Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Dự kiến tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho 90% tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh

27/02/2019 16:59:05 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Để chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh lở mồm long móng gia súc, khống chế, dập tắt dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lở mồm long móng phát sinh, đảm bảo cho sản xuất chăn nuôi, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2019 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc.

Cùng với tiêm phòng, ngành chức năng sẽ tiến hành phun tiêu độc khử trùng ngay sau khi tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho 180/180 xã, phường, thị trấn

Mục tiêu là tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho toàn bộ đàn gia súc trong diện tiêm phòng trên địa bàn tỉnh nhất là đối với đàn lợn; vận động hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi tiêm phòng toàn bộ số lợn trên địa bàn toàn tỉnh với số lượng gia súc tiêm phòng dự kiến tiêm đạt 90% của tổng đàn 460.900 con.

Cụ thể, tỉnh Yên Bái sẽ triển khai tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng: Tổ chức tiêm phòng cho đàn trâu, bò theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 2979/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái; Tổ chức vận động hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi tiêm phòng cho toàn bộ số lợn trên địa bàn toàn tỉnh trong diện phải tiêm phòng, dự kiến tiêm đạt 90% của tổng đàn 460.900 con. Thời gian thực hiện trong tháng 3 năm 2019. Sử dụng vắc xin lở mồm long móng type O (căn cứ giám sát lưu hành virus lở mồm long móng tại các địa phương tiêm phòng).

Vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng: Tổ chức tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng ngay sau khi tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho 180/180 xã, phường, thị trấn tại các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ, địa điểm thu gom, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian thực hiện trong tháng 3 năm 2019. Tiêu độc khử trùng 02 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.

Kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ: Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch thú y; kiên quyết tịch thu, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, động vật nghi nhiễm bệnh hoặc chết bệnh lưu thông trên địa bàn; Chính quyền cơ sở tổ chức ký cam kết với các chủ hộ kinh doanh vận tải, các chủ bến xe, bến tầu, bến đò và chủ vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý về việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, nhất là quy định về kiểm dịch; Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, cơ sở giết mổ, kinh doanh, buôn bán, sơ chế động vật và sản phẩm động vật, cơ sở chăn nuôi gia súc.

Giám sát bệnh lở mồm long móng: Giám sát lâm sàng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với gia súc mới đưa vào địa bàn, mới nuôi gia súc trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định; Giám sát lưu hành vi rút: Lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu dịch hầu họng (probang) để giám sát lưu hành vi rút, giám sát biến đổi của vi rút hoặc lấy mẫu huyết thanh để giám sát lưu hành kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên; Giám sát sau tiêm phòng để đánh giá kết quả tiêm phòng và khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia súc sau khi được tiêm vắc-xin; lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng; thời điểm lấy mẫu sau 21 ngày kể từ thời điểm tiêm phòng gần nhất.

861 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h