Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Độc đáo phong tục đón Tết của người Mông Nà Hẩu

08/02/2019 06:04:25 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những ngày này khắp nơi trên xã vùng cao Nà Hẩu của huyện Văn Yên không khí xuân tràn ngập các bản làng. Với người Mông, mùa xuân là mùa của chim làm tổ, trai gái tìm nhau, trẻ già dòng tộc quên đi những mâu thuẫn để cùng nhau tổ chức ăn Tết cổ truyền dân tộc. Phong tục ăn Tết của người Mông Nà Hẩu còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo. Đây cũng là mùa của những tập tục đẹp nở rộ như hoa rừng trên đại ngàn.

Ban thờ ngày Tết được người Mông Nà Hẩu trang trí khá đơn giản

Vượt qua dốc Ba Khuy hiểm trở, đi theo con đường vắt lưng sườn núi, chúng tôi đến với Nà Hẩu để vui tết cùng đồng bào Mông. Nằm trong vũng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Xã Nà Hẩu có trên 400 hộ với  trên 2 nghìn khẩu, trong đó 100% là đồng bào Mông. Cuộc sống của người dân sống giữa đại ngàn rừng nguyên sinh còn nhiều khó khăn, nhưng không khí đón Tết của đồng bào Mông nơi đây vẫn tưng bừng và ấm cúng. Đến mỗi thôn, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống của đồng bào Mông đang khởi sắc, nhiều nhà chuẩn bị cho Tết là con lợn béo trong chuồng, đàn gà cẩm, gạo nếp để giã bánh dày, gói bánh chưng, đồ xôi, nấu rượu. Trong các nếp nhà gỗ đơn sơ bên sườn núi, các gia đình đang tất bật với lá dong, gạo nếp, xay thóc, tẽ ngô, sửa sang, quét dọn nhà cửa, lau các vật dụng trong gia đình để đón chào năm mới. Khói từ những căn nhà tỏa ra, khói từ những đụn rơm được đốt thui dê, thui lợn cùng hương rượu nồng nàn lan tỏa, hòa quyện vào nhau trong không khí ngày xuân ấm áp rộn ràng.

Người Mông Nà Hẩu quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Vì thế trong những ngày Tết không thể thiếu món bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Từ chiều 27 đến 30 tết, khắp các thôn bản thơm lừng mùi xôi nếp mới, tiếng chày giã bánh thậm thịch vang lên từ mỗi nếp nhà. Đến thăm gia đình ông Sùng Seo Sẻng ở thôn 3, Khe Cạn, chúng tôi nhận thấy gia đình đang chuẩn bị một cái Tết khá tươm tất. Ngoài 20 kg gạo nếp để giã bánh dày, Tết này gia đình ông Sẻng thịt một con lợn khoảng 60kg để cho con cháu ăn Tết. Ông Sẻng cho biết: “Năm nào cũng vậy, dù to dù nhỏ cũng phải mổ một con lợn, thịt vài con gà, trước để cúng ông bà tổ tiên, sau là để con cháu ăn trong ba ngày tết rồi mời bà con hàng xóm”.

Với quan niệm gà trống là vật thần, người Mông Nà Hẩu dùng gà trống  để mở cửa nhà đón năm mới

Đối với người Mông, ngôi nhà không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là nơi bảo vệ hồn lúa, hồn ngô, nơi cúng ma, là một điểm mốc trong hành trình hồn ma tìm về với tổ tiên, vì vậy, việc cần làm đầu tiên khi Tết đến là trang trí nhà cửa. Ngày 30 Tết, người đàn ông chủ gia đình sẽ dán một tấm giấy bản có quệt tiết gà hoặc một tấm vải đỏ lên xà ngang của cửa chính. Cửa này đóng kín quanh năm, chỉ mở vào những dịp cúng lễ, đám ma hay đám cưới. Tiếp đó, toàn bộ vải đỏ hay giấy bản bôi tiết gà được dán tại các vị trí khác trong nhà đều được thay mới. Trong ngôi nhà của người Mông, bàn thờ (Xử Cang) có vai trò rất quan trọng. Bàn thờ là một tấm giấy bản dán lên tường ở vách hậu, trên đó người ta gắn những túm lông gà. Người Mông sử dụng giấy bản màu đỏ, vàng, trắng dán lên vách hậu để làm bàn thờ với mong muốn những tờ giấy đó tượng trưng cho vàng, bạc, làm như vậy, vàng, bạc sẽ tự đến nhà, gia chủ sẽ được no ấm, đủ đầy.

Không như dân tộc Kinh có tục đón giao thừa, người Mông quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng mùng 1 là mốc đánh dấu 1 năm mới bắt đầu. Đêm 30 Tết, mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa chờ trời sáng. Khi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên, người đàn ông chủ gia đình nhanh chóng đi về phía đầu nguồn nước trên núi, thắp 3 nén hương và đốt giấy bản tượng trưng cho tiền âm phủ, khẩn cầu Thần nước ban cho nguồn mạch dồi dào để nuôi sống con người và phục vụ mùa màng, đồng thời  lấy nước mới về làm cơm mới cúng tổ tiên và nấu bữa sáng đầu năm mới. Họ quan niệm đó là nước vàng, nước bạc, lấy được càng sớm càng may mắn, năm mới sẽ mạnh khỏe, no ấm. Sau lễ xin nước mới, người Mông Nà Hẩu làm lễ cúng Ma nhà hay còn gọi là lễ cúng tổ tiên. Lễ vật cúng gồm 2 con gà, trong đó có 1 con để giữ cửa, con này không mổ mà để nuôi, 1 con dùng để cúng. Với quan niệm gà trống là vật thần, biết cất tiếng gáy gọi mặt trời nên nó có thể phân biệt được tà ma, xua đuổi được những điều đen đủi cho gia chủ. Nên sau khi ôm con gà Trống đỏ khấn vái tổ tiên, gia chủ dùng con gà Trống đó để mở cửa nhà đón năm mới, rồi  thả vào trong nhà để nó tự tìm đường về chuồng. Người Mông Nà Hẩu cho rằng làm như thế trong thời khắc chuyển giao năm mới, thì ma cửa cũng như con gà sẽ trông coi, bảo vệ gia súc, bảo vệ của cải, bảo vệ cho các thành viên trong gia đình và ngôi nhà của họ gặp điều may mắn quanh năm.

Tiếp đó, người chủ gia đình mổ con gà trống thứ hai để cúng thần linh và tổ tiên. Sau nghi lễ cúng sống, cắt tiết gà trước bàn thờ và nhổ 5 túm lông đẹp nhất ở cổ gà dán trên bàn thờ với hàm ý đã dâng tặng Xử Cang con gà, người chủ gia đình đem con gà vừa cúng đi mổ và luộc bằng nước mới để tiếp tục làm lễ cúng chín, khấn mời Tổ tiên về ăn Tết và cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới.  Sáng sớm ngày mùng một Tết, khi sương mù còn dày đặc như bưng lấy mắt, người đàn ông trong gia đình đã thức dậy bước qua ngưỡng cửa nhà trước để cầu may rồi làm cơm để cúng gia tiên, nấu cơm, cho lợn, cho gà, cho trâu bò ăn. Ông Giàng Chẩn Phử - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: “Ngày thường, nấu cơm là nhiệm vụ của đàn bà con gái nhưng sáng mùng một, đàn ông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc từ cho lợn gà ăn, lấy nước, nói tóm lại là làm tất tần tật mọi việc. Người Mông quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm, đồng thời thay cho lời “cảm ơn” tới người vợ một năm qua đã vất vả chăm lo cho gia đình.  

Trong dịp Tết, cũng như nhiều dân tộc khác, người Mông Nà Hẩu có những kiêng kỵ riêng. Sáng mùng một Tết, người phụ nữ trong gia đình được dậy muộn nhưng không được đi xông nhà hoặc nếu vào nhà người khác phải vào bằng cửa phụ. Để cho mùa màng được tốt tươi, vật nuôi trong nhà sinh sôi phát triển, người Mông kiêng không giẫm lên bếp lò, không để nước làm tắt lửa trong bếp, không để bánh dày bị cháy trong khi nướng, kiêng thổi lửa trong ba ngày Tết, không ăn cơm chan canh. Theo quan niệm của người Mông, trong 3 ngày Tết ăn cơm chan canh năm đó ruộng nương sẽ bị ngập lụt làm ăn thất bát. Trong 3 ngày Tết, người Mông Nà Hẩu có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trong những ngày Tết, người Mông Nà Hẩu gác lại mọi bồn bề, lo toan, vui chơi thoải mái để chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động sản xuất mới. Tại khu vực UBND xã hay bãi đất rộng của bản, đàn ông đánh bóng chuyền, phụ nữ ném pao, đánh yến, trẻ con chơi đánh quay, đánh cù. Các chàng trai, thiếu nữ Mông xênh xang váo áo mới, mê say trong tiếng khèn và điệu múa Sênh Tiền. Giữa khí xuân mơn man khắp đất trời, giữa sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận, hoa đào, những bộ váy áo rực rỡ càng trở nên nổi bật.  Với người phụ nữ Mông, Tết là dịp họ được nghỉ ngơi và ăn mặc đẹp nhất. những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là những gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe rực rỡ sắc màu,  là tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ đi chơi xuân. Chị Hảng Thị Sơn ở Thôn 2 Khe Tát cho biết: “Để có quần áo mới đón Tết truyền thống, những người phụ nữ trong gia đình người Mông phải chuẩn bị trước đó khoảng 3 tháng”.

Xuân Kỷ Hợi đã về, sắc xuân đang ngập tràn khắp các bản người Mông trên khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đoàn kết của người dân nơi đây đã và đang tạo điều kiện để đồng bào Mông  nơi đại ngàn xanh này đón một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, lưu giữ những nét đẹp truyền thống với niềm tin về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn./.

1252 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h