẩu; Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Hồng Ca, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên là đơn vị thu mua sơ chế sản phẩm để bán cho Doanh nghiệp chế biến; Các hộ nông dân xã Hưng Khánh, Hồng Ca, Lương Thịnh (hiện HTX đang thu mua cho khoảng gần 1.200 hộ nông dân).

Đối với mô hình này, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, phân bón thông qua hợp tác xã để cung ứng cho nông dân. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả các sản phẩm cung ứng và hưởng lợi từ việc tiêu thụ các sản phẩm đó. Đồng thời, tổ chức thu mua nông sản theo giá thị trường và chia sẻ với lợi ích với hợp tác xã, nông dân ký kết trong hợp đồng với các hộ nông dân; Hợp tác xã thu mua hết sản phẩm cho nông dân. Chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả các sản phẩm cung ứng. Người nông dân tham gia trồng măng cam kết duy trì điều kiện sản xuất và thực hiện quy trình trồng trọt đảm bảo an toàn. Bán sản phẩm măng tre cho Hợp tác xã và doanh nghiệp với giá bán ổn định và có lợi hơn so với giá trị trường.

Dự án xây dựng mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Nông dân tiêu thụ sản phẩm Chè búp tươi và cung ứng vật tư nông nghiệp tại xã Lương Thịnh, Hồng Ca, Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Sau khi hoàn thành dự án mô hình này sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh. Chủ thể tham gia mô hình thí điểm là Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến chè Hữu Hảo, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái là đơn vị thu mua chế biến sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Hộ kinh doanh các xã Lương Thịnh, Hồng Ca, Việt Cường huyện Trấn Yên là đơn vị thu mua sản phẩm để bán cho Doanh nghiệp chế biến; Hộ nông dân các xã: Lương Thịnh, Hồng Ca, Việt Cường, huyện Trấn Yên (hiện hộ kinh doanh đang thu mua cho 100 hộ nông dân).

Đối với mô hình  thí điểm Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Nông dân tiêu thụ sản phẩm Chè búp tươi và cung ứng vật tư nông nghiệp doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp cho hộ kinh doanh và hộ kinh doanh cung ứng cho nông dân, sau đó thu mua theo đúng giá thị trường và chia sẻ lợi ích với người hộ kinh doanh và nông dân đã ký kết trong hợp đồng. Hộ kinh doanh ứng trước đầu vào gồm giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu, kinh phí cho nông dân để sản xuất thông qua doanh nghiệp để cung ứng cho nông dân. Chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả các sản phẩm cung ứng. Người nông dân cam kết duy trì điều kiện sản xuất đảm bảo đủ sản lượng, chất lượng theo hợp đồng với hộ kinh doanh. Có trách nhiệm bán toàn bộ sản lượng chè thu hoạch cho hộ kinh doanh được hưởng lợi từ chênh lệch giá bán sản phẩm cho hộ kinh doanh.

Tổng kinh phí thực hiện 2 dự án là 1 tỷ đồng chia đều cho mỗi dự án là 500 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái giao cho Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trấn Yên và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện mô hình đúng tiến độ.

 

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, mô hình thí điểm trên được triển khai tại 12 tỉnh trên cả nước. Các địa phương thực hiện theo mô hình Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán, với kinh phí hỗ trợ mỗi tỉnh: 1 tỷ đồng/2 mô hình.

Sau 5 năm triển khai, mô hình đã thu hút 29 doanh nghiệp, 15 HTX, 90 hộ kinh doanh, 5.551 hộ nông dân cùng 264 xã viên tham gia. Các mặt hàng triển khai chủ yếu gồm nông sản như lúa, khoai tây, gà thịt an toàn sinh học, thuốc bảo vệ thực vật…

Riêng trong năm 2017, chương trình hỗ trợ 10 địa phương, trong đó có tỉnh Yên Bái. Đến nay, có 2/10 địa phương (Nghệ An và Hòa Bình) đã triển khai xong. Các địa phương còn lại đang tiếp tục triển khai trong năm 2018.

 
725 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h