Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái được nhận cờ thi đua xuất sắc vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua

06/08/2019 15:21:10 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 6/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Dự và chỉ đạo hội nghị về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước.

Điểm cầu tỉnh Yên Bái

Dự hội nghị về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính Phủ, Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn tiện Giáo dục và Đào tạo. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, quy hoạch, khảo sát, đánh giá thực trạng về dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập các điểm trường mầm non và phổ thông có quy mô nhỏ, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại một số địa phương.

Trong năm học 2018 - 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đội ngũ ngành Giáo dục. Tích cực đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chuẩn bị cho triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Các tỉnh, thành trong cả nước đã tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh thân thiện.

Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông, tăng cường công tác giáo dục thể chất và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn. Theo đó, toàn quốc đã có 99,8% cơ sở giáo dục mầm non áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp, khả năng của trẻ. Giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra.

Năm học qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đến nay, cả nước đã có 43/63 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh; 63/63 địa phương triển khai các chương trình ngoại ngữ mới. Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thiện, triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được quan tâm, một số trường Đại học đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và dạy học, quản lý giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thống kê; dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập như thừa, thiếu giáo viên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo,… Việc cắt giảm các thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt.  Cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông được triển khai tại 63 sở Giáo dục và Đào tạo, 710 phòng Giáo dục và Đào tạo và 52.900 cơ sở giáo dục trên toàn quốc….

Cũng trong năm học 2018 - 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục. Đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo cũng như tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục một cách toàn diện trong năm học 2019 - 2020.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tạo ra được hành lang pháp lý rõ ràng; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của ngành đều tăng; kỳ thi THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng được thực hiện minh bạch, khách quan. Cơ sở vật chất ngành giáo dục được quan tâm, đẩy mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong năm học 2018 - 2019 như: công tác rà soát, sắp xếp trường, lớp học còn kém, còn chậm; nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để làm thiết chế trường học nhất là các trường mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Công tác giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành chưa đúng mức, một số bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống dẫn đến ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức nhà giáo gây bức xúc trong xã hội. Công tác quản lý giáo dục chậm đổi mới, xã hội hóa nguồn lực cho giáo dục đào tạo là vấn đề cần được chú trọng quan tâm…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường, lớp học nhất là hệ thống mầm non, phổ thông tạo phù hợp cho con em và người dân. Các địa phương bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học nhất là các trường mầm non. Giải quyết dứt điểm việc thiếu trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; có thiết chế văn hóa cho học sinh, sinh viên. Phải đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, nhất là các trường sư phạm trọng điểm; các trường sư phạm phải gắn kết chặt chẽ trong việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường học “hữu danh vô thực”, “hữu thực vô danh”; Chỉ đạo toàn diện đào tạo hệ thống đại học trong cả nước; chỉ đạo khắc phục tồn tại trong hệ thống đào tạo đại học. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải rà soát sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ hiện nay. Đồng thời các địa phương cần rà soát tinh gọn đội ngũ phục vụ trong ngành giáo dục. Cấp ủy chính quyền, các đoàn thể chính trị có trách nhiệm phối hợp với các nhà trường giải quyết các vấn đề liên quan đến đạo đức lối sống như: bạo lực học đường, bán hàng quán cổng trường;… tạo thiết chế văn hóa trong các cơ sở giáo dục.

Nhân dịp này, 7 Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh gồm: Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Khánh Hòa, Tây Ninh, Đồng Tháp và Cần Thơ đã được nhận Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2018 - 2019; 23 đơn vị được tặng Bằng khen của bộ Giáo dục và Đào tạo.

786 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h