Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Kinh tế

UBND tỉnh yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh, cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân

31/12/2020 07:21:15 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai, thực hiện các giải pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh, cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân.

Ảnh minh họa

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới có thể còn có thêm những đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Để chủ động tăng cường phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ Đông Xuân 2020-2021, đồng thời bảo đảm phát triển chăn nuôi, hoàn thành Kế hoạch đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Kiểm tra đôn đốc việc tổ chức, triển khai thực hiện tại các huyện, thị xã, thành phố, nắm bắt tình hình dịch bệnh tại cơ sở, báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Hướng dẫn kế hoạch sản xuất, chuẩn bị phương án khôi phục sản xuất chăn nuôi, phù hợp diễn biến thời tiết. Phối hợp với các địa phương cập nhật, tổng hợp đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi bị thiệt hại do rét đậm, rét hại, dịch bệnh gây ra để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: (i) Tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, khi phát hiện có ổ dịch nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm (dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh và đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ...), tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh; (ii) hướng dẫn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; khi phát hiện, nghi ngờ các bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; (iii) thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh; (iv) chuẩn bị vắc xin, dụng cụ, vật tư, thuốc sát trùng chủ động cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; (iv) phối hợp với Cục Thú y, cơ quan thú y các tỉnh, thành phố cập nhật, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, kịp thời thông tin cho các địa phương, tuyên truyền đến người chăn nuôi để cảnh báo và chủ động phòng, chống dịch bệnh.

2. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái: Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đăng các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.

3. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh: Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại, tăng tần suất và thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết để người dân biết, chủ động phòng tránh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đến người chăn nuôi.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, tái phát, xâm nhiễm vào địa bàn, như: dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục trên trâu bò.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực đã từng có dịch, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện kịp thời khi gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát trở lại. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, không tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn về dịch bệnh, con giống tái đàn phải đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, thực hiện nghiêm ngặt việc ra vào khu chăn nuôi; các hộ, cơ sở buôn bán, kinh doanh, giết mổ thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên theo quy định về vệ sinh thú y.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Ủy ban nhân các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn, các cơ sở buôn bán, kinh doanh, giết mổ, chế biến; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tổ chức vệ sinh khử trùng, tiêu độc đợt 2 năm 2020 và tháng tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Thành lập các Đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại cơ sở và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp).

Đối với công tác phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò: Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu bệnh, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng... tại khu vực chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển trâu bò ra vào địa bàn.

Chủ động bố trí kinh phí, nguồn lực, vật tư, phương tiện cho công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, bố trí kinh phí phòng, chống dịch lở mồm long móng tại xã Nậm Có; khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

5. Các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp về phòng, chống đói rét, dịch bệnh trong vụ Đông Xuân 2020-2021 trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 13 xã, thị trấn thuộc 04 huyện, thành phố (Lục Yên, Mù Cang Chải, Trấn Yên, thành phố Yên Bái), tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy 348 con với trọng lượng 19.161,5 kg; bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 03 xã thuộc 03 huyện (Văn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải), tổng số gia súc mắc bệnh 305 con (dịch bệnh tại huyện Mù Cang Chải hiện nay chưa qua 21 ngày kể từ khi phát hiện ca mắc bệnh cuối cùng).

 
972 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h