Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Lớp học xóa mù chữ ở huyện Lục Yên

01/10/2018 13:38:27 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Thực hiện lời Bác Hồ đã dạy “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”, trong những năm qua được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương công tác xóa mù chữ trên địa bàn huyện Lục Yên đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là ở những vùng cao, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Lớp học xóa mù chữ của ông Đỗ Minh Bản, thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi

Những tiếng đánh vần vang lên mỗi trưa, những con chữ được nắn nót từng nét từ lớp học xóa mù chữ của thầy giáo, cựu chiến binh Đỗ Minh Bản đã và đang giúp bà con người dân tộc Dao không biết chữ ở thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên thực hiện một ước mơ rất giản đơn, đó là viết được tên của mình. Chị Vi Thị Hồng, thôn 4 Vàn chia sẻ: “Mình không biết chữ, mỗi lần đi họp phụ huynh cho con khi thầy giáo yêu cầu ký tên nhưng mình không biết, nay ông Bản mở lớp học thế này vào buổi trưa mình đã tranh thủ thời gian để tham gia, đến nay qua hơn 1 tháng mình đã viết được tên mình và đọc được văn bản, mình rất cảm ơn ông Bản đã mang con chữ cho mình và nhiều người dân trong thôn”.

Lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc Dao đỏ ở thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi được ông Đỗ Minh Bản, một cựu chiến binh nay đã 72 tuổi mở ra và trực tiếp giảng dạy từ 2 tháng qua. Học sinh là những người rất đặc biệt. Họ là những phụ nữ tuổi thấp nhất là 25 và lớn nhất nay cũng đã 50. Họ nắn nót và tập đánh vần từng con chữ, những mong sẽ biết đọc và biết viết như con cháu mình. Đó chính là lý họ không ngần ngại đến đây mỗi trưa, kể cả việc mang con cùng đến lớp. Mỗi tuần 3 buổi trưa vào thứ 2, thứ 3 và thứ 5 đều đặn diễn ra, mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, dù gia đình rất bận rộn, nhưng lớp học rất ít khi vắng người, cả “giáo viên” và học viên đều mong muốn sau khi lớp học xóa mù chữ này kết thúc những người trong lớp học này sẽ biết đọc và biết viết, ít nhất cũng viết được tên của mình. Còn thầy giáo, cựu chiến binh Đỗ Minh Bản thì niềm vui của ông là nhìn thấy bà con viết được chữ, ông Bản cho biết: “Tôi cũng sinh sống ở vùng đồng bào thiểu số nên cũng thấu hiểu được những khó khăn của họ về mọi mặt, đặc biệt là chữ viết, chính vì vậy trên tinh thần tự nguyện, được sự giúp đỡ của chính quyền xã và thôn, qua quá trình học các học viên đều tiếp thu rất nhanh những kiến thức cơ bản nhất, đấy là niềm vui nhất của tôi”. Ngoài ông Bản, hiện nay những lớp học xóa mù chữ đã và đang được mở tại các xã trên địa bàn huyện.

Xóa mù chữ là một trong những giải pháp để nâng cao dân trí và giúp người dân tiếp thu được kiến thức, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đây là việc làm hết sức cần thiết nhưng đến nay công tác xóa mù chữ trên địa bàn huyện Lục Yên còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiện nay huyện Lục Yên vẫn còn khoảng 8,25% bà con người dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ 15 - 60 chưa biết chữ. Trong khi đó, đối tượng này một phần do phong tục tập quán, một phần do ở rải rác, không có nhu cầu học chữ và cập nhật kiến thức sau khi biết chữ nên gặp nhiều khó khăn trong vận động duy trì, tổ chức các lớp học. Để khắc phục tình trạng này, hàng năm phòng GD&ĐT huyện Lục Yên chỉ đạo các đơn vị trường học điều tra, thống kê số lượng người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu mở các lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để giảm số người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi, nâng cao tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ trên địa bàn, nhất là tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về phía các địa phương, Ban Chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội như: Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, hội khuyến học, người có uy tín trong cộng đồng nhằm vận động con em trong độ tuổi đến trường, duy trì sĩ số các lớp phổ cập. Bên cạnh đó, các hội còn lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, giúp các học viên xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, thông qua nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng; gắn kết tuyên truyền chống mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và phong trào thi đua của địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm tạo các điều kiện để hỗ trợ sách vở, bút mực cho các học viên, ông An Hải Nam -  Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: “Để công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả cao, huyện đã tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ; tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với nhóm tuổi; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy; củng cố bền vững kết quả chống mù chữ; đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác này”.

Nỗ lực trong công tác phổ cập, xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Yên không chỉ giúp cho bà con thay đổi cuộc sống, mang lại tương lai tốt đẹp hơn mà qua đây khẳng định công tác xóa mù chữ của huyện Lục Yên trong những năm qua, những nỗ lực này vẫn đang tích cực được triển khai và nhân rộng./.

1525 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h