Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Mùa xuân nhớ lời dạy Tết trồng cây của Bác Hồ

07/02/2022 07:23:13 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, hòa trong không khí đầy vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu năm mới, nhân dân ta ở khắp mọi miền Tổ quốc lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi năm xưa của Người, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp, một truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm qua, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã tích cực hưởng ứng Tết trồng cây góp phần thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.

Vào ngày 23/11/1959, để thiết thực chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1930 -1960), 15 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945 -1960) và chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1960-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng “Tết trồng cây”. Quan tâm đến môi trường thiên nhiên và hiểu được ý nghĩa sâu sắc, giá trị thiết thực của môi trường sống, Bác đã động viên và kêu gọi nhân dân ta tích cực trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bài báo ngắn gọn nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Trong giới hạn câu chữ nhất định, “Tết trồng cây” lại chứa đựng một thái độ, một tấm lòng vì nước, vì dân, vì quê hương, đất nước của Bác. Người viết “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ít rất nhiều. Ý kiến của chúng tôi tóm tắt là thế này: Để kỉ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc, mỗi người phụ trách trồng một vài ba cây và chăm sóc tốt”…

Đọc “Tết trồng cây” ta ngỡ như Người đang ngồi bên quần chúng nhân dân để nói chuyện, để bàn bạc, trao đổi về công việc trồng cây. Không kêu to, gọi lớn, lời “đề nghị” của Bác với nhân dân được nói ra tự tấm lòng vì lợi ích của dân, của nước. Những dẫn chứng cụ thể, những giải thích cặn kẽ... Bác đã thuyết phục được người nghe bằng lời lẽ nhẹ nhàng khi chỉ ra ý nghĩa của việc làm. Tác giả phân tích “Mỗi tết trồng độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Và để mọi người bắt tay vào công việc trồng cây trong khoảng thời gian không xa nữa thì “Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho “Tết trồng cây”, thí dụ Bộ Nông Lâm, các Ty Nông Lâm và các đoàn thể cần phải ương đủ cây. Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu…” Những gợi ý, hướng dẫn của Bác cho một cái tết trồng cây thật cụ thể và thiết thực.

Trước đó, trong bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà” đăng trên báo Nhân dân ra ngày 30/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

Muốn làm nhà cửa tốt

Phải ra sức trồng cây

Chúng ta chuẩn bị từ rày

Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà.

Quả là “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Rõ ràng, Bác Hồ luôn coi trọng việc “trồng người” nhưng cũng hiểu sâu sắc gia trị thiết thực, to lớn của công việc “trồng cây”… lời khuyên bảo, nhắc nhở ân cần của Bác đã đi vào đời sống, suy nghĩ, tình cảm và hành động, việc làm của mọi tầng lớp nhân dân…

Hưởng ứng lới kêu gọi của Người, toàn dân đã thực hiện sôi nổi “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý (1960)… Kể từ khi phát động phong trào cho đến khi Bác qua đời, mỗi khi mùa xuân về, nhân dân ta lại tổ chức “Tết trồng cây” theo lời Bác dặn. Ai cũng ý thức được rằng trồng cây cùng một lúc sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực: điều hòa khí hậu, ngăn chặn thiên tai, lợi ích kinh tế, đem lại màu xanh nên thơ cho quê hương, xứ sở…

Mùa Xuân năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý của Bác là một vấn đề hết sức khó khăn. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây nhưng Bác rất kiên quyết, Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”. Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt. Theo kế hoạch đã chuẩn bị, Bác đến địa điểm trồng cây. Đông đảo các đại biểu, các tầng lớp nhân dân đã đứng trên những đồi cây đón Bác. Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa. Nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới mát cho cây, mọi người ai cũng xúc động. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người. Bác căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”. Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng mà còn chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” và “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế mà Bác ví rừng là vàng và căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Bác nói: “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay cho mục nát không khác gì đồng bào mình tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Và rồi Bác kêu gọi nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”. Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Đã hơn 50 mùa xuân kể từ ngày Bác đi xa, nhưng Tết trồng cây của Bác vẫn còn nguyên giá trị và đã đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều thế hệ, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Việt Nam diện tích rừng năm 1943 khoảng 14,3 triệu ha, tỉ lệ che phủ khoảng 43%. Do nhiều nguyên nhân như  nghèo đói, chiến  tranh, thiên tai mà diện tích rừng Việt Nam bị giảm mạnh, tính đến năm 1995 tổng diện tích rừng của Việt Nam chỉ còn 9 triệu ha, độ che phủ 28%, không đảm bảo an ninh sinh thái môi trường. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước cũng có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ rừng và trồng rừng. Vấn đề bảo vệ rừng, gây trồng rừng không chỉ còn mang ý nghĩa của việc bảo vệ phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn là để bảo vệ và cải tạo môi trường sống của loài người. Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ cần phải "tăng cường bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng" và "coi bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng tạo việc làm và nâng cao thu nhập"; đồng thời đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%”.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa nước đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống người dân. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày 01/4/2021 Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của tất cả người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử... bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Việc trồng cây xanh không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng mà còn giúp cho đất nước có một không gian xanh. Trồng cây cần có kế hoạch, quy hoạch, gắn cây với phát triển kinh tế; gắn bảo vệ môi trường với xây dựng đời sống nhân dân. Mỗi chúng ta hãy góp sức chung tay trồng cây xanh, bảo vệ rừng là việc làm thiết thực, góp phần cải thiện không khí, chống biến đổi khí hậu, mang lại một môi trường xanh - sạch - đẹp cho quê hương, đất nước.

1508 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h