Yên Bái đã khám phá ra những giá trị riêng có của mình và đưa những giá trị đó vào tầm nhìn chiến lược.
Lại thêm một dịp được lên non, thăm những người bà con cùng Mẹ lên rừng theo huyền tích Âu Cơ - Lạc Long Quân. Nơi vùng đất “vạn trùng núi đỡ, vạn trùng mây”.
Đây Khau Phạ - một trong “tứ đại đỉnh đèo”, mây ôm đỉnh núi, sông chảy theo những cung đường quanh co. Kia Mường Lò - một trong bốn thung lũng cánh đồng lúa lớn nhất vùng Tây Bắc: “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.
Và đây, Mù Cang Chải, có ý nghĩa là “đất gỗ khô”, với vẻ đẹp ngỡ ngàng của ruộng bậc thang. Một góc trời Tây Bắc, Yên Bái hài hoà, bản sắc!
Những nếp nhà bà con người Mông như chồm khỏi sườn núi, như chìm trong mù sương. Phía xa là những khu rừng Pơ-Mu, sâu hơn bên trong là cây chè cổ được cung kính tên gọi “Chè Tổ”, từ mấy trăm năm trước. Từ cây “Chè Tổ” - cây “đầu dòng” đã “vươn chồi, nảy lộc” thành những sản phẩm mang thương hiệu “Trà San Tuyết Suối Giàng” do một bạn trẻ nơi đất Kinh Kỳ lặn lội lên cùng bà con người Mông viết nên “Câu chuyện OCOP” vang xa.
Cũng loại trà ấy, trước đây tính bằng đơn vị ký-lô-gram, giá chỉ vài mươi ngàn, giờ chỉ vài mươi gram thôi, nhưng đã thu về hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đồng. Được như vậy là nhờ “tư duy sản xuất” bắt đầu chuyển dần sang “tư duy kinh tế” trên vùng núi non hùng vĩ này.
Được như vậy là nhờ cộng đồng cùng ngồi lại với nhau để tạo dựng thương hiệu cho những tài nguyên bản địa bao đời, gắn với không gian văn hoá đậm bản sắc dân tộc với tiếng sáo, tiếng khèn, quanh bếp lửa bập bùng: “con trai không biết thổi khèn thì cây ngô không mọc, con gái không biết nghe khèn thì dòng suối không biết chảy đi đâu”.
Ngày trước, những sản vật từ rừng, bà con thu hái mang về chỉ để ăn, rồi đem bán thô trong các phiên chợ miền sơn cước. Giờ đây, những sản vật ấy đã được chế biến sâu, thành các mặt hàng phong phú, tạo ra nhiều sản phẩm tinh tế, mang lại giá trị cao hơn nhiều lần.
Quả táo mèo hay còn gọi là sơn tra là một minh chứng. Lại một nhóm bạn từ miền xuôi lên lập nhà máy tinh chế sơn tra thành thức uống, dược phẩm, mỹ phẩm. Rồi đây, không chỉ sơn tra, mà còn nhiều sản vật từ đại ngàn như quế, hồi của bà con dân tộc Dao hứa hẹn đem lại giá trị cao, vươn xa hơn.
Đến thăm một số điểm du lịch cộng đồng, nhận ra tiềm năng từ khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp còn quá lớn. Nào rừng núi nhấp nhô quyện sương, nào thung lũng dọc theo những con suối, nào ruộng bậc thang như có bàn tay sắp đặt của tạo hoá. Nhưng còn một tiềm năng còn lớn hơn nhiều lần, và người Yên Bái đã bắt đầu kích hoạt. Đó là giá trị được kết tinh từ bản sắc của các dân tộc: người Tày, người Mông, người Thái, người Cao Lan,…
Đó là tinh thần hướng về nhau, luôn đoàn kết bên nhau, sống hài hoà với thiên nhiên, hài hoà trong mỗi thôn bản. Đó là chủ động tìm kiếm, phát hiện từng giá trị vô hình, để kiên trì chuyển hoá thành những giá trị hữu hình. Thật xúc động khi nghe bà con dân tộc đang truyền nhau câu nói: “chúng tôi trồng lúa, không phải để bán lúa, mà để bán hương”.
Quá đúng rồi, “Ai làm ra ruộng bậc thang. Để hồn cây lúa mênh mang giữa trời”. Như vậy đâu chỉ buôn bán đơn thuần, mà trân trọng gửi gắm vào từng hạt gạo từ ruộng bậc thang là hồn núi rừng, hồn thung lũng, hồn sông suối, và cả hồn người. Đấy là niềm tự hào của người dân Yên Bái về sinh cảnh tuyệt vời, về những đặc sản như “Nếp Tú Lệ, Tẻ Mường Lò”, đong đầy trải nghiệm đặc sắc, đáng nhớ với du khách gần xa.
Nếu tính trên diện tích canh tác, sản xuất, đất nông nghiệp Yên Bái nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung, khó có thể so với đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long. Đất đai có hạn, thì không thể đi theo con đường sản xuất hàng hoá qui mô lớn, tập trung vào những cánh đồng lớn. Nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này những “món quà khác biệt”, mà không phải nơi nào cũng nhận được.
Chỉ cần vượt qua một khúc quanh thôi, thì không khí đã khác, sinh cảnh khác, văn hoá khác, những phiên chợ khác, với đặc sản khác. Vùng đất này sẽ vượt lên, dựa trên những khác biệt, nhờ vào đa tầng giá trị của tầng mây, tầng núi, tầng thung lũng, tầng sông suối,…
Đó chỉ mới là tầng thiên nhiên quan sát được, còn cả những “tầng cảm nhận” về văn hoá đặc sắc của các dân tộc, cấu trúc xã hội, cấu kết cộng đồng trong từng thôn bản. Những tầng đa giá trị nối kết lại, mai này sẽ hình thành những vùng kinh tế nông - lâm - du lịch đặc sản, những vùng bảo tồn sinh cảnh, những vùng nông nghiệp công nghệ cao, trở thành điểm đến thu hút trên bản đồ du lịch thế giới.
Định hướng “Mù Cang Chải: Xanh - Hài hoà - Bản sắc - Hạnh phúc” mang lại cảm xúc cho bao người. Mỗi khúc quanh trên đường đến nơi đây đều có thể dừng lại khám phá như Đồi Mâm Xôi, La Pán Tẩn, Lũng hoa Nậm Khắc, hồ Thác Bà,… Mỗi khúc quanh đều gắn với những làng nghề truyền thống đặc trưng: dệt thổ cẩm, may trang phục dân tộc, nghề rèn nghề đúc, nghề chế tác nhạc cụ,…
Yên Bái đã khám phá ra những giá trị riêng có của mình và đưa những giá trị đó vào tầm nhìn chiến lược. Có thể chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng hứa hẹn những bước tiến khoẻ khoắn, vững vàng. Có thể thu nhập bình quân đầu người còn khiêm tốn, nhưng người Yên Bái hiểu rằng “hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”.
Tất cả đã được lãnh đạo địa phương và người dân, đồng bào các dân tộc cùng ấp ủ, đồng thuận qua những kế hoạch cụ thể, không những không tự ti mà còn đầy tự tin, tự hào. Như điệu múa xoè, người người giữ chặt tay nhau, hoà chung tiếng khèn trầm bổng, rộn vang khúc hát “khát vọng vùng cao”.
3281 lượt xem
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Yên Bái đã khám phá ra những giá trị riêng có của mình và đưa những giá trị đó vào tầm nhìn chiến lược.Lại thêm một dịp được lên non, thăm những người bà con cùng Mẹ lên rừng theo huyền tích Âu Cơ - Lạc Long Quân. Nơi vùng đất “vạn trùng núi đỡ, vạn trùng mây”.
Đây Khau Phạ - một trong “tứ đại đỉnh đèo”, mây ôm đỉnh núi, sông chảy theo những cung đường quanh co. Kia Mường Lò - một trong bốn thung lũng cánh đồng lúa lớn nhất vùng Tây Bắc: “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.
Và đây, Mù Cang Chải, có ý nghĩa là “đất gỗ khô”, với vẻ đẹp ngỡ ngàng của ruộng bậc thang. Một góc trời Tây Bắc, Yên Bái hài hoà, bản sắc!
Những nếp nhà bà con người Mông như chồm khỏi sườn núi, như chìm trong mù sương. Phía xa là những khu rừng Pơ-Mu, sâu hơn bên trong là cây chè cổ được cung kính tên gọi “Chè Tổ”, từ mấy trăm năm trước. Từ cây “Chè Tổ” - cây “đầu dòng” đã “vươn chồi, nảy lộc” thành những sản phẩm mang thương hiệu “Trà San Tuyết Suối Giàng” do một bạn trẻ nơi đất Kinh Kỳ lặn lội lên cùng bà con người Mông viết nên “Câu chuyện OCOP” vang xa.
Cũng loại trà ấy, trước đây tính bằng đơn vị ký-lô-gram, giá chỉ vài mươi ngàn, giờ chỉ vài mươi gram thôi, nhưng đã thu về hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đồng. Được như vậy là nhờ “tư duy sản xuất” bắt đầu chuyển dần sang “tư duy kinh tế” trên vùng núi non hùng vĩ này.
Được như vậy là nhờ cộng đồng cùng ngồi lại với nhau để tạo dựng thương hiệu cho những tài nguyên bản địa bao đời, gắn với không gian văn hoá đậm bản sắc dân tộc với tiếng sáo, tiếng khèn, quanh bếp lửa bập bùng: “con trai không biết thổi khèn thì cây ngô không mọc, con gái không biết nghe khèn thì dòng suối không biết chảy đi đâu”.
Ngày trước, những sản vật từ rừng, bà con thu hái mang về chỉ để ăn, rồi đem bán thô trong các phiên chợ miền sơn cước. Giờ đây, những sản vật ấy đã được chế biến sâu, thành các mặt hàng phong phú, tạo ra nhiều sản phẩm tinh tế, mang lại giá trị cao hơn nhiều lần.
Quả táo mèo hay còn gọi là sơn tra là một minh chứng. Lại một nhóm bạn từ miền xuôi lên lập nhà máy tinh chế sơn tra thành thức uống, dược phẩm, mỹ phẩm. Rồi đây, không chỉ sơn tra, mà còn nhiều sản vật từ đại ngàn như quế, hồi của bà con dân tộc Dao hứa hẹn đem lại giá trị cao, vươn xa hơn.
Đến thăm một số điểm du lịch cộng đồng, nhận ra tiềm năng từ khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp còn quá lớn. Nào rừng núi nhấp nhô quyện sương, nào thung lũng dọc theo những con suối, nào ruộng bậc thang như có bàn tay sắp đặt của tạo hoá. Nhưng còn một tiềm năng còn lớn hơn nhiều lần, và người Yên Bái đã bắt đầu kích hoạt. Đó là giá trị được kết tinh từ bản sắc của các dân tộc: người Tày, người Mông, người Thái, người Cao Lan,…
Đó là tinh thần hướng về nhau, luôn đoàn kết bên nhau, sống hài hoà với thiên nhiên, hài hoà trong mỗi thôn bản. Đó là chủ động tìm kiếm, phát hiện từng giá trị vô hình, để kiên trì chuyển hoá thành những giá trị hữu hình. Thật xúc động khi nghe bà con dân tộc đang truyền nhau câu nói: “chúng tôi trồng lúa, không phải để bán lúa, mà để bán hương”.
Quá đúng rồi, “Ai làm ra ruộng bậc thang. Để hồn cây lúa mênh mang giữa trời”. Như vậy đâu chỉ buôn bán đơn thuần, mà trân trọng gửi gắm vào từng hạt gạo từ ruộng bậc thang là hồn núi rừng, hồn thung lũng, hồn sông suối, và cả hồn người. Đấy là niềm tự hào của người dân Yên Bái về sinh cảnh tuyệt vời, về những đặc sản như “Nếp Tú Lệ, Tẻ Mường Lò”, đong đầy trải nghiệm đặc sắc, đáng nhớ với du khách gần xa.
Nếu tính trên diện tích canh tác, sản xuất, đất nông nghiệp Yên Bái nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung, khó có thể so với đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long. Đất đai có hạn, thì không thể đi theo con đường sản xuất hàng hoá qui mô lớn, tập trung vào những cánh đồng lớn. Nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này những “món quà khác biệt”, mà không phải nơi nào cũng nhận được.
Chỉ cần vượt qua một khúc quanh thôi, thì không khí đã khác, sinh cảnh khác, văn hoá khác, những phiên chợ khác, với đặc sản khác. Vùng đất này sẽ vượt lên, dựa trên những khác biệt, nhờ vào đa tầng giá trị của tầng mây, tầng núi, tầng thung lũng, tầng sông suối,…
Đó chỉ mới là tầng thiên nhiên quan sát được, còn cả những “tầng cảm nhận” về văn hoá đặc sắc của các dân tộc, cấu trúc xã hội, cấu kết cộng đồng trong từng thôn bản. Những tầng đa giá trị nối kết lại, mai này sẽ hình thành những vùng kinh tế nông - lâm - du lịch đặc sản, những vùng bảo tồn sinh cảnh, những vùng nông nghiệp công nghệ cao, trở thành điểm đến thu hút trên bản đồ du lịch thế giới.
Định hướng “Mù Cang Chải: Xanh - Hài hoà - Bản sắc - Hạnh phúc” mang lại cảm xúc cho bao người. Mỗi khúc quanh trên đường đến nơi đây đều có thể dừng lại khám phá như Đồi Mâm Xôi, La Pán Tẩn, Lũng hoa Nậm Khắc, hồ Thác Bà,… Mỗi khúc quanh đều gắn với những làng nghề truyền thống đặc trưng: dệt thổ cẩm, may trang phục dân tộc, nghề rèn nghề đúc, nghề chế tác nhạc cụ,…
Yên Bái đã khám phá ra những giá trị riêng có của mình và đưa những giá trị đó vào tầm nhìn chiến lược. Có thể chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng hứa hẹn những bước tiến khoẻ khoắn, vững vàng. Có thể thu nhập bình quân đầu người còn khiêm tốn, nhưng người Yên Bái hiểu rằng “hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”.
Tất cả đã được lãnh đạo địa phương và người dân, đồng bào các dân tộc cùng ấp ủ, đồng thuận qua những kế hoạch cụ thể, không những không tự ti mà còn đầy tự tin, tự hào. Như điệu múa xoè, người người giữ chặt tay nhau, hoà chung tiếng khèn trầm bổng, rộn vang khúc hát “khát vọng vùng cao”.