Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác dân tộc, Chiến lược công tác dân tộc

29/01/2019 07:01:37 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành Trung ương, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc cùng các chính sách khác đã góp phần làm cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Yên Bái có sự chuyển biến đáng kể, phát triển ổn định theo nhịp độ chung của tỉnh.

Thực hiện chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc

Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2013 - 2017, kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi được mở rộng, nhiều công trình được đầu tư khang trang. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng sau khi được đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương; bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày một đổi thay và phát triển, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia, trường lớp học và các dịch vụ viễn thông.

Về Chương trình mục tiêu Quốc gia Việc làm và Dạy nghề, trong giai đoạn 2013 - 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 91.855 lao động, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình. Hệ thống trường, lớp học, các cơ sở dạy nghề được đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị đã nâng cao chất lượng dạy và học của các nhà trường, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực cho tỉnh. Trong 05 năm đã đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 73.993 người, trong đó có khoảng 37.500 học viên là người dân tộc thiểu số theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua dạy nghề đã cung cấp kiến thức, kỹ năng các lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông lâm sản, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp, sửa chữa xe máy và điện dân dụng đã góp phần quan trọng giúp lao động có kiến thức để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Cùng với đó, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những thành tựu đáng kể; các dịch bệnh được phát hiện sớm, chủ động phòng tránh kịp thời, không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng được khống chế và loại trừ. Trong 5 năm, đã có 95 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, chiếm 52.87%; tỷ lệ trẻ  dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 98,5%; Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 20,3% năm 2013 xuống còn 17,88% năm 2017; Tỷ lệ tử vong trẻ dưới  tuổi giảm từ 23,9% năm 2013 xuống 9% năm 2017; Tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi giảm từ 29,34%năm 2013 xuống 13,1% năm 2017.

Công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã có sự chuyển biến tích cực. Đảm bảo cung ứng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình - Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân, chất lượng dân số ngày càng được nâng cao, tuổi thọ trung bình tăng hàng năm, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Việc gìn giữ, bảo tồn các di tích lịch sử, phát huy truyền thống văn hóa đã tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng, góp phần bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương. Tính đến hết năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh có 574 di sản văn hóa phi vật thể; đã đề nghị Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, chính phủ xét tặng công nhận cho 10 nghệ nhân ưu tú là những người đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Xa Phó...

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông như điện thoại, internet ....Đến năm 2015 đã xóa xã trắng về truyền thanh cơ sở, hiện nay đảm bảo 180/180 xã phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở.

Cùng với việc thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành (Chương trình 135, Quyết định 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới...), tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương, chính sách phù hợp với Chiến lược Công tác dân tộc, như: Chính sách hỗ trợ nông lâm nghiệp và sản xuất hàng hóa tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ các giống lúa, giống ngô, giống vật nuôi.... cho các hộ nghèo phát triển khinh tế; Chính sách hỗ trợ trâu bò cho hộ gia đình người có công với cách mạng có thu nhập thấp; Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục trên địa bàn tỉnh; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu: thực hiện sắp xếp các điểm trường, đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học; Đề án phát triển giao thông nông thôn; Chính sách phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác tỉnh Yên Bái; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái (ngoài hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải)... Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc được củng cố và giữ vững.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, đồng bào dân tộc về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, Chiến lược công tác dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cụ thể hóa các chính sách dân tộc của nhà nước phù hợp và có tính khả thi trong việc thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, lồng ghép có hiệu quả các Chương trình, chính sách, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại vùng dân tộc và miền núi, trong đó tập trung và chủ động triển khai tổ chức thực hiện các chính sách: Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định dân cư, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo như: Phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế; thực hiện chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, thả rông sang phát triển chăn nuôi trang trại, kết hợp chăn nuôi và trồng rừng; đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào; bảo vệ môi trường góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân; Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống; tạo môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và có cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đến đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, gắn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh, tăng cường mạng lưới các trường, cơ sở giáo dục, đặc biệt quan tâm tới hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; nghiên cứu dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số. Khuyến khích việc dạy và học nghề, phát triển các loại mô hình dạy nghề gắn với các doanh nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; có cơ chế chính sách đối với các cơ sở dạy nghề và học viên tham gia học nghề phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Phát triển toàn diện văn hóa, xã hội vùng dân tộc; quan tâm phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số, giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu; phát triển các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện tốt công tác tôn giáo, chủ động giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng” đặc biệt là khiếu kiện đông người… lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

2011 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h