Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc

10/02/2021 07:01:11 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Trung ương và các chính sách đặc thù của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả tích cực. Các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng cao.

Các chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và vùng đồng bào DTTS.

Yên Bái là một tỉnh nằm ở vị trí tiếp nối giữa trung du và miền núi phía Bắc có tổng diện tích tự nhiên 6.886 km2, với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 57,29%. Đồng bào các dân tộc thiếu số sinh sống chủ yếu ở các huyện, xã vùng núi cao có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là đồng bào dân tộc Mông ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Thực hiện Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013, Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược và ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Tỉnh Yên Bái đã căn cứ tình hình nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp các ngành liên quan và các huyện, thị xã căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược công tác dân tộc, nhiệm vụ của từng ngành, điều kiện từng địa phương để xây dụng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hóa từng mục tiêu nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế. Các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, tạo sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc của tỉnh.

Với sự tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước và của tỉnh, kinh tế vùng cao Yên Bái đã có sự tăng trưởng đáng kể, khởi sắc từng ngày, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống và sự phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc trong tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2013 - 2020 tỉnh Yên Bái được đầu tư với tổng kinh phí là 1.896.490 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, sửa chữa và làm mới các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, y tế, trường học, nâng cao năng lực cán bộ, xúc tiến việc làm... Trong đó, riêng Chương trình 135 là 1.158.475 triệu đồng đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo cán bộ xã, thôn bản; duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư và chủ yếu đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Với tổng kinh phí trên 158.036 triệu đồng thực hiện Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 và Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 4/6/2013 của Chính phủ; thực hiện Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2013 đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 15 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất; hỗ trợ làm nhà ở, nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc cho các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo và hộ nghèo tại 8 huyện, thị xã; đầu tư xây dựng 16 công trình thuộc 7 dự án định canh, định cư tập trung; Hỗ trợ làm nhà ở, phát triển sản xuất, mua lương thực; Hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ từ nơi ở cũ đến nơi định canh, định cư; Hỗ trợ cán bộ phát triển cộng đồng tại các điểm định canh, định cư tập trung; Hỗ trợ kinh phí áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới đưa vào sản xuất... ổn định định canh định cư cho các hộ dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2013 - 2017 đã thực hiện cho vay với tổng kinh phí là 18.574 triệu đồng. Các hộ được vay vốn đã sử dụng nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống. Trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại các xã đặc biệt khó khăn, với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các Hội đoàn thể các cấp từ khâu tuyên truyền, phổ biến chính sách, giúp đỡ hộ làm thủ tục vay vốn đến hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn, đôn đốc trả lãi, trả nợ khi đến hạn.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách như: chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách cấp một số ẩn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK; Chương trình mục tiêu Quốc gia Việc làm và Dạy nghề; Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế, về giáo dục và đào tạo, về văn hóa…

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước còn có nhiều chính sách quan tâm chăm lo đối với các dân tộc ít người. Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với dân tộc Phù Lá xã Châu Quế Thượng huyện Văn Yên với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 là 16.244 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất như: Hỗ trợ trâu bò cái sinh sản, làm chuồng trại chăn nuôi, giống gia cầm, giống cây trồng, tập huấn về chăn nuôi trồng trọt; tổ chức đi thăm quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại một số tỉnh và các huyện, thị xã trong tỉnh… Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào (mở các lớp học tiếng dân tộc, lớp thêu kết hợp làm trang phục, các lớp đan lát thủ công truyền thống, hỗ trợ phục dựng lễ hội, trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng... và đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nhà sinh hoạt cộng đồng.

Các nội dung đầu tư hỗ trợ sau khi được triển khai đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Phù Lá trên địa bàn xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Cùng với triển khai các chương trình, chính sách của Trung ương, trong giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Yên Bái đã đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí 3.468.586 triệu đồng để thực hiện 14 đề án, chính sách do tỉnh Yên Bái đã ban hành bao gồm: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn ngoài hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; Một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Chính sách về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Khen thưởng xã có thành tích trong xây dựng nông thôn mới; Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đề án củng cố, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; Đề án phát triển giao thông nông thôn; Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; Các dự án tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, xã hội hóa giáo dục; Thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số…

Đến nay trên địa bàn vùng cao, vùng DTTS tỉnh Yên Bái ngày càng xuất hiện nhiều hơn những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đồng bào DTTS, điển hình như mô hình chế biến gỗ rừng trồng, trồng tre măng Bát độ của nông dân người Dao Triệu Phú Tiên xã Kiên Thành (Trấn Yên) cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương; mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi đại gia súc của nông dân người Mông Thào A Tủa, thôn Suối Giao, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động, hỗ trợ giúp đỡ 3 - 5 hộ nghèo về vốn phát triển sản xuất; hay như mô hình chăn nuôi gà đen giống địa phương của nông dân Sùng A Tính, bản Làng Sang, xã Nậm khắt (Mù Cang Chải) với thu nhập 210 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động, hỗ trợ giúp đỡ 6 hộ nghèo thoát nghèo; tư vấn cho trên 100 lượt hội viên trong xã về kỹ thuật chăn nuôi gà hiệu quả...

Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK; đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái. Đồng thời từ các nguồn lực đầu tư của các chương trình, chính sách đã tiếp thêm ý chí, quyết tâm để người dân vùng cao tự nguyện vươn lên thoát nghèo.

Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, bằng tinh thần cùng nhau san sẻ, giúp đỡ những hộ còn nghèo và khó khăn hơn mình vươn lên thoát nghèo, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện có trên 50 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. 

Thông qua các chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, đi vào cuộc sống người dân đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và vùng đồng bào DTTS, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng dần qua từng năm, tạo kỳ tích trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm từ 32,21% đầu năm 2016 xuống còn 7,04% năm 2020, giảm 25,17%, bình quân đạt 5,03%/năm, đạt 125% so với mục tiêu đề ra; tỷ lệ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản chỉ còn chiếm 0,19%.

Đối với hai huyện 30a (Trạm Tấu và Mù Cang Chải), tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm giảm 41,6%, bình quân mỗi năm giảm 8,32% (giảm từ 75,12% đầu năm 2016 xuống còn 33,51% cuối năm 2020), đạt 138,6% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 2,08 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.

Đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số/tổng số hộ dân tộc thiểu số trong 5 năm giảm 38,3%, giảm từ 50,41% năm 2016 xuống còn 12,10% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 7,66%, giảm gấp 1,9 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.

Đến nay, 100% số xã vùng cao có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các xã có trạm xá và điểm phục vụ bưu chính, gần 90% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 70% phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố.

Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân vùng DTTS đạt bình quân khoảng 8%/năm; thu nhập bình quân người DTTS đạt 59 triệu đồng/người/năm. Theo đó, tỉnh chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển, tạo đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi dựa trên tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng; thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền; giảm dần, tiến tới không còn địa bàn và đối tượng đặc biệt khó khăn.

Gia tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là đường giao thông liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội; nâng cao mức tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào; từng bước hạn chế, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

1805 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h