Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Yên Bái xây dựng "Tỉnh hạnh phúc"

10/10/2021 07:13:22 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi khó khăn, không có nhiều lợi thế phát triển. Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, địa phương này đứng trước thách thức lớn khi tìm hướng đi cho mình. Nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách thì Yên Bái sẽ khó tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vậy, địa phương đã tìm một triết lý phát triển riêng, đó là hướng đến sự hài lòng và hạnh phúc của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (người thứ 3 từ bên phải) kiểm tra mô hình sản xuất trên đất bán ngập vùng Hồ Thác Bà

Yên Bái đã tham khảo kinh nghiệm của một tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội ở Anh để "định lượng” chỉ số hạnh phúc qua công thức: (Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống x Tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình): Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống. Từ đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiến hành một cuộc điều tra xã hội học trên địa bàn. Kết quả, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 53,3% - ở mức "Khá hạnh phúc”.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, một chủ trương mang tính sáng tạo, đột phá, thể hiện khát vọng lớn đã được đưa ra quyết nghị và nhận được sự đồng lòng, thống nhất của toàn Đại hội. Đó là việc đưa chỉ số “hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội.

Trường học hạnh phúc

Trước đây, việc đi học của không ít trẻ em ở Yên Bái rất khó khăn do nhiều nguyên nhân xuất phát từ nhận thức đến điều kiện sinh sống của người dân. Công tác vận động đưa trẻ đến trường cũng vì thế mà không dễ dàng.

Nhưng nay, trẻ em được đến trường đầy đủ hơn. Triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, nhiều đơn vị đã thực hiện các giải pháp, hướng đến mục tiêu “100% học sinh đều thích được đến lớp”. Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết:Trường học hạnh phúc là nơi mà giáo viên và học sinh khi đến trường thực sự là một ngày vui và một ngày ý nghĩa, là nơi mà không có bạo lực học đường, không có sự xúc phạm về danh dự, nhân phẩm của giáo viên học sinh, là nơi mà không có áp lực về điểm số. Chúng tôi cũng đã nỗ lực thay đổi, từ tư duy của người cán bộ quản lý đến tư duy của đội ngũ giáo viên. Và sau một năm thực hiện, tuy thời gian chưa nhiều nhưng chúng tôi cũng đã thấy được hiệu quả rất rõ rệt trong phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, cũng như phát triển chất lượng giáo dục”.

Một giờ học hạnh phúc của thầy giáo với học sinh trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân huyện Yên Bình.

Các trường học áp dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh. Cách quản lý và tương tác mang tính áp đặt đều được cố gắng khắc phục triệt để; tạo nhiều cơ hội để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được phát triển tối đa năng lực, sở trường.

Thầy giáo Trần Quang Thành, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Yên Bình chia sẻ: “Người thầy giáo cũng phải thân thiện với học sinh, không tạo ra áp lực cho học sinh. Khi mà gọi các em lên nói một từ đơn giản mà các em không nói được thì mình không vội chê các em mà mình phải gợi mở cho các em làm sao các em nói ra được. Từ đó thì lần sau mình gọi các em thì các em có rất nhiều hứng thú học. Làm sao để mỗi khi muốn hỏi thầy cô giáo thì các em sẽ không bị ngượng ngùng. Tôi nghĩ là từ những vấn đề nhỏ đó thì các em sẽ học bài tốt hơn”.

Năm học 2021-2022, Yên Bái thực hiện thí điểm mô hình "Trường học hạnh phúc” tại 136/453 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên toàn địa bàn. Chú trọng lĩnh vực giáo dục đào tạo là giải pháp dài hạn nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái. Mục tiêu đến năm 2025 là tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương này đạt 70%, trong đó bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.

Đồng chí Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái: Để đo lường chỉ số hạnh phúc trong trường học thì ngày 10/11/2020, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 2813 ban hành Bộ Tiêu chí tạm thời về Trường học hạnh phúc trên địa bàn tỉnh. Bộ Tiêu chí gồm 3 nhóm tiêu chí, về môi trường nhà trường,về tổ chức dạy học, hoạt động dạy học và các mối quan hệ trong nhà trường. Các nhà trường xây dựng theo tiêu chí trường học hạnh phúc sẽ có sự thay đổi về tư duy giáo dục. Bao gồm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực, đảm bảo mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện. Tổ chức kiểm tra đánh giá phù hợp với năng lực của học sinh vì sự tiến bộ của học sinh, không có yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc kiến thức và hạn chế được tình trạng học thụ động, bệnh thành tích.

Quan điểm “hạnh phúc” có sự khác nhau giữa mỗi người, mỗi vùng. Theo kết quả một cuộc khảo sát thì ở Yên Bái, đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu chi tiêu không lớn, họ cần một cuộc sống an toàn trước thiên tai, bão lũ. Suốt đời gắn bó với rừng, họ mong mưu sinh được từ rừng, không phải xuất cảnh trái phép kiếm việc làm, không phải đi lao động thuê ở các địa phương. Vì vậy, gia đình được an cư, trẻ em được đến trường, người trong độ tuổi lao động có công ăn việc làm, mọi người đều được chăm sóc sức khoẻ tốt, đó chính là hạnh phúc!

Bệnh viện hạnh phúc

Cùng với “Trường học hạnh phúc”, Yên Bái cũng triển khai mô hình “Bệnh viện hạnh phúc”. Tỉnh thực hiện thí điểm việc đánh giá sự hài lòng của người bệnh bằng thiết bị điện tử tại một số bệnh viện; đưa kết quả đánh giá sự hài lòng của người bệnh trở thành một tiêu chí thi đua. Chị Hoàng Thị Hoa, Tổ dân phố 8, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vào bệnh viện được các y bác sĩ ở bệnh viện chăm sóc, thăm khám rất là nhiệt tình, thân thiện, làm tư tưởng của bệnh nhân chúng tôi cũng thoải mái. Bệnh tật trong người cũng giảm đi rất đáng kể.

Cán bộ Trung tâm y tế huyện Văn Yên khám bệnh cho bệnh nhân đang điều trị. 

Bác sĩ Cao Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: “Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đang thực hiện phong trào phát động của ngành Y tế là bác sĩ tận tâm, người bệnh hạnh phúc. Thứ nhất là về trau dồi y đức cho các thầy thuốc. Thứ hai là đối với người bệnh đến thì đón tiếp niềm nở. Người bệnh ở thì chăm sóc tận tình. Người bệnh về thì dặn dò chu đáo. Và luôn luôn phát triển hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tỷ lệ chuyển tuyến của Trung tâm Y tế những năm gần đây giảm rất nhiều. Như vậy cũng là một niềm hạnh phúc và niềm tin tưởng cũng như là niềm vui của người thầy thuốc.

Cơ quan hạnh phúc

Không dừng lại ở đây, chỉ số hạnh phúc tiếp tục được tỉnh Yên Bái nỗ lực nâng cao qua  các phong trào thi đua rộng khắp về xây dựng “Cơ quan hạnh phúc”, “Thôn bản, tổ dân phố hạnh phúc”, “gia đình hạnh phúc”… Mỗi một lĩnh vực đều tạo nên một dấu ấn mới đáng ghi nhận. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông -Văn hoá huyện Văn Yên chia sẻ: “Cơ quan hạnh phúc” thì ở nơi đó không có sự đố kỵ, ganh ghét. Mọi người yêu thương, quan tâm, quý mến, giúp đỡ lẫn : nhau cùng tiến bộ về mọi mặt, thường xuyên chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà cơ quan, đơn vị được giao. Đặc biệt, mô hình “Cơ quan hạnh phúc” đã khắc được những hạn chế như là lợi ích nhóm, bè phái, dĩ hoà vi quý, nể nang, né tránh. Qua đó đã xây dựng cơ quan ngày càng trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền giao cho.

Đặc biệt, mô hình “Thôn bản, tổ dân phố hạnh phúc” đã làm thay đổi đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục tình trạng mất an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội. Đến thời điểm này, hơn 200 thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được lựa chọn để triển khai xây dựng mô hình “Thôn bản, tổ dân phố hạnh phúc”. Đáng chú ý, các công trình công cộng, công trình phúc lợi  mọc lên ở nhiều nơi.

Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 1, 2 phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái: “dựa trên cơ sở các chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc thì bằng những việc làm cụ thể, Tổ dân phố đã đăng ký 3 công trình phần việc, thì trong đó công trình đường cống dân sinh của Tổ dân phố dài khoảng trên 100m hoàn toàn bằng tiền xã hội hoá 130 triệu. Công trình thứ hai là mô hình lắp camera an ninh bằng nguồn xã hội hoá với số tiền lắp 4 mắt camera trên toàn địa bàn của tổ dân phố chúng tôi với số tiền là 20 triệu đồng. Công trình thứ 3 nữa là tiểu công viên cây xanh với sân thể thao kết hợp với sân chơi cho các cháu, dự kiến tổng kinh phí khoảng 150 triệu. Ở trên hỗ trợ cho 50 triệu, còn lại là xã hội hoá hết. Bà con nhân dân rất là đồng tình ủng hộ và phấn khởi”.

Đồng chí Luyện Hữu Chung, Bí thư Huyện ủy Văn Yên, chia sẻ những nét riêng có của huyện Văn Yên đã thực hiện trong việc xây dựng tiêu chí đánh giá “gia đình hạnh phúc, thôn bản, tổ dân phố hạnh phúc” là phát động các phong trào thi đua yêu nước cụ thể, thiết thực, hiệu quả như là phong trào tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, phong trào xây dựng gia đình “5 không, 5 sạch”, tổ chức cuộc thi “Cổng, tổ dân phố đẹp”. 25/172 thôn tổ dân phố đã đăng ký xây dựng thôn, tổ dân phố hạnh phúc và thành lập được 172 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tỉnh hạnh phúc

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách riêng của địa phương về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho cả giai đoạn, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường. Đặc biệt, Tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Yên Bái cho biết, tỉnh đang rất quan tâm đến phát huy tối đa nhân tố con người, lấy giá trị văn hoá con người Việt Nam để làm nền tảng, làm sức mạnh nội sinh quan trọng để mà thực hiện được chỉ tiêu hạnh phúc. Chính Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh đã đưa ra sức mạnh nội sinh của con người Yên Bái là thân thiện, nhân ái, đoàn kết sáng tạo, hội nhập. Sắp tới các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở sẽ cần thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng cụ thể, yếu thế trong xã hội để quan tâm, nâng cao chỉ số hạnh phúc ở đối tượng này.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết từ nội hàm của các tiêu chí về chỉ số hạnh phúc tỉnh đang nỗ lực đạt chỉ tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân qua các năm và phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng chỉ số hạnh phúc lên 15%. Cũng đồng nghĩa với việc tỉnh Yên Bái phải quyết tâm cao độ trong triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân; trong đó tỉnh rất chú trọng đến việc phát triển hài hoà giữa kinh tế và xã hội, môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành  thị, giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn.

Tuy nhiên,việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái cũng đang đứng trước nhiều trở ngại, thách thức. Trước tiên là khó khăn do trình độ dân trí ở địa phương không đồng đều, đời sống của một bộ phận nhân dân còn những khó khăn nhất định, chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng đang có tác động nhiều mặt.

Việc cụ thể hoá và triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân là vấn đề mới và khó. Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện nên không tránh khỏi những vướng mắc. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức viên chức và người dân chưa nhận thức đầy đủ các nội dung liên quan đến chỉ số hạnh phúc. Và tỉnh cũng xác định là không cầu toàn, song cũng phải tiến hành khoa học, bài bản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm hàng năm. Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết thêm.

Vượt lên trên những khó khăn của một địa phương miền núi, Yên Bái đang nỗ lực nâng cao chỉ số hạnh phúc. Tỉnh chú trọng phát huy vai trò gương mẫu đi đầu đầu của cán bộ, đảng viên; phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và trở thành “Tỉnh hạnh phúc” vào năm 2025.

Cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân tộc Mông chăn nuôi trâu vỗ béo.

1417 lượt xem
CTV: Thanh Sơn - Đức Khải

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h