Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh. Đó là những câu thơ hào hùng của nhà thơ Tố Hữu khi nói đến kỳ tích lịch sử về tinh thần quả cảm của quân và dân ta trên con đường tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khiến thực dân Pháp phải bất ngờ, khiếp sợ. Hơn 200 ngày đêm quân và dân ta vừa mở đường, vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược phục vụ chiến đấu đến nơi an toàn, đèo Lũng Lô đã trở thành con đường huyết mạch góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Đèo Lũng Lô đã trở thành con đường huyết mạch vận chuyển lượng thực, vũ khí góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Đèo Lũng Lô nằm trên Quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32B) tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La), nằm về phía Đông Bắc và cách thị trấn Phù Yên 33 km. Đèo dài 15 km, từ km 349 đến km 364, độ dốc 10%. Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, đèo Lũng Lô là một trong những con đường huyết mạch tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 - 7/5/1954) lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu của quân và dân ta.
Thực dân Pháp đã nhiều lần trinh sát với ý định mở đường chiếm đóng để vây hãm không cho quân ta tiến vào Tây Bắc nhưng không thành vì bị ta phục kích tiêu diệt, mặt khác chúng thấy khó vì dốc quá cao và hiểm trở.
Năm 1953, khi Trung ương quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Thượng Bằng La được chọn là nơi tập trung quân lương, quân dụng vượt đèo tiếp tế cho chiến dịch. Ủy ban kháng chiến xã được giao nhiệm vụ khảo sát và lãnh đạo các lực lượng tham gia mở đường qua đèo Lũng Lô. Quân dân xã Thượng Bằng La cùng với lực lượng công binh, dân công hỏa tuyến các địa phương trong tỉnh không quản ngại khó khăn gian khổ, dưới làn bom đạn của giặc, quyết tâm phá đá mở đường. Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông của chiến trường, tỉnh Yên Bái đã huy động gần 125.000 dân công tham gia làm đường.
Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu, cột nhà làm đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch. Hơn 200 ngày đêm, quân và dân ta vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn. Tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt nối với chiến khu Vần và chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ đó hàng vạn lượt ô tô, xe thồ, chở hàng vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho chiến trường.
Tháng 2 năm 1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường...
Tại khu vực đèo Lũng Lô, địch đã ném xuống đây gần 12 nghìn tấn bom, có những ngày địch ném xuống 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, hàng vạn lượt người, dân công ngày đêm bám đường. Địch phá, ta lại sửa ta đi, địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác, địch phá ban ngày, ta mở đường ban đêm.
Con đường tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô là một kỳ tích lịch sử làm thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ tinh thần quả cảm của quân và dân ta.
Từ sự đoàn kết, thống nhất trong lao động, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, con đường 13A - con đường lịch sử, văn hóa đã được hình thành đóng góp tích cực cho chiến thắng Điện Biên Phủ và quá trình phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Yên Bái, Sơn La. Kỷ niệm 57 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2011), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận đèo Lũng Lô là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử, văn hóa vẫn còn sống mãi với thời gian, con đường 13A năm xưa, nay đã được thay tên mới - đường 32A nhưng thế hệ những người đã chứng kiến và làm nên lịch sử, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ còn nhớ mãi về đèo Lũng Lô - con đường huyết mạch tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
0 lượt xem
Ban Biên tập