Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố

06/06/2022 07:42:56 Xem cỡ chữ Google
Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng vừa ký Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cổng TTĐT Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn Quy định nói trên.

.

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII;

- Căn cứ Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về chức năng, phạm vi chỉ đạo, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

2. Quy định này áp dụng đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (viết tắt là Cơ quan Thường trực) và cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Chức năng của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là ở địa phương).

Điều 3. Phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

1. Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương.

2. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Điều 4. Nguyên tắc làm việc

1. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ; đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

2. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.

3. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 5. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

1. Tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để cụ thể hoá và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

3. Chỉ đạo, đôn đốc, điều hoà phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của tỉnh uỷ, thành uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan.

5. Chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

6. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và cấp uỷ viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị.

7. Chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của tỉnh uỷ, thành uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; định hướng cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin, đưa tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những hành vi lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.

8. Tổ chức sơ kết, tổng kết, định kỳ và đột xuất báo cáo ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban Chỉ đạo Trung ương về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương giao.

Điều 6. Quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

1. Yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền của địa phương báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.

2. Yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh.

3. Yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết quyết định thành lập các tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

4. Kiến nghị với ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

5. Yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, cấp uỷ các cấp quản lý thì kịp thời báo cáo cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp uỷ quản lý cán bộ đó để chỉ đạo xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ, uỷ ban kiểm tra thuộc cấp uỷ quản lý cán bộ đó để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định, đồng thời báo cáo thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ và Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển.

6. Trực tiếp làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; khi cần thiết, được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan của địa phương để phục vụ nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

1. Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch công tác và giải quyết các công việc phát sinh giữa hai phiên họp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

2. Giải quyết hoặc kiến nghị Ban Chỉ đạo cấp tỉnh giải quyết các đề xuất, kiến nghị của thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

3. Quyết định việc sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan của địa phương để phục vụ nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh khi cần thiết.

4. Chỉ đạo về chủ trương, định hướng xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khi cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

5. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc không đủ năng lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được giao.

6. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, kiến nghị của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

1. Tham gia và cùng chịu trách nhiệm lãnh đạo tập thể của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Trưởng ban về nhiệm vụ được phân công.

2. Chủ động đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Trưởng ban các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bổ sung vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, nhất là trong lĩnh vực, địa bàn, chuyên đề được phân công theo dõi, quản lý, phụ trách.

3. Cùng với tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo nơi công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của tỉnh uỷ, thành uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong địa bàn, lĩnh vực, chuyên đề được phân công theo dõi, quản lý, phụ trách.

Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban

1. Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương về hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

2. Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

3. Chủ trì, định hướng thảo luận, kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

4. Khi cần thiết, trực tiếp làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

5. Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp không họp được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trực tiếp quyết định và chỉ đạo thực hiện một số công việc cần thiết để đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tại phiên họp gần nhất.

6. Chỉ đạo xử lý các vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý do các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phát hiện, báo cáo theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xử lý cán bộ vi phạm.

7. Quyết định những vấn đề khác liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Trưởng ban

1. Phó Trưởng ban:

Ngoài nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo quy định tại Điều 8 Quy định này, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Giúp Trưởng ban điều phối hoạt động của các thành viên theo phân công của Trưởng ban.

b) Thay mặt Trưởng ban thực hiện một số công việc, chủ trì một số phiên họp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh khi được Trưởng ban uỷ quyền.

c) Giúp Trưởng ban chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo phân công của Trưởng ban.

2. Phó Trưởng ban thường trực:

Ngoài nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Phó Trưởng ban thường trực còn có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Giúp Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo, điều phối hoạt động, phân công công việc cho các thành viên; chỉ đạo, phối hợp, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo phân công của Trưởng ban.

b) Giúp Trưởng ban chỉ đạo chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu và triệu tập các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; xử lý công việc hằng ngày, thường xuyên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chủ trì một số cuộc họp và ký một số văn bản của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo phân công của Trưởng ban.

c) Trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Cơ quan Thường trực; quyết định các vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thường trực.

d) Giúp Trưởng ban chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

đ) Làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để nắm nội dung, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương, để kịp thời báo cáo Trưởng ban.

e) Chỉ đạo Cơ quan Thường trực xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về kết quả hoạt động, tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương với ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương.

Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan Thường trực

1. Giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

2. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong việc phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

3. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về chủ trương, định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh giao.

4. Trong trường hợp cần thiết, đề xuất với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về những giải pháp cụ thể (trong đó có giải pháp thành lập tổ công tác liên ngành) để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

5. Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

6. Khi cần thiết, hỗ trợ thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Trưởng ban giao.

8. Cơ quan Thường trực được đề nghị và tiếp nhận cán bộ biệt phái từ các cơ quan: Công an, viện kiểm sát, toà án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện nhiệm vụ. Việc biệt phái và tiếp nhận biệt phái do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện.

9. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cơ quan Thường trực được làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan; yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ; được sử dụng con dấu của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh khi ban hành các văn bản với tư cách là Cơ quan Thường trực.

Điều 12. Tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm:

1. Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ.

2. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh:

a) Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ.

b) Trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ.

c) Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ.

d) Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ.

đ) Giám đốc công an tỉnh, thành phố.

Trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

3. Các Uỷ viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh:

a) Trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.

b) Chánh văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ.

c) Chánh án toà án nhân dân tỉnh, thành phố.

d) Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố.

đ) Chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.

e) Giám đốc sở tư pháp tỉnh, thành phố.

g) Chánh thanh tra tỉnh, thành phố.

h) Chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố.

i) Phó trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ.

4. Ngoài thành phần, cơ cấu nêu trên, trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trước khi quyết định.

5. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm Trưởng ban và các Phó Trưởng ban.

6. Ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 13. Chế độ làm việc

1. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo chương trình hằng năm, họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất khi cần. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ hằng tháng, họp đột xuất khi cần.

Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, Trưởng ban quyết định triệu tập các phiên họp đột xuất của Ban Chỉ đạo, cuộc họp đột xuất của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

2. Kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thông báo bằng văn bản đến các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương và cá nhân có liên quan để thực hiện.

3. Khi cần thiết, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức hội nghị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ.

4. Định kỳ hằng tháng và khi cần thiết, các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản với Trưởng ban về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.

5. Trong thời gian Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh không họp, nếu có vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần phải giải quyết khẩn trương, kịp thời, Cơ quan Thường trực có trách nhiệm gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định; đồng thời thông báo kết quả tới các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Điều 14. Quan hệ công tác

1. Với Ban Chỉ đạo Trung ương: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định.

2. Với Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương (Ban Nội chính Trung ương): Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc của Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương.

3. Với ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ theo quy định.

4. Với các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ, thành uỷ, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh, thành uỷ: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ, thành uỷ, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ, thành uỷ, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ chấp hành sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; định kỳ, đột xuất báo cáo với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

5. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các cơ quan, tổ chức của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trong chỉ đạo triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Trường hợp ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh khác với ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương trong việc phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thì các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo đầy đủ việc phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc với Ban Chỉ đạo Trung ương.

6. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trao đổi thông tin cần thiết với các cơ quan, tổ chức; mời đại diện các cơ quan, tổ chức của địa phương tham dự các hội nghị có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Điều 15. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hằng quý và khi có yêu cầu, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương, kết quả hoạt động và định hướng công tác trong thời gian tiếp theo với ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương.

2. Định kỳ hằng tháng và khi có yêu cầu, uỷ ban kiểm tra, ban tổ chức, ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ; ban cán sự đảng toà án nhân dân, ban cán sự đảng viện kiểm sát nhân dân, đảng uỷ công an, đảng uỷ bộ đội biên phòng, đảng uỷ quân sự tỉnh, thành phố, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; thanh tra tỉnh, sở tư pháp, cục thi hành án dân sự, chi cục kiểm lâm, chi cục kiểm ngư, cục quản lý thị trường, cục thuế, cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (qua Cơ quan Thường trực) bằng văn bản về việc tổ chức thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các nội dung có liên quan; kịp thời báo cáo với Trưởng ban, Phó Trưởng ban được phân công chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực về tiến độ, khó khăn, vướng mắc và về kết quả thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban, Phó Trưởng ban đối với vụ án, vụ việc.

3. Định kỳ quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm và khi có yêu cầu, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Điều 16. Con dấu, tài khoản và kinh phí hoạt động

1. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có con dấu riêng theo quy định và sử dụng tài khoản của văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ để phục vụ hoạt động.

2. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ bảo đảm theo quy định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Quyết định thành lập và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

Căn cứ Quy định này và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh xây dựng, ban hành Quy chế làm việc.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký.

2. Các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quy định này.

3. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định./.

 

1359 lượt xem
Theo Chinhphu.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h