CTTĐT - Về thăm Yên Bình hôm nay, đi trên những con đường bê tông liên thôn thênh thênh trải giữa những thảm hoa rực rỡ, nối dài vào từng ngõ xóm; ngắm những ngôi nhà mới xây khang trang thấp thoáng dưới tán cây rừng xanh mướt, cùng những cánh đồng ngô lúa chắc quả, nặng bông…, mà như thấy được một bức tranh quê tươi sáng với sức sống mới mạnh mẽ của nông thôn đổi mới đang dần hiện hữu khắp các bản làng, thôn xóm. Bức tranh và sức sống mạnh mẽ ấy được tạo nên từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền các cấp; sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của những người dân Yên Bình cần cù, chất phác, bình dị và luôn khát khao một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.
Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình (người thứ nhất, bên phải) tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân” tại thôn Hương Giang, xã Đại Đồng.
Sức sống mới trên những miền quê núi
Về Yên Bình để được tận mắt thấy và cảm nhận rõ hơn sự đổi thay, khởi sắc trên mảnh đất cửa ngõ phía Nam của Yên Bái, nơi tôi muốn tìm đến không phải là trung tâm phố huyện đông vui, náo nhiệt mà chính là những miền quê bình dị, thanh bình đã và đang từng ngày vươn mình trỗi dậy, mang trong mình sức sống mới của những miền quê đổi mới. Với sự sắp xếp, phân công của Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Tuấn Hưng, tôi được cán bộ chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phương Thanh đưa về thăm Thịnh Hưng- một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Yên Bình. Dù đã hẹn trước nhưng lãnh đạo vị nào cũng bận nên Thanh cùng cán bộ văn phòng đưa tôi đi thăm một vòng quanh xã. Nghe nói trước kia, Thịnh Hưng cũng là xã thuần nông với trên 70% dân sống bằng nghề trồng trọt, cấy hái. Nhưng giờ đây, con số ấy đã thay đổi khi các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, công nghiệp được xây dựng và phát triển ngày càng mạnh trên địa bàn xã. Vượt qua đoạn Quốc lộ nườm nượp xe trọng tải lớn chở hàng hóa ra vào các nhà máy, chúng tôi lọt vào không gian xanh yên tĩnh của thôn Đào Kiều I. Nắng chiều còn chưa tắt mà khoảng sân xi măng rộng trước cửa nhà văn hóa đã rộn rã tiếng cười vui của đám thanh thiếu niên trong thôn. Nhanh tay mở cửa đón chúng tôi, chị Thuyết- Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ và ông Vũ Xuân Toàn- Bí thư Chi bộ thôn cùng cười và bảo: “Sân rộng thế này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của bà con nên phải chia ca đấy cô ạ. Đám trẻ vừa khỏe, vừa nhanh nhẹn thì nhận phần ca sớm để đá bóng, đánh cầu. Từ 5 giờ chiều trở đi là đến giờ đánh bóng chuyền hơi của các chị em phụ nữ và những người trung niên yêu thích hoạt động thể thao. Nhiều ông bà đã sáu, bảy mươi tuổi mà chơi hăng say lắm. Điện đường, điện sân tối đến thắp sáng trưng nên nhiều hôm họ chơi đến 9, 10 giờ tối còn chưa muốn nghỉ”. Theo chân Bí thư Chi bộ đi thăm thôn, quả đúng như lời ông đã chia sẻ trước đó, rằng Đào Kiều I giờ không còn có nhà tạm, nhà dột nát mà thay vào đó là những ngôi nhà xây rộng rãi, khang trang. Con đường bê tông trải từ đầu thôn tới cuối thôn sạch sẽ, thoáng đãng, không những không có cỏ rác mà còn được tô điểm bởi những đoạn đường hoa.
Quay trở lại khi trời chiều đã bắt đầu chạng vạng, Chủ tịch UBND xã Lương Xuân Trường vẫn đang có ý chờ đợi chúng tôi tại trụ sở ủy ban. Có lẽ vừa nhận nhiệm vụ mới từ cuộc họp trên UBND huyện trở về nên trên gương mặt anh lộ rõ nét đăm chiêu. Chia sẻ nhanh với chúng tôi anh bảo, là một trong 3 địa phương được huyện tin tưởng giao nhiệm vụ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay, Thịnh Hưng rất vinh dự và tự hào nhưng cũng không khỏi lo lắng, trăn trở. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân đã tạo nên một khối thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của xã. Đến thời điểm hiện tại, Thịnh Hưng tự tin khẳng định sẽ không phụ sự tin tưởng của cấp trên bởi hầu hết các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao đều đã được hoàn thành. Trong đó có thể kể đến như hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa tới 95%; 2 thôn Đào Kiều I và thôn Hơn đang trong lộ trình về đích nông thôn mới kiểu mẫu; đường hoa, đường điện thắp sáng đường quê gần như được thực hiện 100% trên tất cả các tuyến đường bê tông; thu nhập bình quân đầu người đạt tới trên 41 triệu đồng/ người/ năm (dự kiến đến tháng 11 là 44 triệu đồng/ người/ năm)…
Nhân dân thôn Hơn, xã Thịnh Hưng bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Tiếp tục hành trình, Đại Đồng đón tôi bằng một cơn mưa rào đầu hạ. Từ quốc lộ 70, những con đường dẫn vào thôn, xóm lầy lội bùn đất của ngày trước giờ đã được thay bằng đường bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ. Mưa tạnh, nắng nhanh chóng phủ một màu vàng tươi lên khắp cánh đồng lúa chín, hòa vào sắc xanh mát mắt của những cánh rừng phía xa xa tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Là xã vùng thấp nằm giữa thị trấn Yên Bình và xã Tân Hương, lại có đến 2/3 diện tích là vùng hồ Thác Bà và còn lại chủ yếu là đất rừng nên Đại Đồng vốn không có nhiều lợi thế để phát triển. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Sau hơn 10 năm nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2020, Đại Đồng mới chính thức về đích. Nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm, Đại Đồng lại tiếp tục phát huy nội lực để chuẩn bị về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Dù mới tiếp nhận công tác về xã vừa tròn 2 năm, song xác định đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng mang tính dài hạn về phát triển kinh tế- xã hội, chính trị và quốc phòng, an ninh tại địa phương; đồng thời xác định xây dựng nông thôn mới phải thực sự nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân nên ngay sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện của huyện, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Quốc Hiếu với vai trò là người đứng đầu đã lập tức tập hợp, kêu gọi sự chung tay đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo, ban hành các Nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng tổ chức đoàn thể; xây dựng các kế hoạch với nhiều giải pháp thực hiện; tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ, tổ chức các đợt ra quân đồng loạt để xử lý, tháo gỡ vướng mắc… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Khi bắt tay vào xây dựng, qua rà soát, Đại Đồng cơ bản đã hoàn thành 9/19 tiêu chí. Trong số 10 tiêu chí còn lại thì 6 tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động, nhà ở, tổ chức sản xuất, y tế đã nhanh chóng được Đại Đồng hoàn thành trước thời gian dự kiến đề ra.
Nỗ lực, quyết tâm xây dựng để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Ngược dòng thời gian trở lại hơn 10 năm về trước, Yên Bình là huyện miền núi với địa hình chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao, trong tổng số 26 xã, thị trấn (nay là 24 xã, thị trấn) thì có tới 10 xã đặc biệt khó khăn, 09 xã có thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn... Với xuất phát điểm về xây dựng nông thôn mới còn thấp nên những năm đầu, dù đã nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư, hỗ trợ thực hiện còn hạn chế nên Yên Bình vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi bước vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng rồi, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trải qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, nông nghiệp nông thôn của Yên Bình đã dần khởi sắc, người nông dân có những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, góp phần tích cực vào việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Rút ra những bài học kinh ngiệm sâu sắc từ 5 năm đầu, bước vào giai đoạn thứ 2 (2016- 2020) với những cách làm sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả, Yên Bình đã từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi dậy nội lực mạnh mẽ trong dân và huy động được sự chung tay vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở được quan tâm, chú trọng, hệ thống bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình luôn được kiện toàn kịp thời; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cùng các Nghị quyết chuyên đề từ huyện đến xã hàng năm về xây dựng nông thôn mới được được triển khai nghiêm túc; năng lực cán bộ các cấp thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao; nguồn lực xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn lực; các cuộc vận động, phòng trào thi đua lớn nhỏ về xây dựng nông thôn mới như “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” , “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được cụ thể hóa thành các hoạt động thi đua sôi nổi ở các địa phương trong toàn huyện.
Sau 10 năm nỗ lực và quyết tâm, Yên Bình đã huy động được sức mạnh nội lực của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp công lao động và vật chất, tiền của để xây dựng quê hương. Nhiều công trình đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội được xây dựng, nhiều nhà dột nát được xóa, số hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập của người dân tăng lên, môi trường sống ngày càng được cải thiện… diện mạo nông thôn mới Yên Bình ngày càng có nhiều thay đổi. Tính đến hết năm 2021, Yên Bình có tổng số 18/22 xã hoàn thành xây dụng nông thôn mới, 02 xã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao và 05 thôn nông thôn mới kiểu mẫu với trên 80% đường giao thông nông thôn được bê tông và cứng hóa, hơn 271km kênh mương nội đồng được kiên cố, 100% nhân dân trong huyện được sử dụng điện lưới Quốc gia, 44/56 trường học đạt chuẩn Quốc gia, 100% các xã được đáp ứng đủ nhu cầu về thông tin truyền thông, trên 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế…
Giờ đây, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Yên Bình đã có chuyển biến rõ nét cả về chất và lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa rộng rãi và trở thành phong trào mạnh mẽ trong toàn huyện. Nhưng, để nông thôn mới thực sự bền vững, đời sống của nhân dân được đảm bảo no ấm, hạnh phúc, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của Yên Bình vẫn còn luôn trăn trở, đau đáu nhiều nỗi lo rất lớn. Chia sẻ về điều này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Dũng Giang bộc bạch với tôi rằng, thành quả đạt được của Yên Bình hôm nay là điều không thể phủ nhận. Song trước mắt, cùng với 4 xã khó khăn chưa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là Ngọc Chấn, Phúc An, Tân Nguyên và Yên Thành, nhiều địa phương tuy đã về đích nhưng có những xã, những thôn vừa mới ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn chưa lâu nên Yên Bình vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, việc lo sinh kế cho nhân dân là một trong những vấn đề mấu chốt cần quan tâm nhất. Từ nhiều năm nay, bằng nhiều giải pháp, cách thức khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp, Đảng bộ và chính quyền các cấp luôn vận động, đối thoại, đồng hành và hỗ trợ nhân dân tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo. Với vai trò là người đứng đầu lại là những cán bộ bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết, các thế hệ Bí thư Đảng bộ huyện của mấy nhiệm kỳ gần đây không chỉ đưa ra những chủ trương đúng, cách làm mới giúp địa phương phát triển mà còn luôn hết lòng tận tụy, thường xuyên gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Những cuộc “vi hành” xuống với dân của các đồng chí lãnh đạo ngày càng nhiều hơn. Nhất là mấy năm gần đây, từ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, UBND huyện cho tới các cán bộ, chuyên viên và lãnh đạo cấp xã hầu như không có ngày nghỉ bởi “Ngày cuối tuần cùng dân” được thực hiện thường xuyên, liên tục. Xuống với dân, các đồng chí lãnh đạo không chỉ trò chuyện, thăm hỏi mà tất cả còn xắn tay làm việc cùng dân. Từ cầm chổi quét đường cho đến đào đất trồng hoa, trồng cây, đắp nền, dọn chuyển chuồng trâu hay trộn bê tông làm đường… việc gì cũng không hề nề hà, ngại ngần. Mỗi lần xuống dân hay đi công tác trên đường, chỉ cần nhìn thấy chỗ này, chỗ kia vệ sinh môi trường chưa được sạch sẽ, đất đồi rừng nhiều mà bỏ trống không khai thác trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hay những hộ liền kề nhau mà nhà làm mô hình không đủ chỗ, nhà lại bỏ không… thì ngay khi trở về, Bí thư Huyện ủy sẽ tập hợ các thành phần liên quan, tổ chức quay xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động, đồng thời tìm hiểu xem có gì vướng mắc để kịp thời tháo gỡ giúp bà con.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (người đầu tiên, bên phải) tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân” tại thôn Miếu Hạ xã Thịnh Hưng.
Hướng đến huyện nông thôn mới phát triển, hiện đại và văn minh
Yên Bình hiện có trên 111.400 người sinh sống ở các vùng nông thôn thuộc 24 xã, thị trấn trên toàn huyện. Xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhu cầu mà còn là đòi hỏi cấp thiết của người dân trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Bởi thế mà trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Bình đã dốc toàn lực, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn của huyện đã thay đổi chưa từng thấy. Song, để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển nên ngay từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ huyện đã đưa mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới là một trong các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng của Yên Bình trong nhiệm kỳ này.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nhiệm vụ chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc, mục tiêu lớn nhất mà Yên Bình hướng đến chính là xây dựng một huyện nông thôn mới với hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kinh tế- xã hội phát triển toàn diện, hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở các xã được đầu tư đồng bộ, bền vững, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chú trọng thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Để đạt được mục tiêu này, Yên Bình đã xây dựng cho mình một lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, chất lượng. Đó là, trong giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu các xã còn lại đều hoàn thành xã nông thôn mới, huyện được công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 05 xã hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2016- 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4- 5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%. Trong giai đoạn tiếp theo (2025-2030), huyện phấn đấu có 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với giai đoạn 2021- 2025; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước họp vệ sinh đạt 98%. Tuy nhiên tại thời điểm này, 4 xã khó khăn còn lại đã và đang được Yên Bình tập trung hỗ trợ để về đích nông thôn mới ngay trong năm nay. Đồng thời, bằng nội lực và ý chí tự lực của mình, 3 xã Xuân Long, Thịnh Hưng, Đại Đồng cũng đang dồn lực về đích nông thôn mới nâng cao; 3 xã Đại Minh, Mỹ Gia, Hán Đà phấn đấu trở thành nông thôn mới kiểu mẫu và 9 thôn của 9 xã trong huyện chắc chắn sẽ về đích thôn mới kiểu mẫu trong quý IV này. Trên đà thắng lợi, ngay sau khi 4 xã còn lại được công nhận là xã nông thôn mới, Yên Bình sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Theo kế hoạch đến hết năm 2022, huyện phấn đấu hoàn thành 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, 4 tiêu chí còn lại chủ yếu là các công trình có đầu tư công cũng sẽ được tỉnh phê duyệt trong nay mai.
Trước bối cảnh chung hiện nay của tỉnh và cả nước, thực tế vẫn còn đặt ra rất nhiều khó khăn cho Yên Bình. Tuy nhiên, với những chủ trương đúng đắn, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của chính quyền, sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc cùng với những thành quả đã đạt được, tin rằng Yên Bình sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo dựng bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sớm trở thành huyện nông thôn mới thứ hai của tỉnh và đưa những miền quê nông thôn Yên Bình trở thành những miền quê đáng sống.
1341 lượt xem
CTV: Nguyễn Tâm
Cổng thông tin điện tử tỉnh - Về thăm Yên Bình hôm nay, đi trên những con đường bê tông liên thôn thênh thênh trải giữa những thảm hoa rực rỡ, nối dài vào từng ngõ xóm; ngắm những ngôi nhà mới xây khang trang thấp thoáng dưới tán cây rừng xanh mướt, cùng những cánh đồng ngô lúa chắc quả, nặng bông…, mà như thấy được một bức tranh quê tươi sáng với sức sống mới mạnh mẽ của nông thôn đổi mới đang dần hiện hữu khắp các bản làng, thôn xóm. Bức tranh và sức sống mạnh mẽ ấy được tạo nên từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền các cấp; sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của những người dân Yên Bình cần cù, chất phác, bình dị và luôn khát khao một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.Sức sống mới trên những miền quê núi
Về Yên Bình để được tận mắt thấy và cảm nhận rõ hơn sự đổi thay, khởi sắc trên mảnh đất cửa ngõ phía Nam của Yên Bái, nơi tôi muốn tìm đến không phải là trung tâm phố huyện đông vui, náo nhiệt mà chính là những miền quê bình dị, thanh bình đã và đang từng ngày vươn mình trỗi dậy, mang trong mình sức sống mới của những miền quê đổi mới. Với sự sắp xếp, phân công của Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Tuấn Hưng, tôi được cán bộ chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phương Thanh đưa về thăm Thịnh Hưng- một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Yên Bình. Dù đã hẹn trước nhưng lãnh đạo vị nào cũng bận nên Thanh cùng cán bộ văn phòng đưa tôi đi thăm một vòng quanh xã. Nghe nói trước kia, Thịnh Hưng cũng là xã thuần nông với trên 70% dân sống bằng nghề trồng trọt, cấy hái. Nhưng giờ đây, con số ấy đã thay đổi khi các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, công nghiệp được xây dựng và phát triển ngày càng mạnh trên địa bàn xã. Vượt qua đoạn Quốc lộ nườm nượp xe trọng tải lớn chở hàng hóa ra vào các nhà máy, chúng tôi lọt vào không gian xanh yên tĩnh của thôn Đào Kiều I. Nắng chiều còn chưa tắt mà khoảng sân xi măng rộng trước cửa nhà văn hóa đã rộn rã tiếng cười vui của đám thanh thiếu niên trong thôn. Nhanh tay mở cửa đón chúng tôi, chị Thuyết- Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ và ông Vũ Xuân Toàn- Bí thư Chi bộ thôn cùng cười và bảo: “Sân rộng thế này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của bà con nên phải chia ca đấy cô ạ. Đám trẻ vừa khỏe, vừa nhanh nhẹn thì nhận phần ca sớm để đá bóng, đánh cầu. Từ 5 giờ chiều trở đi là đến giờ đánh bóng chuyền hơi của các chị em phụ nữ và những người trung niên yêu thích hoạt động thể thao. Nhiều ông bà đã sáu, bảy mươi tuổi mà chơi hăng say lắm. Điện đường, điện sân tối đến thắp sáng trưng nên nhiều hôm họ chơi đến 9, 10 giờ tối còn chưa muốn nghỉ”. Theo chân Bí thư Chi bộ đi thăm thôn, quả đúng như lời ông đã chia sẻ trước đó, rằng Đào Kiều I giờ không còn có nhà tạm, nhà dột nát mà thay vào đó là những ngôi nhà xây rộng rãi, khang trang. Con đường bê tông trải từ đầu thôn tới cuối thôn sạch sẽ, thoáng đãng, không những không có cỏ rác mà còn được tô điểm bởi những đoạn đường hoa.
Quay trở lại khi trời chiều đã bắt đầu chạng vạng, Chủ tịch UBND xã Lương Xuân Trường vẫn đang có ý chờ đợi chúng tôi tại trụ sở ủy ban. Có lẽ vừa nhận nhiệm vụ mới từ cuộc họp trên UBND huyện trở về nên trên gương mặt anh lộ rõ nét đăm chiêu. Chia sẻ nhanh với chúng tôi anh bảo, là một trong 3 địa phương được huyện tin tưởng giao nhiệm vụ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay, Thịnh Hưng rất vinh dự và tự hào nhưng cũng không khỏi lo lắng, trăn trở. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân đã tạo nên một khối thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của xã. Đến thời điểm hiện tại, Thịnh Hưng tự tin khẳng định sẽ không phụ sự tin tưởng của cấp trên bởi hầu hết các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao đều đã được hoàn thành. Trong đó có thể kể đến như hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa tới 95%; 2 thôn Đào Kiều I và thôn Hơn đang trong lộ trình về đích nông thôn mới kiểu mẫu; đường hoa, đường điện thắp sáng đường quê gần như được thực hiện 100% trên tất cả các tuyến đường bê tông; thu nhập bình quân đầu người đạt tới trên 41 triệu đồng/ người/ năm (dự kiến đến tháng 11 là 44 triệu đồng/ người/ năm)…
Nhân dân thôn Hơn, xã Thịnh Hưng bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Tiếp tục hành trình, Đại Đồng đón tôi bằng một cơn mưa rào đầu hạ. Từ quốc lộ 70, những con đường dẫn vào thôn, xóm lầy lội bùn đất của ngày trước giờ đã được thay bằng đường bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ. Mưa tạnh, nắng nhanh chóng phủ một màu vàng tươi lên khắp cánh đồng lúa chín, hòa vào sắc xanh mát mắt của những cánh rừng phía xa xa tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Là xã vùng thấp nằm giữa thị trấn Yên Bình và xã Tân Hương, lại có đến 2/3 diện tích là vùng hồ Thác Bà và còn lại chủ yếu là đất rừng nên Đại Đồng vốn không có nhiều lợi thế để phát triển. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Sau hơn 10 năm nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2020, Đại Đồng mới chính thức về đích. Nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm, Đại Đồng lại tiếp tục phát huy nội lực để chuẩn bị về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Dù mới tiếp nhận công tác về xã vừa tròn 2 năm, song xác định đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng mang tính dài hạn về phát triển kinh tế- xã hội, chính trị và quốc phòng, an ninh tại địa phương; đồng thời xác định xây dựng nông thôn mới phải thực sự nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân nên ngay sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện của huyện, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Quốc Hiếu với vai trò là người đứng đầu đã lập tức tập hợp, kêu gọi sự chung tay đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo, ban hành các Nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng tổ chức đoàn thể; xây dựng các kế hoạch với nhiều giải pháp thực hiện; tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ, tổ chức các đợt ra quân đồng loạt để xử lý, tháo gỡ vướng mắc… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Khi bắt tay vào xây dựng, qua rà soát, Đại Đồng cơ bản đã hoàn thành 9/19 tiêu chí. Trong số 10 tiêu chí còn lại thì 6 tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động, nhà ở, tổ chức sản xuất, y tế đã nhanh chóng được Đại Đồng hoàn thành trước thời gian dự kiến đề ra.
Nỗ lực, quyết tâm xây dựng để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Ngược dòng thời gian trở lại hơn 10 năm về trước, Yên Bình là huyện miền núi với địa hình chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao, trong tổng số 26 xã, thị trấn (nay là 24 xã, thị trấn) thì có tới 10 xã đặc biệt khó khăn, 09 xã có thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn... Với xuất phát điểm về xây dựng nông thôn mới còn thấp nên những năm đầu, dù đã nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư, hỗ trợ thực hiện còn hạn chế nên Yên Bình vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi bước vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng rồi, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trải qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, nông nghiệp nông thôn của Yên Bình đã dần khởi sắc, người nông dân có những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, góp phần tích cực vào việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Rút ra những bài học kinh ngiệm sâu sắc từ 5 năm đầu, bước vào giai đoạn thứ 2 (2016- 2020) với những cách làm sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả, Yên Bình đã từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi dậy nội lực mạnh mẽ trong dân và huy động được sự chung tay vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở được quan tâm, chú trọng, hệ thống bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình luôn được kiện toàn kịp thời; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cùng các Nghị quyết chuyên đề từ huyện đến xã hàng năm về xây dựng nông thôn mới được được triển khai nghiêm túc; năng lực cán bộ các cấp thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao; nguồn lực xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn lực; các cuộc vận động, phòng trào thi đua lớn nhỏ về xây dựng nông thôn mới như “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” , “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được cụ thể hóa thành các hoạt động thi đua sôi nổi ở các địa phương trong toàn huyện.
Sau 10 năm nỗ lực và quyết tâm, Yên Bình đã huy động được sức mạnh nội lực của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp công lao động và vật chất, tiền của để xây dựng quê hương. Nhiều công trình đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội được xây dựng, nhiều nhà dột nát được xóa, số hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập của người dân tăng lên, môi trường sống ngày càng được cải thiện… diện mạo nông thôn mới Yên Bình ngày càng có nhiều thay đổi. Tính đến hết năm 2021, Yên Bình có tổng số 18/22 xã hoàn thành xây dụng nông thôn mới, 02 xã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao và 05 thôn nông thôn mới kiểu mẫu với trên 80% đường giao thông nông thôn được bê tông và cứng hóa, hơn 271km kênh mương nội đồng được kiên cố, 100% nhân dân trong huyện được sử dụng điện lưới Quốc gia, 44/56 trường học đạt chuẩn Quốc gia, 100% các xã được đáp ứng đủ nhu cầu về thông tin truyền thông, trên 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế…
Giờ đây, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Yên Bình đã có chuyển biến rõ nét cả về chất và lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa rộng rãi và trở thành phong trào mạnh mẽ trong toàn huyện. Nhưng, để nông thôn mới thực sự bền vững, đời sống của nhân dân được đảm bảo no ấm, hạnh phúc, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của Yên Bình vẫn còn luôn trăn trở, đau đáu nhiều nỗi lo rất lớn. Chia sẻ về điều này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Dũng Giang bộc bạch với tôi rằng, thành quả đạt được của Yên Bình hôm nay là điều không thể phủ nhận. Song trước mắt, cùng với 4 xã khó khăn chưa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là Ngọc Chấn, Phúc An, Tân Nguyên và Yên Thành, nhiều địa phương tuy đã về đích nhưng có những xã, những thôn vừa mới ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn chưa lâu nên Yên Bình vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, việc lo sinh kế cho nhân dân là một trong những vấn đề mấu chốt cần quan tâm nhất. Từ nhiều năm nay, bằng nhiều giải pháp, cách thức khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp, Đảng bộ và chính quyền các cấp luôn vận động, đối thoại, đồng hành và hỗ trợ nhân dân tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo. Với vai trò là người đứng đầu lại là những cán bộ bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết, các thế hệ Bí thư Đảng bộ huyện của mấy nhiệm kỳ gần đây không chỉ đưa ra những chủ trương đúng, cách làm mới giúp địa phương phát triển mà còn luôn hết lòng tận tụy, thường xuyên gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Những cuộc “vi hành” xuống với dân của các đồng chí lãnh đạo ngày càng nhiều hơn. Nhất là mấy năm gần đây, từ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, UBND huyện cho tới các cán bộ, chuyên viên và lãnh đạo cấp xã hầu như không có ngày nghỉ bởi “Ngày cuối tuần cùng dân” được thực hiện thường xuyên, liên tục. Xuống với dân, các đồng chí lãnh đạo không chỉ trò chuyện, thăm hỏi mà tất cả còn xắn tay làm việc cùng dân. Từ cầm chổi quét đường cho đến đào đất trồng hoa, trồng cây, đắp nền, dọn chuyển chuồng trâu hay trộn bê tông làm đường… việc gì cũng không hề nề hà, ngại ngần. Mỗi lần xuống dân hay đi công tác trên đường, chỉ cần nhìn thấy chỗ này, chỗ kia vệ sinh môi trường chưa được sạch sẽ, đất đồi rừng nhiều mà bỏ trống không khai thác trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hay những hộ liền kề nhau mà nhà làm mô hình không đủ chỗ, nhà lại bỏ không… thì ngay khi trở về, Bí thư Huyện ủy sẽ tập hợ các thành phần liên quan, tổ chức quay xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động, đồng thời tìm hiểu xem có gì vướng mắc để kịp thời tháo gỡ giúp bà con.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (người đầu tiên, bên phải) tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân” tại thôn Miếu Hạ xã Thịnh Hưng.
Hướng đến huyện nông thôn mới phát triển, hiện đại và văn minh
Yên Bình hiện có trên 111.400 người sinh sống ở các vùng nông thôn thuộc 24 xã, thị trấn trên toàn huyện. Xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhu cầu mà còn là đòi hỏi cấp thiết của người dân trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Bởi thế mà trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Bình đã dốc toàn lực, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn của huyện đã thay đổi chưa từng thấy. Song, để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển nên ngay từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ huyện đã đưa mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới là một trong các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng của Yên Bình trong nhiệm kỳ này.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nhiệm vụ chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc, mục tiêu lớn nhất mà Yên Bình hướng đến chính là xây dựng một huyện nông thôn mới với hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kinh tế- xã hội phát triển toàn diện, hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở các xã được đầu tư đồng bộ, bền vững, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chú trọng thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Để đạt được mục tiêu này, Yên Bình đã xây dựng cho mình một lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, chất lượng. Đó là, trong giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu các xã còn lại đều hoàn thành xã nông thôn mới, huyện được công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 05 xã hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2016- 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4- 5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%. Trong giai đoạn tiếp theo (2025-2030), huyện phấn đấu có 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với giai đoạn 2021- 2025; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước họp vệ sinh đạt 98%. Tuy nhiên tại thời điểm này, 4 xã khó khăn còn lại đã và đang được Yên Bình tập trung hỗ trợ để về đích nông thôn mới ngay trong năm nay. Đồng thời, bằng nội lực và ý chí tự lực của mình, 3 xã Xuân Long, Thịnh Hưng, Đại Đồng cũng đang dồn lực về đích nông thôn mới nâng cao; 3 xã Đại Minh, Mỹ Gia, Hán Đà phấn đấu trở thành nông thôn mới kiểu mẫu và 9 thôn của 9 xã trong huyện chắc chắn sẽ về đích thôn mới kiểu mẫu trong quý IV này. Trên đà thắng lợi, ngay sau khi 4 xã còn lại được công nhận là xã nông thôn mới, Yên Bình sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Theo kế hoạch đến hết năm 2022, huyện phấn đấu hoàn thành 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, 4 tiêu chí còn lại chủ yếu là các công trình có đầu tư công cũng sẽ được tỉnh phê duyệt trong nay mai.
Trước bối cảnh chung hiện nay của tỉnh và cả nước, thực tế vẫn còn đặt ra rất nhiều khó khăn cho Yên Bình. Tuy nhiên, với những chủ trương đúng đắn, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của chính quyền, sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc cùng với những thành quả đã đạt được, tin rằng Yên Bình sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo dựng bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sớm trở thành huyện nông thôn mới thứ hai của tỉnh và đưa những miền quê nông thôn Yên Bình trở thành những miền quê đáng sống.