Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Chương trình 135 góp phần giảm nghèo bền vững

08/02/2022 13:28:32 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Yên Bái đã huy động lồng ghép hiệu quả các nguồn lực của trung ương, của tỉnh và toàn xã hội để ưu tiên thực hiện các chính sách phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Bình quân hàng năm đầu tư, hỗ trợ cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đạt trên 2.800 tỷ đồng (chưa tính vốn vay của ngân hàng chính sách và các nguồn xã hội hóa) chiếm tỷ lệ trên 60% so với toàn tỉnh.

Chè Shan tuyết được phát triển mạnh mẽ ở xã Nậm Búng và Gia Hội, huyện Văn Chấn

Qua 5 năm thực hiện, chỉ tính riêng chương trình 135 ngân sách trung ương đã đầu tư, hỗ trợ thực hiện chương trình với tổng kinh phí 767,93 tỷ đồng. Tỉnh xác định đây là nguồn lực hết sức quan trọng, quan tâm bố trí từ nguồn ngân sách địa phương trên 253 tỷ đồng thông qua thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm đường giao thông nông thôn, phát triển nguồn nhân lực... để đầu tư hỗ trợ xây dựng mới 495 công trình cơ sở hạ tầng gồm các công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học...; thực hiện duy tu bảo dưỡng 139 công trình; hỗ trợ con giống vật nuôi cho 19.787 lượt hộ; hỗ trợ giống cây lương thực cho 26.289 lượt hộ; hỗ trợ giống cây công nghiệp, lâm nghiệp cho 1.927 lượt hộ; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi 1.086 hộ; hỗ trợ máy móc cho 7.665 hộ, hỗ trợ phân bón cho 9.475 lượt hộ…

Ngoài ra, còn hỗ trợ các hộ giống cỏ trồng chăn nuôi, giống cây ăn quả, các mô hình phát triển sản xuất thực hiện nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ cơ sở và cộng đồng…

Thông qua thực hiện tốt Chương trình 135, các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các Doanh nghiệp và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng.

Đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số có sự nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 25,17%, từ 32,21% đầu năm 2016 xuống còn 7,04% năm 2020, bình quân đạt 5,03%/năm, đạt 125% so với mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trong 5 năm giảm 38,3%, giảm từ 50,41% năm 2016 xuống còn 12,10% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 7,66%, giảm gấp 1,9 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước; số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm đáng kể.

Nhiều mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã cơ hoàn thành: 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đã được kiên cố có thể đi lại thuận tiện được 4 mùa; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 75,1%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 91%. Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 100% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; 90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Kết cấu hạ tầng vùng nông thôn được mở rộng, nhiều công trình được đầu tư khang trang, phát huy hiệu quả cao, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cấp nước, điện lưới quốc gia, trường học và hệ thống thông tin viễn thông.. góp phần cơ bản làm cho đời sống người dân có sự chuyên biên tích cực, kinh tế vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn từng bước phát triển mạnh mẽ, xoá được tình trạng đói lưu niên, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

Cùng với đó, ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân ngày càng được nâng lên, phương thức sản xuất mới, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung trong sản xuất nông - lâm nghiệp đã bước đầu được áp dụng, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các dự án ổn định và phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, người dân được tiếp cận, tham gia trực tiếp vào các mô hình sản xuất tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đã giải quyết việc làm cho 95.000 lao động có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Qua thực tế cho thấy các chương trình, dự án, chính sách được triển khai thực hiện cũng đã có hiệu quả, tác động tích cực góp phần làm giảm tình trạng di cư tự do, chặt phá rừng làm nương, tái trông cây thuốc phiện; an ninh chính trị, quốc phòng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cơ bản ổn định, không xảy ra những điểm nóng trên địa bàn. Điều này cho thấy các chương trình, dự án, chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội và ngày càng khẳng định niềm tin sâu sắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của tỉnh và toàn quốc, tốc độ phát triển kinh tế trên một số lĩnh vực còn chậm, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.

Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi với nguồn lực còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao; số hộ nghèo dân tộc thiểu số là năm 2020, chiếm tỷ lệ 86,34% trong tổng số hộ nghèo của tỉnh…

Để tiếp tục cùng các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển tỉnh Yên Bái theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc" như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 2030 cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và các Chương trình, dự án, chính sách khác tạo động lực, nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh với những giải pháp đồng bộ. Cùng với đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, khuyến khích liên kết, phát triển sản xuất, mở rộng sinh kế cho các hộ nghèo, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều lao động thuộc hộ nghèo; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ở các cấp. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của các chương trình đề ra góp phần thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh…

896 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h