Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW làm việc tại tỉnh Yên Bái

05/11/2021 07:30:41 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chiều 4/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với đoàn công tác của Trung ương về tình hình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị 10 tháng năm 2021; kết quả phát triển các ngành kinh tế nông, lâm sản, các mô hình phát triển kinh tế điển hình.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn báo cáo với đoàn công tác của Trung ương về tình hình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị 10 tháng năm 2021.

Trong 10 tháng năm 2021, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh với phương châm “Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả”, đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật; nhất là, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội”.

Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh có 78/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hiện đang hoàn thiện thủ tục, đến cuối năm 2021 sẽ có thêm 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt nông thôn mới toàn tỉnh lên 88/150 xã, đạt tỉ lệ 58,7%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2021 ước đạt 13.350 tỷ đồng, bằng 94,01% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,0% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 21.310 tỷ đồng, bằng 99,1% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt kết quả tích cực, đạt 2.852,2 tỷ đồng, hiện đã vượt 11% dự toán Trung ương giao, bằng 71,3% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 23,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 14.104 tỷ đồng, bằng 78,36% kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt khá, đến hết tháng 10/2021 đạt 3.280 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch vốn đã giao…

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ; thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Làm tốt công tác an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho người có công và các các đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực, là một điểm sáng trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Về kết quả phát triển các ngành kinh tế nông, lâm sản, các mô hình phát triển kinh tế điển hình, tỉnh đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 (giá so sánh 2010) là 4,67%. Tổng sản phẩm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành năm 2020 đạt 4.379,1 tỷ đồng.

Đến năm 2020 tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung tạo động lực phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị: Vùng lúa trên 2.500 ha, vùng trồng ngô chuyên canh 12.500 ha, vùng cây quả có múi gần 5.000 ha, vùng rừng trồng gỗ nguyên liệu khoảng 100.000 ha, vùng quế trên 78.000 ha... Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản được hình thành, phát huy hiệu quả kinh tế. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 239 cơ sở chế biến nông, lâm sản. Hàng năm trồng mới trên 15.000 ha rừng. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 433.550,7 ha đất lâm nghiệp có rừng. Thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư, giao đất ở, đất sản xuất để cộng đồng dân cư, hộ gia đình và các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất của rừng.

Đến nay, toàn tỉnh có 2.626 công trình thủy lợi; trên 70.000 công trình cấp nước hợp vệ sinh, 242 công trình cấp nước tập trung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 92% hộ gia đình nông thôn.

Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 30 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tập trung chủ yếu vào liên kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 83 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạnh từ 3 sao trở lên (05 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao)…

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án lớn và các cơ chế, chính sách phát triển vùng tại địa phương còn gặp khó khăn. Công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành, lĩnh vực còn bất cập, đặc biệt là quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, quy hoạch dân cư nông thôn; Mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn còn thấp so với nhu cầu của các địa phương, dẫn đến phải thực hiện dừng, tạm dừng, giãn tiến độ triển khai thực hiện các dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư…

Tại buổi làm việc, tỉnh Yên Bái đề xuất với đoàn công tác báo cáo Bộ Chính trị xem xét, sớm ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Thảo luận tại buổi làm việc các thành viên của Đoàn công tác đề nghị tỉnh Yên Bái làm rõ hơn về một số nội dung đó là: về chuyển dịch cơ cấu nông, lầm nghiệp; về tỷ lệ đô thị hóa; về phát triển các khu công nghiệp; về việc bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, về tăng cường liên kết vùng…Đồng thời tỉnh cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong thu hút đầu tư; nêu lên những khó khăn vướng mắc trong trong quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh và việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã báo cáo làm rõ hơn một số nét nổi bật của tỉnh Yên Bái trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 và một số đề xuất, kiến nghị để Đoàn công tác nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Có thể nói, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản triển khai của Trung ương đã tạo cơ sở chính trị cho việc ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, gia tăng nguồn lực, tạo động lực tác động tích cực, mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Yên Bái đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản; lâm nghiệp phát triển theo hướng đa mục tiêu. Sản xuất công nghiệp từ việc đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng, đến nay tỉnh đã tập trung phát triển theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ. Về những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung vào đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mô hình đô thị thông minh…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nên rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng đề xuất, kiến nghị 6 nhóm nội dung mang tính bao quát chung của cả vùng, đó là: Về vấn đề quy hoạch và định hướng phát triển; về liên kết, phát triển vùng; về đầu tư, phát triển; về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng; về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và về quản lý, sử dụng đất.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho rằng, vấn đề quy hoạch và định hướng phát triển là vấn đề tiên quyết cho sự phát triển của vùng. Do đó, Trung ương cần sớm xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cũng như các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có liên quan bảo đảm liên thông đồng bộ với quy hoạch tỉnh; trên cơ sở đó xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò, chức năng của cả vùng, cũng như của từng địa phương, để từ đó xác định phương hướng phát triển phù hợp cho cả vùng, cho từng địa phương trong vùng đảm bảo phát triển nhanh, bền vững trên cả ba trụ cột đó là: phát triển hài hòa giữa Kinh tế - Xã hội - Môi trường.

Đối với liên kết nội vùng, trước hết, cần có cơ chế để tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng trên các lĩnh vực như: phát triển kinh tế lâm nghiệp; phát triển vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trong chia sẻ thu hút đầu tư và trong phát triển du lịch.

Đối với liên kết liên vùng, cần có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực của các vùng có chung lợi ích (nhất là Vùng đồng bằng sông Hồng) cho việc bảo vệ, phát triển rừng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; liên kết trong xây dựng chuỗi cung ứng; liên kết chia sẻ kinh nghiệm phát triển.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị: về đầu tư, phát triển, cần quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối, lấy các tuyến đường cao tốc (Nội Bài - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lạng Sơn) là trục kết nối chính; đồng thời, đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở mới các tuyến đường kết nối ngang để tăng cường khả năng kết nối, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng. Cần có cơ chế để khi xây dựng tiêu chí, định mức, phương án phân bổ các nguồn lực đầu tư, cần ưu tiên hợp lý cho các tỉnh trong vùng, nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hạ tầng giao thông, kết nối với các huyện nghèo; hệ thống cơ sở vật chất cho các trường học thuộc vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình phòng, chống thiên tai.... theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với người dân thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước, nhất là đối với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, để người dân gắn bó với rừng, yên tâm sinh sống, vươn lên thoát nghèo, hướng tới cuộc sống khá giả với nghề rừng; cần điều chỉnh, bổ sung chính sách đặc thù cho các địa phương được chuyển diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt, kém hiệu quả sang trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản, cây ăn quả... theo hướng thâm canh, hình thành các vùng trồng tập trung có giá trị kinh tế cao để người dân có thể sống được nhờ rừng; có cơ chế, chính sách đặc thù đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, giao đất, giao rừng; người dân sống trong khu vực có rừng có thể phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch liên quan đến thế mạnh của rừng; có chính sách thu hút, khuyến khích tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa bàn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Trung ương cần sớm xây dựng Đề án tổng thể về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực miền núi phía Bắc; trong đó, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai; sắp xếp và bố trí lại, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất của khu vực.

Đối với quản lý, sử dụng đất, hiện nay việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường còn nhiều hạn chế, bất cập; việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của các lâm trường, công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn; chính sách khoán bảo vệ rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng còn bất cập, chưa thực sự khuyến khích người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng. Do đó tỉnh đề nghị Trung ương sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn bất cập, chồng chéo của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và pháp luật khác có liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn; trong đó cần tăng cường phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm cho chính quyền địa phương; điều chỉnh, quy định bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến sắp xếp, chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của các công ty lâm nghiệp, lâm trường, nhất là các quy định liên quan đến quản lý đất đai, tài sản trên đất; xử lý tài chính, nợ xấu, bao gồm cả phá sản lâm trường hoạt động yếu kém.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh cũng như việc thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thành công của Nghị quyết 37 đã xác định được tư duy và tầm nhìn đúng, tạo động lực cho vùng phát triển và Yên Bái định vị được vị trí của mình trong phát triển chung của vùng và đã rất cố gắng và nỗ lực thực hiện hiệu quả kinh tế rừng, lấy rừng là trung tâm và động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu phát triển vượt xa so với mục tiêu nghị quyết đề ra; kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Cùng với đó, Yên Bái cũng rất nỗ lực để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ bổ sung vào báo cáo của Trung ương, đồng thời đề xuất các quan điểm, định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển vùng cho giai đoạn tới, trong bối cảnh mới.

Trước đó, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW và Đoàn công tác của Trung ương đã đi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên. (ảnh trên)

817 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h