Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái

09/10/2020 13:32:44 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tại văn bản số 4955/BTNMT-PC ngày 09/9/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể hơn quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điểm a, b khoản 4 điều 7 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Ảnh minh họa

Nội dung kiến nghị cụ thể:

1. Theo quy định Điều 5 Luật Khoáng sản và Điều 15, Điều 16 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản quy định Nhà nước và doanh nghiệp có trách nhiệm đối với quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp chưa có quy định về mức hỗ trợ, vì vậy việc thực hiện của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa cụ thể, chưa hiệu quả. Giữa Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp chưa có quy định cụ thể để thống nhất trong đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương. Công tác này chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức, vì vậy người dân một số nơi còn chưa đồng thuận, phản đối hoạt động khoáng sản.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể hơn quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác (phù hợp với thực tế, đặc biệt quy định sự phối hợp giữa Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp để thống nhất trong đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương), quy định cụ thể về các khu vực như thế nào, đáp ứng tiêu chí gì thì được khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

a. Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước như: các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... về nguyên tắc, nhà nước có trách nhiệm trích kinh phí từ nguồn này để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương, nội dung này đã được thể hiện rõ tại Điều 15 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, khi hoạt động khoáng sản, các tổ chức, cá nhân cũng phải hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, việc hỗ trợ này đã được quy định cụ thể tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định nêu trên, đó là: đường giao thông cấp huyện, xã bị ảnh hưởng trực tiếp do vận chuyển đất đá thải, khoáng sản đã khai thác; các công trình phúc lợi nằm trên địa bàn huyện, xã nơi có khoáng sản được khai thác (trường học, cơ sở khám chữa bệnh, nhà văn hóa, hệ thống cung cấp nước sạch; công trình xử lý môi trường); Đồng thời, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác và phải thông báo nội dung, khối lượng, kế hoạch, chương trình thực hiện các công việc, các hạng mục công trình hỗ trợ đến UBND cấp xã, thông báo công khai đến tổ dân phố/thôn/bản để người dân cử đại diện giám sát quá trình thực hiện.

b. Về khu vực được khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích đề án thăm dò khoáng sản.

Về bản chất việc khảo sát thực địa, lấy mẫu là để khoanh định khu vực dự kiến thăm dò, doanh nghiệp đầu tư dự án tại đây phải nắm bắt được những thông tin cơ bản tại khu vực này để lựa chọn diện tích thăm dò khoáng sản, các khu vực này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Thuộc khu vực được phép hoạt động khoáng sản;

- Khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra cơ bản địa chất khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (hiện nay là Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh trong quy hoạch tỉnh và quy định tại Điều 8 Luật số 35.2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch);

- Không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản;

- Có sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu vực dự kiến thăm dò khoáng sản (Điều 37 Luật Khoáng sản).

2. Điểm a, b Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản quy định “Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản nộp báo cáo định kỳ cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khoáng sản” không quy định nộp cho Sở Công thương. Do vậy, Sở Công thương chỉ được nhận bản sao báo cáo định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để phối hợp quản lý, trong đó mẫu 37 báo cáo định kỳ không có các nội dung về thời điểm báo cáo của tổ chức, doanh nghiệp, chất lượng và tính sát thực của báo cáo định kỳ của doanh nghiệp gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và việc xử lý vi phạm theo quy định tại điều 35 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điểm a, b khoản 4 điều 7 Nghị định số 158/2016/NĐ - CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định “tổ chức, doanh nghiệp nộp báo cáo định kỳ cho Sở Công thương để quản lý, theo dõi”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Các loại báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản; báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản đã được quy định tại Điều 7 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, theo đó, điểm a khoản 4 Điều này quy định các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản phải nộp báo cáo của năm trước đó cho Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản theo giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phải nộp báo cáo cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Điểm b, Khoản 4 Điều này cũng nêu rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành báo cáo của năm trước đó trình UBND cấp tỉnh để gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi bản sao báo cáo cho Sở Công thương, Sở Xây dựng để phối hợp quản lý. Việc không quy định tổ chức, cá nhân phải gửi báo cáo cho nhiều cơ quan sẽ giúp đơn giản hóa các quy định liên quan đến kinh doanh, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

875 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h