Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Phát triển kinh tế lòng hồ cho đồng bào dân tộc thiểu số

13/09/2021 14:06:08 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hồ Thác Bà là nhân tạo hình thành từ việc xây dựng thủy điện, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống quanh khu vực hồ đã biết tận dụng lợi thế mà hồ nước mang lại để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp để khai thác tối đa nguồn lợi từ mặt nước, tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giao thông, du lịch trên lòng hồ.

Nuôi cá lồng trên Hồ Thác Bà.

Là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, hồ Thác Bà với gần 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, không chỉ tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với diện tích mặt nước lên tới 19.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản phát triển. Hơn 10 năm qua, phát huy tiềm năng sẵn có, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động, đặc biệt có nhiều chính sách để khuyến khích hỗ trợ nhân dân gần 20 xã chung quanh hồ phát triển nuôi trồng thủy sản. Giờ đây, nuôi trồng thủy sản đã trở thành nghề giúp hàng ngàn hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Ông An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2021-2025 định hướng năm 2025 duy trì từ 2.500 đến 3.000 lồng cá, 300ha để nuôi cá eo ngách, phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 9.200 tấn/năm, phấn đấu 50% sản phẩm được qua chế biến, xuất khẩu, hướng đến mục tiêu đạt 300 triệu/ năm/ha mặt nước.

Nhờ những chính sách đặc thù của tỉnh, của huyện dành cho vùng chăn nuôi thủy sản, đến nay, Yên Bình đã có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác, cùng hơn 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà. Ngoài ra, có khoảng 15% dân số ở 20 xã quanh hồ sinh sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản.

Gia đình anh Đàm Thanh Sơn, xã Thịnh Hưng là một trong những hộ tiêu biểu trong áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nuôi cá lồng, hướng tới đăng ký sản xuất nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ nuôi trồng thủy sản, từ 5 lồng cá ban đầu, đến nay, sau 4 năm, gia đình anh đã có 25 lồng cá với các loại như cá rô phi, cá lăng, cá trạch… Thu nhập của gia đình từ 400-500 triệu đồng/năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy sản lượng có giảm nhưng vẫn đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, cá thu hoạch đến đâu được thương lái đến tận nơi thu mua hết đến đó, hầu hết các hộ nuôi cá lồng tại huyện Yên Bình đều tham gia vào các tổ hợp tác để hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng kịp thời các đơn hàng. Cùng với nuôi cá lồng, người dân quanh hồ còn nuôi cá quây lưới. Trung bình, mỗi hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Để thúc đẩy kinh tế vùng hồ Thác Bà phát triển, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng và cá quây lưới với mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/lồng với hộ gia đình, 5 triệu đồng/lồng đối với các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô từ 30 lồng trở lên. Nhờ đó nhiều hộ dân quanh hồ Thác Bà đã có điều kiện mở rộng chăn nuôi.

Trong thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ vận động người dân ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, tăng năng suất và chất lượng, liên kết sản xuất theo chuỗi đồng thời chú trọng việc xây dựng bảo vệ nhãn hiệu cá hồ Thác Bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể.

Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình: Qua việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Yên Bình đã hỗ trợ được hơn 1.600 lồng cá cho các hộ dân, các doanh nghiệp, HTX  qua đó, có hệ thống lồng nuôi bảo đảm chắc chán và kiến cố và cũng rất thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Huyện cũng đã triển khai hai dự án nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà sau hai năm triển khai thực hiện đã cho kết quả tốt, qua triển khai dự án này đã giúp liên kết các hộ dân nuôi cá ở vùng lòng hồ Thác Bà với các doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, nghề nuôi trồng thủy sản đã trở thành một “cánh cửa mới” để bà con dân tộc sinh sống chung quanh vùng lòng hồ khai thác lợi thế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bên cạnh sự phát triển và nguồn lợi kinh tế to lớn từ nghề nuôi trồng thủy sản, một số làng nghề có tính chất đặc thù gắn với khu vực hồ nước lớn đã hình thành từ nhiều năm và mang tới thu nhập ổn định cho đồng bào.

Người Dao xã Phúc An vùng Đông hồ Thác Bà đan dọ tôm.

Nhắc đến Làng nghề đan rọ tôm xã Phúc An huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, chắc hẳn những người làm nghề đánh bắt tôm cá khu vực Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang… không còn lạ lẫm. Những năm gần đây, nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm, xã Phúc An phát triển  mạnh và trở thành nghề “ăn nên làm ra” theo mùa nước nổi trên vùng hồ Thác Bà, đem lại cuộc sống ấm no đủ đầy cho người dân nơi đây.

Nghề đan rọ tôm đã mang lại nguồn thu nhập chính cho hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nga và hàng chục hộ người dân tộc Dao khác của làng nghề Đồng Tâm. Mỗi ngày, chị Nga có thể đan được hơn 20 chiếc rọ tôm, có ngày cao điểm chị có thể đan được 50 chiếc, tùy theo kích thước mà khách hàng yêu cầu. Trừ chi phí mỗi tháng, chị Nga có thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng, có những tháng thu nhập hơn 5 triệu đồng.

Qua bàn tay khéo léo của người dân thôn Đồng Tâm, chiếc rọ tôm vừa đẹp vừa bền. Vì thế, nghề đan rọ tôm tuy là công việc lúc nông nhàn nhưng từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân.

Vào thời gian từ tháng 6 cho đến cuối sẽ bước vào mùa nước nổi, mùa tôm, cá bắt đầu sinh sôi nảy nở, ngay sau khi những chiếc rọ tôm đan xong sẽ được chuyển bán ngay cho thương lái hoặc đưa ra hồ phục vụ cho việc khai thác tôm cá của gia đình.

Mỗi ngày, vào buổi sáng sớm, anh Đặng Văn Tấm ở thôn Đồng Tiến đi đặt khoảng 600 rọ tôm, thu được 3-5 kg tôm với giá bán từ 40.000 - 60.000 đồng tùy loại đã giúp gia đình anh Tâm có nguồn thu nhập khá.

Hiện nay, trên 80% hộ dân trong thôn giữ nghề đan rọ, mỗi năm sản xuất được 1,4 triệu chiếc, thu hơn 5,3 tỷ đồng/năm, bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Nguyễn Lê Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái: Huyện Yên Bình rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển làng nghề, tổ hợp tác đan lát các sản phẩm từ mây tre đan như thôn Nà Ké (xã Ngọc Chấn), thôn Na (xã Phúc Ninh), thôn Đồng Tâm (xã Phúc An)… Trong đó, làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm, xã Phúc An đã được tỉnh công nhận, đây là nghề sản xuất có giá trị lớn và thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, tận dụng được nguồn lao động dư thừa ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới./.

947 lượt xem
CTV: Đức Khải

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h