Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo tồn văn hóa phi vật thể cấp quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hát Xịnh ca dân tộc Cao Lan, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

03/08/2017 10:21:24 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hát Xịnh Ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng. Khi hát Xịnh Ca, người Cao Lan thường sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình kết hợp cùng trang phục truyền thống. Chính sự kết hợp hài hòa này đã tạo nên nét văn hóa riêng của người Cao Lan. Nói đến Xịnh Ca là nói đến một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp giao duyên, lời hát có từng chương, trai gái hát đối nhau hết chương này nối sang chương khác, lời hát đối đáp mộc mạc của các chàng trai cô gái Cao Lan cứ say sưa kéo dài. Đây chính là nét độc đáo trong thơ ca của người Cao Lan.

Hát Xịnh ca trong đám hỏi của người Cao Lan huyện Yên Bình.

* Khái quát về dân tộc Cao Lan ở tỉnh Yên Bái

I. Khái quát về dân tộc Cao Lan ở tỉnh Yên Bái

Người Cao Lan ở Yên Bái hiện có khoảng 7.000 người sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã thuộc huyện Yên Bình như: Tân Hương, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai, Đại Đồng và thị trấn Yên Bình; 2 xã thuộc huyện Trấn Yên là Hòa Cuông, Minh Quán và các xã Yên Phú, Yên Hợp thuộc huyện Văn Yên.

Người Cao Lan ở Yên Bái còn gọi Sán Chay, nói ngôn ngữ Tày – Thái, ngoài ra đồng bào còn có tên gọi khác như: Sán Chởi, Sán Chấy, Sán Chí, Sán Chỉ.

Người Cao Lan ở Yên Bái vốn là cư dân nông nghiệp làm ruộng nước thành thạo. Nhưng nương rẫy vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Với kinh nghiệm, sự cần cù, sáng tạo trong lao động và được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Cao Lan tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã phát triển làm trang trại theo mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng). Bên cạnh nguồn lương thực chính là cây lúa, đồng bào còn chăn nuôi bò, lợn, gà, thả cá...giúp cho công việc đồng áng và cải thiện đời sống hàng ngày. Đồng thời người Cao Lan còn phát triển mạnh trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp như quế, chè, sắn...

Là một dân tộc sớm tiếp thu nền văn minh cây lúa nước, người Cao Lan thường chọn những nơi có địa thế thấp, có thung lũng bằng để khai khẩn đất hoang thành ruộng bậc thang gieo trồng cây lúa. Bên cạnh cánh đồng là đồi núi thấp để phát nương làm rẫy trồng ngô, lúa cạn, rau quả, bông dệt vải...kết hợp với săn bắt thú rừng, hái rau lượm quả. Hiện nay vẫn còn những bản làng Cao Lan vừa có những cánh đồng nhỏ vừa có nương rẫy trên đồi. Trước đây chỉ làm ruộng nương một vụ mùa, sau làm hai vụ lúa ruộng nhưng một số nơi hiện nay đã thâm canh tới 3 vụ lương thực.

II. Khái quát về người Cao Lan ở huyện Yên Bình

1. Khái quát chung về huyện Yên Bình

Cách thành phố Yên Bái 8km về phía Đông Nam, Yên Bình là huyện cửa ngõ phía Nam, là huyện vùng thấp của tỉnh Yên Bái. Phía Đông giáp với huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ, phía Tây Nam giáp với huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái, phía Đông Bắc giáp huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang, phía Tây Bắc giáp với thành phố Yên Bái.

Huyện Yên Bình có 26 đơn vị hành chính, bao gồm 2 thị trấn và 24, diện tích tự nhiên của xã là 77.319,67 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp có 57.690,43 ha chiếm 74,61% tổng diện tích tự nhiên. Tính đến năm 2010, toàn huyện có 105.525 khẩu với 5 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao và Cao Lan.

Yên Bình cũng là huyện có nhiều tiềm năng về rừng và khoáng sản. Trên dãy Con Voi, núi Ngàng, núi Yến có nhiều gỗ quý như gỗ lát, nghiến, đinh, lim,  sến, táu, lim xanh và các loại động vật như hươu nai, khỉ, lợn rừng, hổ, gấu, gà lôi, khiếu, vẹt, gấu. Do có diện tích mặt nước nhiều (hồ Thác Bà trên 15.000 ha) nên khí hậu ở đây mang tính chất vùng hồ: mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu; trồng cây công nghiệp chè, cao su, cây ăn quả và là tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch dịch vụ.

Các tài nguyên thiên nhiên của huyện khá phong phú, ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng còn có một số khoáng sản khác như: đá vôi hoa hoá có độ trắng cao, đá vôi vật liệu xây dựng, chì, kẽm, pyrit, cao lanh, fenpat; ngoài ra còn có đá quý và các loại cát, quặng vàng, than nâu... Đây là những tài nguyên có trữ lượng lớn và đang hứa hẹn một tiềm năng lớn cho huyện Yên Bình.

Với địa hình chuyển tiếp từ trung du và miền núi, địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, được tạo bởi 2 dãy núi: dãy Cao Biền nằm bên tả ngạn sông Chảy (hồ Thác Bà) và dãy Con Voi là hệ thống núi cổ nằm phía hữu ngạn sông Chảy. Giữa hai dãy núi Cao Biền và Con Voi là hồ Thác Bà, đây là hồ thủy điện hình thành từ những năm 70 của thế kỷ 19. Danh thắng quốc gia Hồ Thác Bà với hơn 1.000 đảo lớn nhỏ đã tạo nên cảnh quan kỳ thú và hấp dẫn với thảm thực vật, gỗ quý, các loại động thực vật thủy sản, hang động cùng nền văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc.

2. Khái quát về xã Tân Hương

Tân Hương là xã vùng II của huyện Yên Bình, nằm dọc quốc lộ 70 xã Tân Hương có diện tích đất tự nhiên là 6.409 ha, dân số trên 6.700 khẩu với 1.579 hộ gồm 4 dân tộc sinh sống ở 15 thôn, bản. Phía Đông giáp hồ Thác Bà, phía Bắc giáp xã Cẩm Ân, phía Nam giáp xã Đại Đồng, phía Tây giáp huyện Trấn Yên. Vào những năm 60 của thế kỷ 19 người dân về định cư ở xã Tân Hương nhường chỗ cho công trình thuỷ điện Thác Bà.

Đến nay người Cao Lan xã Tân Hương chiếm 1/4 dân số toàn xã, tập trung chủ yếu ở các thôn Loan Hương, Ngòi Vồ, Khe Gày, Khe Giỏ, Yên Thắng và Khuôn La. Tân Hương là xã có nhiều thung lũng đẹp và được tạo nên do quá trình chuyển hoá lắng đọng, do đó diện tích ruộng lầy và chằm có độ chua rất cao. Qua quá trình sinh hoạt, nhân dân nơi đây đã khai phá, đắp bờ giữ nước để tạo ra những cánh đồng trồng lúa nước. Cùng với các dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Nùng, người dân xã Tân Hương nơi đây đã đoàn kết một lòng xây dựng quê hương, phát triển kinh tế gia đình.

3. Khái quát về người Cao Lan ở xã Tân Hương

3.1 Lịch sử di cư của người Cao Lan

Theo kết quả khảo sát ở những địa phương có người Cao Lan sinh sống, thì nguồn gốc của người Cao Lan là từ Quảng Đông, Quảng Tây, Dương Châu, Quý Châu (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam cách đây khoảng 300 – 500 năm. Khi sang Việt Nam, người Cao Lan cư trú ở tỉnh Quảng Ninh sau đó di cư đến các tỉnh miền núi, trong đó có các huyện của tỉnh Yên Bái.

3.2 Người Cao Lan ở xã Tân Hương

Xã Tân Hương, huyện Yên Bình hiện có 15 thôn bản, trong đó có 6 thôn có người Cao Lan sinh sống là: Khe Gày, Ngòi Vồ, Khuân Giỏ, Yên Thắng, Khuân La và thôn Loan Hương. Trong đó thôn Khe Gày và thôn Khuân La có tới 90 % là người Cao Lan. Đời sống của người Cao Lan chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó có lúa nước nhưng nương rãy đóng vai trò rất quan trọng trong. Những năm gần đây, người Cao Lan xã Tân Hương rất phát triển chăn nuôi bò, lợn, gà…, ngoài ra còn phát triển trồng rừng, trồng các cây công nghiệp như quế, chè, sắn…Bên cạnh nguồn lương thực chính là cây lúa, người Cao Lan nơi đây còn trồng các loại hoa mầu khác nhằm cải thiện đời sống như ngô, khoai, rau, quả, đặc biệt là trồng cây bông dệt vải.

Những năm gần đây, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, người Cao Lan ở Tân Hương đã tích cực phát triển nghề rừng, trồng các loại cây công nghiệp như chè, quế; chăn nuôi gia súc, gia cầm như: lợn, gà, trâu, bò... góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào.

3.3 Một số đặc điểm về văn hóa vật chất của người Cao Lan

Trong quan niệm của người Cao Lan, ngôi nhà là nơi chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. Nhà ở của người Cao Lan thường có hai dạng:

Nhà sàn cổ truyền: Giống như nhà sàn của người Tày, Nùng, nhà sàn cổ truyền của người Cao Lan có cấu trúc khá phức tạp, nhưng đều làm từ tre và gỗ kiếm trong rừng. Mặt sàn nhà có dạng hình chữ nhật hoặc gần hình vuông, được cấu trúc 3 hoặc 5 gian, có từ 1 đến 2 cầu thang lên xuống sàn, cột được kê trên hòn đá tảng hay chôn xuống đất. Người Cao Lan không kiêng dựng nhà với số gian chẵn nhưng những nhà có số gian chẵn thì gian cuối được dùng vào việc cất giữ đồ đạc.

Nhà trệt: Ngoài loại nhà sàn cổ truyền ra, hiện nay người Cao Lan còn có loại nhà trệt. Nhà trệt hiện nay được cấu trúc dạng tường xây bằng gạch và xi măng, mái làm từ tre và gỗ, lợp bằng ngói sông Cầu. Trước đây chỉ có những gia đình khá giả về kinh tế mới làm được nhà xây, bởi vì rất tốn kém trong việc vận chuyển nguyên vật liệu bằng gạch, xi măng và sắt thép. Hiện nay, do giao thông đi dễ dàng và có nhiều phương tiện vận chuyển vật liệu, mặt khác do rừng khan hiếm nên người Cao Lan có xu hướng làm nhiều nhà xây tường. Họ cho rằng làm nhà xây đỡ tốn kém hơn dùng nhà sàn mà lại ở được lâu.

Chọn đất, hướng nhà

Theo quan niệm người Cao Lan, việc chọn đất, khởi công lấy nguyên vật liệu, ngày dựng nhà được lựa chọn thật kỹ lưỡng. Sau khi chọn được ngày lành, thành tốt người Cao Lan bất đầu khởi công đào đất. Do có thói quen cẩn thận nên trước khi tiến hành công việc đào và san nền, có không ít gia đình mổ gà cúng gia tiên và thổ thần để cầu mong phù hộ. Cũng giống như một số tộc người khác ở miền núi phía bắc, đối với mảnh đất mới được chọn để dựng nhà, trong vài ba ngày đầu đào đắp nền, người Cao Lan cũng có tập quán xem mộng. Nếu mơ thấy nhiều điều xấu liên quan đến sản xuất và tính mạng của nhiều thành viên trong gia đình thì có thể tổ chức lễ cúng giải hạn hoặc bỏ mảnh đất đã được chọn để đi tìm nơi khác.

Một số tập quán, tín ngưỡng liên quan đến cư trú trong nhà

Cũng giống như các tộc người khác, người Cao Lan có quan niệm rằng ngôi nhà cần dành những chỗ long trọng để thờ cúng tổ tiên và các loại thần, mục đích không chỉ cầu mong sự phù hộ sức khoẻ cho các thành viên trong nhà mà còn thuận lợi cho các công việc sản xuất và chăn nuôi...Những người họ thờ cúng trong nhà là tổ tiên, Phật và các thần: táo thần, thần phù hộ trồng trọt và chăn nuôi...Tất cả những chỗ để thờ cúng đều được coi là linh thiêng và có sự kiêng kị nhất định như: không cho sản phụ đi qua, không treo những thứ được gọi là tạp uế như đồ mặc của phụ nữ, quần lót của người đàn ông, đặc biệt là đồ mặc của sản phụ, tã lót của trẻ sơ sinh…

3.4 Một số đặc điểm văn hóa tinh thần của người Cao Lan

+ Thờ cúng tổ tiên:

Người Việt là một trong các tộc người có tục thờ cúng tổ tiên sớm nhất. Người phương Tây coi trọng nhất ngày sinh thì người Việt lại coi trọng ngày mất, do đó bàn thờ gia tiên của người Việt thường được đặt ở nơi trang trọng nhất. Trong mỗi gia đình người Cao Lan đều có hai nơi thờ tự: Bàn thờ hương hoả và bàn thờ tổ tiên.

Bàn thờ hương hoả: Thường được đặt trên cao của gian bên trái hoặc bên phải kề gian chính giữa của ngôi nhà. Ở đó, người Cao Lan thờ một hoặc hai vị thánh hoặc Phật và các thần linh bảo trợ cho các thành viên của cả dòng họ. Người Cao Lan thờ hương hoả là để cầu phúc, cầu tài, cầu lộc cho gia đình và dòng họ. Mỗi dòng họ thờ hương hoả theo cách riêng của mình. Do đó, cách bố trí ban thờ, lễ vật, lễ nghi thờ cúng, lập ban thờ mới ở mỗi dòng họ đều khác nhau.

Bàn thờ tổ tiên của người Cao Lan bao giờ cũng được đặt ở gian chính giữa, sát với tường hậu. Ngày nay các gia đình thường đặt trên giá hoặc trên mặt tủ liền phía trong bàn nước hoặc phản gỗ kê ở gian chính giữa để tiếp khách.

Trên bàn thờ tổ tiên của người Cao Lan đều thờ cả cha mẹ vợ (đã qua đời). Nhưng họ không có bát hương riêng, nếu có ảnh thì ảnh của họ được đặt ở vị trí thấp hơn ảnh của tổ tiên. Ngoài ra, các vị cô, dì, chú, bác, anh, em mất khi chưa có gia đình (bà cô, ông mãnh) hoặc những người thân không có con cái cũng được thờ theo cùng với tổ tiên.

+ Thờ cúng thần thánh:

Người Cao Lan xã Tân Hương rất coi trọng tôn giáo, tín ngưỡng. Điều đó được xuất phát từ cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống của người Cao Lan trước đây là du canh du cư, do đó khi tìm được mảnh đất để định cư thì họ lập ngay một miếu thờ thành Hoàng làng, họ cho rằng thành Hoàng làng là người đã có công xây dựng lên làng giúp dân khai khẩn ruộng hoang, khai phá rừng để cuộc sống người dân ngày nay mới được ấm no, hạnh phúc.

Ngoài thờ thành Hoàng làng, dân tộc Cao Lan còn có tín ngưỡng thờ bà Mụ “Màng nàm tàng” gọi là bà Thần Nam Đường. Trong các gia đình có trẻ nhỏ mới sinh, họ lập một bàn thờ Mụ ngày tại nơi em bé nằm, bàn thờ Mụ được trang trí rất đơn giản, có thể dưới chân cột nhà hoặc phía trong góc nhà. Tại đó họ dán tờ giấy vàng mã lên cột, làm một cái ống để cắm hương hàng tháng cúng Mụ cho trẻ, đồ lễ cúng là hoa quả, bánh kẹo, xôi gà… và cúng đến khi em bé trưởng thành mới thôi.

Nhằm để cầu thần phù hộ cho chăn nuôi gia súc trong nhà hay ăn, chóng lớn, trong các gia đình người Cao Lan đều lập một ban thờ trong góc bếp của gia đình. Ban thờ này rất đơn giản, có thể chỉ là miếng gỗ phẳng đặt trên cối đá, đồ cúng là những sản phẩm mà họ tự làm ra, mùa nào thức ấy như: Đến mùa gặt lúa mới, họ đem gạo mới đó nấu lên rồi cúng, hay ngày Tết gói bánh trưng để lên ban thờ cúng; một chai rượu hay vài cái chén rót rượu cúng để tạ ơn thần thánh đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, chăn nuôi gia súc nhanh lớn.

III. Khái quát về đời sống văn hóa của người Cao Lan xã Tân Hương

1. Lễ hội truyền thống.

Mỗi độ xuân về từ miền xuôi đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, đâu đâu cũng vậy, không khí hội xuân và mùa hẹn hò đã đến. Già, trẻ, gái, trai kéo nhau tấp nập đi trẩy hội. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có lễ hội riêng biệt vào những ngày của tháng giêng, tháng hai, một số vùng kéo sang cả tháng ba. Dân tộc Cao Lan cũng như các dân tộc khác có rất nhiều các lễ hội, nổi bật là các lễ hội:

Hội đình làng

Ngay từ khi tìm được mảnh đất để định cư lập nghiệp, người Cao Lan nơi đây đã xây dựng ngay một đình làng, đó là nơi để hội họp, tổ chức các lễ hội. Đình làng còn là nơi thờ thành Hoàng làng và những người có công lập nên làng, ngoài ra đình làng còn thờ thần thổ công, thổ địa của vùng đất đó và thần ca hát (nữ thần Lắm Slam).

Lễ hội đình làng gồm hai phần: phần lễ và phần hội.

Phần lễ: Trước khi vào phần lễ mọi gia đình trong làng cùng đến mỗi người một việc như quét dọn, trang trí, chuẩn bị sắm lễ…Sau đó làng cử một người cao tuổi, có uy tín trong làng làm chủ tế. Lễ vật dâng cúng gồm: thủ lợn, gà, xôi, hoa quả, rượu, tiền vàng, hương thơm…Chủ tế cầu khấn thần linh, thổ địa và các vị thần linh trên trời phụ hộ cho dân làng khoẻ mạnh, chăn nuôi, trồng cấy được mùa và gặp nhiều may mắn.

Phần hội: Sau khi lễ xong tại đình, lúc này mới bắt đầu các hoạt động vui chơi, đây cũng là thời điểm thu hút đông đảo người dân tham gia. Các trò chơi dân gian được các thanh niên nam, nữ trong làng tham gia như: ném còn, chọi gà, đá bóng, hát giao duyên…Trong lễ hội bên cạnh các trò chơi như kéo co, đẩy gậy… thì không thể thiếu làn điệu Xịnh ca.

Lễ hội đám chay

Lễ hội đám chay là nghi lễ truyền thống, đã tồn tại từ rất lâu đời, đây là một lễ thức cầu xin sự bình an cho gia đình và dòng họ của gia chủ nơi tổ chức lễ hội, khi trong gia đình dòng họ làm ăn luôn thất bát, không may mắn; luôn ốm đau bệnh tật; chăn nuôi, trồng cấy luôn bị mất mùa, gặp nhiều tai ương... Lúc đó dòng họ sẽ tiến hành làm đám chay để tạ ơn tổ tiên, trời đất và cầu xin sự che chở và phù hộ luôn được an bình, ấm no, hạnh phúc, đồng thời cúng tạ Ngọc Hoàng, tổ tiên và ma ham (ma nhà của người Cao Lan).

Lễ hội này được tổ chức ở quy mô gia đình. Trong mỗi gia đình, tùy thuộc vào từng dòng họ riêng biệt mà lễ hội này được tổ chức ở quy mô to nhỏ khác nhau, thời gian ngắn hay dài. Ví dụ như đám chay to nhất là của dòng họ Trần tổ chức 7 ngày kể từ ngày khai bút (hoi pệt) với rất nhiều nghi thức và sử dụng nhiều loại đạo cụ: chiêng trống, thanh la và các điệu múa thiêng được tiến hành liên tục; hay họ Lịnh tổ chức 5 ngày, họ Lương 5 ngày...

Vào ngày này, gia chủ mời 3 thầy cúng, trong đó có 1 thầy cả đứng tên tổ chức nghi lễ gọi là say phù và từ 12 - 15 thầy đạo tràng (người giúp việc cho thầy cúng đã được cấp sắc) liên tục viết các tờ sớ bằng chữ nôm Cao Lan để thể hiện các ước mơ, nguyện vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Thời gian viết sớ liên tục cho tới ngày chính thức của lễ hội. Nghi lễ chính thức sẽ diễn ra liên tục từ 17h chiều cho tới sáng ngày hôm sau trong ngày cuối cùng của lễ hội.

Lễ hội đám chay được tổ chức tại nhà gia chủ, nơi tổ chức nghi lễ. Tại đây, người Cao Lan lập hai đàn cúng - một trên nhà nơi thờ tổ tiên của người Cao Lan, nơi đây sẽ diễn ra các nghi thức chính và một đàn cúng dưới sân nơi thờ thổ công, các vị thần trông coi đất đai. Lễ vật dâng cúng trong ngày lễ chính là các lễ chay bao gồm hoa quả, bánh trái và các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Còn lễ vật phía đàn cúng dưới sân nơi thờ các âm binh và đoàn quân quan của các thánh là lễ tạp gồm 5 mâm cúng nhỏ có thịt lợn luộc và một mâm cúng chính gồm 1 con ngan. Theo quan niệm dân gian, đây là lễ chay nên các thần thánh và tổ tiên chỉ cần cúng lễ chay, còn các đoàn quân quan đi bảo vệ các thần thánh sẽ được cúng lễ tạp mà không cần kiêng chay.

Nghi lễ truyền thống của người Cao Lan này thường được tổ chức vào cuối năm và diễn ra vào những ngày cuối tháng. Lễ hội diễn ra thể hiện những khát vọng về một cuộc sống ấm no, ai cũng được sống hạnh phúc, bình an… Kết thúc lễ hội, trong không khí vui vẻ của dân làng, các thầy cúng và đạo tràng cùng với anh em, con cháu trong gia đình gia chủ vui vẻ bên những chén rượu nồng, cùng chúc tụng nhau đã tổ chức thành công nghi lễ và chúc nhau có một cuộc sống mới tươi đẹp.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

Lễ hội Khai đèn (hay cúng đèn thần)

Sau khi tổ chức xong lễ hội đám chay, mọi người chọn ngày, giờ đẹp sẽ tổ chức lễ hội khai đèn (hay cúng đèn thần). Lễ hội thường được tổ chức vào đầu năm và được diễn ra tại đình làng.

Lễ vật dâng cúng gồm; một thủ lợn, xôi, gà, phẩm oản, bánh dày, trầu cau, tiền vàng, hương thơm. Những lễ vật này đều được dân làng tự nguyện đóng góp tiền để sắm lễ. Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật, chủ tế dâng lên cúng tại đình, thay mặt dân làng chủ tế cầu khấn đến vị thần có ngọn đèn soi sáng cõi âm dương chỉ lối cho con người, phù hộ cho dân làng mạnh khoẻ, mùa màng bội thu, gia đình hành phúc…

Sau khi phần cúng lễ xong sẽ chuyển sang phần hội, tại đây mọi người tham gia hát giao duyên, hát Xịnh ca và các trò chơi dân gian như: ném còn, đánh quay, kéo co, ném vòng…

2. Tết của người Cao Lan

Người Cao Lan cũng như các dân tộc khác có nhiều tết trong năm, mỗi tết có một ý nghĩa khác nhau, họ gửi gắm vào đó những ước nguyện, tình cảm về thế giới phồn thực, no đủ. Người Cao Lan có 4 tết, đó là: tết Nguyên đán (tháng Giêng), tết Thanh minh (mùng 3 tháng 3), tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), tết xoá tội vong nhân (Rằm tháng 7).

Tết Nguyên đán

 Đây là tết lớn nhất trong năm của người Cao Lan và được người Cao Lan chuẩn bị tương đối chu đáo. Tết của người Cao Lan thường được bắt đầu từ 25, 26 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, chủ gia đình thắp một nén hương thơm lên bàn thờ, mang ý nghĩa thông báo và mời tổ tiên về ăn tết, đón xuân cùng con cháu.

Ngày 30 Tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm nên từ sáng sớm, việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương. Sau đó, dán giấy đỏ lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo, các cây lưu niên... Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, niềm vui trong cuộc sống, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại.

Tùy theo từng dòng họ mà cách bài trí bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết cũng khác nhau. Trên bàn thờ gia tiên phải có mâm ngũ quả, cành đào, cành mận hoặc hoa hải đường… . Bàn thờ của người Cao Lan thường được chia làm hai khu vực,  nơi trang trọng nhất thờ tổ tiên, những cụ tổ đã ngoài 5 đời; bàn thờ này chỉ có hoa thơm, quả ngọt và nước trà tươi vì theo quan niệm đã qua 5 đời thì các cụ đã thành tiên nên đồ cúng phải tinh khiết. Bên dưới là bàn thờ các cụ tổ trong phạm vi dưới 5 đời và đồ cúng trong những ngày tết là thức ăn mặn.

Buổi chiều 30 Tết, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Do có quan niệm “trần sao âm vậy” nên trong gia đình có những thứ gì trong mâm cơm ngày tết thì phải dâng lên tổ tiên trước. Nhưng đa số trong mâm cơm cúng gà trống. Gà để dâng lên tổ tiên phải được chọn lựa kỹ từ 2-3 tháng trước, phải chọn những con gà lông óng mượt, chân nhẵn vàng, không được quá non cũng không được quá già (tốt nhất là chọn gà trống chưa biết đạp mái).

Sau khi chuẩn bị xong, mâm cơm được dâng lên bàn thờ tổ tiên, lúc này chủ nhà thắp hương thông báo với tổ tiên kết quả đạt được trong năm qua và mời tổ tiên về ăn tết với gia đình, vui cùng con cháu. Sau khi cúng tổ tiên xong, mâm cơm được hạ xuống, lúc này các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần bữa cơm tất niên và chuẩn bị đón môt năm mới. Sáng mồng 1 Tết, chủ nhà và con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong dòng họ, còn phụ nữ ở nhà làm cơm đãi khách đến chúc tết. Từ mùng 2 tết các gia đình mới tổ chức hát Xịnh ca, cuộc hát này được diễn ra tư ngày này sang ngày khác, từ gia đình nọ sang gia đình kia.

Tết thanh minh (Mùng 3 tháng 3)

Được diễn ra vào thời điểm chuyển giao của mùa đông sang mùa xuân, với tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Vào thời gian này người Cao Lan đã bắt đầu tập trung vào trồng trọt, nương rãy. Trong ngày tết thanh minh, các gia đình người Cao Lan làm cơm cúng tổ tiên, tảo mộ để tưởng nhớ cha mẹ, ông bà đã khuất. Cơm cúng của người Cao Lan trong ngày này không thể thiếu cơm đen (ngài đăm) và cơm đỏ (ngài lâng).

Tết Đoan ngọ (Mùng 5 tháng 5)

Đây là dịp để người dân dâng lên tổ tiên, thần linh những sản phẩm cây trái đầu mùa với tấm lòng biết ơn, đồng thời cầu mong cho mùa thu hoạch tới được vẹn toàn, mùa màng không bị sâu bọ. Trong ngày này, người Cao Lan còn làm bánh Lảng để dâng lên tổ tiên.

Tết xoá tội vong nhân (Ngày 15 tháng 7)

Người Cao Lan quan niệm rằng tết xoá tội vong nhân được bắt nguồn từ công việc đồng áng của người dân. Hàng năm, vào tháng 6 hay tháng 7 âm lịch lúc đó vào vụ thu hoạch mùa màng, để công việc gặp may mắn, không trắc trở, người dân thường cầu xin tổ tiên, thần linh, thổ địa…phù hộ . Đến ngày 14 hay 15 tháng 7 âm lịch, khi công việc đồng áng, thu hoạch lúa đã xong, lúc này người dân thường làm lễ cúng để tạ ơn thần linh, thổ địa, đồng thời để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát. Ngoài mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người Cao Lan còn làm một mâm cúng các vong hồn. Mâm cơm cúng các vong hồn thường có: quần áo chúng sinh, cháo loãng, gạo, muối, bỏng ngô (nếu có) và tiền vàng.

* Lễ hát Xịnh ca dân tộc Cao Lan, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

I.  Nguồn gốc của lễ hội hát đối Xịnh Ca

Từ bao đời nay, Xịnh ca vẫn là một trong những nét văn hoá đặc sắc của người Cao Lan ở xã Tân Hương. Hát Xịnh ca hay còn gọi là hát “Xướng cọ” đã có từ rất xa xưa, tương truyền là do nàng Lắm Slam sáng tạo ra, bắt nguồn từ một tình yêu đẹp giữa nàng Slam và chàng trai nghèo tên Dừn. Nhưng mối tình không thành, Nàng Slam bị ép gả cho nhà giàu, nàng phải giả câm điếc suốt 3 năm và không nguôi nhớ người tình cũ, nàng đã ấp ủ trong lòng hàng nghìn lời ca nhớ nhung da diết. Khi biết chàng Dừn chết, nàng Slam đã tựa vào gốc cây thông và hát lên những lời thương tiếc rồi trút hơi thở cuối cùng tại đó. Hồn nàng nhập vào gốc cây thông, quanh năm buốn mùa vi vu gió hát những câu nhớ thương da diết. Những lời hát ấy được người Cao Lan nghe và nhớ rồi truyền từ người này sang người khác và đặt tên là hát Xịnh ca. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, trai gái người Cao Lan lại có những lời ca mời hồn nàng Slam về nhập cuộc hát và sau cuộc vui lại có những lời hát tiễn nàng đi.

Có thể nói, trong kho tàng văn nghệ dân gian Cao Lan thì Xịnh ca được xem là mảng đặc sắc và gía trị nhất. Nó được xem như “ bản sắc văn hóa”,  là cái hồn của người Cao Lan. Người Cao Lan dùng câu hát để truyền tải tâm tư khát vọng của tình yêu đôi lứa.

Ngôn từ trong Xịnh ca không chỉ là hình thức, là chất liệu nghệ thuật, mà còn là tâm huyết và tài năng của rất nhiều nghệ sĩ người Cao Lan sáng tạo, trau chuốt.

II. Đặc điểm của hát đối Xịnh Ca

Hát Xịnh Ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng. Khi hát Xịnh Ca, người Cao Lan thường sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình kết hợp cùng trang phục truyền thống. Chính sự kết hợp hài hòa này đã tạo nên nét văn hóa riêng của người Cao Lan. Nói đến Xịnh Ca là nói đến một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp giao duyên, lời hát có từng chương, trai gái hát đối nhau hết chương này nối sang chương khác, lời hát đối đáp mộc mạc của các chàng trai cô gái Cao Lan cứ say sưa kéo dài. Đây chính là nét độc đáo trong thơ ca của người Cao Lan.

Người Cao Lan hát Xịnh Ca thổ lộ tâm tình không chỉ vào dịp đầu năm mà họ còn hát với nhau ở trên đồi núi, ruộng đồng, ở ngoài đường, góp phần xua đi những mệt mỏi vất vả sau mỗi vụ mùa.

Hát Xịnh Ca có nhiều dạng như hát trong đám cưới, hát trong ngày lễ hội, hát chúc tụng các gia đình…Đặc biệt, trong hát hội chỉ có thanh niên nam, nữ mới được tham gia vì đi hát là để tìm hiểu yêu đương. Hát Xịnh Ca không có nhạc đệm nhưng có nhiều chủ đề để hát như: Hát mở đầu, Hát vào bản, Du dương ca (hát trên đường), Hát chúc phụng chủ nhà, Hát mời thần ca hát.

III. Trang phục hát đối Xịnh Ca

Đối với hát Xịnh Ca thì trang phục đóng một vai trò quan trọng và mang tính chất truyền thống. Đối với người Cao Lan điểm nổi bật nhất là chiếc áo, thân áo được thiết kế dài được nối bởi 2 màu bên trên màu nâu, bên dưới màu chàm. Nếu đi chơi làng, chơi hội thì được nối thân trên màu đỏ, bên dưới màu chàm. Chính vì thế mà trang phục truyền thống của người Cao Lan có tên gọi áo nối.

Chiếc áo thoạt nhìn đơn giản nhưng lại được cắt nối khá cầu kỳ. Cổ áo gần giống với chiếc áo tân thời, áo mở nẹp chéo trước ngực và kéo sang cài khuy bên sườn phải, 2 bên nách xẻ tà, vạt áo dài đến ngang bắp chân của người mặc. Váy của người Cao Lan được may khá đơn giản, hơi xoè phía dưới giúp người mặc đi lại được dễ dàng hơn. Váy của người Cao Lan thường có màu chàm và dài đến bắp chân. Dây lưng của người Cao Lan gọi là “Sali bịn”, được thắt ôm khít lấy eo rồi buông dài xuống phía trước.

IV. Nghi thức hát đối Xịnh Ca

Thời gian tổ chức:  Thường tổ chức trong ngày lễ hội đầu năm mới

Địa điểm tổ chức:  Tại đình làng, nhà riêng hoặc ở ngoài đường.

Hát Xịnh Ca của người Cao Lan thường được nam, nữ ở tuổi thành niên đi hát tỏ tình, gia duyên, họ mượn cảnh để tỏ tình, rồi hỏi han về nhau, về gia cảnh, nhà cửa… và cuối cùng là yêu thương, nhớ nhung, hẹn hò, có cả trách móc, giận hờn. Các chàng trai Cao Lan thường đến nhà để tỏ tình với các cô gái mình yêu, thích, nhưng cũng có khi họ tỏ tình ở ngoài đường.

Cũng như Quan họ và nhiều loại hình dân ca khác, người Cao Lan mở đầu cuộc hát là những bài chào hỏi, thường người con trai hát trước, lời ca gợi cảm, gợi tình, ca ngợi vẻ đẹp của người con gái, bên nữ nghe mà chưa đáp lại. Đây là nét tinh tế, e thẹn và đó là bản sắc riêng của loại hình Xịnh ca Cao Lan. Khi họ đã trải qua những lời chào hỏi ban đầu, người con gái thấy có duyên tình tứ thì mới hát đối đáp lại.

Mỗi một dân tộc lại có phong tục đón tết riêng rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Với người Cao Lan cũng vậy, họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình bằng những lời ca tiếng hát, qua đó đã mô tả được cảnh đón năm mới của người Cao Lan:

                                        Cụ nìn cụ lín, săn nìn lài

        Táo sự chau mùn, penh chí sài

         Táo sự chau mùn, pênh chí dip

                                         Phông sui chí dip lênh ai ai

Dịch nghĩa

     Năm cũ qua đi năm mới đến

                 Nhà nhà, dán giấy màu xung quanh

         Tập tục Cao Lan đâu cũng vậy

               Gió đưa lủng liểng sáng long lanh

Hay

        Chinh nhit su dắt, hới săn nìn

         Ca ca, phơi tặng, chệnh ca sin

         Ca sin tắc rìn, quay dăm phấn

     Páo dủ nhì sụn, su mẳn nìn

 

 

Dịch nghĩa

                 Tháng riêng mùng một năm mới đến

  Nhà nhà bày cỗ thờ tổ tiên

     Tổ tiên nhận tiền về âm phủ

           Phù hộ con cháu sống vạn niên

Tết cũng là dịp để các chàng trai, cô gái gặp gỡ hát duyên, hát đối tìm hiểu yêu đương, để rồi sau đó tìm hiểu về nhau, về gia đình, nhà cửa... và cuối cùng là yêu thương, giận hờn, trách móc.

                                                    Cụ nìn hợi líu săn líu lái

   So sam so sợi va hèng hai

   So sam so sợi và hai cháo

  Mỏi hắm sin tìu lưi lủ lái

Dịch nghĩa

                  Mùng một mùng hai năm mới đến

         Khác gì cây trái nở hoa tươi

       Cây nở hoa tươi rồi kết trái

                Con người trai gái hát kết duyên

Hay

           Chinh nhit su dắt hơi săn nìn

        Cọ cọ sêu nìn hợi dàu dịnh

              Hơi tạo dàu dinh xày chốc hới

            Chốc hới lăn si tẳn không lìn

Dịch nghĩa

         Năm cú qua đi năm mới đến

                 Các chàng trai gái chúc tụng nhau

            Chúc cho con cháu đều vui vẻ

           Xuân này qua đi xuân kia về

Khi đến nhà cô gái để tìm hiểu, chàng trai hát:

Tời dắt hai sênh slin mờu chứ

     Tời ngừy hai sênh slin mờu chau

Slạu sài sắt cai táu mùng mợt

  Ẹn chí phây thin táu mùng dàu

Dịch nghĩa

Thứ nhất ngỏ lời xin hỏi chủ

    Thứ nhì mở miệng xin hỏi làng

     Nghe nói làng ta nhiều hoa đẹp

             Nghĩ rằng hoa muốn bướm bay sang

Hay

  Kệnh cụ slốc ông su lênh tàu

  Làng lài lù dưn tạo nình chau

 Lài tào nình chau slốc dắt di

                                                     Xịnh co mù mấy di mù làu

Dịch nghĩa

 Lời ca thưa kính các cụ ông

         Đường dài dẫn lối đến bản Đông

    Bản Đông hoa đẹp xin ngủ lại

   Hát ví một đêm với hoa hồng

Lúc này chàng trai hỏi tên cô gái để tâm tình:

                                                     Mờu tan va hai tú tú slăn

             Thin slạn vằn mềnh nhịt chệnh chăn

       Căm di slinh phồng vằn sác lợc

    Xíp từu hai sênh vằn mờn săn

Dịch nghĩa

      Trên trời có đám mây vờn nắng

         Dưới thung có đoá mẫu đơn xinh

      Trăng lên hoa lại càng xinh xắn

Hỏi hoa tên họ để tâm tình

Lúc này cô gái mới đáp lại:

          Mừy sàng toọc sư mờu Hống chí

  Mừy lợp dich lù slin pại sần

         Mừy sàng xịnh co slin mờu mòi

     Mờu mòi hò ca hò slệnh nhằn

Dịch nghĩa

                                                         Tên em là một loài hoa

                  Họ hàng chẳng có cửa nhà thì không

       Sinh thời từ thủa hồng hoang

           Mẹ em là đất – cha em trên trời

Chàng trai tỏ tình:

   Pục chí tồng pầy tồng sự lùm

    Chiu chí tồng cồng tồng sự va

    Pằng dơu tồng sun các can ốc

  Phu say tồng chắm các di nà

Dịch nghĩa

 Quả xổ vỏ cong ôm lấy múi

              Buồng chuối quả cong ôm lấy cành

Khỉ con tay dài ôm lấy mẹ

    Anh muốn nằm co ôm lấy em

Cô gái đáp lại:

       Kịn làng lù din háy nình thính

       Háy nình thỏi thính cụ săn săn

           Sin kên mờn páo mình mới thính

                                       Dắt thám thơi thính càng làng dằu

Dịch nghĩa

    Chàng ở bản xa em nhớ lắm

                              Em nhớ chàng nhớ cả quanh năm

                              Bao nhiêu vàng bạc em chẳng thiết

                              Nhất tâm chỉ thích cùng chàng đi chơi

Sau những lời tỏ tình, hỏi – đáp của chàng trai, cô gái lúc này cô gái mời chàng trai vào nhà để cùng hát đối tiếp.

Vào trong nhà, chàng trai hát chúc gia đình cô gái:

           Co sì kềnh phồng chứ nhằn công

                Chứ nhằn công chác lưy chệnh tồng

           Chứ phờn nhằn sờn dừ tưy héch

          Mấy sếch Nàm san tiu lù thông

Dịch nghĩa

              Thơ ca kính phụng chủ nhân ông

                  Chủ nhân sống đặng như cây thông

                                                   Chỗ dựa cháu con trong dòng họ

      Nam sơn vùng núi khó ai bì

Hay

            Co sì kềnh phùng chứ nhằn say

           Nhợt dì slau chếnh chứ ca sày

                    Dưng nàm tún chệnh tông tàng chứ

        Dưng nui từn dừn cạ hợi say

Dịch nghĩa

            Thơ ca kính phụng chủ nhân bà

                   Nuôi con người người tươi như hoa

            Con trai nối dõi tông đường lớn

        Con gái hoa đời chờ xuất gia

Đối với hát Xịnh Ca, khi chàng trai đến nhà cô gái để tỏ tình thì không thể không hát chúc mộ tổ tiên vì người Cao Lan quan niệm rằng nếu không hát chúc tổ tiên thì không phải là người Cao Lan.

                Phùng lưu dinh hú phùng phằn tìn

          Phằn tìn chạng lợc dứt lồng tài

           Phằn tìn chạng lợc dứt lồng háu

  Nhì slun tời cát sắt cao tài

Dịch nghĩa

      Thơ ca kính phụng mộ tổ tiên

   Mộ tổ an nơi đất long điền

         Thế đất hướng về nơi cửa Phật

          Cháu con hưởng thụ lộc tổ tiên

Sau khi hát chúc mộ tổ tiên, cha mẹ cô gái xong chàng trai tiếp tục hát chúc anh trai cùng chị gái, chị dâu, em trai, em gái và không quên chúc cả chồng em. Chàng trai hát chúc xong, lúc này cô gái mới hát lời đáp:

                                         Sênh su tưy

                  Phùng liu nình sềnh phùng nình phu

           Nình sềnh chếnh sì làng săn ếch

           Nình phu chếnh sì tưy săn hềnh

Dịch nghĩa

                                         Cảm ơn chàng

       Chàng có ngàn lời hay ý đẹp

          Chúc nàng chúc cả mẹ cha em

         Chúc cả anh trai cùng chị gái

          Chúc chị dâu em xứng dâu tài

      Em gái, em trai đều chúc cả

                  Chàng còn chúc cả người chồng em

Cô gái hát tiếp:

                                         Senh su tưy

           Phìng liu nình nà phùng nình di

     Nình nà chếnh sì làng nà su

      Nình di chếnh sì tưy chăn di

Dịch nghiã

                                        Cảm ơn chàng

          Chàng ca lời đẹp chúc chồng em

             Chồng em chính là chàng ngồi đó

                Bao năm em sống trong thương nhớ

            Mà chàng chẳng biết cõi lòng em

Chàng trai hát đáp lại:

        Phùng liu chứ ca phùng mòi nà

          Phùng liu cu vênh chặn sồng tàu

     Ốc tàu nình ca làng phùng liu

        Lài vằn phùng hậy cọ sun chau

Dịch nghĩa

    Lời ca chúc tụng đã xong rồi

      Chúc cả gia đình ngôi nối ngôi

       Vẫn còn thôn bản chưa lời chúc

       Sống cùng thôn bản đời nối đời

Tiếp

    Co sì kềnh phùng mòi sun tàu

    Sun tàu sun mấy lỉnh dàu dàu

    Sun tàu hợp hấy sồng tăng tìn

       Sồng tăng tím vú lình mun chau

Dịch nghĩa

      Lời ca xin chúc thôn nàng sang

            Đầu thôn có miếu thờ Thành hoàng

              Ngày rằm mùng một đèn nhanh sáng

  Cầu thần phù hộ được dân an

Người Cao Lan hát Xịnh Ca không chỉ trong dịp đầu năm mới mà còn hát cả trong đám cưới, các chàng trai, cô gái đã mượn cảnh đám cưới để tỏ tình:

                                        Héc lài tạo

       Mằn tửi héc nhằn xẩy ná chau

      Mẳn tưi héc nhằn xẩy ná lênh

      Dâu mât héc nhằn pá mùn tàu

Dịch nghĩa

         Em hỏi đoán chàng từ đâu đến

              Đoán chàng đã đến ngoài sân nhà

               Ngày lành tháng tốt chàng đã định

      Vậy thì nghe hát mấy câu ca

Chàng trai đáp lại:

                                                

                                                    Héc lài tạo

          Tửi sỉ héc nhằn sẩy cống chau

          Tửi sỉ héc nhằn sẩy cống lênh

       Tửi dâu tam tạm pá màn tàu

Dịch nghĩa

Anh là khách lạ từ xa

                      Hôm nay đám cưới đến nhà của em

                  Gồng gồng gánh gánh mang theo

                  Tất cả thủ tục đem sang gửi nàng

Cô gái hỏi tiếp:

                                            Héc lái tạo

             Mẳn héc dâu sìn mấy dâu sìn

               Dưc héc dâu sìn tẳn phông lắc

             Dưc héc mú sìn héc thụi dinh

Dịch nghĩa

  Anh là khách lạ từ đâu

                  Có tiền có bạc có trầu cau không

            Tiền bạc trầu cau nếu đầy đủ

                       Không thì gồng gánh để về quê anh

Chàng trai đáp lại:

                                            Héc lái tạo

                 Hò nhằn sẩu tắc chếch lồng cay

                 Hò nhằn sẩu tắc chếch lồng háo

          Hò pun tẩy lưi pá mùn thay

 

Dịch nghĩa:

                                       Anh là khách lạ đến đây

            Ma đan được chiếc lồng ga rõ xinh

           Ngay lành tháng tốt chàng đã định

         Lồng ga lồng lợn gánh sang trình

Người Cao Lan luôn tự hào rằng chỉ có dân tộc mình mới có thần ca hát (thần Lau SLam), do đó vào những dịp tết đến xuân về người Cao Lan đều mượn thơ ca để mời hồn nàng Lau Slam về nhập vào cuộc hát:

          Cáng tạo Làu Slam làng dịu mởn

                                        Làu Slam hấy ốc sời hò cai

 Hấy ốc hò cai pềnh hò dừn

   Chếch lầy vầy cụ cấy tìu cai

 Dịch nghĩa

     Nói đến Lau Slam anh xin hỏi

             Lau Slam quê chính ở phương nào

     Nhà của Lau Slam nơi bản xứ

            Bản xứ nhà nàng mấy mươi châu?

Cô gái đáp lại lời chàng trai:

           Làng dơu mờn nình, nình sừn pạo

  Làu Slam hấy ốc sời slay cai

    Hấy ốc slay cai pềnh slay dừn

                                       Chếch lầy vầy cụ cáu tìu cai

Dịch nghĩa

      Chàng hỏi em rằng em xin thưa

     Quê của Lau Slam ở Tây Châu

                 Nhà của Lau Slam Tây phương hướng

                 Vườn nàng rào đến chín mười phương

Đến đây chàng trai hát mời:

  Vằn lênh hợp co sắt hợi sếnh

  Sếnh sú Làu Slam co sình lài

         Sếnh sú Làu Slam lài chác chệnh

    Làu Slam chếnh sì sờu co lài

Dịch nghĩa

     Đôi ta cùng hát lời cầu thỉnh

      Thỉnh cầu bà Thánh hát thi ca

        Bà Thánh thi ca Lau Slam đến

    Lau Slam là người tác thi ca

Cô gái đáp lại:

        Làu Slam lài tại Cao chau phấu

       Mùng kịn sìu mùn cáu vừy cun

           Cáu vừy cun nhằn sày nhắm cháu

          Làu Slam tim kích nhợp sìu mùn

 

Dịch nghĩa

    Kìa trông bà Thành thi ca đến

            Đến bằng đường thuỷ hay bộ hành

          Bộ hành kiệu hoa tám người rước

                    Đường thuỷ thuyền rồng tám người bơi

Chàng trai hát đối tiếp

       Lưy hồng lưy pẹc quạ nhằm si

           Sịch sồng phú quạy mun thun chi

            Sịch sồng phú quạy hông săn slấy

   Làu Slam slấy vừy sờu co sì

Dịch nghĩa

     Bà Thánh thi ca đến ngồi kia

     Bà ngồi ánh sáng toả lia thia

      Bà chẳng yêu cầu dâng lễ vật

                                        Chỉ cần ai đó lễ trầu cau

Cứ như vậy, đôi trai gái hát đối suốt đêm đến sáng hôm sau. Rồi đến lúc phải chia tay, họ như muốn níu kéo nhau ở lại, câu hát càng thêm đậm tình yêu, vừa trách móc, vừa thương yêu, vừa dặn dò và hẹn ngày gặp lại.

                                          Nhịt thầu tơi

            Nình cón sịnh co làng cón quay

          Nình cón sịnh co làng cón hợi

                                Nhịt thầu lộc lểnh mởn hùi quay

Dịch nghĩa

                                         Mặt trời còn ở trên cao

   Em đây muốn hát anh sao vội về

       Em đang muốn hát chàng lại vội đi

          Mặt trời lặn hẳn hãy về được không?

Hay

 

                                           Sính nung sính

                   Sính nung dờ tồng căm cỏng ngằn

                 Sính nung dờ tồng căm cỏng páo

  Pạ nình mới tắc cơn làng săm

Dịch nghĩa

            Nhớ chàng lắm lắm chàng ơi

                         Nhưng biết làm sao cho đỡ buồn sầu

              Em đây cai đắng và chua chát

                                  Biết nói năng gì lúc xa anh

Chàng trai tình tứ đáp lại với lòng yêu thương:

                                              Làng quay hợi

                  Thút tỉu nếnh sam hới mỏi san

                   Nhât lưi tàu lài phan phốc họn

                                    Rỉ lưi tàu lài vằn tẻm tàu

 

Dịch nghĩa:

      Bây giờ là lúc chia tay

                       Anh trao kỷ vật cho em mang về

           Đem về khi nhớ em xem

             Lúc nào đi ngủ em đem gối đầu

Họ đã chia tay ra về với bao nhớ nhung, thương yêu lẫn giận nhau, trách “yêu” nhau, các chàng trai, cô gái Cao Lan đã gửi gắm tình cảm ấy vào lời thơ, câu hát. Để rồi đến ngày xuân khi cây cối đâm chồi, nảy lộc, tình yêu nam nữ càng đậm, càng sâu, càng tha thiết yêu thương. Họ rủ nhau đi chơi, đi hát suốt cả tháng giêng, tháng hai, đi hát ở hết bản này sang bản khác. Họ hát đối, hát giao duyên cho tình thêm đậm, họ yêu nhau qua lời hát, họ mến nhau bằng câu ca và họ lấy được nhau vì say mê tiếng hát.

V. Kết luận

Xịnh Ca của người Cao Lan được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng tiếng Hán, hát Xịnh Ca ít khi có nhạc đệm, chủ yếu là do sự ứng phó tình huống, đối đáp của người hát. Các làn điệu hát Xịnh Ca giản dị mà sâu lắng, phản ánh đời sống tinh thần, nói lên ước vọng của người Cao Lan về một cuộc sống ngập tràn tình yêu thương và hạnh phúc. Người lớn tuổi thì hát để so tài, còn nam thanh nữ tú sẽ giao duyên, tỏ tình với nhau qua những câu hát đối đáp để tìm hiểu nhau. Mỗi độ xuân về, làng mở hội, những làn điệu Xịnh Ca ấy dập dìu suốt đêm, giai điệu bay bổng, lúc âm vang, lúc thánh thót, hòa quyện trong gió mang theo hương vị mùa xuân làm lay động lòng người. Mang giá trị quan trọng trong đời sống tinh thần, hát Xịnh Ca đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu của đồng bào Cao Lan.

Xịnh ca là dân ca nhập tâm, là kho tàng văn hóa sinh động phản ánh đời sống nội tâm vô cùng phong phú nhưng cũng hết sức mộc mạc, giản dị của bà con dân tộc Cao Lan. Để gìn giữ những làn điệu Xịnh Ca - nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan, hàng năm tại thôn Khe Gày xã Tân Hương, huyện Yên Bình nghệ nhân Lạc Tiên Sinh đã thành lập được một lớp truyền dạy hát Xịnh Ca cho đồng bào dân tộc Cao Lan trong thôn, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Có thể nói từ mạch nguồn truyền thuyết về nàng Lưu Tam mà người Cao Lan ở Yên Bái nói chung và dân tộc Cao Lan ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình nói riêng luôn tự hào và coi làn điệu Xịnh Ca là sản phẩm trí tuệ, văn hóa lâu đời nhất của dân tộc mình còn lưu giữ, phát triển đến ngày nay.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

Ban Biên tập Cổng TTĐT

 

 

 

 

 

4560 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h