Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020: Cầu nối giữa Đảng với đồng bào dân tộc thiểu số

04/12/2020 07:29:42 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tỉnh Yên Bái hiện có trên 1.150 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, phát huy tinh thần gương mẫu, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây không chỉ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn là những hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ, là tấm gương cho cộng đồng học tập và làm theo.

Nghệ nhân Dân gian Đặng Thị Thanh (ở giữa) dạy lớp trẻ người Phù Lá (Xa Phó) thổi sáo mũi truyền thống.

Là người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở xã vùng cao An Lương, huyện Văn Chấn, ông Giàng A Phử là tấm gương làm kinh tế giỏi cho đồng bào nơi đây. Hơn 30 năm qua, ông Giàng A Phử đã gây dựng cho mình một rừng quế với diện tích gần 20ha. Từ những năm 1990, nhận thấy cây quế là cây có giá trị kinh tế cao, ông Phử cùng vợ con khai hoang đồi đất trồng từng cây quế. Đến nay, gia đình ông đã có cả một rừng quế bạt ngàn với những gốc quế to hàng chục năm tuổi. Từ việc tận thu cành lá, chặt tỉa quế cành, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ quế. Hàng năm, ông Phử còn vận động nhân dân trong thôn ươm bầu, trồng quế con. Từ đó nhiều hộ gia đình ở đây đã có điều kiện làm nhà mới, mua sắm tiện nghi gia đình, phương tiện sản xuất.

Ông Giàng A Phử cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền cho người dân trong vùng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, tuyên truyền vận động bà con tích cực trồng cây quế. Khi đã có thu nhập từ quế, bà con bắt đầu phấn đấu trồng rất nhiều quế, làm nương đến đâu, trồng quế đến đấy. Hầu như gia đình nào cũng có quế, ít nhất là một đến hai héc ta, có những gia đình nhiều thì vài chục héc ta đến bây giờ đã có thu. Nhiều gia đình đã có tiền để mua sắm tiện nghi trong gia đình như: xe máy, ô tô, các loại máy móc phục vụ sản xuất”.

Không chỉ làm giàu chính đáng, ông Giàng A Phử còn được biết đến như một người tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tộc Mông ở Sài Lương xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu như: hôn nhân cận huyết thống, di cư tự do…; vận động đồng bào không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Ông Phử còn là hạt nhân trong tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thực hiện tốt các quy ước, trực tiếp tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn liên quan đến gia đình, tranh chấp đất đai; vận động nhân dân trong thôn thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Trong những năm qua, bằng sự gương mẫu và uy tín của mình, không ít người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thể hiện được vai trò quan trọng trong đời sống của người dân trên địa bàn thôn, bản, tạo ra được những hiệu ứng tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…. Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thanh, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên là người duy nhất biết cách may trang phục, làm nhạc cụ truyền thống của người Xa Phó như làm sáo cúc kẹ, kèn ma - nhí, giữ gìn các điệu múa đang được tỉnh Yên Bái bảo tồn. Các kỹ thuật làm quần áo, nhạc cụ truyền thống hay điệu múa xòe của đồng bào dân tộc Xa Phó đã được bà Thanh hướng dẫn, truyền dạy cho lớp trẻ của thôn, với mong muốn sẽ lưu giữ được những giá trị, những nét đẹp văn hóa này.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xã hội, đồng thời am hiểu phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều năm gần đây, ông Lý Thanh Sửu, ở thôn Khuôn La, xã Tân Hương, huyện Yên Bình luôn được bà con trong thôn tín nhiệm và bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số người Cao Lan. Bản thân ông Sửu luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của một người có uy tín, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động, phổ biến cho người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không chỉ có vậy, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Hương, gia đình ông Sửu đã hiến đất để làm đường bê tông liên thôn, rồi vận động 38 hộ dân trong thôn hiến đất làm một 1km đường giao thông; đóng góp tiền của, công sức xây dựng Hội trường cho thôn Khuôn La. Những đóng góp của ông Sửu đã góp phần vào việc duy trì xã Tân Hương giữ vững danh hiệu Nông thôn mới.

Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 48%, huyện Yên Bình có 150 người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ này là cầu nối quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.... Không những vậy, người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở, luôn gương mẫu thực hiện và tích cực tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đồng chí Nguyễn Dũng Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình, khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò rất to lớn vận động, tuyên truyền nêu gương đối với bà con các dân tộc. Đây có thể là cán bộ nghỉ hưu, người cao tuổi, người trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận. Đội ngũ người uy tín trong cộng đồng đều phát huy tốt vai trò trong các cuộc vận động trong các phong trào thi đua như: giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện vận động bà con nếp sống văn hóa trong việc cưới việc tang lễ hội trong xây dựng NTM… Rất nhiều người những người có uy tín hiến đất, góp công góp của xây dựng NTM đã góp phần rất tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của huyện, giữ gìn an ninh trật tự của huyện trong thời gian tới”.

Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, hằng năm, tỉnh Yên Bái đã trích kinh phí tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tới người có uy tín trong cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai cấp phát báo Nhân dân, báo Yên Bái, tạp chí Dân tộc và Phát triển để người có uy tín trong cộng đồng thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại cơ sở.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi, tỉnh Yên Bái có 81 xã vùng III và 177 thôn vùng đặc biệt khó khăn của xã vùng II. Do địa hình chia cắt, điều kiện đi lại gặp rất nhiều khó khăn; điều kiện sống, nhận thức xã hội và trình độ dân trí của không ít đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; do vậy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng là vô cùng quan trọng. Họ là những người luôn nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng; những khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Họ cũng là những người đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là đại diện, là nòng cốt tạo nên sự đoàn kết và là những “cầu nối” rất quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân địa phương.

1207 lượt xem
CTV: Thanh Sơn - Đức Khải

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h