Khu ủy Tây Bắc thuộc bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cách huyện lỵ Văn Chấn 12km về phía Đông, cách thành phố Yên Bái 80km về phía Đông Bắc đã trở thành địa danh lịch sử của vùng Tây Bắc thời kháng chiến chống Pháp. Nơi đặt trụ sở làm việc của Khu ủy Tây Bắc từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 12 năm 1954 đã trở thành niềm tự hào, vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn. Đây cũng đã trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu ủy Tây Bắc
Để chuẩn bị giải phóng khu Tây Bắc khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, tháng 5 năm 1952 Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch quyết định, tách 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La ra khỏi Liên khu Việt Bắc và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của khu XX (tiền thân của Khu ủy Tây Bắc). Trụ sở khu XX đóng tại làng Đồng Lý huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Yên Bái).
Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, chỉ trong vòng 10 ngày ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên (Yên Bái), Phù Yên và một phần huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), sau đó bộ đội ta mở đợt hai chiến dịch Tây Bắc, đến cuối tháng 12 năm 1952 giải phóng phần lớn Tây Bắc (trừ cứ điểm Nà Sản và thị xã Lai Châu).
Tháng 11 năm 1952, khu XX chuyển trụ sở từ làng Đồng Lý huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Yên Bái) về đóng tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (Thác Thiến - Km28, đường 13A) để việc lãnh đạo được sâu sát hơn. Đầu năm 1953, ta mở đường 13A từ Ba Khe sang nối với đường 41 (Hà Nội đi Sơn La - Lai Châu) ở Cò Nòi để chuẩn bị lực lượng tấn công tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Thấy nguy cơ bị tấn công, tháng 5 năm 1953 giặc Pháp bí mật rút bỏ cứ điểm Nà Sản để bảo toàn lực lượng. Hòng lấy lại thế chủ động trên các mặt trận, chiến trường nói chung, trên địa bàn Tây Bắc nói riêng và bảo vệ cho số quân Pháp còn đóng ở thị xã Lai Châu và che chở cho Thượng Lào, ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm khu lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ) và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để khống chế vùng Tây Bắc của ta.
Lúc này, Khu ủy được đóng ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên gần đường 13A rất dễ lộ và bị địch bắn phá ác liệt. Để đảm bảo an toàn cho cơ quan và nhất là chuẩn bị phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 11 năm 1953, Trung ương đã cho di rời toàn bộ Khu ủy Tây Bắc từ xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên vào đóng tại bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Bản Chanh thuộc xã Phù Nham (huyện Văn Chấn) là địa chỉ được lựa chọn đặt trụ sở, vì đây vốn là vùng rừng núi có vị trí chiến lược quan trọng bao gồm 4 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái thuộc Liên khu Việt Bắc, là địa điểm đảm bảo yếu tố "Tiến có thể đánh, lui có thể giữ", thuận lợi cho công tác xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, tiến hành các cuộc tiến công tiêu diệt địch, đặc biệt là huy động tổng lực - lực lượng vũ trang và nhân dân. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt của lịch sử địa phương và khu vực, làm thay đổi cục diện chiến trường, góp phần làm nên những chiến công vang dội trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Tây Bắc đợt hai và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tại đây, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp, đồng bào các dân tộc xã Phù Nham đã hăng hái nhiệt tình ủng hộ lương thực, thực phẩm, ngày công, gỗ, tre, nứa dựng nhà làm việc (giống như nhà dân) dọc bờ ngòi Nhì để bảo đảm bí mật.
Nơi làm việc là những dãy lán trại làm bằng tre nứa, lợp tranh núp dưới các lùm cây cao, ban ngày cán bộ của Khu ủy làm việc dưới lán, đêm về nhà dân ngủ. Đồng thời, đồng bào các dân tộc nơi đây đã thực hiện tốt việc giữ bí mật, an toàn cho Khu ủy với phương châm “ba không”: không biết, không thấy, không nói. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đã ngăn chặn, tiêu diệt được bọn phỉ Cầm Đức, Giàng Páo Của được Pháp tiếp tế vũ khí, lương thực để nổi dậy gây rối ở một số địa phương như Sơn La, Lào Cai, hai xã Xà Hồ, Bản Mù (huyện Trạm Tấu). Các đối tượng phản động người Mông ở Suối Giàng (huyện Văn Chấn), Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) đã bắt liên lạc với nhau nhằm đánh chiếm vùng lòng chảo Mường Lò, cũng bị lực lượng của ta ngăn chặn kịp thời.
0 lượt xem
Ban Biên tập