Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Nghĩa Lộ: Bản hùng ca hào hùng

09/10/2022 07:31:45 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tháng 10 mùa thu, đứng trên tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ, nơi kiêu hãnh ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nghĩa Lộ cách đây đúng 70 năm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng giải phóng Nghĩa Lộ 18/10/1952 đã mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ như một minh chứng lịch sử khắc ghi hào khí đấu tranh cách mạng của những con người đất Nghĩa anh hùng trong kháng chiến, năng động trong xây dựng quê hương mới.

Diện mạo đô thị ở Nghĩa Lộ ngày càng đổi mới, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh 

Lịch sử hào hùng

Năm 1944 thực dân Pháp kéo quân vào xây dựng Căng và Đồn Nghĩa Lộ để giam giữ tù chính trị chuyển từ Căng Bá Vân (Thái Nguyên) về và lập mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Sông Đà nuôi dưỡng cuộc chiến tranh xâm lược. Không ngăn được dòng thác cách mạng, ngày 17/3/1945, tù chính trị bị giam giữ tại đây nổi dậy phá Căng. Bạo động không thành, 9 đồng chí bị thực dân Pháp bắn chết rồi chôn chung tại đây trong đó có cố liệt sỹ, nhạc sỹ Đinh Nhu, 11 đồng chí còn lại thoát khỏi nhà tù và được các cơ sở của ta đón đưa, che chở và là lực lượng nòng cốt chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh Yên Bái sau này.

Đầu tháng 10/1951, bộ đội chủ lực mở chiến dịch Lý Thường Kiệt tấn công đồn bốt Nghĩa Lộ nhưng không thành. Sau chiến dịch 1951, địch bố trí Phân khu Nghĩa Lộ thành 2 cứ điểm là đồn Pú Trạng (Nghĩa Lộ đồi có 300 quân) và đồn Nghĩa Lộ (Nghĩa Lộ phố có 500 quân đồn trú) rất kiên cố. Mỗi cứ điểm có 1 đại bác 105mm, 5 súng cối 60 và 81 ly, nhiều trọng liên, đại liên và trung liên. Hai cứ điểm lại gần nhau có thể chi viện cho nhau cả về hỏa lực và sung lực đồng thời địch có thể chi viện quân dù rất tốt vì có sân bay.

Ngày 13/10/1952, Đại đoàn quân Tiên Phong tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ. Trung đoàn 88, 102 theo đường Đại Bục, Khau Vác vào vị trí xuất phát tấn công Nghĩa Lộ. Ba tiểu đoàn bộ binh 18, 19, 322 bao vây Nghĩa Lộ ở phía Nam, phía Bắc và chiếm lĩnh các vị trí cao ở các ngọn núi phía Đông và Bắc. Trước đó, Đại đội 86 và du kích các xã phục kích đánh quấy rối địch, chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm cho bộ đội và lực lượng dân công hỏa tuyến sẵn sàng lên đường.

Bộ đội xung kích đột phá đồn Pú Trạng trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. (Nguồn Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Sáng 17/10/1952, toàn bộ lực lượng đã sẵn sàng trên trận địa. Các đơn vị của Sư 312, 316 cũng đã tiến sát các đồn Sài Lương, Gia Hội, Tú Lệ, Ca Vịnh, Cửa Nhì để cùng nổ súng.

17h15 phút ngày 17/10/1952, cối 120, 81, 57, ĐKZ, Bazoca của Trung đoàn 102 đồng loạt dội vào trung tâm Nghĩa Lộ đồi (kế hoạch là đánh Nghĩa Lộ đồi trước, sau đó đánh Nghĩa Lộ phố trong một đêm). Các tiểu đoàn bộ binh đánh thọc sâu vào trong tiêu diệt toàn bộ Phân khu Nghĩa Lộ với gần 400 tên địch, bắt sống 177 tên trong đó có thiếu tá (quan tư) Tia-ri-ông chỉ huy Phân khu.

3h sáng 18/10/1952, Trung đoàn 88 nổ súng đánh vào Nghĩa Lộ phố đến 8h sáng 45 tên bị tiêu diệt, 235 tên bị bắt, trong đó có tên đại úy Bác-be chỉ huy đội tăng viện, thu 2 khẩu đại bác 105mm, toàn bộ lực lượng địch ở Nghĩa Lộ đồn bị tiêu diệt. Đêm 18/10 quân ta tiếp tục tấn công vị trí Cửa Nhì, diệt và bắt gần 150 tên địch.

Góp phần làm nên chiến thắng, quân và dân Nghĩa Lộ đã tự nguyện ủng hộ 250 tấn gạo và hàng chục con trâu, bò, lợn đồng thời bất chấp nguy hiểm che chở giúp đỡ bộ đội chiến đấu. Nhiều người con trên mọi miền Tổ quốc và trên quê hương Nghĩa Lộ đã anh dũng hy sinh mà tên tuổi mãi mãi lưu danh. Chiến thắng giải phóng Nghĩa Lộ 1952 đập tan mắt xích quan trọng, mở toang cánh cửa thế chiến lược phòng thủ Sông Đà mở đường giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc.

Ghi nhận những chiến công và đóng góp của quân và dân Nghĩa Lộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 3/11/2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định 826/QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Nghĩa Lộ, nay là thị xã Nghĩa Lộ.

Tiếp nối truyền thống

70 năm sau ngày giải phóng, Nghĩa Lộ từ một thị trấn nghèo nàn bị tàn phá bởi chiến tranh, giờ đây mang trong mình sức sống mạnh mẽ và đang dần trở thành một đô thị khang trang, hiện đại.

Sau ngày giải phóng phát huy truyền thống cách mạng của ông cha hàng ngàn con em Nghĩa Lộ hăng hái cùng cả nước tham gia hai cuộc kháng chiến xâm lược của hai đế quốc đầu sỏ và hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, người đi chiến đấu anh dũng, người ở lại chung tay xây dựng quê hương mới để cho Nghĩa Lộ trở nên lộng lẫy như ngày hôm nay.

Chỉ có ai sinh ra, lớn lên và chứng kiến những đổi thay trên quê hương đất “Nghĩa” anh hùng mới cảm nhận sâu sắc và tự hào, hãnh diện nhận xét, Nghĩa Lộ nay gấp mấy chục lần xưa. Chẳng dám so sánh xa xôi, xin bắt đầu từ sau ngày đất nước thống nhất 1975 đến nay với 4 nét cơ bản là “điện, đường, trường, trạm” đã tạo lên diện mạo mới trên phố núi Nghĩa Lộ.

Nói về điện, đến tận sau thời bao cấp Nghĩa Lộ chỉ có Trạm Thủy nông là có điện cùng một chiếc ti vi Nep-tuyn, muốn xem phải thay nhau xoay cần ăng ten, vậy mà bây giờ hoàng hôn chưa kịp buông xuống thì đèn điện đã lung linh toả sáng đến từng ngõ xóm, bản làng, sóng phát thanh - truyền hình; mạng viễn thông Internet phủ kín cả vùng Mường Lò.

Về đường, trước kia duy nhất có hơn 1km từ cầu Thia đến Bến xe khách là đường được rải đá, còn lại toàn đường đất và đá cuội, thì nay đã có hơn 471km đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị được mở rộng, trải nhựa, đổ bê tông như dải lụa mềm ôm lấy từng thôn xóm, bản làng.

Xưa Nghĩa Lộ duy nhất chỉ có một trường phổ thông cơ sở cấp I - II và một trường cấp III, học trò trên dưới 300 em chưa bằng một phường bây giờ. Đến nay, toàn thị xã có 3 trường THPT, 01 trường trung cấp nghề, 36 trường từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở; 14/14 xã phường đều có trường ở ba cấp học.

Về việc khám chữa bệnh, xưa chỉ có một bệnh viện cỡ hai chục giường bệnh, dân bản ốm đau là ngả lợn, gà, trâu, bò cúng “Giàng” cứu; đau bụng đi mua viên thuốc cũng khó, vậy mà nay Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ là bệnh viện tuyến 2 của tỉnh với quy mô 600 giường bệnh, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sỹ hơn 200 người phục vụ đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân các huyện thị phía Tây của tỉnh và các tỉnh bạn. Kề bên là trung tâm điều trị chất lượng cao và hàng chục các cơ sở y tế tư nhân được đầu tư, mở rộng. Ông Nguyễn Duy Long - Tổ dân phố 11, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết thấy tự hào và cảm ơn Đảng, các đồng chí lãnh đạo đã cho chúng tôi có cuộc sống ấm no như bây giờ.

Nghĩa Lộ chuyển mình

70 năm anh dũng kiên cường xây dựng và phát triển; nhất là sau 25 năm tái lập thị xã. Vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu với nhiều lần địa giới hành chính được chia tách, sáp nhập, đổi tên, 14 kỳ đại hội, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về cả quy mô và tổ chức. Từ 01 đảng viên thời Nghĩa Lộ trước ngày giải phóng đến 6 chi bộ với gần 300 đảng viên khi mới thành lập ngày 10 tháng 12 năm 1971, đến nay, Đảng bộ thị xã đã có 42 chi, đảng bộ cơ sở, 218 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 4.616 đảng viên. Đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng, lãnh đạo các thành phần kinh tế và nhân dân 21 dân tộc xây dựng thị xã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước đưa Nghĩa Lộ vươn lên trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái.

Kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng ngành thương mại và dịch vụ chiếm tới 76,6%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 9,7%. 

Con người năng động, kinh tế phát triển, bản sắc văn hoá được phát huy; 6 điệu Xòe cổ không còn nằm trong bản làng mà được cả thế giới biết đến và đã được UNESSCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội Hạn Khuống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thị xã cũng đã xây dựng được thương hiệu du lịch riêng. Chị Rebecca - du khách người Pháp phấn khởi nói:Tôi rất ấn tượng với cách tiếp đón và phục vụ của các bạn. Tất cả mọi thứ ở đây đều mới lạ, ngạc nhiên, đây là một trải nghiệm rất thú vị của tôi tại thị xã Nghĩa Lộ. Một ngày gần nhất tôi sẽ quay trở lại đây”.

Với những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, thị xã Nghĩa Lộ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; hai lần được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Đảng bộ thị xã liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương, cờ thi đua và bằng khen của Nhà nước, Chính phủ, của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND tỉnh Yên Bái.

Vững tin hội nhập

70 năm sau giải phóng, qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, với truyền thống cách mạng, đoàn kết, thống nhất, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, Đảng bộ thị xã đã lãnh đạo nhân dân nỗ lực, phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng - an ninh. Nghĩa Lộ từng đi đầu trong công cuộc đổi mới với, biến phố núi Mường Lò thành vựa lúa lớn và xóm làng trù phú. Thị xã mạnh dạn thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hình thành nhiều khu, cụm đô thị mới sầm uất, hiện đại, tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường đổi mới

Đồng chí Đỗ Thị Thanh Nga - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ tự hào nói: Nghĩa Lộ hôm nay, từ vùng bản làng xa xôi đến trung tâm thị xã, màu xanh no ấm phủ khắp nơi nơi. Những xóm làng kháng chiến đã trở thành xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị; những người dân khốn khó xưa kia ủng hộ chính quyền, theo cách mạng nay đã trở thành chủ thể, tích cực hiến đất, chung sức xây dựng quê hương mới. Sản xuất lạc hậu, tư duy nhỏ, lẻ từng bước thay đổi bằng công nghệ cao, sản xuất lớn, liên kết 4 nhà. Những con đường lớn mở về trăm nẻo, kết nối vùng miền, giao thương hàng hóa. Từ độc canh cây lúa, hiện đã thành sản phẩm hàng hóa đã đổi đời nhiều nhà nông. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, tạo nên diện mạo mới trên quê hương cách mạng.

Đón mừng thành tựu qua 70 năm xây dựng và phát triển, ôn lại truyền thống hào hùng của quê hương, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Nghĩa Lộ càng tự hào về sự đổi mới thì càng ra sức vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nghĩa Lộ hôm nay đã hóa thân thành một đô thị đang trên đà khởi sắc, phát triển, là điểm sáng về du lịch của vùng Tây Bắc. Cảnh quan tươi đẹp, con người thân thiện, văn hóa độc đáo đang tạo ra những xung lực mới cho thị xã vươn mình. Truyền thống quê hương Nghĩa Lộ là những giá trị tốt đẹp, riêng có được hình thành và khẳng định qua thời gian, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động; sự đa dạng và độc đáo của văn hóa vùng Mường Lò, đặc biệt là sự thuần khiết, nồng hậu của con người Nghĩa Lộ.

Tự hào về truyền thống quê hương Nghĩa Lộ, chính là chúng ta tự hào về các gốc của mình, đó là nền tảng cho mỗi chúng ta xây dựng giá trị cốt lõi và hình thành sự tự tin cho tương lai để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng phấn đấu sớm đưa Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại III như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

(Bài viết sử dụng tư liệu Lịch sử Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ)

3214 lượt xem
CTV: Thùy Hương - Xuân Thắng

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h