Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Sự kiện - Hiện vật lịch sử

Tiểu đoàn Yên Ninh và những chiến công anh dũng

05/09/2019 07:53:08 Xem cỡ chữ Google
Trong những năm đánh Mỹ, cùng với toàn miền Bắc, ở tỉnh Yên Bái cũng sôi nổi phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Phụ lão ba giỏi", ở vùng núi xa xôi, thanh niên Văn Chấn mở hội tòng quân cứu nước. Các huyện phía đông của tỉnh Yên Bái, ngoài các phong trào chung còn thành lập các tiểu đoàn mang tên Yên Ninh vào với đồng bào tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa, cùng tham gia chiến đấu.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh 1 gặp mặt cuối năm 2008 tại thành phố Yên Bái (nguồn ảnh: Báo Yên Bái)

Năm 1967 – 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, khốc  liệt nhất. Đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam với gần nửa triệu quân viễn chinh tham chiến.

Ở miền Bắc, chúng  thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại với qui mô lớn, nhằm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, cắt đứt hoàn toàn chi viện cho miền Nam. Cùng với cả nước, sau lời tổng động viên của Bác Hồ tháng 7/1967: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người...”, “Tất cả chi viện cho tiền tuyến...”, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập...”, chỉ trong 2 năm (1967 – 1968) cùng một lúc Yên Bái xây dựng 4 tiểu đoàn với gần 3.000 cán bộ, chiến sỹ mang tên Yên Ninh lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cái tên Yên Ninh của các tiểu đoàn được kết lại từ chữ “Yên” của tỉnh Yên Bái và chữ “Ninh” của tỉnh Ninh Thuận, thể hiện tình đoàn kết gắn bó máu thịt Bắc - Nam.

Tháng 6 năm 1967, Yên Bái xây dựng Tiểu đoàn Yên Ninh 1 với trên 700 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức huấn luyện ở xã Tân Hương (Yên Bình) vào Nam chiến đấu tháng 9 năm 1967. Giai đoạn đầu Tiểu đoàn Yên Ninh 1 bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên, sau đó tiếp tục hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ bổ sung cho Sư đoàn 5, Quân khu 7, tham gia Chiến dịch Campuchia 1970, Chiến dịch Lam Sơn 1, Lam Sơn 2 năm 1971, Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, Chiến dịch giữ đất dàn dân 1973 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm 1968, Yên Bái xây dựng một lúc 3 tiểu đoàn, trong đó tiểu đoàn 2 và 3 đều tổ chức huấn luyện tại xã Tân Hương. Tiểu đoàn Yên Ninh 2 thành lập tháng 2 với trên 700 quân số vào chiến trường tháng 5. Sau hơn 5 tháng hành quân bộ dài ngày, tháng 11 năm 1968, tiểu đoàn vào đến Long An. Suốt từ khi vào chiến trường đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã cùng quân và dân Long An chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Bình Tân, Thủ Thừa, Kênh Bo Bo, Sân bay Đức Hoà, chiến dịch giúp bạn Campuchia và các trận đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn...

Tiểu đoàn Yên Ninh 3 thành lập tháng 4 với 650 quân số, vào chiến trường tháng 12/1968 bổ sung cho mặt trận Thừa Thiên - Huế. Từ năm 1969, tiểu đoàn đã cùng quân và dân Thừa Thiên - Huế tham gia nhiều chiến dịch và các trận đánh lớn như: Bình Độ 400, Cô Ca Va 1078, đường 9 Nam Lào 1971 - 1972 và trực tiếp tham gia giải phóng thành phố Huế ngày 26/3/1975. Riêng Tiểu đoàn Yên Ninh 4 thành lập tháng 6/1968, với 650 quân số huấn luyện tại Hán Đà, Đại Minh (Yên Bình), vào chiến trường tháng 1/1969, được bổ sung cho chiến trường miền Đông Nam Bộ, trực tiếp tham gia các chiến dịch và trận đánh lớn như: Đồng Dù, núi Bà Đen năm 1969, Thiện Ngôn, Sa Mát năm 1970; Téc Ních, Bình Long năm 1972, Đồng Xoài - Phước Long năm 1973, Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975...

Đồng sức, đồng lòng với chiến trường miền Nam, cán bộ, chiến sỹ của các tiểu đoàn Yên Ninh đã có những cuộc hành quân “Dọc theo chiều dài đất nước”, “Những cuộc hành quân xuyên thế kỷ” mà cho đến bây giờ, những người lính Yên Ninh chỉ có thể gọi là “Những cuộc hành quân bằng đầu”. Đó là những cuộc hành quân ròng rã, đối mặt với bom đạn của kẻ thù; với cái đói cái rét, bệnh tật, thương tích; với rắn rết, nấm độc, rau dại; với cây gãy, nước cuốn… đầy hiểm nguy luôn rình rập.

Nhưng bằng ý chí quyết tâm sắt đá, những người lính Yên Ninh đã không phụ lòng mong đợi của chiến trường miền Nam. Hình ảnh thường xuyên hiện hữu trong giấc mơ của những người lính trẻ là được ăn một bát cơm đầy mà “Hạt gạo thổi nở to bằng hạt gắm”. Những cuộc hành quân mà mỗi thời điểm lại là một thử thách cao hơn đối với lòng dũng cảm của người lính…

Nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Các anh ra đi mang theo ý chí của quân và dân Yên Bái, mang theo lòng căm thù giặc Mỹ và ý thức trách nhiệm với miền Nam. Đóng góp sức mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 3.000 thanh niên Yên Bái gia nhập 4 tiểu đoàn Yên Ninh, đến nay chỉ còn hơn 300 người.

Vinh quang nào mà chẳng có hy sinh, mất mát. Trong các tiểu đoàn Yên Ninh chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, Tiểu đoàn Yên Ninh 2 mất mát, hy sinh nhiều nhất bởi những người lính Yên Ninh 2 cất tiếng chào đời, lớn lên từ núi, từ rừng vào vùng đồng bằng chiến đấu không quen nên nhiều đồng chí bị bắt và hy sinh. Qua danh sách, Tiểu đoàn Yên Ninh 2 đi vào Nam chiến đấu 700 chiến sĩ, hy sinh gần 400 người, nay mới tìm kiếm được khoảng 200 hài cốt liệt sĩ. Trang nhật ký của các tiểu đoàn Yên Ninh gắn liền với các tên tuổi như: Hoàng Trọng Mưu (Khánh Thiện, Lục Yên), Hoàng Văn Tựu (Vĩnh Lạc, Lục Yên), Hoàng Văn Sửu (Khánh Hòa, Lục Yên), Hứa Hùng Mạnh (Tân Lập, Lục Yên)… Các anh đã trở thành niềm tự hào của quân và dân Yên Bái. Thành tích xuất sắc của các anh đã được Nhà nước tặng thưởng trên 1.800 huân chương các loại, 285 bằng “Dũng sỹ diệt Mỹ”, 150 bằng “Dũng sỹ diệt xe cơ giới, máy bay” và hàng ngàn bằng khen, giấy khen.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cựu chiến binh các tiểu đoàn Yên Ninh, người tiếp tục tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam, giải phóng nước bạn Campuchia, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trở thành cán bộ trung, cao cấp của quân đội; người chuyển ngành công tác ngoài quân đội, còn đại bộ phận xuất ngũ về địa phương tham gia lao động sản xuất. Nhiều đồng chí trưởng thành giữ các vị trí quan trọng ở địa phương. Dù ở điều kiện, hoàn cảnh, cương vị nào các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh vẫn luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” – các anh luôn chấp hành tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục và vận động con cháu tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Nhiều người mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trang trại có hiệu quả như cựu chiến binh Phạm Tiến (thành phố Yên Bái), Mai Văn Thông, Hà Ngọc Lâm (Văn Yên)…

Hôm nay, sống trong hòa bình, chúng ta vẫn luôn nhớ tới các anh – những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh, những người con của nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đóng góp và hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và hôm nay, họ vẫn ngày đêm làm đẹp thêm hình ảnh của người lính Yên Ninh giữa đời thường…

Những con đường, tên phường, và rạp mang chiếu phim mang tên Yên Ninh trên địa bàn thành phố Yên Bái luôn gợi trong mỗi người con Yên Bái hôm nay nhớ về những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa, theo tiếng gọi của non sông lên đường vào Nam đánh Mỹ.

0 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h