Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 31 năm Ngày tái lập tỉnh Yên Bái (1/10/1991 - 1/10/2022): Vững bước trên chặng đường phát triển

01/10/2022 08:31:31 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Từ khi tái lập tỉnh Yên Bái đến nay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, quyết tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước, như ghi nhận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Yên Bái chưa bao giờ có cơ đồ tốt như hôm nay”.

Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.

Những dấu ấn nổi bật

Từ một tỉnh kém phát triển, đến nay, tỉnh Yên Bái đã bứt phá đi lên khẳng định vị thế là trung tâm liên kết phát triển vùng, là điểm sáng của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Những năm gần đây, tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. GRDP luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP giá so sánh 2010) bình quân 10 năm 2010 - 2019, đạt khoảng 6,12%/năm; năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 song GRDP của tỉnh đạt 7,11%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 14 tỉnh miền núi Trung du phía Bắc; riêng 6 tháng đầu năm 2022, GRDP tăng 7,57%, cao nhất trong 5 năm gần đây.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát khu du lịch hồ Thác Bà và nêu ra một số cách tiếp cận để tỉnh Yên Bái phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu khai thác hiệu quả hồ Thác Bà. 

Song song với phát triển kinh tế, tỉnh Yên Bái đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội; triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng trong giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 32,21% năm 2016 xuống còn 7,04% năm 2020; theo kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2021, tỉnh Yên Bái còn hơn 39.700 hộ nghèo, chiếm trên 18%. Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; có 88/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Từ thành công của các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước từ đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng gắn bó chặt chẽ.

Cùng với đó, tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống giáo dục đào tạo; y tế theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại.

Điểm nhấn trong những năm qua là tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiệu quả đã góp phần làm cho diện mạo từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao trong tỉnh ngày càng khang trang hơn, xóa dần khoảng cách giữa các vùng miền, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho người dân.

Đặc biệt, với những chính sách cởi mở, môi trường đầu tư thông thoáng, Yên Bái luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với hàng trăm dự án đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu ngân sách của tỉnh năm 2021 đạt 4.383 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ năm 2020. Tính riêng trong 8 tháng năm 2022, ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh thu trên 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 20,2% cùng kỳ).

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Năm 2021, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 58,11%, tăng 4,81% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra.

Phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, xây dựng và phát triển toàn diện con người Yên Bái

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người tiếp tục được tỉnh quan tâm. Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm là "Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Với 30 dân tộc chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%, Yên Bái có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Yên Bái hiện có 119 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp, 714 di sản văn hóa phi vật thể. Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, phát huy những giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tăng cường xã hội hóa; thực hành và truyền dạy các giá trị di sản trong cộng đồng qua đó không chỉ lan tỏa, lưu truyền văn hóa truyền thống dân tộc mà còn phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Sự kiện Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” được tổ chức thành công tại Yên Bái vừa qua một lần nữa khẳng định những nỗ lực của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua nghệ thuật Xòe Thái đến cộng đồng quốc tế. Đây là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh có di sản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” từ bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Xây dựng hình ảnh con người Yên Bái với những phẩm chất tốt đẹp “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, phát triển toàn diện, Yên Bái chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi làng, bản, khu phố, và mỗi gia đình. Nhiều phong trào mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ ý thức đến hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; nhân rộng mô hình “trường học hạnh phúc”...tạo sự đồng thuận giữa các tầng lớp nhân dân, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 

Những kết quả, thành tựu trong thời gian qua là nền tảng vững chắc cho mỗi bước đi trên hành trình phát triển của Yên Bái hôm nay, là động lực cổ vũ để Yên Bái phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh phát triển khá vùng trung du, miền núi phía Bắc theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

3049 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h