Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa

13/01/2022 12:21:44 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 12/01/2022, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị-Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã tham dự và phát biểu ý kiến tham luận làm rõ thêm một số nội dung về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tham luận tại Hội nghị

Nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người Yên Bái; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển.

Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của tỉnh, Yên Bái đã xây dựng một triết lý phát triển riêng theo hướng phát triển “xanh - hài hòa - bản sắc và hạnh phúc”. Qua nhiều nhiệm kỳ kế tiếp nhau, Yên Bái đã có một hệ thống văn bản chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp (bao gồm nhiều nghị quyết, chính sách, đề án, kế hoạch...) với những bước đi, lộ trình, nhiệm vụ rất cụ thể đặt ra cho công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ngay sau khi Luật Di sản văn hoá có hiệu lực (năm 2002), tỉnh Yên Bái đã nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương có liên quan. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá được tăng cường. Ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa được nâng lên rõ rệt.

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Yên Bái đã triển khai có hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định tại Luật Di sản Văn hóa. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản đã được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào cuộc thực hiện, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

Toàn tỉnh hiện có 126 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia; 714 di sản, trong đó 04 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Tỉnh luôn quan tâm ưu tiên việc rà soát, kiểm kê những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh để đưa vào trong phạm vi quản lý của luật di sản, có căn cứ bảo vệ đất đai khoanh vùng di tích... sắp xếp mức độ ưu tiên để lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL công nhận di tích Lịch sử văn hóa quốc gia với những di tích đảm bảo điều kiện công nhận.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, thám sát, khai qật phát hiện nhiều di chỉ, di tích, di vật của các thời kỳ lịch sử, với những cứ liệu lịch sử xác đáng, khoa học và logic, góp phần làm rõ hơn các giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử một cách khách quan, toàn diện và trung thực, như: di tích khảo cổ học quốc gia Hắc Y-Đại Cại; Di chỉ Bến Mậu A, huyện Văn Yên; các nghiên cứu về nhóm di tích đá khắc cổ ở Mù Cang Chải, về các dấu tích lịch sử văn hóa dưới Hồ Thác Bà, các di chỉ, di tích khảo cổ học thuộc thời đại Hậu kỳ đá mới-sơ kỳ kim khí lưu vực sông Hồng; Khảo sát, sưu tầm bổ sung kho cơ sở 5.730 tài liệu, hiện vật thuộc các giai đoạn Tiền sơ sử, Phong kiến, cận hiện đại và dân tộc học. Trong đó có nhiều hiện vật quý, có giá trị như Trống đồng Yên Hợp, Thạp đồng bến Đá Ôm 1 (Văn Yên)…

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái với vai trò trưởng nhóm cùng các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã hoàn thiện Hồ sơ Nghệ thuật Xoè Thái đệ trình UNESCO ghi danh. Tháng 12/2021 Nghệ thuật Xoè Thái chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quan tâm phát hiện, vinh danh các nghệ nhân ưu tú, các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hoá phi vật thể. Tỉnh Yên Bái có 312 nghệ nhân hiện đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy các di sản trong cộng đồng, trong đó có 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, 07 nghệ nhân được tỉnh phong tặng danh hiệu. Ngoài các nghệ nhân được vinh danh theo quy định của Trung ương Yên Bái đã ban hành quy chế riêng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái (xét tặng 2 năm 1 lần, đã thực hiện từ năm 2020) để động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian tích cực lưu truyền, truyền dạy các giá trị văn hoá của dân tộc mình.

Với phương châm “biến di sản thành tài sản phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, Yên Bái xác định tài nguyên văn hoá cũng là tài nguyên để phát triển du lịch. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã quan tâm ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Như: Hỗ trợ các đội văn nghệ truyền thống tại các địa điểm có hoạt động du lịch (mức hỗ trợ cao nhất 60 triệu đồng/1 đội, hỗ trợ duy trì hàng năm 3 triệu/đội); Hỗ trợ các hộ gia đình có hoạt kinh doanh du lịch cộng đồng với kiến trúc truyền thống (hiện có 119 cơ sở- 30 triệu/hộ);  Hỗ trợ mở lớp truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân của tỉnh (mức hỗ trợ 45 triệu đồng/lớp); Hỗ trợ lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tối đa 250 triệu đồng/hồ sơ); Hỗ trợ duy trì phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch (mức hỗ trợ 50 triệu đồng/1 HTX và 20 triệu đồng/1 tổ hợp tác...

Cùng với đó, Yên Bái đã thường xuyên tổ chức các chương trình, sự kiện giới thiệu văn hóa dân tộc, quảng bá du lịch đến bạn bè trong nước và quốc tế; đưa di sản văn hóa phi vật thể vào các chương trình ngoại khoá, chương trình giáo dục địa phương tại các cơ sở giáo dục để khơi dậy niềm tự hào, giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng Trường học hạnh phúc.

Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã nêu một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Luật Di sản văn hóa nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới. Trong đó, đối với một số di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I có người dân sinh sống, hoạt động sản xuất diễn ra hằng ngày (như khai thác, nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà; trồng lúa, canh tác đất ở Ruộng bậc thang Mù Cang Chải…) thì việc đảm bảo “bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian” theo quy định tại Điều 32 - Luật Di sản văn hoá là chưa thực sự phù hợp. Vì vậy, đề nghị Bộ VHTTDL, các bộ ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh và hướng dẫn chi tiết hơn, rõ ràng hơn để các địa phương căn cứ hướng dẫn người dân thực hiện các hoạt động sản xuất có tác động vào di tích vừa đảm bảo cuộc sống vừa bảo vệ, nâng cao, phát huy giá trị di tích.

Tỉnh Yên Bái cũng đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, bố trí nguồn lực, xây dựng, ban hành chính sách để hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ đối với tất cả các nghệ nhân dân gian đang thực hiện việc gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hoá phi vật thể, góp phần giúp các nghệ nhân có cuộc sống ổn định hơn, tập trung nghiên cứu, trao truyền và phát huy các giá trị di sản văn hoá của dân tộc.

Sớm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái để tỉnh Yên Bái và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có căn cứ xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động và kế hoạch của địa phương nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO vinh danh./.

626 lượt xem
CTV: Hồng Thanh Tâm

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h