Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa - Phong tục >> Văn hóa - Xã hội

Tết của đồng bào dân tộc Cao Lan Yên Bái

14/08/2016 16:04:04 Xem cỡ chữ Google
Cứ mỗi độ xuân về, khi hoa mơ, hoa mận, hoa lê đua nở cũng là lúc bà con đồng bào dân tộc Cao Lan xốn xang tiễn đưa năm cũ, đón năm mới đến và tổ chức ăn tết cổ truyền. Cũng như nhiều dân tộc khác, từ thuở xa xưa, người Cao Lan đều coi tết Nguyên Đán là thời khắc vô cùng trọng đại vì mọi người không chỉ được nghỉ ngơi, vui chơi, hưởng thụ của ngon, vật lạ mà còn là lúc trời đất, tổ tiên, con người giao hòa với nhau.

Thi làm bánh chim gâu của người Cao Lan (Nguồn ảnh: Báo Yên Bái)

Dân tộc Cao Lan còn có tên gọi khác là: Sán Dìu, Sán Chay, Sán Chỉ, Mán Cao Lan. Tại Yên Bái, người Cao Lan chủ yếu sinh sống tập trung tại các xã Đại Đồng, Tân Hương, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai của huyện Yên Bình, Hòa Cuông, Minh Quán của huyện Trấn Yên và Yên Phú, Yên Hợp của huyện Văn Yên. Dân tộc Cao Lan thường ở nhà sàn 3 gian, 4 mái, các gian nhà được phân định chức năng sinh hoạt của từng gian. Trong đó, gian giữa được dùng để đặt bàn thờ cúng tổ tiên, các gian còn lại dùng làm nơi ngủ, nghỉ và tiếp khách.

Cũng như các dân tộc khác, Tết cổ truyền là một trong những ngày lễ lớn, thể hiện sự trân trọng với tổ tiên và với các thần linh như: thần sông, thần núi, thần đá, thần cây… Đồng thời, đây cũng là dịp gia chủ cảm tạ các vật dụng trong gia đình và nông cụ sản xuất ngoài đồng đã giúp cho một năm sản xuất an toàn, bội thu. Cho nên, trong thời khắc linh thiêng ấy, con người muốn được tỏ lòng thành kính, gửi gắm ước nguyện vào thế giới siêu nhiên, nhất là mong muốn năm mới được phù hộ cho một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Tết của đồng bào dân tộc Cao Lan thường được chuẩn bị tổ chức từ ngày 27 tháng Chạp cho đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Do đó, để có một cái Tết trọn vẹn, an toàn, vui vẻ, những ngày trước Tết, mọi người, mọi nhà đều tất bật với công việc chuẩn bị đồ ăn, nước uống, đặc biệt là các món đặc sản như: bánh chim gâu, bánh gai, bánh rán, bánh chè, bánh chưng…, một phần được dâng lên tổ tiên, một phần dùng để đãi khách quý trong dịp Tết.

Theo quan niệm của đồng bào Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho sự sung túc, mùa màng bội thu và còn mang ý nghĩa tâm linh “xua đuổi” tà ma. Với đồng bào Cao Lan, khi giấy đỏ được dán lên những nơi quan trọng chính là niềm tin vào năm mới tiếp tục no ấm, hạnh phúc. Giấy đỏ tượng trưng cho sự may mắn, màu sắc, có sức mạnh xua đuổi tà ma và còn mang ý nghĩa con người tặng áo mới, tiền cho đồ vật để sang năm mới trâu bò, cày cuốc, cây cối, chuồng trại, vật dụng mới không tủi thân và mang lại cho con người may mắn trong làm ăn.

Quan niệm âm dương giao hòa để vạn vật sinh sôi cũng được thể hiện rất rõ ngay trong cách làm các loại bánh. Chẳng hạn, có nơi nhất thiết trong ngày Tết phải làm bánh bố, bánh mẹ là loại bánh chưng gói tròn dài tượng trưng cho bánh bố, bánh vuông dày là bánh mẹ. Nơi không gói loại bánh này thì gói bánh cái, bánh con. Bánh cái chính là bánh chưng nhưng gói to hơn và hai đầu múp lại để bánh có hình như mu rùa, bụng bánh hơi phẳng dẹt để buộc úp 2 chiếc lại với nhau thành cặp khi đặt lên bàn thờ. Bánh con có hình dáng tương tự nhưng kích cỡ nhỏ hơn được buộc lạt nối đuôi lại với nhau gọi là bánh vắt vai. Thêm nữa là bánh chim gâu đôi (con đực, con cái) cũng thể hiện ước muốn giao hòa và phát triển.

Chiếc cối xay, cối giã gạo được coi như một vật thiêng liêng trong quan niệm âm dương. Do đó, ngày tết hai chiếc cối này được bịt kín giấy hồng điều và phải đi xem thầy chọn ngày tốt hợp với tuổi của gia chủ thì mới được mở ra để xay giã. Nếu không làm đúng nghi thức thì người Cao Lan cho rằng sang năm mới cối sẽ bị đói vì mất mùa.

Trong ngày Tết, người Cao Lan cũng cho rằng, khi chưa hóa vàng mã thì tổ tiên vẫn đang ở trong nhà ăn Tết cùng nên không được để hương nhang bàn thờ bị tắt. Ngày 30 Tết là ngày quan trọng nhất trong năm, trên bàn thờ tổ tiên được sắp đặt mâm hoa quả, bánh kẹo và bên cạnh là những cành đào, cành mận đang nở hoa tươi thắm. Điều quan trọng hơn là bàn thờ của đồng bào Cao Lan được chia làm hai khu vực, khu trang trọng nhất là để thờ các cụ tổ ngoài 5 đời, bàn thờ này chỉ bày hoa thơm, quả ngọt và nước trà, vì đồng bào quan niệm nếu quá 5 đời thì các cụ đã thành tiên nên đồ thờ là các thức chay tinh khiết. Còn bàn thờ các cụ dưới 5 đời, đồ cúng chỉ có các thức ăn mặn, có một thứ không thể thiếu là thủ lợn và gà trống. Gà cúng tổ tiên phải đảm bảo các yêu cầu: chân vàng, lông mượt, không quá non cũng không quá già, đặc biệt là chưa đạp mái.

Sáng mồng 1 Tết chỉ có người đàn ông đi chúc Tết hàng xóm vì phụ nữ phải ở nhà trông nom hương khói và chuẩn bị nấu nướng khi có khách đến nhà chúc Tết. Sáng mồng 2 Tết, các ông chủ nhà lại tiếp tục sắm mâm lễ đi cầu đình, cầu miếu tế lễ trời đất, thần hoàng làng. Tại đây, các thầy cúng sẽ giúp các gia đình bái thỉnh trời đất, thần hoàng phù hộ cho dân làng sang năm mới mọi sự tốt lành. Cúng xong, nửa mâm lễ ăn tại chỗ và nửa còn lại mang về cho người nhà. Trong ngày lễ cầu đình, miếu, các thầy cúng cũng sẽ xem ngày mở cối xay, cối giã cho các thành viên trong làng.

Từ ngày mồng 3 Tết trở đi, phụ nữ được đi chúc tết họ hàng xa gần và dự hội xuân. Hội xuân ở vùng đồng bào Cao Lan náo nhiệt với các trò chơi: kéo co, tát yến, đi cà kheo, thi bắn nỏ, đánh đu và nam thanh, nữ tú hát Xình ca giao duyên, người cao tuổi hát các bài Xình ca cổ về sử thi, sự tích, cổ tích, đàm đạo văn thơ… Đến tối, người nào về nhà nấy để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và sum họp bên mâm cơm của gia đình.

Qua những lời chúc tụng, điệu hát dân ca và các trò đua tài, đấu võ trong dịp Tết, mọi người thấy đã quý nhau rồi lại càng quý nhau hơn, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Cao Lan dịp Tết đến, Xuân về.

2943 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h