Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương

25/01/2019 13:10:44 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chỉ dẫn địa lý là công cụ xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp - nông thôn. Đến nay 69 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó 63 chỉ dẫn địa lý trong nước và 03 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hiện có khoảng 50% sản phẩm là trái cây, 20% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như: quế, hoa hồi, chè... Còn lại là các sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác.

Chỉ dẫn địa lý 'Gạo Mường Lò' được xây dựng để phát triển vùng lúa chất lượng cao. (ảnh minh họa)

Thời gian qua, thông qua các Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương các sản phẩm nông lâm sản đặc trưng của tỉnh Yên Bái đã được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) dưới hình thức các dự án khác nhau. Tính đến nay, đã tiến hành đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ SHTT cho 12 sản phẩm đặc sản của địa phương, trong đó có 02 chỉ dẫn địa lý: Chỉ dẫn địa lý Quế Văn Yên cho sản phẩm Quế vỏ của huyện Văn Yên và chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò cho sản phẩm gạo Séng Cù, gạo Chiêm Hương của cánh đồng Mường Lò.

Quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm quế Văn Yên và gạo Mường Lò đã có những tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm sâu sắc từ chính quyền các cấp và doanh nghiệp. Chỉ dẫn địa lý cũng tạo được lan tỏa, tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng và người tiêu dùng. Điều này thể hiện ở chỗ dẫn địa lý sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương đã xây dựng, hình thành tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó quá trình quản lý và phát triển sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập như: Vai trò của tổ chức, tập thể trong việc kiểm soát, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đã được bảo hộ trong nhiều trường hợp chưa phát huy hiệu quả, còn lúng túng trong việc kiểm soát chất lượng,…. Ví dụ như chỉ dẫn địa lý Quế Văn Yên, trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên thì việc thành lập tổ chức tập thể (Hội trồng, sản xuất, kinh doanh quế Văn Yên) là một quy định bắt buộc và tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chất lượng sản phẩm và phát triển danh tiếng, uy tín của sản phẩm được bảo hộ nhưng trên thực tế vai trò của tổ chức tập thể này còn mờ nhạt do các yếu tố về con người, kinh phí hoạt động, sự đoàn kết vì mục tiêu chung bền vững…chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sản phẩm quế ra nước ngoài, đây chính là điểm hạn chế trong việc khai thác, phát huy tài sản trí tuệ đã được bảo hộ.

Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn trong vấn đề bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý còn hạn chế, chưa thúc đẩy được nhu cầu sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên thị trường, chỉ dẫn địa lý chưa trở thành đối tượng ưu tiên đối với người tiêu dùng. Năng lực, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng trong nhiều trường hợp sản phẩm phát triển một cách tự phát, thiếu sự quản lý chặt chẽ của các ngành, các cấp làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý,….

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản của địa phương, cần tập trung làm tốt các nội dung sau:

Xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc sản chiến lược của địa phương, trên cơ sở đó tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí đầu tư. Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hợp lý để tạo ra được vùng hàng hóa gắn dấu hiệu “chỉ dẫn địa lý” đáp ứng được nhu cầu của thị trường, hướng tới các thị trường nước ngoài.

Đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp gắn với xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý có hiệu quả để liên kết hộ sản xuất kinh doanh, hộ kinh tế gia đình trong sản xuất các sản phẩm nông sản gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, phát triển chỉ dẫn địa lý cần gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức tập thể, người dân nhằm tạo sự ổn định và bền vững trong từng ngành hàng.

Nâng cao vai trò của các tổ chức tập thể trong việc tập hợp hội viên, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết thống nhất trong các nhà sản xuất, kinh doanh để cùng khai thác có hiệu quả giá trị chỉ dẫn địa lý. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ở những vùng có đặc sản tích cực tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng xây dựng, phát triển và bảo vệ các đặc sản truyền thống. Đây được xem là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ chất lượng và danh tiếng cho các đặc sản đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.                                             

Chính quyền địa phương nơi có đặc sản nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn, gìn giữ và phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống. Các nhà quản lý chỉ dẫn địa lý phải tiến hành quản lý tốt các đối tượng này sau khi đăng ký, thông qua các quy chế sử dụng, quy chế quản lý và cần xử lý nghiêm các sai phạm làm ảnh hưởng đến danh tiếng của sản phẩm…Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn phải làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị của các sản phẩm đã được bảo hộ.

Tăng cường công tác truyền thông maketing, đặc biệt là truyền thông qua internet (các diễn đàn, mạng xã hội, website…) để nâng cao nhận thức về chỉ dẫn địa lý đối với người tiêu dùng và tạo cơ hội cho tiếp xúc với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Người tiêu dùng cần hiểu và nâng cao khả năng nhận diện các dấu hiệu chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm./.

831 lượt xem
Theo Trang TTĐT Sở Khoa học và Công nghệ

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h