Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ở bến Âu Lâu (nay thuộc phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái) trên 3 vạn bộ đội, dân công được qua lại an toàn, đã có 25 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm vượt sông vận chuyển vào chiến trường
Tượng đài bến Âu Lâu lịch sử
Những năm 60, chiến trường miền Nam đang cần sự chi viện rất lớn cả về sức người, lẫn sức của, nhằm chiến đấu chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Do đó, hơn 60 con người ở bến phà luôn phải nỗ lực hết mình để bến phà hoạt động 24/24h, đáp ứng yêu cầu vận tải. Trong khi đó, bến chỉ được trang bị hai cặp phà gỗ nhỏ với tải trọng 12 và 25 tấn, tương đương 90 sức ngựa, nên ở cả hai đầu bến hầu như lúc nào cũng có cả đoàn người, xe xếp hàng nối đuôi nhau chờ qua sông Hồng. Việc vận chuyển hàng hóa lưu thông qua phà ngoài khó khăn về phương tiện lạc hậu, còn là sự hạn chế của bến bãi, đường dẫn, nhất là mỗi khi con nước lũ lên cao.
Do có vị trí đặc biệt, nối thị xã Yên Bái (trước đây) với Quốc lộ 13A (nay là Quốc lộ 32) nên bến phà Âu Lâu được chọn là một trong những vị trí quan trọng nhất trung chuyển quân lương từ các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ lên mặt trận Biện Biên Phủ.
Hành trình này được bắt đầu từ Quốc lộ 37 (Yên Bái) qua phà Âu Lâu ra Quốc lộ 13A, đi Ba Khe, vượt đèo Lũng Lô, rồi sang Phù Yên, Thượng Mường La (Sơn La). Phương pháp vận chuyển phà ngày ấy thì vô cùng thủ công. Một số công nhân lái phà cùng nhau bám theo sợi dây néo hai bên bờ, còn một số khác thì thay nhau dùng sào chống, đẩy. Khi hàng hóa được đưa sang bờ bên kia sông Hồng, ngay lập tức sẽ được hàng trăm dân công hỏa tuyến gùi, cõng vượt núi đưa lên chiến trường.
Chẳng thể đo đếm mỗi ngày đã có bao nhiêu lần đưa bộ đội, đưa hàng tiếp tế, đưa vũ khí đạn dược vượt sông Hồng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” là khẩu hiệu, là mục tiêu mà bất cứ người dân ở Yên Bái, ở Âu Lâu nào cũng đều thực hiện để góp phần là nên trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.
Nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này, và phải huy động nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến được xác định rõ trong chỉ thị của Bộ Chính trị. Chính vì vậy, cùng với huy động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch, Yên Bái đã thi đua phục vụ các mặt trận, các công trường, túc trực đảm bảo thông suốt đường 13 - huyết mạch giao thông nối Việt Bắc với chiến trường Điện Biên Phủ.
Bến phà Âu Lâu đã trở thành một trọng điểm với sự có mặt của cán bộ, công nhân của Ty Giao thông Yên Bái cùng 2 chiếc phà chỉ chở được 2 hoặc 3 ô tô mỗi lượt. Để bảo đảm bí mật, ban ngày người ta giấu phà bằng cách làm chìm phà xuống sông, chạng vạng tối lại cho phà nổi lên. Kỹ thuật đưa phà qua sông cũng được cải tiến nên mỗi chuyến phà qua sông giảm được nửa thời gian, tăng 50 chuyến trong một đêm.
Người dân làng Vạn Lâu thạo sông nước thời ấy sống trên những chiếc thuyền, chiếc bè được huy động trở thành một phân đoàn thuyền nan phục vụ việc đưa dân công, bộ đội qua sông suốt cả ngày lẫn đêm. Những chiếc thuyền nan nhỏ bé mà người dân làng Vạn Lâu làm ra chỉ chở được năm bảy người hoặc 2 chiếc xe thồ cùng hàng hóa qua sông. Thuyền như lá tre vượt sông, hình ảnh khiến người ta sẽ nghĩ tới một ngày hội trên sông - ngày hội trong pháo sáng, trong tiếng gầm rú của máy bay địch. Nhưng tinh thần yêu nước và quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ở bến Âu Lâu này, trên 3 vạn bộ đội, dân công được qua lại an toàn, đã có 25 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm vượt sông vận chuyển vào chiến trường.
Cùng với đó, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã huy động cho chiến dịch Điện Biên Phủ gần 1 triệu 700 nghìn ngày công, cung cấp cho mặt trận trên 300 tấn gạo, 105 tấn thịt và hàng chục nghìn tấn rau xanh. Đã có 2.636 thanh niên tòng quân trong các năm từ 1952 đến 1954.
Chiều ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc.
Hôm nay, bến Âu Lâu đã lùi vào với thời gian nhường chỗ cho những cây cầu bắc qua sông Hồng. Một tượng đài được dựng lên với những phù điêu để người ta nhớ về một bến sông lịch sử, một chiến dịch vượt sông khổng lồ của ngành giao thông vận tải và là nơi để tuổi trẻ Yên Bái ôn lại truyền thống lịch sử quê hương. Ngày lễ mùng 7 tháng 5, khu vực này được trang hoàng rực rỡ hơn và những người qua đây sẽ thêm một chút lắng đọng về bến Âu Lâu, về một Chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu năm xưa.
Dù rằng bến phà đã không còn hoạt động nhưng mỗi khi nhắc đến bến Âu Lâu, người Yên Bái lại rất đỗi tự hào. Bởi bến phà này đã cùng với quân dân cả nước làm nên những kỳ tích lịch sử trong kháng chiến chống xâm lược. Còn hiện tại, Âu Lâu vẫn luôn là điểm mốc đánh dấu sự phát triển của ngành giao thông vận tải cũng như kinh tế - xã hội ở địa phương.
0 lượt xem
Ban Biên tập